Trần Hiếu Nhuệ sinh năm 1941, trong một gia đình đông con sống trên mảnh đất vùng chiêm trũng thuộc huyện Trực Ninh, Nam Định. Người dân quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà vẫn không đủ ăn. Trong hoàn cảnh đó, Trần Hiếu Nhuệ đã vượt qua những vất vả của cuộc sống và đạt được kết quả cao trong học tập. Năm 1960, ông trở thành sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 1961, ông được cử sang học chuyên ngành Cấp thoát nước tại trường Đại học Xây dựng Mátxcơva (Liên Xô).
Tốt nghiệp năm 1966, Trần Hiếu Nhuệ về nước và được phân công về Khoa Xây dựng, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Nhận thức ban đầu của ông khi còn là sinh viên cho rằng Cấp thoát nước là ngành “cống rãnh’ đã thay đổi. Trong quá trình học tập, ông nhận ra rằng, Cấp thoát nước (đặc biệt là Xử lý nước thải) là một ngành không thể thiếu trong cuộc sống con người. Năm 1966, sau khi trường Đại học Xây dựng Hà Nội được thành lập, ông chuyển về trường, công tác tại Bộ môn Quy hoạch đô thị, từ năm 1967 là Bộ môn Cấp thoát nước. Trong quá trình công tác, ông luôn là người hăng hái, hòa đồng, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những nỗ lực và cố gắng của giảng viên trẻ Trần Hiếu Nhuệ đã được Bộ môn và trường Đại học Xây dựng nhìn nhận. Năm 1969, ông được trường Đại học Xây dựng cử đi nghiên cứu sinh tại Liên Xô.
Ngày 7-11-1969, Trần Hiếu Nhuệ đáp chuyến tàu liên vận từ Hà Nội quá cảnh sang Trung Quốc để đến Liên Xô lần thứ 2. Ông được về lại trường Đại học Xây dựng Mátxcơva và tiếp tục được GS.TS Iacovlep Sergey Vaixilievich (người thầy đã hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp Đại học cho ông trước kia) hướng dẫn cùng với PGS.TS Lascov Iuryi Mikhailovich. Về trường cũ, gặp lại bạn cũ, thầy cũ, Trần Hiếu Nhuệ vừa bồi hồi, vừa cảm thấy vui sướng, may mắn và mường tượng mọi thứ trước mắt sẽ rất thuận lợi. Tuy nhiên, ông không ngờ được rằng phía trước mình đang có những khó khăn, thử thách chờ đón.
“Nghiên cứu điều hòa lưu lượng và nồng độ nước thải các xí nghiệp công nghiệp dệt nhuộm” là đề tài luận án Phó Tiến sĩ mà GS.TS Iacovlep Sergey Vaixilievich và PGS.TS Lascov Iuryi Mikhailovich định hướng cho Trần Hiếu Nhuệ. Điểm nổi bật trong đề tài này đó là phương pháp nghiên cứu ứng dụng thực nghiệm bằng mô hình. Đặc điểm của phương pháp nghiên cứu ứng dụng trong chuyên ngành Xây dựng nói chung và ngành Cấp thoát nước nói riêng (bây giờ là ngành Kỹ thuật Môi trường nước) cần phải đáp ứng những yêu cầu về kiến thức ngành xây dựng cơ bản đồng thời liên quan trực tiếp đến công nghệ hóa học và công nghệ sinh học. Vì vậy, đòi hỏi Trần Hiếu Nhuệ phải có những kiến thức cơ sở phục vụ cho chuyên ngành như Toán (đặc biệt là Toán thống kê), Hóa – Lý, Hóa – Sinh. Chính vì thế, trong 6 tháng đầu, Trần Hiếu Nhuệ phải lên Thư viện Lênin tìm đọc tài liệu tham khảo và tóm tắt những kiến thức về Hóa – Sinh cũng như công nghệ hóa học… có liên quan trực tiếp đến các vấn đề trong luận án.
Trần Hiếu Nhuệ được bố trí ở cùng phòng với 2 người bạn Việt Nam ngay tại Ký túc xá của trường Đại học Xây dựng Mátxcơva. Hàng ngày, Trần Hiếu Nhuệ thường làm việc từ 12-14 tiếng, ngoài 8 tiếng đọc tài liệu trên thư viện, đêm về, ông vẫn tiếp tục dành thời gian làm việc. Ông thường mua những cuốn vở với giá từ 2-3 côpếch để ghi chép tư liệu mỗi khi lên thư viện.
Vở ghi chép tài liệu tham khảo phục vụ cho luận án Phó Tiến sĩ của
nghiên cứu sinh Trần Hiếu Nhuệ (1969-1970)
Cuối tháng 5-1970, Trần Hiếu Nhuệ đã hoàn thành đề cương nghiên cứu, bắt tay vào thiết kế mô hình. Tháng 7 -1970, trong khi chờ gia công mô hình thí nghiệm, Trần Hiếu Nhuệ được giới thiệu đi thực tế tại các nhà máy xử lý nước thải Liublino, Liuberetskaia, Kurianopskaia thuộc thành phố Mátxcơva. Lúc đó, mỗi nhà máy có công suất là 500.000 và 1.200.000 m3/ngày đêm.
Trong đề tài nghiên cứu của Trần Hiếu Nhuệ có phần việc thực nghiệm, vì thế ngoài phần lý thuyết, ông còn phải thiết kế mô hình thí nghiệm với tên gọi Bể điều hòa lưu lượng và nồng đổ chất thải, đồng thời chuẩn bị hóa chất và các dụng cụ liên quan để phục vụ cho thí nghiệm. Mô hình thí nghiệm của Trần Hiếu Nhuệ là mô hình thực tế, có kích thước: Chiều rộng 2m, chiều dài 4m, chiều cao 1,4m, và được gia công bằng thép. Trong 3 tháng thực hiện, ông được các thầy trong Bộ môn Thoát nước, trường Đại học Xây dựng Mátxcơva hỗ trợ kinh phí để gia công mô hình và mua hóa chất.
Tuy nhiên, vì thiếu kinh nghiệm thực tế, ông đã không tính toán đến bước di chuyển mô hình xuống vị trí thí nghiệm trong nhà máy. Mô hình của ông quá to và không thể lắp đặt theo kế hoạch. Vì sai lầm này, Trần Hiếu Nhuệ đã bị trưởng phòng thí nghiệm gọi riêng ra phê bình. Để khắc phục, ông phải tự bỏ chi phí thuê máy cắt đôi mô hình để đưa xuống vị trí làm thí nghiệm, sau đó hàn lại.
Sau khi mô hình chuyển đến vị trí làm thí nghiệm ổn định, khoảng tháng 9-1970, Trần Hiếu Nhuệ mới bắt đầu tiến hành các thí nghiệm: cho nước thải vào, cùng hóa chất chỉ thị để điều hòa nồng độ, từ đấy đánh giá mức độ đồng đều của nồng độ chất thải qua dòng ra, tính toán và phân tích số liệu thu được để phục vụ luận án. Trong thời gian làm thí nghiệm, bên những người bạn nước ngoài cùng trang lứa dáng vóc Trần Hiếu Nhuệ thật nhỏ bé nhưng ông lại được mọi người trong phòng thí nghiệm yêu quý vì tinh thần chăm chỉ, nỗ lực vượt qua khó khăn. Họ đã cấp cho Trần Hiếu Nhuệ chìa khóa ra vào trạm bơm và tạo điều kiện cho ông chủ động trong công tác nghiên cứu và thực nghiệm.
Tuy nhiên, trong quá trình làm đề tài ông cũng gặp phải một số khó khăn, đặc biệt là về tiếng Nga, vì ông chưa thông thạo nên nhiều thuật ngữ chuyên ngành khó nắm bắt, phải nhờ mọi người giải thích cặn kẽ. Sau sự cố về mô hình, ông luôn phải cẩn trọng, tránh mắc sai sót.
GS.TS Trần Hiếu Nhuệ cùng hai người bạn Nga trong thời gian thực tế tại
Nhà máy xử lý nước thải Liublino, Mátxcơva, Liên Xô, 1971
Song song với thí nghiệm trên mô hình lơn (pilot), Trần Hiếu Nhuệ còn tự lắp đặt mô hình nhỏ bằng cách cưa, cắt các thùng nhựa hình trụ tròn dung tích 20-25 lít để thí nghiệm điều hòa nồng độ. Sau khi thí nghiệm với nước nhân tạo, ông tiến hành thí nghiệm với nước thải thực. Hai người thầy hướng dẫn đã giới thiệu và liện hệ với nhà máy dệt nhuộm Comunal tại Mátxcơva để Trần Hiếu Nhuệ tiến hành thí nghiệm. Tại đây, ông đã dùng bơm hút nước thải thực vào bể nước đủ để tiến hành thí nghiệm (sau khi thí nghiệm với nước nhân tạo) với mô hình đã thiết kế.
Quá trình thí nghiệm kéo dài trong vòng 8 tháng, cứ 15 ngày, tùy theo kết quả thí nghiệm, ông lại tổng hợp số liệu mang cho thầy hướng dẫn kiểm tra, đánh giá và góp ý. Cùng với quá trình thí nghiệm, Trần Hiếu Nhuệ bắt đầu viết chương mở đầu của luận án và đến tháng 5-1971, khi hoàn tất các thí nghiệm, ông dành thời bắt tay vào viết các chương còn lại của luận án.
Ba năm ở xứ người, Trần Hiếu Nhuệ không khi nào nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương, gia đình. Vì thế, ông thường xuyên trao đổi thư từ với người thân, với bạn bè và người yêu. Do khoảng cách xa xôi về địa lý, những bức thư Trần Hiếu Nhuệ gửi đi thường phải 1 tháng mới có hồi âm, thậm chí nhiều khi lâu hơn. Những bức thư từ quê nhà đôi khi chỉ là vài dòng thăm hỏi, nhưng đối với ông, đó là nguồn động viên tinh thần to lớn, giúp ông nỗ lực vượt qua khó khăn trong quá trình làm luận án. Bên cạnh đó, ông cũng dành dụm tiền học bổng để mua thuốc gửi về cho gia đình. Mặc dù thuốc men ở Liên Xô thời kỳ đó rất khó kiếm, nhưng ông vẫn cố gắng thông qua các mối liên hệ giữa bạn bè, thầy cô để tìm mua một số thuốc, chủ yếu là sâm nhung, B12…
Đầu năm 1972, Trần Hiếu Nhuệ đã hoàn thành về cơ bản nội dung bản thảo luận án, gửi cho thầy hướng dẫn xem xét, sửa lại cách hành văn, các thuật ngữ chuyên ngành, biên tập lại và đưa đi đánh máy. Giữa năm 1972, ông bảo vệ luận án tại Hội đồng cấp cơ sở tại Bộ môn Thoát nước – trường Đại học Xây dựng Mátxcơva, sau đó bảo vệ ở Hội đồng cấp Nhà nước vào cuối tháng 10-1972. Vì diễn đạt tiếng Nga chưa trơn tru nên Trần Hiếu Nhuệ cố gắng trình bày tư duy khoa học của đề tài qua bản tóm tắt, gửi cho các thành viên trong Hội đồng trong buổi bảo vệ. Hội đồng phản biện (7 người) đã đánh giá luận án của Trần Hiếu Nhuệ có tính thực tế cao, khi tìm ra cách xử lý nồng độ chất thải một cách hợp lý và đồng đều, khắc phục tình trạng sốc đối với các tác nhân xử lý nước thải dệt nhuộm, đó là vi khuẩn, vi sinh vật… đặc biệt trong bối cảnh nền công nghiệp dệt nhuộm ở Việt Nam đang phát triển. Cuối buổi bảo vệ, Trần Hiếu Nhuệ có một buổi tiệc nho nhỏ mời các thầy trong Bộ môn và Hội đồng, như một lời cảm ơn chân thành và sâu sắc của ông. Trước đó, ông đã viết thư về nhà, nhờ người thân chuẩn bị một số bánh đa nem, nước mắm khô và rượu nếp mới gửi sang. Với những nguyên liệu quê hương đó, ông đã nhờ bạn bè trong bộ môn Thoát nước, khoa Cấp Thoát nước, trường Đại học Xây dựng Mátxcơva giúp chuẩn bị bữa tiệc.
Ngày 7-11-1972, Trần Hiếu Nhuệ lên đường về nước, kết thúc tròn 3 năm nghiên cứu sinh tại Liên Xô. Kỷ niệm 3 năm nghiên cứu sinh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng đó là những ngày tháng không thể nào quên trong cuộc đời của GS.TS Trần Hiếu Nhuệ. Nỗ lực vượt qua khó khăn đã giúp ông tiếp tục vững bước trên con đường khoa học vẫn luôn đầy thách thức..
Phạm Ngọc Hải
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam