Ba cuốn sổ điền dã ngôn ngữ học

Đối với những người làm công tác nghiên cứu – sưu tầm ở Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, những quyển sổ điền dã của GS Bùi Khánh Thế rất quý giá. Qua đó, chúng tôi có thể hiểu được lao động nghiên cứu của một nhà ngôn ngữ học, thậm chí hiểu được cả về điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước ở từng thời kỳ lịch sử nhất định. Năm 2015, khi vào thành phố Hồ Chí Minh và gặp GS Bùi Khánh Thế, chúng tôi rất vui mừng được tiếp nhận hàng chục cuốn sổ điền dã của ông, kết quả của bao chuyến đi nghiên cứu ngôn ngữ ở khắp các vùng miền trên cả nước. Ông coi những cuốn sổ này như những “người bạn” đã gắn bó lâu năm, nên rất bịn rịn khi trao tặng cho chúng tôi đưa về Hà Nội để lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Trong số sổ điền dã của GS Bùi Khánh Thế, tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần ba cuốn ghi chép năm 1979 và đặc biệt ấn tượng với những thông tin – tư liệu chứa đựng trong đó. Ông cho biết, đây là ba cuốn sổ khi ông tham gia chương trình hợp tác nghiên cứu giữa Viện Ngôn ngữ học Việt Nam với Viện Đông phương của Liên Xô.

Cả ba cuốn sổ đều cũ kỹ, giấy ố vàng, quăn mép và nhiều trang nhòe mực vì thời gian. Quyển thứ nhất (quyển 1) gồm 90 trang, ghi từ ngày 11-1 đến ngày 6-2-1979; quyển thứ hai (quyển 2) 170 trang, ghi từ mồng 6-2 đến mồng 8-3-1979; quyển thứ ba (quyển 3) 110 trang, ghi từ mồng 9-3 đến ngày 27-4-1979. Mỗi quyển mỗi kiểu, giấy cũng khác nhau, bởi như GS Bùi Khánh Thế chia sẻ, trong những năm 1970-1980, có giấy viết đã là may mắn, không có chuyện lựa chọn giấy xấu, giấy đẹp. Trong mỗi cuốn sổ, ông viết bằng đủ thứ mực, có khi là mực đen, có khi mực xanh, hay mực đỏ, có nhiều trang lại viết bằng bút chì, cũng bởi thời ấy có cái gì thì dùng cái đó, chứ lúc ấy làm gì có sự lựa chọn![1]. Trên từng trang giấy, không phải chỗ nào cũng viết ngay ngắn, rõ ràng, mà có chỗ viết tắt, chữ nguệch ngoạc, do phải viết vội trên đường di chuyển. Tất cả những dấu ấn tưởng như rất nhỏ ấy đều phản ánh điều kiện làm việc, phong cách làm việc của nhà khoa học trên các chặng đường nghiên cứu điền dã.

Ba cuốn sổ điền dã của GS.TS Bùi Khánh Thế

Trong giới ngôn ngữ học nước ta, GS Bùi Khánh Thế được biết đến là một người vươn lên bằng con đường tự học. Dường như tinh thần “khổ học” và niềm đam mê nghiên cứu luôn thường trực trong ông. Từ năm 1959, thầy giáo Bùi Khánh Thế thuộc biên chế của khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp, với nhiệm vụ chính là dạy Nga văn cho sinh viên trong trường. Tại đây, ông có cơ hội được làm việc trực tiếp với những học giả uyên bác như Trần Văn Giàu, Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Tài Cẩn… Bên cạnh những giờ dạy tiếng Nga, hay làm phiên dịch cho chuyên gia Liên Xô, ông tranh thủ học như một sinh viên. Với sự động viên, giúp đỡ của thầy Nguyễn Tài Cẩn, ông hoàn thành khóa luận “Từ láy trong tiếng Tày Nùng (so sánh với tiếng Việt)” và được cấp bằng đại học vào năm 1968, khi đã 34 tuổi. Đây là sự kiện quan trọng, mở đầu con đường nghiên cứu ngôn ngữ của ông. Cũng kể từ đây, ông trở thành cán bộ giảng dạy chính thức của bộ môn Ngôn ngữ, khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp.

Trong khoảng thời gian 1969-1975, giảng viên Bùi Khánh Thế thực hiện nhiều chuyến điền dã nghiên cứu về ngôn ngữ ở các tỉnh miền Bắc Việt Nam và ở Lào. Từ sau ngày thống nhất đất nước (1975), ông được cử vào Sài Gòn làm công tác tiếp quản các trường đại học của chế độ cũ. Năm 1977, ông được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.

Đang mải mê với công tác giảng dạy, nghiên cứu và quản lý ở trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh thì giảng viên Bùi Khánh Thế nhận được quyết định tham gia Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch nghiên cứu ngôn ngữ giữa Viện Ngôn ngữ học (thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam) và Viện Đông phương (thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô). Ông cho biết, ngày 9-1-1979, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam – ông Nguyễn Khánh Toàn ban hành quyết định cử 5 cán bộ ngôn ngữ học thuộc các cơ quan khác nhau tham gia ban chỉ đạo này[2].

Nhận được quyết định của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, ông Bùi Khánh Thế sắp xếp công việc và ngày 11-1-1979 ra Hà Nội để tham gia ban chỉ đạo. Hai hôm sau, ban chỉ đạo họp bàn về đề tài “Ngôn ngữ dân tộc ở Việt Nam”. Có 10 nhà khoa học Liên Xô tham dự cuộc họp đó cùng với các cán bộ liên quan của Việt Nam. Theo kế hoạch nghiên cứu điền dã, các nhà ngôn ngữ học Việt Nam và Liên Xô sẽ đi khảo sát lấy tư liệu hai đợt, một đợt vào đầu năm 1979 và một đợt vào đầu năm 1980. Những ghi chép hôm ấy trong sổ của GS Bùi Khánh Thế cho thấy, đợt điền dã năm 1979 được xác định là sẽ kéo dài trong 75 ngày (từ 31-1 đến 17-4), tại các địa phương khác nhau: Hậu Giang 7 ngày, khảo sát ngôn ngữ dân tộc Khơme; Thuận Hải 7 ngày, dân tộc Chăm; Gia Lai – Kon Tum 7 ngày, dân tộc Bana và Giarai; Nghệ Tĩnh 15 ngày, tiếng Poọng và Mường; Hà Tuyên 15 ngày, các dân tộc Mèo, Dao, Lô Lô, Pu Péo; Sơn La 15 ngày, tiếng La Ha, Khơmú, Thái…

Ban chỉ đạo đề tài “Ngôn ngữ dân tộc ở Việt Nam” phân công cán bộ phụ trách ở từng địa bàn triển khai khảo sát: Đoàn Thiện Thuật và Tạ Văn Thông phụ trách ở Hậu Giang; Phạm Đức Dương và Lê Văn Dương ở Thuận Hải; Hoàng Văn Ma ở Gia Lai – Kon Tum… Ban chỉ đạo cũng họp với Viện Dân tộc học để bàn về “Kế hoạch nghiên cứu các dân tộc Tây Nguyên và biên giới”, trong đó có nhấn mạnh như ông Bùi Khánh Thế ghi vào sổ: … Ngôn ngữ các dân tộc Việt Nam thuộc các hệ khác nhau, nhưng đã có tác động lẫn nhau thế nào, hòa hợp lẫn nhau, phản ánh vào tiếng nói dân tộc Việt Nam thế nào. Tây Nguyên có hai vấn đề đáng chú ý: Xu hướng tách biệt; Tây nguyên tiến lên sản xuất lớn như thế nào (truyền thống, bản lĩnh, duy trì/loại bỏ?) (quyển 1, tr. 12).

Mặc dù đều là những nhà nghiên cứu ngôn ngữ có kinh nghiệm trong việc thu thập thông tin tại thực địa, nhưng những cán bộ tham gia điều tra vẫn hết sức cẩn thận khi bàn bạc để chuẩn bị chu đáo cho đợt điền dã thứ nhất. Trong sổ của GS Bùi Khánh thế, đó là ba phần việc cụ thể và thiết thực, chẳng hạn phần việc thứ nhất: 1) Thống nhất về phương pháp điền dã, soạn các sổ điều tra, dung lượng gồm: một bảng ký hiệu ghi âm, bảng ghi âm được xây dựng có dự tính đến tình trạng ngữ âm/âm vị ngôn ngữ, đối tượng; chú ý đến kỹ thuật in ấn, đánh máy để sau khi thu thập tài liệu có thể nhân bản (quyển 1, tr. 20).

Trong công trình nghiên cứu này, các đồng nghiệp Liên Xô quan tâm đến đặc điểm loại hình ngôn ngữ và khu vực ngôn ngữ; vấn đề về quan hệ dòng họ và lịch sử các ngôn ngữ. Về phía Việt Nam, ngoài những vấn đề trên, các nhà nghiên cứu chú ý đến vấn đề xã hội học ngôn ngữ và mục tiêu nâng cao trình độ cán bộ.

Yêu cầu của đợt công tác đầu tiên này là thu thập tư liệu về các ngôn ngữ thuộc diện nghiên cứu, đồng thời xem xét tại chỗ (trên diện rộng) tình hình ngôn ngữ các dân tộc ở Việt Nam. Sau các đợt công tác, sẽ sử dụng tư liệu thu được để phục vụ cho các chuyên luận. Phía Việt Nam không chỉ tham gia nghiên cứu, mà còn phải giúp đỡ các nhà nghiên cứu Liên Xô thực hiện mục tiêu chuyên môn, đồng thời bảo đảm an ninh cho các nhóm công tác. Ông Bùi Khánh Thế ghi trong sổ: Yêu cầu lần này phía Việt Nam đóng vai trò: Người tổ chức trước địa bàn (chú ý điều kiện xã hội, chính trị và an ninh); Là người cùng thực hiện và giúp bạn (Liên Xô) thực hiện; Người chủ nhà đón khách; Người chủ nhân của vấn đề khoa học… (quyển 1, tr. 24).

Trên thực tế, trong quá trình đi thực địa, mỗi nhóm nghiên cứu lại phát sinh những vấn đề riêng cần điều chỉnh và thực hiện. Những ghi chép trong sổ cho biết ông Bùi Khánh Thế đã tham gia nghiên cứu ở miền Tây Nam bộ (Cần Thơ, Hậu Giang) cùng với các ông Hoàng Văn Ma, Phạm Đức Dương, Lê Văn Dương, Tạ Văn Thông, Đoàn Thiện Thuật, Bùi Khắc Việt… Ông ghi chép hàng ngày, ghi lại những công việc chính diễn ra liên quan đến vấn đề hợp tác nghiên cứu ngôn ngữ, những ý kiến của các cán bộ nghiên cứu Việt Nam, Liên Xô, và cả những ý kiến của người khác như nhà dân tộc học Đặng Nghiêm Vạn… Ví dụ, ngày 14-2-1979, ông ghi lời nhận xét của đồng nghiệp Phạm Đức Dương về kết quả của đợt điều tra: Ý kiến của Phạm Đức Dương: Tập hợp được tư liệu theo chương trình điều tra. Tiếp xúc trực tiếp được với ngôn ngữ để tự mình tạo cho mình ấn tượng về các đặc trưng ngôn ngữ mà ta nghiên cứu. Phương pháp đề ra là có hiệu quả – các đợt sau sẽ có kinh nghiệm hơn, giúp ta đi vào các cơ cấu thuận lợi. Nhưng chú ý ra Chăm, Giarai ta có thể gặp khó khăn hơn vì ít biết? (quyển 2, tr. 52).

Trong sổ của ông còn ghi khá tỉ mỉ nhiều nội dung khác nữa: các câu hỏi, các từ trong tiếng Khơme ông điều tra được ở Hậu Giang, thông tin về những cuộc tiếp xúc với cán bộ lãnh đạo các địa phương. Ngoài ra, ông ghi vào sổ cả những bài giảng của các nhà khoa học uy tín như Cao Xuân Hạo, Đặng Nghiêm Vạn… Nhờ vậy, dễ dàng biết ông đã dự các buổi nói chuyện của ông Cao Xuân Hạo trong hai ngày đầu tháng 4-1979: Tuyến tính âm vị (mồng 3-4); Vấn đề trọng âm trong tiếng Việt (mồng 4-4); Vài suy nghĩ trên hệ thống nguyên âm Quảng Nam (mồng 4-4). Cả những lần trao đổi kinh nghiệm của các nhà nghiên cứu khác như Phạm Đức Dương, Hoàng Văn Ma, Hoàng Tuệ… cũng được ông ghi vào sổ.

Mối quan tâm lớn nhất của ông Bùi Khánh Thế trong đợt nghiên cứu điền dã này là về tiếng Chăm (Chàm). Từ bé ông đã sống cùng đồng bào Chăm và do đó thông thạo tiếng Chăm. Chính trong chuyến đi này, ông thu thập được nhiều điều bổ sung vào khối kiến thức ông tích lũy từ lâu. Ông cho biết, trong đợt điền dã ấy, ông cùng đoàn nghiên cứu đi đến nhiều nơi, nhưng ấn tượng nhất là ở Phan Rang, vì đã đề xuất được một vấn đề mới. Ông kể lại chuyện này: … chúng tôi tổ chức một cuộc sinh hoạt khoa học, với sự tham gia của các nhà nghiên cứu trong đoàn, cộng tác viên và người dân địa phương. Vấn đề được thảo luận sôi nổi nhất là tiếng Chăm thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập hay ngôn ngữ chắp dính. Về mặt phân loại thì tiếng Chăm thuộc nhóm Nam Đảo, là loại hình ngôn ngữ chắp dính. Nhưng theo thời gian, người Chăm tiếp xúc với ngôn ngữ đơn lập, tức là tiếng Việt, nên tiếng Chăm dần dần chuyển sang cơ cấu ngôn ngữ đơn lập. Tôi đề ra quan điểm như vậy thì mọi người hơi ngỡ ngàng … Lúc bấy giờ có hai quan điểm đối lập nhau. Đoàn Liên Xô có chị N.Ph. Alieva, là người cùng với tôi nghiên cứu về ngôn ngữ Chăm, chị ấy cũng nghiên cứu ngôn ngữ chắp dính và đưa ra những dẫn chứng phản biện ý kiến của tôi. May mắn là tôi thông thạo tiếng Chăm. Có vài cộng tác viên là đồng bào người Chăm, khi tôi đưa ra các luận điểm đó thì họ rất đồng tình. Họ cũng đưa ra một số ví dụ chứng minh cho quan điểm của tôi. Về sau ý kiến của tôi được đa số chấp nhận[3].

GS Bùi Khánh Thế còn cho biết, trong một chuyến điền dã khác nằm ngoài kế hoạch diễn ra vào đầu tháng 2-1979, ông cùng đồng nghiệp đến tìm hiểu về ngôn ngữ Giarai ở tỉnh Gia Lai – Kon Tum. Tuy nhiên, chuyến đi ấy không thành công, như ông chia sẻ: Đoàn chúng tôi đã liên hệ đầy đủ với chính quyền tỉnh và chính quyền địa phương. Khi đang làm việc với đồng bào dân tộc Giarai thì có tin từ Ủy ban Khoa học xã hội báo rằng theo lệnh của Trung ương phải rút ngay vì lý do an ninh. Tiếc quá! Sau đó chúng tôi không có điều kiện để quay trở lại nữa[4].

Sau đợt đầu điều tra ngôn ngữ ở Việt Nam, các thành viên trong ban chỉ đạo hợp tác nghiên cứu có chuyến sang công tác tại Liên Xô từ tháng 5-1979 đến đầu năm 1981[5]. Ông Bùi Khánh Thế mang theo ba cuốn sổ điền dã kể trên sang Liên Xô để khi cần có thể tra cứu. Ngày 2-4-1979, ông ghi về việc chuẩn bị sang Liên Xô: Ghé Bộ lấy quyết định biệt phái. Nội dung quyết định cho mình thấy rõ Ban cán sự Bộ rất thận trọng và rất nâng đỡ mình. Đúng như thái độ và những lời nói của anh Tứ (Nguyễn Đình Tứ – Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp) khi gặp gỡ mình đã thể hiện. Mình phải làm gì để xứng đáng và phải có kế hoạch cố gắng thế nào trong giai đoạn tới đây (quyển 3, tr. 35).

Trong thời gian làm việc tại Liên Xô, ông Bùi Khánh Thế cộng tác với hai đồng nghiệp nữ là T.G. Poghibenko và N.Ph. Alieva để tiến hành khảo sát và miêu tả cụ thể tiếng Chăm và tiếng Xinhmun, kết quả đã hoàn thành hai tập bản thảo, mỗi tập khoảng 150 trang, được thông qua và đưa vào kế hoạch xuất bản. Hai nhà nghiên cứu người Nga đều là chuyên gia đã sang Việt Nam và tham gia các chuyến điền dã cùng với ông Bùi Khánh Thế vào đầu năm 1979. Đọc trong sổ điền dã, thấy có nhiều trang ông ghi ý kiến của hai chuyên gia này. Chính vì đã có sự “ăn ý” trong quá trình hợp tác làm việc ở Việt Nam, nên khi sang Liên Xô, ông và hai nhà nghiên cứu này tiếp tục thực hiện một cách có hiệu quả các vấn đề chuyên môn để xuất bản hai ấn phẩm: Quyển Tiếng Xinh Mun (Nxb. Nauka, Moskva, 1990), đồng tác giả T.G. Poghibenko và Bùi Khánh Thế; quyển Tiếng Chăm – Ngôn ngữ nói, phương ngữ Đông (Nxb. St. Petersburg, 1999), đồng tác giả Bùi Khánh Thế và N.Ph. Alieva. Ông cũng tranh thủ thời gian để đọc những tài liệu mới, hoặc trao đổi với các chuyên gia Liên Xô nhằm tích lũy thêm kiến thức cũng như phương pháp nghiên cứu. Ông kể rằng: Thời đó tôi học tập được nhiều lắm. Ngoài những lúc họp, trao đổi, thảo luận chung thì tôi đi thư viện. Tôi làm việc với tôi! Tôi lặng lẽ làm![6].

Đặc biệt, dựa trên những tài liệu thu thập được ở Việt Nam cũng như quá trình nghiên cứu ở Liên Xô, ông đã hoàn thành bản luận án phó tiến sĩ “Về cơ cấu tiếng Chàm” bằng tiếng Nga. Bản luận án nhận được sự đánh giá cao của các nhà khoa học ở cả Liên Xô và Việt Nam, sau đó được dịch sang tiếng Việt và bảo vệ ở Việt Nam vào năm 1981. Đây cũng là một kết quả, một thành công lớn của ông khi tham gia vào chương trình nghiên cứu này.

GS Bùi Khánh Thế khẳng định, ba cuốn sổ điền dã năm 1979 có vai trò quan trọng để ông hoàn thành hai cuốn sách và bản luận án phó tiến sĩ. Ông tâm sự: Nhật ký công tác tôi luôn mang theo cùng với hành lý của tôi. Có khi tôi ghi chép bằng tiếng Việt, có khi ghi bằng tiếng Nga. Thói quen của người nghiên cứu điền dã thì bao giờ cũng có nhật ký công tác. Sổ ghi chép hay nhật ký công tác là sổ mà các nhà nghiên cứu đều dùng để ghi chép công việc hàng ngày, đặc biệt là các nhà nghiên cứu điền dã. Trong sổ đó ghi chép các cứ liệu ngôn ngữ hoặc ý tưởng xuất hiện bất chợt khi làm việc tại nơi nghiên cứu. Trong chuyến đi điền dã, nếu có nảy ra ý tưởng gì, hay gặp tư liệu gì về ngôn ngữ dân tộc thì tôi đều ghi vào cuốn sổ để khỏi bị rơi rụng. Có khi đang đi, đang ngồi, đang ngủ, đang làm việc, nảy ra ý tưởng thì ghi rất nhanh, không thì quên mất. Dĩ nhiên, những ghi chép như vậy rất cần thiết và hữu ích khi tổng hợp các ngữ liệu và ý tưởng để viết luận án, hay những công trình nghiên cứu chung[7].

Mặc dù luận án bảo vệ ở trong nước, nhưng nó cũng nhận được sự quan tâm, đóng góp của nhiều nhà khoa học Liên Xô. GS V.M. Xontxev – nhà ngôn ngữ học uy tín ở Viện Đông phương và cũng chính là trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô đi nghiên cứu điền dã ở Việt Nam năm 1979 – nhận xét rằng luận án được xây dựng trên cơ sở tham khảo một khối lượng phong phú các sách báo viết về tiếng Chàm và các ngôn ngữ cùng họ với nó, cũng như trên cơ sở các tài liệu nghiên cứu của riêng tác giả. GS Xontxev cũng nhấn mạnh về năng lực của tác giả luận án: Công trình này chứng tỏ tác giả của nó là một cán bộ nghiên cứu có kinh nghiệm và có năng lực, đã có thể tập hợp và phân loại các sự kiện ngôn ngữ cũng như phân tích và khái quát hóa các sự kiện ngôn ngữ ấy. Và chính những phẩm chất khoa học này của đồng chí Bùi Khánh Thế cũng đã được biểu lộ rõ trong quá trình làm việc theo chương trình hợp tác Xô – Việt nghiên cứu ngôn ngữ học điền dã[8].

Ở trong nước, bản luận án của ông Bùi Khánh Thế cũng được nhiều nhà ngôn ngữ học đánh giá cao. PTS Phạm Đức Dương viết trong bản nhận xét như sau: Với những kiến thức cơ bản về ngôn ngữ học hiện đại, thể hiện trong bộ máy miêu tả, tác giả đã áp dụng bộ máy làm việc đó để miêu tả toàn diện và có hệ thống với một lối diễn đạt sáng sủa gọn gàng (nhất là về phần ngữ pháp). Điều đó chứng tỏ tác giả là một người nghiên cứu có kiến thức tốt, một trình độ nghiệp vụ tự lập vững vàng, đáp ứng với yêu cầu của một phó tiến sĩ ngữ văn[9].

Ngoài ra, trong khuôn khổ chương trình hợp tác về ngôn ngữ học giữa Việt Nam và Liên Xô thời kỳ đó, ông Bùi Khánh Thế còn tham gia các đợt khảo sát về tiếng Thái và tiếng Chàm để chuẩn bị phương án chữ viết cho các ngôn ngữ này; tham gia nhóm công trình về chữ Thái; tham gia biên soạn chuyên luận “Giới thiệu các ngôn ngữ dân tộc ở Việt Nam”…

Khoảng thời gian từ năm 1979 đến 1981 có ý nghĩa quan trọng đối với con đường học thuật của GS Bùi Khánh Thế. Những chuyến đi điền dã cùng các chuyên gia ngôn ngữ học Việt Nam cũng như Liên Xô là những trải nghiệm quý giá, cũng là dịp để ông bổ sung về kiến thức và phương pháp nghiên cứu. Ba cuốn sổ điền dã năm 1979 là những minh chứng rõ rệt và sinh động về quá trình lao động khoa học của GS Bùi Khánh Thế, đồng thời phản ánh một thời kỳ hợp tác khăng khít giữa Việt Nam và Liên Xô trong lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ.

 

Nguyễn Thanh Hóa

_______________________

*GS.TS Bùi Khánh Thế, chuyên ngành Ngôn ngữ học, nguyên Phó hiệu trưởng trường ĐH Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.

[1] Tài liệu ghi âm hỏi thông tin GS.TS Bùi Khánh Thế, 5-9-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] Ban chỉ đạo bao gồm: Trưởng ban Hoàng Tuệ (Viện trưởng Viện Ngôn ngữ); Phó ban Bùi Khắc Việt (Phó viện trưởng Viện Ngôn ngữ học); ba ủy viên là Hoàng Văn Ma (Trưởng ban Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, Viện Ngôn ngữ học), Phạm Đức Dương (Phó ban Đông Nam Á, nay là Viện nghiên cứu Đông Nam Á) và Bùi Khánh Thế.

[3] Tài liệu ghi âm hỏi thông tin GS.TS Bùi Khánh Thế, 5-9-2017, đã dẫn.

[4] Tài liệu ghi âm hỏi thông tin GS.TS Bùi Khánh Thế, 5-9-2017, đã dẫn.

[5] Trong thời gian này, các nhà nghiên cứu có trở lại Việt Nam tiến hành đợt điền dã thứ hai vào đầu năm 1980.

[6] Tài liệu ghi âm hỏi thông tin GS.TS Bùi Khánh Thế, 5-9-2017, đã dẫn.

[7] Tài liệu ghi âm hỏi thông tin GS.TS Bùi Khánh Thế, 5-9-2017, đã dẫn.

[8] Bản nhận xét của GS.TS V.M. Xontxev về luận án của ông Bùi Khánh Thế, tháng 4-1981, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[9] Bản nhận xét của PTS Phạm Đức Dương về luận án của ông Bùi Khánh Thế, 1981, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.