PGS Lê Song Dự[1] sinh năm 1934 trong một gia đình địa chủ tại làng Hạnh Kiều, xã Diễn Quảng, Diễn Châu, Nghệ An. Ngay từ nhỏ, ông sớm bộc lộ là một người ham học hỏi, lại được bố mẹ luôn động viên và tạo điều kiện cho theo học tại trường tiểu học Diễn Châu, ngôi trường thành lập năm 1918 và là trường tiểu học công lập duy nhất ở huyện này.
Tháng 6-1945, Lê Song Dự kết thúc năm học lớp nhì đệ nhị. Sau Cách mạng tháng 8-1945, hệ thống giáo dục có sự đổi mới, tất cả học sinh lớp nhì đệ nhị (trong đó có Lê Song Dự) được coi là tốt nghiệp tiểu học. Vì thế, tháng 3-1946, Lê Song Dự xin vào học lớp đệ nhất tại trường trung học Nguyễn Xuân Ôn mới thành lập, đặt trụ sở tại khu vực đền Sò ở trung tâm huyện lị Diễn Châu. Trong lớp có khoảng 40 người, phần lớn là con em trong huyện Diễn Châu và một số vùng lân cận. Riêng ở làng Hạnh Kiều chỉ có một mình Lê Song Dự theo học trường này. Ông chưa quên cảnh hàng ngày phải thức dậy lúc 5 giờ, ăn sáng rồi đi bộ khoảng 6-7km đến lớp học; trước khi đi, mẹ cho vài đồng để ăn trưa ở trường, còn buổi chiều thường trở về nhà lúc 5 giờ.
Hiệu trưởng trường Nguyễn Xuân Ôn là thầy Cao Xuân Huy[2], thầy Huy kiêm dạy Pháp ngữ và văn học. Đến bây giờ, PGS Lê Song Dự vẫn nhớ như in dáng người cao gầy của thầy. Mỗi khi lên lớp, thầy mặc chỉnh tề, đóng bộ comple, đầu đội mũ phớt. Trò Dự thuộc loại ít tuổi trong lớp nhưng rất nghịch ngợm, thường hùa theo những người bạn hơn tuổi hò reo “cụ đến, cụ đến!" khi thấy thầy Huy lững thững đến lớp; rồi khi tan lớp, thầy ra về thì lại hò reo “cụ đi, cụ đi!”.
Trong những giờ học tiếng Pháp, thầy Huy chú trọng giảng về ngữ pháp, sau đó cho làm bài tập. Đối với môn Văn, thầy đi sâu phân tích từ vựng, có khi phân tích một từ mà hết cả tiết học, nên học sinh ghi chép được nhiều kiến thức. Những câu văn hay, thầy khuyên học trò lấy bút chì gạch chân để lưu ý.
Với vai trò hiệu trưởng, thầy Huy thường tham gia phát động các phong trào thi đua yêu nước. Có lần, trong buổi chào cờ sáng thứ hai, thầy đứng trước đông đảo giáo viên và học sinh kêu gọi thi đua phải hướng nội, tức là tự rèn luyện để hôm nay tốt hơn hôm qua, không phải chỉ để giành lấy danh hiệu và thành tích hão.
Từ năm 1947, chiến sự ngày một lan rộng và ác liệt hơn, trường trung học Nguyễn Xuân Ôn phải chuyển địa điểm tới làng Hạnh Kiều, thầy Cao Xuân Huy cũng chuyển theo và ở nhờ tại gia đình của trò Dự. Khi đó Lê Song Dự mới biết, thầy Huy và bố mình – cụ Lê Song Phượng là bạn đồng niên, quen biết nhau từ thời tiền khởi nghĩa.
Bấy giờ, trí thức về làng được người dân tiếp đón nhiệt tình, tạo mọi thuận lợi cho sinh hoạt và làm việc tốt nhất trong điều kiện có thể của từng nhà. Thầy Huy cũng được gia đình Lê Song Dự ưu tiên sắp xếp ở trong một gian buồng sạch sẽ và thoáng đãng. Hàng ngày, sau giờ đi dạy về, thầy thường ngồi cùng mâm ăn cơm tối và trò chuyện với cụ Phượng, rồi lui về phòng đọc sách. Thầy đọc say sưa, dường như không để ý đến mọi thứ xung quanh. Có lần xuất hiện nhật thực toàn phần, trời bỗng tối sầm, trẻ con trong làng hò nhau ra xem, thầy vẫn lặng lẽ ngồi chăm chú đọc sách.
Vì nét mặt thầy Huy nghiêm nghị, ít cười nên Lê Song Dự không dám lại gần bắt chuyện, chỉ đôi lần lén nhìn qua ô cửa, thấy thầy đọc sách và trong phòng có rất nhiều sách. Vốn tính tò mò, ham đọc, nên vài lần Lê Song Dự lấy hết can đảm ngỏ lời mượn sách rồi mừng quýnh khi được thầy đồng ý. Trong số sách mượn của thầy Huy, Lê Song Dự đặc biệt thích cuốn truyện có nhan đề Le Bouleau Argenté (Cây bạch dương ánh bạc).
Từ khi trường Nguyễn Xuân Ôn chuyển về gần nhà, Lê Song Dự có điều kiện gần gũi hơn với các thầy giáo. Đặc biệt, vào những dịp lễ lạt, cha mẹ cậu thường tổ chức liên hoan và mời các thầy trong trường đến dự. Một trong những thầy hay lui tới nhà cậu là thầy Phan Ngọc[3]. Bấy giờ, thầy Ngọc dạy môn Anh ngữ và thỉnh thoảng dạy một vài tiết văn học. Trong trí nhớ của PGS Lê Song Dự, thầy Ngọc không chỉn chu như thầy Huy, nhưng là một người nổi danh học giỏi, trí nhớ phi thường, có thể đọc thuộc lòng một lúc 10 trang từ điển bách khoa, lại thường vui tính và gần gũi với học trò. Thầy Ngọc chỉ hơn trò Dự 10 tuổi, nên hai người xưng hô thân mật là anh và em. Đến kỳ thầy Ngọc lĩnh lương, trò Dự hay được thầy đưa ra chợ Chùa trong làng để chiêu đãi một bát phở bò. Tình cảm giữa hai thầy trò vì thế càng thêm gắn bó.
Ngày còn nhỏ, Lê Song Dự cũng như những bạn cùng trang lứa rất thích bơi lội. Các buổi chiều, sau giờ tan học, học sinh trường Nguyễn Xuân Ôn thường rủ nhau ra bến sông cạnh đình làng Hạnh Kiều để tập bơi và nhảy cầu. Chính vì thế, đến nay PGS Dự vẫn rất ấn tượng với thầy Hoàng Tuệ[4], một người bơi rất giỏi. Bấy giờ, con sông Bùng chảy qua làng Hạnh Kiều có chiều rộng khoảng 50m, nước trong và khá sâu. Có cầu bắc ngang sông, nối làng Hạnh Kiều và làng Đông Én, đó là cây cầu gỗ được đỡ bởi những thanh ray đóng xuống lòng sông. Ở giữa cầu có chỗ nhô lên khoảng 1m, mỗi khi nước lên thì chỗ này trở thành lý tưởng cho những người thích nhảy cầu và bơi lội. Lê Song Dự và các bạn reo hò, cổ vũ nhiệt tình mỗi khi thầy Tuệ nhảy xuống nước, thầy biểu diễn các động tác bơi, lặn, nằm thăng bằng trên mặt nước, hai tay quạt về phía trước, hai bàn chân đập nhanh làm cho nước sủi lên trắng xóa như chân vịt tàu thủy.
Ở trên lớp, thầy Tuệ phụ trách môn lịch sử. Với vốn kiến thức uyên thâm, giọng trầm ấm, các bài giảng của thầy không chỉ lôi cuốn học sinh, mà còn khích lệ cả lớp tham gia thảo luận sôi nổi.
PGS Lê Song Dự cho biết, mặc dù tuổi thơ có nhiều lúc mải chơi, nghịch ngợm, nhưng ông không bao giờ lơ đãng trong chuyện học hành. Ông chịu khó ghi chép tỉ mỉ những bài giảng của thầy cô trên lớp. Ông mua giấy về và tự đóng thành vở. Bút viết ông cũng chỉ mua ngòi, rồi mày mò chặt cành tre nhỏ làm thành quản bút và cắm ngòi bút vào để viết. Mực thì có nhiều loại: mực xanh, mực tím, mực đỏ, mực đen, mua từng gói nhỏ về đem hòa tan vào nước lã để viết. Có khi đang viết dở thì hết mực, không còn mực cùng màu, buộc phải dùng gói mực khác màu. Đó là lý do giải thích vì sao các cuốn vở học tập của ông có những màu mực khác nhau.
Ba cuốn vở của PGS Lê Song Dự
Lê Song Dự thích nhất hai môn Pháp ngữ và văn học do thầy Cao Xuân Huy dạy. Đối với môn Pháp ngữ, vì đã có vốn kiến thức từ tiểu học, kết hợp với sự đam mê, chịu khó nên Lê Song Dự thường đứng đầu lớp về kết quả học tập. Ông dành thời gian học thuộc các từ mới, dùng bút gạch chân cẩn thận các đề mục của bài giảng để ghi nhớ. Đối với môn văn học, ông thường đọc bài giảng của thầy lên thành lời, nghiền ngẫm từng câu, từng từ cho mau thuộc. Ông cũng hay tìm đọc những cuốn truyện dã sử Trung Quốc như Đông Chu liệt quốc, Tam quốc chí, Thủy hử…, hoặc tranh thủ ngày nghỉ chạy tới hiệu sách Nhân dân ở cầu Bùng, cách nhà 4 cây số để đọc báo.
Ở nhà, ngoài những lúc phụ giúp bố mẹ việc vặt hoặc ra đồng tham gia làm cỏ, tát nước, gặt lúa…, ông thường đọc lại các bài giảng và làm bài tập thầy giao. Mặc dù thuộc thành phần địa chủ, gia đình ông luôn có quan hệ gần gũi với bà con xóm giềng. Vào mùa thu hoạch, ông cũng như các anh chị em trong nhà theo chân bố mẹ ra ruộng, cùng gặt lúa với người làm thuê. Trên cánh đồng lúa chín vàng, rộn ràng tiếng cười nói của người gặt, người lượm, người bó lúa. Buổi tối, khi những gánh lúa đã được chuyển về sân nhà, Lê Song Dự cũng phụ giúp người lớn trục lúa để tách thóc khỏi rơm. Sau này, trong hồi ký của mình, PGS Lê Song Dự kể lại chi tiết: "Công cụ để trục lúa là một khối đá hình tròn, được đục hai đầu để đóng vào đó hai đoạn gỗ tròn gọi là tai trục, một khung tre hình chữ nhật đính vào tai trục, để một người kéo trục bằng vai qua một dây thừng buộc ở đầu khung tre, theo sau trục là bọn trẻ con chúng tôi dùng nạng đẩy vào thanh ngang của khung tre hỗ trợ cho người kéo trục. Trục lăn nhanh nhiều vòng trên thảm lúa dày, để cho hạt lúa rời khỏi bông"[5].
Sau khi tốt nghiệp trường trung học Nguyễn Xuân Ôn năm 1949, Lê Song Dự giữ lại những cuốn vở học tập của mình, đặc biệt ông quý 3 cuốn vở ghi Pháp ngữ và văn học hơn cả, bởi đó là hai môn học mà ông yêu thích nhất.
PGS Lê Song Dự chia sẻ, về sau, trong quá trình học tập và công tác tại trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội (1956-1996), ông vẫn hay lật giở lại các cuốn vở học tiếng Pháp, ôn tập từ vựng và củng cố ngữ pháp qua những bài giảng cũ của thầy Cao Xuân Huy để nâng cao trình độ tiếng Pháp. Phương pháp học tiếng Pháp từ thời phổ thông cũng tiếp tục được ông áp dụng khi học thêm các ngoại ngữ khác trong quá trình công tác, như tiếng Hán, tiếng Anh, tiếng Nga.
Vì xuất thân từ gia đình địa chủ, nên Lê Song Dự không được đi đào tạo ở nước ngoài, nhưng nhờ thông thạo tiếng Pháp nên ông được cử đi làm chuyên gia giảng dạy tại Congo (1986-1988) và tham gia chương trình hợp tác 3 bên (Việt Nam – FAO – Senegal) về an ninh lương thực tại Senegal (1997-2005). Trong những chuyến ra nước ngoài công tác, mấy cuốn vở thời trung học vẫn luôn là những vật "bất ly thân" của PGS Lê Song Dự. Sau những giờ làm việc căng thẳng, ông thường đọc lại những câu văn hoặc một đoạn bài giảng tiếng Pháp trong các cuốn vở này để thư giãn.
Trở thành một nhà khoa học chuyên ngành nông nghiệp, những khi rảnh rỗi, PGS Lê Song Dự vẫn giữ thói quen đọc sách và thích sách văn học. Thỉnh thoảng ông cũng giở cuốn vở học văn thời ấy để xem lại những bài thầy Cao Xuân Huy giảng về truyện Kiều hay Chinh phụ ngâm…
Hơn 60 năm trôi qua kể từ ngày tốt nghiệp trường trung học Nguyễn Xuân Ôn ở Diễn Châu, Nghệ An, trải qua nhiều lần đi sơ tán, chuyển nhà, nhiều tài liệu đã thất lạc, nhưng PGS Lê Song Dự vẫn giữ được ba cuốn vở học tiếng Pháp và văn học. Ngày 8-4-2015, ông gửi gắm ba cuốn vở này cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam lưu giữ. Trong đó, hai cuốn vở học tiếng Pháp được viết bằng bút mực xanh, tím và bút chì; từng bài giảng được ghi chi tiết, nhiều đề mục được gạch chân và đóng khung cẩn thận, các từ mới đều có phần giải thích ý nghĩa kèm theo. Còn cuốn vở học văn được viết bằng bút mực xanh, tím, đỏ, đen, ghi chép đầy đủ những bài giảng, từ cách hành văn đến các tác phẩm như truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Tỳ bà hành…
Trải qua thời gian, 3 cuốn vở đã long gáy, rách bìa, quăn mép, giấy đã ố vàng và có nhiều vết mối xông, những nét chữ ngay ngắn vẫn rõ ràng, dù màu mực có nhạt đi đôi chút. PGS Lê Song Dự bày tỏ: "Tôi tin tưởng và hy vọng Trung tâm sẽ tiếp tục gìn giữ và phát huy giá trị những di sản của các nhà khoa học"[6]
Phạm Ngọc Hải
___________________
[1] PGS Lê Song Dự là nhà khoa học thuộc chuyên ngành Nông nghiệp, nguyên Phó chủ nhiệm khoa Trồng trọt (nay là khoa Nông học), trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam).
[2] GS Cao Xuân Huy (1900-1983), một nhà nghiên cứu chuyên về lịch sử tư tưởng triết học phương Đông.
[3]. Thầy Phan Ngọc sau trở thành PGS, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Ngôn ngữ học, khoa Ngữ Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
[4] GS Hoàng Tuệ (1922-1999), nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).
[5] PGS Lê Song Dự, "Nhật ký viết lại", lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[6] Băng ghi âm hỏi thông tin PGS Lê Song Dự ngày 8-4-2015, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.