Ba cuốn sổ ghi chép – dấu ấn Tam Thiên Mẫu

Tốt nghiệp khóa 1 trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Nguyễn Thị Lê được giữ lại trường giảng dạy môn Động vật không xương sống ở Khoa Sinh học. Năm 1960, GS.TSKH B.E Sudarikor của Viện Ký sinh trùng- Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô sang Việt Nam điều tra về ký sinh trùng ở khu vực đồng bằng (ngoại thành Hà Nội), miền núi (Yên Bái), ven biển (Nam Định). Hướng nghiên cứu của GS.TSKH B.E Sudarikor là về ký sinh trùng như  sán lá, sán dây, giun tròn, giun đầu gai… nhưng chủ yếu Giáo sư nghiên cứu về sán lá ở vật chủ trung gian như ốc. Giảng viên trẻ Nguyễn Thị Lê cũng tham gia chương trình với vai trò thu thập toàn bộ các mẫu vật trong quá trình nghiên cứu của đoàn. Từ những chuyến đi như vậy Nguyễn Thị Lê bắt đầu có những ý tưởng nghiên cứu về sán lá ký sinh trên vật chủ.

Năm 1968, sau khi bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ tại Viện Ký sinh trùng ở Liên Xô, Nguyễn Thị Lê về nước và bắt đầu giảng dạy ở Bộ môn Ký sinh trùng, Khoa Sinh vật của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong thời gian công tác tại đây, PTS Nguyễn Thị Lê mong muốn có nhiều cơ hội để đi nghiên cứu các loài sán ký sinh trên động vật hoang và động vật nuôi, do đó ngoài thời gian giảng dạy trên lớp, PTS Nguyễn Thị Lê cùng các đồng nghiệp trong Bộ môn đi điều tra thực tế trên các loại chim thú để nghiên cứu về ký sinh trùng. Thời kỳ này chưa có các chương trình nghiên cứu do Nhà nước phê duyệt về vấn đề ký sinh trùng ở chim, thú, động vật. Các  cán bộ công tác ở Bộ môn Động vật không xương sống tự lên ý tưởng, tự túc kinh phí và lựa chọn địa phương để đi thực tế. PTS Nguyễn Thị Lê đã tham gia vào nhiều đoàn thực địa, đặc biệt trong đó bà được tham gia vào đoàn của các Giáo sư Mai Đình Yên, Giáo sư Đào Văn Tiến, Giáo sư Võ Quý đi thực địa ở các khu vực Bắc Cạn, Thái Nguyên, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu… để tìm kiếm, điều tra các mẫu vật. Trong các chuyến thực địa, các giáo sư tập trung đi sâu, nghiên cứu về mảng động vật không xương sống, còn PTS Nguyễn Thị Lê tập trung vào nghiên cứu mảng ký sinh trùng. 
 
Năm 1972, khi Mỹ ném bom Hà Nội, PTS Nguyễn Thị Lê đưa con gái Phan Lê Minh lúc này mới 9 tháng tuổi cùng nhóm sinh viên Khoa Sinh học của trường Đại học Tổng hợp  sơ tán về Hà Bắc, nơi có Nông trường Tam Thiên Mẫu (nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Tại đây, Nhà trường đã giao quyền quản lý giảng dạy các sinh viên cho cô giáo Nguyễn Thị Lê. Bà phải mượn nhà dân làm lớp học để giảng lý thuyết chuyên đề cho nhóm sinh viên do bà hướng dẫn.  Vừa hướng dẫn cho sinh viên, PTS Nguyễn Thị Lê vừa tìm tòi học tập nghiên cứu điều tra giun sán ở các vật chủ. Tại Nông trường Tam Thiên Mẫu, với kiến thức về phân tích mẫu học ở Liên Xô, PTS Nguyễn Thị Lê đã tập hợp được khá nhiều mẫu giun sán trên đa dạng các loài vật chủ khác nhau như lợn, vịt, gà, chim, ốc… Thông tin của những mẫu vật được PTS Nguyễn Thị Lê ghi chép trong ba quyển vở ô li bằng bút máy mực xanh rõ ràng, cẩn thận.
 
Quyển 1: ghi chép từ ngày 13-1 đến 5-5-1973, 7 trang, gồm: Mã số sưu tầm mẫu vật, tên tiêu đề “Điều tra giun sán ký sinh chim nước, chim nhà vùng Tam Thiên Mẫu, Hà Bắc”, nội dung ghi chép mẫu gà, vịt, chim bồ câu và phát hiện bước đầu các loài giun sán trong cơ quan của các loài này.
 
Quyển 2: Ghi chép từ ngày 14-1 đến 9-6-1973, 3 trang gồm: Mã số sưu tầm mẫu vật, tên tiêu đề “Điều tra giun sán chim nước vùng Tam Thiên Mẫu”, nội dung cuốn vở ghi chép việc thu mẫu các loài chim nước (Chìa vôi, cú muỗi, chiền chiện, bòng chanh, nhát hoa, chích chòe non, chim sẻ, ốc cau, gà đồng) và những phát hiện giun sán trong các cơ quan của vật chủ.
 
Quyển 3: Từ ngày 20-10- 1972 đến 26-5-1974, 20 trang, gồm: Mã số sưu tầm mẫu vật, tên tiêu đề “Phân tích 9 mẫu gà nhà ở Hà Bắc”, nội dung cuốn vở ghi chép mẫu gà và phát hiện bước đầu các loài giun sán trong gà.
 
 
 
Những cuốn vở ghi chép điều tra thu mẫu tại Nông trường Tam Thiên mẫu, năm 1972-1973
 
Các mẫu vật được thể hiện chi tiết qua bảng số liệu mà PTS Nguyễn Thị Lê ghi chép, trong đó có các mục số ký hiệu cho vật chủ, ngày mổ, tên của các loại chim, địa điểm sưu tầm, loại hình. Trong các cuốn vở PTS Nguyễn Thị Lê thường ghi chi tiết sự phát triển của các mẫu sán lá được phát hiện ở chim và thú. Bà phân tích một cách chi tiết trong ba cuốn vở các loại ký sinh trên vật chủ mà bà và các sinh viên thu thập từ các mẫu vật. Công việc điều tra mẫu được diễn ra tuần tự: ban ngày đi săn chim, thú; gần chiều về cân đo; tối đến sau khi ăn cơm xong cả đoàn hội ý kiểm điểm những việc làm được và chưa làm được. Ban đêm sau khi các loài chim thú đã được bà cùng các sinh viên phân loại, cân, đo kích thước, sau đó mới bắt đầu lấy mẫu vật, tiến hành phân tích để tìm sán lá trong các bộ phận của cơ thể chim, thú. Loài ký sinh này thường sống bám vào thành ruột, sống gửi trong thận, gan, ruột non, hay túi mật con vật chủ. Cũng có khi chúng ẩn náu dưới mi mắt, ở các khớp xương, trong xoang mũi, cơ não của vật chủ. Tuy công việc thu mẫu và phân tích điều tra rất vất vả, nhưng với niềm đam mê nghề nghiệp nên PTS Nguyễn Thị Lê vẫn miệt mài nghiên cứu, nhiều hôm cặm cụi làm việc đến 2-3 giờ sáng mới đi ngủ. GS Nguyễn Thị Lê chia sẻ, “Nghề của tôi khá vất vả, để tiến hành thu được mẫu vật thì cần rất nhiều thời gian và công sức. Trước tiên khi chọn được mẫu vật như chim, gia cầm phải kiểm tra sơ bộ từ ngoài cơ thể đến các cơ quan nội tạng của mẫu. Chính vì nghề vất vả nên tôi cũng nói trước với các học trò: Phải có niềm đam mê yêu nghề mới can đảm theo được”[1].
 
Từ năm 1972 đến năm 1973, PTS Nguyễn Thị Lê hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp cho ba sinh viên, nhưng người gây ấn tượng nhất là sinh viên Phạm Văn Lực. Với đề tài về giun sán ở lợn được nghiên cứu tại Nông trường Tam Thiên Mẫu, PTS Nguyễn Thị Lê đã hướng dẫn sinh viên Phạm Văn Lực theo dõi đàn lợn ở các lứa tuổi khác nhau như lợn con, lợn trưởng thành… để lấy mẫu phân tích. Cuối khóa, Phạm Văn Lực đạt loại xuất sắc, đề tài có chất lượng cao nên cả thầy và trò là đồng tác giả của bài viết Giun sán ký sinh ở lợn vùng nông trường Tam Thiên Mẫu – Hà Bắc, đăng trên Tạp chí Khoa học và Kỹ thuật Nông nghiệp, năm 1976. 
 
Ba cuốn vở ghi chép cẩn thận tỉ mỉ các mẫu vật thu được trong thời gian sơ tán ở nông trường Tam Thiên Mẫu được bà lưu giữ và phục vụ cho luận án Tiến sĩ của mình vào năm 1980. Bản luận án Tiến sĩ được nhiều nhà sinh học đại cương có uy tín ở nước ngoài đánh giá cao, coi đó là một đóng góp quan trọng cho khoa học, là công trình đầu tiên về sán lá hoàn chỉnh, có hệ thống và toàn diện ở một nước nhiệt đới trong vùng Đông Nam Á. Những nghiên cứu cơ bản của PTS Nguyễn Thị Lê là đóng góp có giá trị vào việc phòng và chữa bệnh cho người và cho gia súc, gia cầm ở nước ta cũng như nhiều nước nhiệt đới khác.
 
Hơn bốn thập niên trôi qua, ba cuốn vở ghi chép vẫn được Giáo sư Nguyễn Thị Lê giữ gìn cẩn thận tại nhà riêng và hiện đã trao tặng lại cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Đó là kết quả của quá trình tự học để bổ sung kiến thức và đồng thời là tiền đề cho những nghiên cứu đầy tâm huyết giúp bà trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được nhận học vị Tiến sĩ ở Liên Xô, năm 1980.
 
 
Lê Thị Trinh- Lưu Thị Thúy
______________________
 [1]. Phỏng vấn GS Nguyễn Thị Lê, ngày 2-8-2013.