Trong suy nghĩ của GS.TSKH Lê Đức An, GS.TS Nguyễn Văn Chiển[1] là một người thầy đáng kính. Thời sinh viên, ông được học thầy Chiển; khi ông đã trở thành nhà khoa học, mối quan hệ giữa hai thầy trò càng thân thiết. Lần tìm trong số hàng ngàn tài liệu mà GS Lê Đức An đã tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, chúng tôi thấy có 3 bức thư của GS Nguyễn Văn Chiển gửi cho ông vào thời điểm 1984-1985, khi ông đang là thực tập sinh cao cấp tại Viện Địa lý, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. Ba bức thư được viết ngày 26-4-1984, 30-1-1985 và ngày 3-4-1985, nay đã cũ kỹ, ố vàng, chỉ có bức thư thứ nhất được đánh máy, còn lại đều viết bằng bút bi mực xanh. GS Lê Đức An lưu giữ những kỷ vật quý giá này suốt ba chục năm qua, như một minh chứng về tình thầy trò, đồng thời đây cũng là ba tài liệu liên quan đến một công trình khoa học lớn mà ông đã từng tham gia.
Ban đầu, đọc 3 lá thư này, chúng tôi không biết của ai gửi cho GS Lê Đức An, vì không nhận ra chữ ký của GS Nguyễn Văn Chiển, cho nên phải đến hỏi lại GS Lê Đức An. Cầm lại bức thư, ông thốt lên ngay: Ồ, đây là thư của thầy Chiển gửi cho mình, chữ của thầy không lẫn vào đâu được!. Đọc qua một lượt và trầm lặng một lúc, GS Lê Đức An cho biết: Đây cũng là một kỷ niệm đáng nhớ của mình trong quá trình nghiên cứu khoa học, rồi câu chuyện được tái hiện từ ký ức của ông hôm ấy[2].
Ba bức thư GS Nguyễn Văn Chiển gửi cho GS Lê Đức An
Atlas Quốc gia Việt Nam do GS Nguyễn Văn Chiển tổng chủ biên và có sự tham gia của tập thể các nhà khoa học thuộc nhiều ngành, được xuất bản năm 1996 (khổ 38cm x 54cm) và công trình này được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2005. Công trình này thực ra hoàn thành từ khoảng năm 1987, nhưng không được xuất bản suốt nhiều năm vì sự bất đồng quan điểm giữa nhiều nhà khoa học với các vị lãnh đạo Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ)[3]. Lúc đó có những người cho rằng cần phải xin ý kiến phản biện, đánh giá của các nhà khoa học ở Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. Điều này, theo GS Lê Đức An cũng là dễ hiểu: Họ làm thế cũng tốt, để nâng cao chất lượng. Vì thực tế mà nói, trong quá trình xây dựng Atlas, rất nhiều chuyên gia Liên Xô sang giúp đỡ Việt Nam, trong đó có chuyên gia về thổ nhưỡng, thực vật, địa mạo, tổ chức lãnh thổ… Liên Xô lúc đó rất có kinh nghiệm về làm Atlas, nên thậm chí lúc đầu ta có chủ trương định liên kết với Liên Xô cùng làm, nhưng về sau thấy có thể tự lập được, nên chỉ nhờ họ phản biện thôi[4].
Các nhà khoa học Liên Xô đánh giá rất cao công trình khoa học tập thể này. Nhưng từ đây lại nảy sinh một vấn đề khác: họ cũng muốn đứng tên trong tập Atlas của Việt Nam. Các tác giả thì phản đối, vì công trình hoàn toàn do các nhà khoa học Việt Nam làm. Trong khi đó, chính các vị lãnh đạo Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước lại gợi ý và tán thành việc đưa các nhà khoa học Liên Xô vào đứng tên cùng. Bên cạnh sự bất đồng quan điểm như vậy, sự eo hẹp về kinh phí cũng là một lý do khiến cho công trình Atlas không thể in ấn được. Mãi đến năm 1996, người muốn “cứu” Atlas là TSKH Đặng Hùng Võ, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học sản xuất trắc địa bản đồ (Cục Đo đạc bản đồ), một đơn vị hoạt động theo cơ chế thị trường. Ông Võ đưa ra ý tưởng đấu thầu hoặc kêu gọi tài trợ, nhờ đó vấn đề tài chính được giải quyết và cuốn Atlas được ấn hành[5].
Nói về ảnh hưởng và vai trò của Atlas Quốc gia Việt Nam, GS Lê Đức An giải thích: Ý nghĩa khoa học của nó rất lớn. Atlas này là bản tổng kết hầu hết tri thức nghiên cứu của Việt Nam trong những năm trước đó về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội… và thể hiện ra thành dạng bản đồ, chứ không phải là sách in nữa. Thông tin của nó rất cô đọng, phản ánh trình độ khoa học của một đất nước. Trong ấy có rất nhiều chương, nói đầy đủ về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, các vấn đề kinh tế, xã hội, dân số, các ngành kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp… Theo mình, nó là hệ thống khoa học cơ bản, được tổng hợp đưa lên dạng bản đồ. Rất nhiều giới khoa học ở trong cũng như ngoài nước cần đến, bởi muốn tìm hiểu về Việt Nam. Không những người ta tìm hiểu để mà đầu tư, mà còn muốn biết về địa chất, địa mạo, khí hậu, thủy văn… như thế nào[6].
Trở lại câu chuyện với GS Nguyễn Văn Chiển, GS Lê Đức An cho biết sự liên quan của mình với công trình Atlas Quốc gia Việt Nam, thông qua bức thư GS Chiển viết cho ông ngày 26-4-1984. GS An đọc lại rành mạch một đoạn thư với một tâm trạng vui vẻ, dường như ông rất tâm đắc với tư liệu này. Trong thư, GS Chiển viết: Chắc còn nhớ, khi anh còn ở nhà, tôi có đề nghị anh Yêm[7] và anh cùng hợp tác với nhau để làm tờ bản đồ địa mạo cho Atlas, anh thì rất sẵn sàng nhưng anh Yêm thì từ chối. Nay hội đồng biên tập đã xem bản đồ địa mạo của anh Yêm thì thấy không đạt yêu cầu. Tôi đã bàn với đồng chí Chichagov[8]. Nếu anh có thể hợp tác với đồng chí Chichagov làm một tờ bản đồ địa mạo theo phương pháp nguồn gốc hình thái, hoặc nếu anh không có thì giờ vì phải tập trung vào luận án thì giao bản đồ của anh cho Chichagov chỉnh biên đưa xuống tỉ lệ 1: 2.000.000 để đưa vào Atlas là phương án tốt nhất. Hiện nay tôi đã thành lập một hội đồng để chính thức xét duyệt các bản đồ địa mạo và tân kiến tạo. Nếu trong tháng 6 này anh gửi được bản đồ của anh về (nói cho Chichagov sao lại) thì là phương án hay nhất vì có sự đóng góp của anh vào công trình lớn của nhà nước. Nếu như không kịp thì tháng 8 có hội nghị địa chất quốc tế, nếu tôi sang gặp anh sẽ trực tiếp đem về, hoặc anh sẽ gửi anh Lương[9] đem về. Tôi rất mong sớm được trả lời của anh để có cách giải quyết kịp thời[10].
GS Lê Đức An cũng kể lại rằng, trước khi sang Liên Xô (cuối năm 1982) làm thực tập sinh cao cấp, ông đã được đề nghị tham gia công trình Atlas này, đảm nhiệm phần vẽ bản đồ địa mạo. Khi ấy, GS Nguyễn Văn Chiển là Viện phó Viện Khoa học Việt Nam đã đề nghị PTS Lê Đức An hợp tác với PTS Nguyễn Trọng Yêm để vẽ bản đồ địa mạo. Nhưng rồi việc không thành, như trong thư vừa nói đến. Kể từ khi sang Liên Xô, ông không quan tâm nhiều tới việc này nữa.
PTS Lê Đức An nhận được lá thư nói trên của GS Nguyễn Văn Chiển đúng vào lúc ông đang trong giai đoạn cuối hoàn thành luận án tiến sĩ (nay gọi là tiến sĩ khoa học). Mặc dù vậy, với tình cảm và sự tôn trọng của một học trò dành cho thầy giáo cũ của mình, PTS Lê Đức An đã nhận lời. Ông chia sẻ: Lúc đó luận án của mình ở bước nước rút cuối cùng, thời gian quý như vàng, được tính từng ngày, từng phút, bỏ ra một tháng mà đầu tư cho cái này cũng rất căng thẳng. Cũng may mình có nhiều tài liệu trong tay, không thì chịu. Các tài liệu mà mình đưa sang Liên Xô từ năm 1982 như bản đồ địa mạo, bản đồ địa chất và bản đồ địa hình thì mình vẫn để đấy, sử dụng các bản đồ đó để làm vấn đề này. Đặc biệt là bản đồ địa mạo mình đưa sang là do mình chủ biên. Nhưng mình phải làm một chú giải khác, mới hơn, hiện đại hơn, chỉ sử dụng cái nền kia thôi, còn các thể hiện trên bản đồ là hoàn toàn mới; trong đó có ghi rõ nguồn tài liệu lấy ở đâu, ở Liên đoàn bản đồ với các tác giả nào[11].
GS Lê Đức An kể thêm: Trong một tháng ấy mình đã tích cực làm việc dựa trên các tài liệu mà mình mang sang từ năm 1982. Sau khi hoàn thành phần việc của mình, mình đưa ông V.P. Chichagov hoàn thiện và nhờ họa đồ làm, chứ mình không làm họa đồ được. Sau khi làm xong rồi đưa về nước, hội đồng trong nước đồng ý thông qua, đưa vào chương “Địa hình”[12].
Khi bản đồ này được thực hiện, Chichagov là phó tiến sĩ làm việc tại Viện Địa lý, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô và ông có vai trò rất quan trọng trong việc hoàn thành những khâu cuối của bản đồ. Về vai trò của PTSChichagov, GS Lê Đức An đánh giá: Ông Chichagov là chuyên gia giỏi về địa mạo, có kiến thức rộng và là cán bộ năng động. Ông từng sang Việt Nam nhiều lần để giúp đỡ cho quá trình làm Atlas. Khi có khó khăn, thầy Chiển nghĩ ngay tới ông ấy. Trong quá trình làm, PTSChichagov và mình thảo luận chú giải chung, cải tiến những cái cũ. Khi thành lập bản đồ, điều quan trọng là phải xây dựng chú giải thật khoa học, ông ấy tham gia bước đầu tiên, cùng với mình thảo luận về chú giải của bản đồ đó: nên như thế nào, đưa lên yếu tố gì, bằng phương tiện gì; ví dụ, màu nền thể hiện nội dung chính của bản đồ, thì những nội dung chính là gì, màu nền tương ứng là màu gì, những ký hiệu khác chồng lên thể hiện cái gì[13]. Chính vì thế, cả ông Lê Đức An (chủ biên) và ông V.P. Chichagov cùng đứng tên đồng tác giả của bản đồ địa mạo này.
Về việc GS Nguyễn Văn Chiển và hội đồng khoa học thông qua bản đồ địa mạo của Lê Đức An – Chichagov, mà không phải là bản đồ đã được một số cán bộ thực hiện ở trong nước, GS Lê Đức An cho biết: Lúc đó mình ở Liên Xô, mình thấy phương pháp kiến trúc hình thái, chạm trổ hình thái mà mình làm luận án tiến sĩ là hiện đại nhất, cập nhật nhất. So với Mỹ, Anh, Pháp thì nó cũng là trường phái hiện đại, các nước phương Tây cũng nể phục lắm phương pháp vẽ bản đồ địa mạo này. Sau này phương Tây phát triển lên thì không biết, nhưng vào thời điểm đó thì khoa học về địa mạo của Liên Xô rất nổi tiếng, các nước phải học tập[14].
Nhưng rõ ràng là trong một vài tháng không thể hoàn thành tờ bản đồ địa mạo Việt Nam tỉ lệ 1: 2.000.000 nếu chưa có gì trong tay. Trước đó, trong thời gian từ năm 1977-1982, PTS Lê Đức An đã nghiên cứu, khảo sát và thực hiện bản đồ địa mạo Việt Nam tỉ lệ 1:500.000. Năm 1982, bản đồ đó đã hoàn thành, nhưng vì nhiều lý do nên không thể in ấn được. Cuối năm ấy, khi sang Liên Xô làm thực tập sinh cao cấp, ông được Liên đoàn bản đồ cho phép mang theo những tài liệu đã thu thập và nghiên cứu qua quá trình tích lũy lâu dài trước kia. Đó là cơ sở và nguồn tư liệu để ông biên soạn bản đồ địa mạo tỉ lệ 1: 2.000.000 cho Atlas Quốc gia Việt Nam. GS Lê Đức An thừa nhận: Mình làm bản đồ này trong một tháng mà lại không phải một tháng. Thú thực là nếu chưa có gì trong tay mình thì phải làm từ 1 đến 2 năm cũng chưa chắc đã xong, vì còn phải đi khảo sát, đo vẽ ngoài trời, nhưng mình đã khảo sát và có tài liệu hết rồi, được ông Nguyễn Xuân Bao[15] đồng ý cho mang sang Liên Xô rồi, nên chỉ dựa vào những tư liệu đấy để mà làm thôi. Thành ra tất cả thời gian ấy, tập trung thể hiện tài liệu đó trên bản đồ như thế nào cho hợp lý, khoa học và để có thể chuyển tải các nội dung ấy trên một phương pháp luận mới và chú giải một cách sáng tạo. Đó mới là cái mới mẻ![16].
Nghe GS Lê Đức An nói rằng cách làm của ông sáng tạo, chúng tôi hỏi thêm và được ông giải thích tiếp: Khi thể hiện bản đồ địa mạo, bình thường người ta vẫn dùng màu để thể hiện các kiểu, dạng địa hình, nhưng mình thể hiện một đơn vị mới trên bản đồ bằng màu, đơn vị đó phải chứa đựng các thông tin quan trọng nhất về hình thái, cấu trúc địa chất, xu hướng phát triển của nó… Để thể hiện cái đó phải có sự đầu tư, nghiên cứu lịch sử phát triển và phân hóa của vùng, để người ta có thể thấy được các đơn vị thể hiện trên bản đồ này là các kiến trúc hình thái. Trước đây các đơn vị là các kiểu địa hình, giờ các đơn vị không phải là kiểu địa hình nữa mà là các kiến trúc hình thái[17].
Sau lá thư ngày 26-4-1984 một thời gian, GS Nguyễn Văn Chiển có chuyến công tác sang Moskva, do đó PTS Lê Đức An được trao đổi trực tiếp những vấn đề cụ thể cần làm nhằm hoàn thành bản đồ địa mạo tỉ lệ 1: 2.000.000 để đưa vào tập Atlas Quốc gia Việt Nam. Hai thầy trò tưởng chừng tờ bản đồ này sẽ hoàn thành trong năm 1984, nhưng rồi có những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nên đã phải kéo dài sang năm 1985. Ngay trong năm 1984, bản đồ của đồng tác giả Lê Đức An – Chichagov được chuyển về Việt Nam và được hội đồng khoa học đánh giá cao, thông qua để đưa vào chương “Địa hình” trong tập Atlas. Tuy nhiên, cuối tháng 1-1985, GS Nguyễn Văn Chiển lại gửi thư cho PTS Lê Đức An với nội dung như sau: Tôi đã xem bản đồ địa mạo do anh giao Chichagov đưa sang. Tôi đề nghị anh gửi ngay sang cho tôi sơ đồ phân vùng địa mạo của anh để kịp đưa vào Atlas, nếu gửi trong thời gian còn Chichagov ở đây thì tốt nhất (trước 19-2-1985)[18].
Theo đề nghị này của GS Nguyễn Văn Chiển, PTS Lê Đức An khẩn trương hoàn thành phần sơ đồ phân vùng địa mạo. Ông nhớ lại: Tháng 5-1985 là mình bảo vệ rồi. Thầy Chiển đề nghị cái gì cũng đột xuất cả. Bản đồ phân vùng là bản đồ có tỉ lệ nhỏ hơn, ví dụ bản đồ địa mạo lớn bằng cái bàn thì bản đồ phân vùng chỉ bằng một quyển sách thôi. Mình tổng hợp các đặc điểm địa mạo và đưa vào bản đồ phân vùng ấy: Việt Nam được chia làm mấy vùng địa mạo, sự khác nhau giữa các vùng ấy như thế nào – giống như cách người ta phân vùng kinh tế. Phải hiểu được, nắm vững được bản đồ địa mạo thì mới có thể làm được bản đồ phân vùng, nếu không hiểu thì không làm được. Cái này mình làm rất gấp, trong một thời gian rất ngắn để gửi về cho thầy Chiển[19].
Trước khi bảo vệ luận án vào tháng 5-1985, PTS Lê Đức An đã hoàn thành công việc mà GS Nguyễn Văn Chiển yêu cầu thêm rồi gửi bản đồ phân vùng địa mạo về nước. Ngày 3-4-1985, GS Chiển gửi thư thông báo về việc hoàn thành các bản đồ cho Atlas: Anh Lê Đức An thân mến, như vậy là các bản đồ anh gửi về đã rất kịp thời. Tôi đã cho họa đồ chính thức các bản đồ của anh, và Chichagov cũng đã trực tiếp theo dõi. Anh Cẩn[20] đã theo dõi hiệu chỉnh những chỗ cần thiết. Tôi rất cám ơn anh đã hợp tác giúp tôi kịp thời cho Atlas, nếu không, kế hoạch vẽ bản đồ địa mạo trong Atlas của tôi sẽ không đạt[21].
Cũng trong thư này, GS Nguyễn Văn Chiển đặt vấn đề mời ông An về công tác tại Viện Khoa học Việt Nam sau khi bảo vệ xong luận án tiến sĩ. GS Chiển viết: Tôi được tin anh sẽ kịp bảo vệ vào tháng 5 này. Xin mừng trước cho anh. Mong rằng anh sẽ về Viện Khoa học Việt Nam để góp phần xây dựng ngành địa lý còn quá non yếu và quá lộn xộn ở đây. Anh Hiệu[22] cũng đồng tình xin anh về. Do đó, nếu cả anh và anh Liêu (một nhà khoa học về nông nghiệp – NCV) đều về thì sẽ có khả năng đẩy mạnh xây dựng địa lý, vì anh từ trước gắn với địa chất, còn anh Liêu thì gắn với nông nghiệp. Tôi sẽ đề nghị anh nên tranh thủ tìm hiểu về tổ chức và hoạt động của Viện Địa lý Moskva và nếu có điều kiện, của Viện Địa lý Viễn đông hoặc của một nước cộng hòa trẻ, gần với ta luôn. Những điều đó sẽ giúp ta làm tốt công tác tổ chức sau này. Ngoài ra, anh xin thêm một số chương trình thi minimum cho các ngành chuyên môn để ta sẽ tổ chức đào tạo phó tiến sĩ trong nước[23].
Có lẽ, đây chính là bước ngoặt trên chặng đường công tác của GS Lê Đức An, khi chuyển từ Tổng cục Địa chất sang công tác tại Viện Khoa học Việt Nam. Nói về việc này, ông chia sẻ: Thầy Chiển là thầy mình, coi mình là người học trò tin cậy và mình có quan hệ rất tốt với thầy, đặc biệt là trong việc làm từ điển sau này[24]. Thầy Chiển muốn mình về làm việc ở Viện Khoa học Việt Nam[25].
Tháng 7-1985, TS Lê Đức An về nước. Sau vài tháng chờ đợi quyết định của cấp trên, tháng 1-1986 ông nhận công tác tại Viện Khoa học Việt Nam. Như ông tâm sự: Bình thường mình chỉ là một kỹ sư thôi, nhưng mình đã bảo vệ luận án tiến sĩ, có học vị, có kiến thức bao quát tương đối rộng về lĩnh vực của mình nên mình muốn thể hiện và phát huy được cái đó. Do vậy, mình nghĩ về Viện Khoa học Việt Nam sẽ phát huy tốt hơn được những cái mình đã học[26].
Ba bức thư với vỏn vẹn 4 trang giấy, đã trở nên sống động và phong phú hẳn lên qua lời kể của người trong cuộc. Ở đó, có tình cảm thầy trò cao quý, có những ký ức sâu sắc về một thời kỳ khoảng ba chục năm về trước, với những câu chuyện thực trong việc làm khoa học, và đặc biệt, đó là tư liệu gắn với một trong những công trình khoa học tâm đắc nhất của nhà địa chất- địa lý Lê Đức An.
Nguyễn Thanh Hóa
____________________
* GS.TSKH Lê Đức An là nhà địa chất và địa lý, nguyên Viện trưởng Viện Địa lý, Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).
[1]. GS.TS Nguyễn Văn Chiển (1919-2009) là nhà địa chất, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).
[2]. Phỏng vấn GS.TSKH Lê Đức An ngày 17-11-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[3]. Xem thêm: http://www.baomoi.com/Atlas-quoc-gia-chuyen-bay-gio-moi-ke/c/3588411.epi
[4]. Hỏi thông tin GS Lê Đức An ngày 22-12-2015.
[5]. Xem thêm: http://www.baomoi.com/Atlas-quoc-gia-chuyen-bay-gio-moi-ke/c/3588411.epi
[6]. Hỏi thông tin GS Lê Đức An ngày 22-12-2015.
[7]. GS.TS Nguyễn Trọng Yêm, nguyên Viện trưởng Viện Các khoa học về Trái đất Việt Nam.
[8]. V.P. Chichagov là chuyên gia ở Viện Địa lý, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, đã từng hợp tác khoa học rất nhiều với GS Nguyễn Văn Chiển và GS Lê Đức An.
[9]. Ông Trần Đức Lương khi ấy là Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất, sau này làm Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.
[10]. Thư GS.TS Nguyễn Văn Chiển ngày 26-4-1984, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[11]. Phỏng vấn GS Lê Đức An ngày 17-11-2015, tài liệu đã dẫn.
[12]. Phỏng vấn GS Lê Đức An ngày 17-11-2015, tài liệu đã dẫn.
[13]. Hỏi thông tin GS Lê Đức An ngày 22-12-2015.
[14]. Phỏng vấn GS Lê Đức An ngày 17-11-2015, tài liệu đã dẫn.
[15]. Ông Nguyễn Xuân Bao khi ấy là Liên đoàn trưởng Liên đoàn bản đồ, Tổng cục Địa chất.
[16]. Phỏng vấn GS Lê Đức An ngày 17-11-2015, tài liệu đã dẫn.
[17]. Phỏng vấn GS Lê Đức An ngày 17-11-2015, tài liệu đã dẫn.
[18]. Thư GS.TS Nguyễn Văn Chiển ngày 30-1-1985, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[19]. Phỏng vấn GS Lê Đức An ngày 17-11-2015, tài liệu đã dẫn.
[20]. GS.TSKH Nguyễn Cẩn, nguyên Phó hiệu trưởng trường ĐH Tổng hợp Hà Nội.
[21]. Thư GS Nguyễn Văn Chiển ngày 3-4-1985, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[22]. GS Nguyễn Văn Hiệu, khi ấy là Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).
[23]. Thư GS Nguyễn Văn Chiển ngày 3-4-1985, tài liệu đã dẫn.
[24]. Ở đây, GS Lê Đức An muốn nói tới việc cùng với GS Nguyễn Văn Chiển tham gia công trình Từ điển bách khoa Việt Nam (4 tập, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 1995, 2002, 2003, 2005), và nhất là trong giai đoạn đầu làm Bách khoa thư sau đó.
[25]. Phỏng vấn GS Lê Đức An ngày 17-11-2015, tài liệu đã dẫn.
[26]. Phỏng vấn GS Lê Đức An ngày 17-11-2015, tài liệu đã dẫn.