Bài học quý từ người cha

 Cố GS Đoàn Trọng Truyến được nhìn nhận là người đặt nền móng cho Khoa học Hành chính ở Việt Nam và cũng là người tạo mối quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Với những đóng góp trong công tác nghiên cứu giảng dạy, năm 1980 ông được Nhà nước đặc cách phong hàm Giáo sư Kinh tế học. Ông là một trong số nhà khoa học thuộc chuyên đề nghiên cứu của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, năm 2013.

Đã gần 4 năm trôi qua kể từ khi GS.NGND Đoàn Trọng Truyến qua đời, nhưng những ký ức đẹp về một người cha đáng kính vẫn luôn in đậm trong tâm trí của những người con. PGS.TS Đoàn Thị Thu Hà, người con gái duy nhất theo nghiệp cha, nhớ lại: Sinh thời, cha tôi luôn quan niệm, ông không phải là nhà chính trị và không ham muốn quyền lực chính trị. Nhưng với uy tín của mình, ông luôn được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao nhiều vị trí chủ chốt như: Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Tài chính (nay là trường Đại học Kinh tế Quốc dân); Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Ngân sách Quốc hội; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng; Hiệu trưởng trường Hành chính Trung ương (Học viện Hành chính). Với những đóng góp của mình ông được Nhà nước trao tặng các danh hiệu và phần thưởng cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng…


 Hai chị em PGS.TS Đoàn Thị Thu Hà (áo đen), BS CK2 Đoàn Thị Thu Hương (áo trắng)

 

chia sẻ những kỷ niệm về cha – cố GS Đoàn Trọng Truyến

 

Trong công việc, GS Đoàn Trọng Truyến là là người rất có ý thức, trách nhiệm. PGS.TS Đoàn Thị Thu Hà vẫn nhớ, hồi nhỏ cô thường đi theo cha trong các chuyến thăm và làm việc với với chủ nhiệm hợp tác xã và bà con nông dân ở địa phương. Hành trang mang theo của cha chỉ đơn giản là một quyển sách, một cây bút. GS Truyến có thói quen ghi lại tất cả những thông tin trong các buổi làm việc. Đầu những năm 2000, khi tham gia vào biên soạn mục từ Kinh tế trong bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam (do GS Hà Học Trạc là Chủ tịch Hội đồng biên soạn), dù sức khỏe hạn chế, thậm chí lúc nhớ lúc quên nhưng ông vẫn miệt mài làm việc đến 2-3h sáng. Ông luôn nói với các con, làm việc phải có niềm say mê, lòng tận tụy và để cống hiến cho thế hệ sau. Có lẽ, chính niềm đam mê, sự tận tụy của ông đã đưa PGS.TS Đoàn Thị Thu Hà đi đến quyết định tiếp nối con đường sự nghiệp của cha mình.

 

 Trong buổi tiếp xúc đầu tiên với gia đình cố GS Đoàn Trọng Truyến, nghiên cứu viên chúng tôi đã được nghe những người con chia sẻ về những câu chuyện, ký ức về cách làm việc, về lối sống, về “thiên tình sử” của cha mẹ đã được nhạc sĩ Phạm Duy viết lên bài hát phổ theo bản nhạc “Serenade” khiến nhiều người cảm động. Đó chính là những bài học quý họ nhận được từ song thân của mình.

 

 

 

 Nguyễn Thị Loan

 

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam