Bài phát biểu của PGS.TS Nguyễn Văn Huy tại Lễ tiếp nhận Bộ sưu tập của GS Chu Văn Tường

Thưa bà Đặng Thị Nga, phu nhân cố GS Chu Văn Tường.

Thưa PGS Chu Mạnh Khoa và các vị thành viên trong gia đình.

Thưa quý vị đại biểu.

Hôm nay thật sự là một ngày trọng đại của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Tôi không dám khoa trương, không hoa mỹ, không nói quá về tính từ này, về tầm quan trọng của buổi Lễ hôm nay. Gọi là trọng đại bởi vì chúng ta có mặt ở đây để long trọng dự Lễ tiếp nhận một bộ sưu tập rất đặc biệt, vô cùng quý giá phản ánh cả cuộc đời của một người thày thuốc đáng kính, GS Chu Văn Tường, Nhà giáo Nhân dân, Thầy thuốc Nhân dân, người đã dành cả đời làm khoa học, hơn 60 năm đào tạo không mệt mỏi các thế hệ bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ chăm lo sức khoẻ cho nhân dân, cả một cuộc đời cặm cụi, cần mẫn nghiêm túc học hỏi để chiến đấu cứu sống biết bao sinh mạng những trẻ thơ, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho biết bao nhiêu người, biết bao gia đình.

 Giáo sư Chu Văn Tường đã xa cách chúng ta từ năm 2008 nhưng ông để lại cho gia đình, cho ngành Y, cho đất nước những hạt giống quý, đó là những thế hệ học trò do mình trực tiếp đào luyện, rèn giũa, nay họ lại kế tiếp sự nghiệp của Giáo sư tiếp tục đào tạo các thế hệ bác sĩ, nhất là các bác sĩ Nhi khoa; đó là những kinh nghiệm, những tri thức của giáo sư đã được đúc kết lại trong các cuốn sách, những bài báo, những báo cáo khoa học mà Giáo sư đã công bố, xuất bản. Những giá trị của các tài sản đó ai cũng hiểu.

Hôm nay chúng ta được biết đến một tài sản khác, một loại tài sản mà rất ít người quan tâm và ít khi được đánh giá cao nhưng thực ra lại là những di sản lịch sử vô giá. Đó là những di sản vật chất, di sản có tính lưu trữ phản ánh cả cuộc đời một nhà khoa học. Đó là những tài liệu viết tay, những bản nháp các bài giảng, các bài báo, tư liệu nghiên cứu thuộc nhiều chuyên đề khác nhau (như bệnh tiêu chảy của trẻ, bệnh suy dinh dưỡng, bệnh suy tim mạch, bệnh viêm gan hay các bệnh về não của trẻ em…) của Giáo sư trong suốt 60 năm qua. Đó là những tập thư từ trao đổi của Giáo sư với các đồng nghiệp trong nước và ngoài nước, thư từ với người bệnh, thư từ với những người thân trong gia đình. Đó là những hồ sơ cá nhân từ thẻ học sinh, thẻ sinh viên cho đến các bản khai lý lịch, các bản tự kiểm điểm, các bằng khen, huân huy chương. Đó là các cuốn sổ ghi chép chuyên môn, và đặc biệt là 5 cuốn sổ với những trang hồi ký, nhật ký ghi lại những sự kiện hay những chuyến đi đặc biệt của giáo sư. Đó là những cuốn sách chuyên ngành trong thư viện riêng của Giáo sư. Đó là bộ sưu tập ảnh của gia đình và hoạt động khoa học của Giáo sư. Đó là những hiện vật, đồ vật, kỷ vật như chiếc máy chữ, đài catset, máy đo huyết áp, chiếc batoong… gắn bó với những năm tháng trong cuộc đời của GS Chu Văn Tường.

 Với tình cảm trân trọng, xúc động, PGS.TS Nguyễn Văn Huy phát biểu tại buổi Lễ

Các loại tư liệu, hiện vật ấy gồm khoảng 4000 đầu mục phần lớn là tài liệu gốc (nay Trung tâm đã phân loại cất giữ trong hơn 40 hộp tư liệu), được Giáo sư cẩn thận lưu giữ như báu vật quý giá nhất của mình. Giáo sư đã phân loại tỷ mỷ, chi tiết tất cả tài liệu. Thật hiếm những người có ý thức sâu sắc với những tài liệu lưu trữ như vậy. Đó là những tài sản vô giá của đất nước.

Giá trị lịch sử của bộ sưu tập này là vô cùng to lớn, nó không những phản ánh lịch sử cuộc đời của một nhà khoa học mà còn cả lịch sử của ngành Nhi khoa từ bước chập chững mới thành lập đến lúc trưởng thành và phát triển, phản ánh cuộc chiến giành giật sự sống và sức khỏe cho nhiều thế hệ trẻ thơ ở nước ta trong những điều kiện vô cùng khó khăn của đất nước suốt 60 năm qua, phản ánh về lịch sử của trường Đại học Y qua nhân chứng và đóng góp của một con người.

Giá trị xã hội của bộ sưu tập này rất lớn, nó cho thế hệ sau hiểu về các quan hệ xã hội, những điều kiện và hoàn cảnh sống, học tập, lao động, làm việc của nhà khoa học Việt Nam như thế nào trong nửa cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 thông qua từng trang giấy bản thảo, từng bài giảng của Giáo sư, từng trang nilon hay giấy nhựa trong để làm bài giảng trình chiếu, thông qua những suy nghĩ, tâm sự về cuộc đời của mình.

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam thật vinh dự và tự hào được gia đình GS Chu Văn Tường tin cậy trao tặng toàn bộ di sản khoa học của Giáo sư cho Trung tâm. Từ khi Giáo sư qua đời, bà quả phụ Chu Văn Tường và gia đình đã luôn luôn trân trọng giữ gìn, chăm sóc di sản vô cùng quý giá này của Giáo sư. Chính vì thế, năm tháng trôi đi nhưng những di sản này đã được bảo tồn trong điều kiện rất tốt, được giữ gìn nguyên vẹn. Trao cho Trung tâm những kỷ vật thân thiết của người chồng, người cha, người ông, chúng tôi hiểu, là gia đình Giáo sư đã đặt một niềm tin vô cùng lớn lao với Trung tâm.

Chúng tôi nhận trách nhiệm với xã hội là bảo tồn di sản của tất cả các nhà khoa học Việt Nam. Gần 4 năm qua, chúng tôi đã tiếp cận và lưu giữ di sản của 200 nhà khoa học với hơn 30.000 đầu tư liệu, hiện vật. Di sản của các nhà khoa học được lưu giữ ở Trung tâm sẽ ngày càng tăng, đi liền với nó là trách nhiệm của chúng tôi sẽ ngày càng nặng nề hơn, chúng tôi phải làm sao vừa bảo tồn thật tốt, vừa phát huy thật nhiều giá trị của những di sản ấy bằng nhiều phương thức khác nhau tới công chúng và những ai quan tâm tới lịch sử ngành Y nói riêng và lịch sử Việt Nam đương đại nói chung.

Chúng tôi hứa với vong linh GS Chu Văn Tường và gia đình của Giáo sư, Trung tâm chúng tôi sẽ làm hết sức mình để gìn giữ trong điều kiện tốt nhất những di sản của Giáo sư mà chúng tôi được tiếp nhận ngày hôm nay.

Một lần nữa xin chân thành cảm ơn bà Chu Văn Tường, PGS Chu Mạnh Khoa và toàn thể gia đình đã giao cho Trung tâm trọng trách này.

Xin cảm ơn.