Bài phát biểu của PGS.TS Nguyễn Văn Huy tại Lễ tiếp nhận tài liệu hiện vật của GS.TS.Đại tá Đinh Xuân Dũng





 

Kính thưa GS.TS.Đại tá Đinh Xuân Dũng và phu nhân – PGS.TS Nguyễn Thị Chiến cùng toàn thể gia đình!

Kính thưa các nhà khoa học cùng các vị khách quý!

Kính thưa bà Võ Thị Ngọc Lan, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty MEDLATEC!

Thưa các bạn đồng nghiệp!

Hôm nay là lễ tiếp nhận tài liệu hiện vật lần thứ 15 trong số 1154 nhà khoa học Trung tâm Di sản các nhà khoa học đã nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, hiện vật. Trung tâm chúng tôi rất vui khi được tổ chức tiếp nhận bộ sưu tập tài liệu hiện vật của một nhà nghiên cứu lý luận về văn hóa văn nghệ – GS.TS Đinh Xuân Dũng.

Ngay khi Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam liên hệ, đặt vấn đề tìm hiểu, nghiên cứu sưu tầm tư liệu về lịch sử cuộc đời của GS Đinh Xuân Dũng, Giáo sư đã rất ủng hộ công việc của Trung tâm. Thời điểm ấy, GS Đinh Xuân Dũng là Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, kiêm Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương nên rất bận, chưa có thời gian để làm việc cụ thể với chúng tôi. Nhưng, ông hứa “sẽ sắp xếp thời gian để soạn và gửi tặng toàn bộ tài liệu cho Trung tâm lưu giữ”. Nhìn trên cuốn lịch để bàn chi chít nét bút của ông ghi lịch họp, lịch làm việc, chúng tôi thầm nghĩ, có lẽ phải chờ đợi lâu ông mới có thể thực hiện lời hứa đó. Thế rồi, cuối tháng 12-2016, chúng tôi nhận được lịch hẹn của GS Đinh Xuân Dũng, với lời nhắn: “Các bạn có thể sắp xếp thời gian đến lấy toàn bộ tài liệu và thư viện của mình tại văn phòng và tại gia”. Đó thực sự là tin vui bất ngờ với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Thưa quý vị, Trung tâm đã vinh dự được GS Đinh Xuân Dũng giao hơn 13.000 đầu tài liệu hiện vật mà theo ông đó là kết quả của “mồ hôi, nước mắt, là những đêm thức trắng và là tài sản quý cả cuộc đời” của ông. Khối tài sản bao gồm sổ công tác, bản thảo công trình, thư từ, bài giảng, luận án, hồ sơ, giấy tờ cá nhân, sách, ảnh… Tất cả đều thân thiết, gắn bó với những ký ức của người chủ chúng. Chỉ nhắc đến một tấm ảnh nhỏ, cũ kỹ nằm trong khối tài liệu ấy cũng khiến GS Đinh Xuân Dũng xúc động. Mặt sau bức ảnh có dòng chữ nghệch ngoạc của con trai Đinh Song Linh: “Cha tôi trong chiến trường, vào những ngày xa nhà”. Đó là bức ảnh chụp năm 1974, khi ông đang trên đường hành quân. Cầm trên tay, xem lại bức ảnh, hai dòng nước mắt Giáo sư lặng lẽ rơi. Ông kể rằng bức ảnh đó gợi nhớ về một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời ông. Đó là vào năm 1974, khi đang là giảng viên khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông nhận được lệnh nhập ngũ. Mặc dù, ông có thể xin ở lại vì sức khỏe yếu. Nhưng với nhiệt tình tuổi trẻ, và truyền thống gia đình từng có 7 anh em tham gia cách mạng nên ông vui vẻ chấp hành lệnh lên đường đi chiến trường giải phóng miền Nam.

Những tháng ngày trong quân đội với biết bao thử thách đã giúp ông thu thập được nhiều thực tiễn phong phú về mảng văn học chiến tranh, và đó chính là nguồn cảm hứng của nhiều tác phẩm, nhiều công trình và bài viết trong thời gian này. Trong bộ sưu tập tài liệu Giáo sư bàn giao cho Trung tâm ngày hôm nay, vẫn còn nguyên vẹn những bản thảo về một số bài viết và công trình về mảng văn học thời chiến tranh hay luận án phó tiến sĩ mà ông bảo vệ năm 1982 tại trường Đại học Humboldt, Cộng hòa Dân chủ Đức, nhất là những tư liệu liên quan tới đề tài tâm huyết mà ông đã góp phần đề xuất xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa trong quân đội.

Năm 1999, do yêu cầu đặc biệt để tăng cường lãnh đạo công tác văn hóa văn nghệ ở cơ quan trung ương, Đại tá Đinh Xuân Dũng được điều động từ Tổng cục Chính trị về công tác tại Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương). Ông đã nhanh chóng bắt nhịp với công việc mới ở một tầm cao hơn – một công việc cần sự nhạy cảm và bản lĩnh lớn hơn. Tại đây, ông có cơ hội thường xuyên tiếp cận với thực tế rộng lớn cả nước, từ miền xuôi đến miền ngược, được tiếp xúc với nhiều tầng lớp từ nông dân, công nhân, văn nghệ sĩ, các quan chức đến cả các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và nhà nước, điều đó giúp ông hiểu được rõ sự vận động của đời sống chính trị nhất là đời sống văn hóa, văn nghệ. Là nhà khoa học, GS Đinh Xuân Dũng đã làm việc không mệt mỏi nghiên cứu và tổng kết thực tiễn để góp phần đề xuất nhiều chủ trương, đường lối cho công tác văn hóa, văn nghệ, đồng thời cho ra đời những tác phẩm lý luận văn hóa-văn nghệ. Đến nay, ông đã cho xuất bản hàng trăm bài viết và 25 cuốn sách chuyên khảo. Năm 2013, GS Đinh Xuân Dũng bị ốm nặng, có lúc tưởng chừng như đã tuyệt vọng. Ông tâm sự “bước sang tuổi 69, tôi gặp bạo bệnh. Nhưng tôi luôn ý thức rõ, nếu không làm việc thì sức khỏe cũng yếu đi. Vì vậy, vừa làm việc, tôi vừa chữa bệnh, và thật may là càng chữa bệnh thì càng được việc! Nằm trên giường bệnh, tôi vẫn đọc, vẫn viết, viết ở trong tim óc mình hoặc nói, nhờ người ghi lại”. Cuốn sách “Văn hoá và con người Việt Nam hiện nay – Mấy suy nghĩ từ thực tiễn” ra đời trong hoàn cảnh ấy. Chỉ chi tiết này thôi đã làm chúng ta cảm phục ý chí và nghị lực của một con người hết mình vì khoa học.

Thưa quý vị, khối tài liệu hiện vật GS Đinh Xuân Dũng trao tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam có giá trị không chỉ liên quan đến cuộc đời hoạt động khoa học của ông mà còn liên quan đến nhiều vấn đề về sự phát triển văn hóa-văn nghệ nói chung, cũng như trong quân đội nói riêng, nhất là vào thời kỳ đất nước Đổi mới và hội nhập. Nhân dịp Trung tâm vinh hạnh được tiếp nhận toàn bộ di sản cuộc đời của GS.TS, Đại tá Đinh Xuân Dũng, tôi xin bày tỏ lời cảm ơn chân thành nhất tới GS Đinh Xuân Dũng, phu nhân và toàn thể gia đình của giáo sư.

Xin kính chúc GS Đinh Xuân Dũng và gia đình luôn mạnh khỏe, tràn đầy niềm vui và hạnh phúc!
Kính chúc tất cả quý vị sức khỏe và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.

Xin cảm ơn!

PGS.TS Nguyễn Văn Huy