Áo trấn thủ – kỷ vật 62 năm tuổi

GS.TS, Đại tá Bùi Xuân Tám, sinh ngày 21-3-1930 tại xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), ông nguyên là Viện trưởng Viện Quân y 103. Năm 1947 sau khi tốt nghiệp trường cấp III Đào Dã, Phú Thọ, người thanh niên 17 tuổi khoác ba lô lên nhập học (khóa 1947-1953) trường Đại học Y khoa Hà Nội đang sơ tán ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Nhưng do hoàn cảnh thời kỳ đó, đến năm 1955 ông mới từ chiến trường Quân khu 4 trở lại trường Đại học Y Hà Nội thi tốt nghiệp bác sĩ.
Đầu năm 1950 khi chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh có chỉ thị tất cả các sinh viên nhà trường đều nhập ngũ phục vụ các chiến trường. Khi đó sinh viên các khóa đang học tập ở trường Đại học Y được phân công đi các bệnh viện và đi theo chiến dịch lúc bấy giờ, một số sinh viên đi phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bùi Xuân Tám ở Bệnh viện Lợi Xá – Thái Nguyên trong chiến dịch Tây Nam – Ninh Bình. Sau đó ông phục vụ ở Đội điều trị 7 thuộc Sư đoàn 308 (nay là Bệnh viện Quân khu 4 ở Nghệ An), cho đến năm 1955 ông cùng các sinh viên khác quay lại trường tiếp tục học tập, như vậy gián đoạn việc học để tham gia phục vụ chiến trường, khóa sinh viên đó tốt nghiệp muộn hơn 2 năm so với khóa đào tạo.
Kỷ niệm về chiếc áo trấn thủ, GS.TS Bùi Xuân Tám kể: «Tôi được nhà trường phát cho chiếc áo trấn thủ và một chiếc ba lô, một chiếc áo bông dài tay, không có áo len. Áo trấn thủ nhiều khi hành quân bị mưa ướt áo thì tối bỏ ra phơi, sáng hành quân lại mặc vào dù chưa khô, mùa đông thì mặc mùa hè thì cho vào ba lô khoác đi chiến trường vì khi đó chiến tranh làm gì có chỗ mà cất.».

GS.TS Bùi Xuân Tám và chiếc áo trấn thủ 62 năm về trước (1950 -2012)

Áo trấn thủ này GS.TS Bùi Xuân Tám mặc từ năm 1950 khi tham gia chiến trường đến khi ký Hiệp định Giơnevơ năm 1954, sau đó được ông cất giữ suốt 62 năm qua, kỷ niệm về một thời của thế hệ sinh viên Đại học Y khoa Hà Nội đã tham gia Kháng chiến chống Pháp.

Trần Quang Huy