Năm 1953, Bệnh khoa Tai Mũi Họng (tiền thân của Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương) được thành lập do BS Trần Hữu Tước phụ trách. Ông Phạm Kim lúc đó là y sĩ của Vụ phòng bệnh – chữa bệnh được Bộ Y tế biệt phái sang giúp BS Tước xây dựng Bệnh khoa. Kể từ đó ông được BS Trần Hữu Tước dìu dắt vào ngành Tai Mũi Họng. Đến nay ông không thể quên bài học đậm tính nhân văn mà GS Trần Hữu Tước dạy đó là: hãy cùng cảm nhận nỗi đau của người bệnh.
Được làm việc với GS Trần Hữu Tước là điều tâm đắc nhất đối với PGS Phạm Kim |
Năm 1963, ông Phạm Kim bị viêm amidan dù chưa đến mức phải phẫu thuật, nhưng GS Trần Hữu Tước đã yêu cầu “Kim phải làm phẫu thuật đi, tôi sẽ cắt cho. Kim phải đặt mình vào vị trí của người bệnh để biết người bệnh khó chịu nhất ở giai đoạn nào, để sau này phẫu thuật mình tránh cho người bệnh đỡ khổ”. Ông đồng ý để thầy cắt amidan và nhận thấy sau khi tiêm thuốc gây tê vùng cổ họng bị nghẹt cứng rất khó thở, đó là giai đoạn gây cảm giác khó chịu nhất đối với người được chỉ định cắt amidan. Trước đó ông từng phẫu thuật cắt amidan cho nhiều bệnh nhân, vì sợ người bệnh bị đau nên ông thường tiêm nhiều thuốc gây tê. Sau lần lần đó, BS Phạm Kim đã điều chỉnh lại lượng thuốc gây tê mỗi lần phẫu thuật amidan cho người bệnh.
Đó là bài học rất thực tế giúp ông luôn đồng cảm với nỗi đau của người bệnh mỗi khi thực hiện một ca phẫu thuật nào đó. Bài học ấy vẫn theo ông trong suốt cuộc đời làm nghề thầy giáo, thầy thuốc.
Lê Nhật Minh