Khác những lần tham quan trước, cán bộ nhân viên Trung tâm không chỉ được mục sở thị những nội dung trưng bày tại Bảo tàng, mà còn được PGS.TS Nguyễn Văn Huy thuyết minh trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp của cha mình-GS Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Qua đó, PGS Huy liên hệ đến công việc của Trung tâm đang thực hiện và thầy trò cùng chia sẻ phương pháp nghiên cứu lịch sử cuộc của một nhà khoa học.
Từ những câu chuyện rất cụ thể liên quan đến cuộc đời của vị Bộ trưởng, PGS Huy hướng dẫn các nghiên cứu viên Trung tâm những bước cơ bản khi thực hiện nghiên cứu sâu về một con người, giải đáp những khúc mắc trong quá trình nghiên cứu: Hướng dẫn cách xây dựng đề cương nghiên cứu; sưu tầm hiện vật; khai thác thông tin; cách phát hiện ra ý tưởng viết bài đăng trên website như thế nào… Nghiên cứu về cố GS Nguyễn Văn Huyên, PGS Huy đã đẩy việc nghiên cứu tư liệu đến sáu đời trong gia phả hai họ Nguyễn-Vi. Từ đó các nghiên cứu viên có thể phát triển mở rộng các chủ đề nghiên cứu về nhà khoa học, không dừng lại ở những vấn đề liên quan trực tiếp đến nhà khoa học mà phải đẩy các chủ đề nghiên cứu tới những thế hệ xa hơn nhà khoa học, qua những mối quan hệ đó để hiểu sâu được bối cảnh lịch sử, xã hội, con người nhà khoa học. Hiện vật liên quan với cuộc đời nhà khoa học cũng rất đa dạng, phong phú, cần khai thác và thẩm định thông tin qua nhiều nguồn tư liệu. Từ nội dung nghiên cứu, hiện vật sưu tầm mở ra những ý tưởng về tin/bài và luôn luôn đổi mới, tránh sự bàng bạc theo một mô típ.
Ngay trong công tác thuyết minh trưng bày, PGS Huy cũng luôn tạo ra sự mới mẻ, mỗi lần dẫn khách tham quan là một lần ông củng cố thêm nội dung thuyết minh. PGS Huy chia sẻ: Trung tâm cần khai thác thông tin đa dạng từ một nhà khoa học. Bởi các nhà khoa học đều tâm huyết, đều có những đóng góp nhất định cho xã hội. Vấn đề họ đóng góp ở đâu và đóng góp như thế nào? Điều quan trọng là chúng ta phải nghiên cứu và phát huy những giá trị khoa học đó của họ. Trung tâm đặt nghiên cứu tuyến khoa học là quan trọng nhất nhưng không nên đơn giản hóa chỉ dừng nghiên cứu ở tuyến đó mà khai thác cả tuyến gia đình, cơ quan,... Bằng phương pháp giảng bài gợi mở, vấn đáp giải thích minh họa, PGS.TS Nguyễn Văn Huy đã tạo cho không khí buổi thảo luận diễn ra sôi nổi, sinh động.
Bên cạnh công tác chuyên môn, ông động viên các nghiên cứu viên cần xây dựng cho bản thân cái đích để làm việc, phải tâm huyết, có hoài bão mong muốn trở thành một nhà khoa học. Đối với công tác nghiên cứu sưu tầm, hàng tuần Trung tâm nên tổ chức những buổi giao lưu để các nghiên cứu viên cùng tổng kết lại những buổi gặp gỡ các nhà khoa học, cùng tháo gỡ khó khăn, chia sẻ bài học kinh nghiệm.
Chuyến tham quan Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên diễn ra trong một buổi chiều nắng nhẹ đầy thú vị, thầy trò cùng nhau ôn lại những kiến thức chuyên môn bằng hình ảnh trực quan sinh động. Có lẽ, qua đây, các nghiên cứu viên trong Trung tâm phần nào xác định rõ hơn đường hướng cho bản thân, thêm động lực, đồng lòng để hoàn thành sứ mệnh của Trung tâm đã đặt ra.
Một số hình ảnh tại buổi tham quan Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên:
Nghiên cứu về một nhà khoa học không chỉ dừng lại ở nghiên cứu đời bố, mẹ, con cháu họ
Nghiên cứu viên Trung tâm thảo luận sôi nổi về các vấn đề nghiên cứu từ thực tế trưng bày GS Nguyễn Văn Huyên
Khai thác thông tin ảnh, xác định mối quan hệ của những người trong ảnh là một trong những việc làm rất quan trọng của các nghiên cứu viên
Nghiên cứu sâu thông tin về lịch sử cuộc đời nhà khoa học là chìa khóa thành công khi trưng bày
Nguyễn Thị Thành