Thưa, TS Trần Văn Tính, Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học và công nghệ Tập đoàn MED-GROUP, Tổng chỉ huy các hoạt động tại Công viên và Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
Thưa, các vị Giám đốc, Phó Giám đốc các Bảo tàng, Di tích và Trung tâm Lưu trữ
Thưa, các bạn đồng nghiệp
PGS.TS Nguyễn Văn Huy phát biểu đề dẫn Tọa đàm
Hôm nay tôi rất vui mừng vì sự có mặt đông đảo các bạn đồng nghiệp từ các Bảo tàng, Di tích và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, sự có mặt của nhiều nhà khoa học, chuyên môn tại Công viên Di sản Các nhà khoa học Việt Nam. Xin nhiệt liệt chào mừng các bạn đã tới dự cuộc Tọa đàm quan trọng này. Sự hiện diện của các bạn là một sự ủng hộ mạnh mẽ cho sáng kiến của Trung tâm Di sản – tổ chức chuỗi tọa đàm trong năm 2023 về các vấn đề cấp thiết xoay quanh công tác bảo tàng, lưu trữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nhất là việc nâng cao chất lượng các cuộc trưng bày, triển lãm.
Tại sao chúng ta lại cần một chuỗi tọa đàm này? Trong chúng ta, tất cả các đại biểu có mặt hôm nay, chắc đều chưa hài lòng về chất lượng các cuộc trưng bày và nhiều hoạt động phát huy giá trị di sản ở các bảo tàng, di tích hay ở các trung tâm lưu trữ. Chúng ta có mối băn khoăn chung là chưa tạo ra được những trưng bày, những triển lãm hấp dẫn, chưa thu hút được đông đảo công chúng tới các bảo tàng, di tích, các trung tâm lưu trữ. Chúng ta còn trăn trở về loại hình thiết chế văn hóa mà chúng ta đang phục vụ chưa thực sự có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống, trong sinh hoạt văn hóa của xã hội. Nhận thức được đây là vấn đề lớn, nổi cộm cần tháo gỡ, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam mong muốn tạo ra một diễn đàn chung cho những người làm công tác di sản cùng nhau tìm những câu trả lời cho bài toán trên. Chúng tôi tin rằng việc trao đổi, giao lưu, học hỏi những kinh nghiệm thành công, những bài học về điểm chưa tốt, còn hạn chế từ mỗi cuộc triển lãm, trưng bày nói riêng, từ những hoạt động phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung của các đơn vị quản lý di sản, của đồng nghiệp là rất quan trọng. Diễn đàn này cần diễn ra liên tục, thường xuyên có sự tiếp nối các chủ đề để góp phần nâng cao nhận thức và hành động của những người quản lý và làm công tác di sản.
Chúng tôi nhận thấy trong những năm gần đây hoạt động ở lĩnh vực di sản của chúng ta đã có những điểm sáng. Chúng ta có thể nhận thấy sự thành công, hiệu quả trong một số cuộc trưng bày, triển lãm, hoạt động trình diễn, ở đó đã thể hiện cách tiếp cận mới, nhiều ý tưởng, nội dung mới và cũng có nhiều giải pháp trưng bày mới. Đó là những tín hiệu đáng mừng và chúng ta cần cùng nhau chia sẻ, chắt lọc kinh nghiệm từ những tín hiệu đó để mỗi người có thể vận dụng trong công tác của mình. Hy vọng mỗi tọa đàm trong chuỗi tọa đàm của chúng ta sẽ mở mang một điểm mới, một nhận thức mới, một động lực mới, một hành động mới để mỗi người tham dự có thể truyền tải hơi thở mới cho đơn vị của mình.
Chúng ta tổ chức chuỗi tọa đàm như thế nào để hữu ích nhất? Thưa các bạn, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam sẽ là đơn vị tự nguyện đứng ra tổ chức một chuỗi tọa đàm về các vấn đề xoay quanh công tác bảo tàng, lưu trữ, và phát huy giá trị di sản. Bởi đây cũng là vấn đề cốt lõi của chúng tôi. Chủ đề mỗi cuộc tọa đàm là những vấn đề cấp thiết, những thành quả sáng tạo cần học hỏi và được lãnh đạo Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam cùng các đơn vị bảo tàng, di tích, trung tâm lưu trữ, các nhà chuyên môn quan tâm, tham gia tọa đàm đề xuất từ những điểm sáng mà chúng ta nhận ra. Ban Tổ chức sẽ mời báo cáo viên ở những đơn vị có những đột phá mới trong trưng bày, hoạt động chuẩn bị thuyết trình; Cử tọa tham dự là những nhà quản lý, nhà khoa học, nhà chuyên môn, các nhà thiết kế nội thất trưng bày bảo tàng thực sự quan tâm tới việc đổi mới hoạt động của bảo tàng, di tích, và lưu trữ. Tại diễn đàn này các cử tọa có cơ hội thảo luận, nêu ý kiến một cách cởi mở.
Chúng ta cần thống nhất rằng ở đây không phải là diễn đàn để nói về lý luận chung chung mà chủ yếu là nơi chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn. Chúng tôi hi vọng chuỗi tọa đàm sẽ là một không gian học thuật, là dịp để người làm công tác bảo tàng, quản lý di tích và lưu trữ có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, cùng nhau xây dựng những ý tưởng mới, cách làm mới trong công tác trưng bày, giáo dục phát huy giá trị di sản, nâng cao vị thế vai trò của các cơ quan lưu trữ, bảo tàng và quản lý di tích trong xã hội hiện đại, góp phần phát triển ngành bảo tàng, lưu trữ ở Việt Nam.
Cuộc Tọa đàm đầu tiên hôm nay có chủ đề “Kinh nghiệm từ những cuộc trưng bày, triển lãm của các Trung tâm lưu trữ quốc gia”. Sở dĩ lựa chọn chủ đề này là vì vừa qua Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I vàTrung tâm Lưu trữ Quốc gia III đã có những khởi sắc rất đáng mừng trong một số trưng bày, triển lãm thành công hay trong việc khuyến khích cộng đồng chia sẻ tư liệu và hợp tác trong công tác phát huy giá trị di sản. Đó là triển lãm về Hoài niệm Hà Nội Phố, về Cầu Long Biên, đó là cuộc trưng bày về Dấu ấn Thành Nam có sự phối hợp giữa Bảo tàng Nam Định và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, đã được đông đảo công chúng hoan nghênh; Đó là trưng bày về Hội nghị Paris: Cuộc đàm phán lịch sử (2023) của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III. Những trưng bày này đã mang lại hiệu quả trong đời sống văn hóa. Để có được thành công như vậy, theo tôi các trưng bày này đã phần nào tiếp cận và giải quyết tương đối tốt ba trụ cột lớn trong hoạt động trưng bày: khoa học, nghệ thuật và công nghệ. Chúng ta biết thực hiện mỗi cuộc trưng bày, triển lãm một cách chuyên nghiệp đều cần dựa trên nền tảng của ba trụ cột lớn này. Thiếu một trong ba yếu tố xương sống này, dù quy mô của triển lãm, trưng bày thế nào thì cũng kém đi sự hấp dẫn, sự quan tâm của công chúng, nhất là thế hệ trẻ/công chúng trẻ tuổi.
Tại cuộc Toạ đàm hôm nay, trên cơ sở nội dung tham luận của báo cáo viên từ hai Trung tâm Lưu trữ quốc gia, chúng ta sẽ thảo luận, trao đổi về hiệu quả, kinh nghiệm thành công của các trưng bày này. Những kinh nghiệm từ xây dựng ý tưởng, hình thành kịch bản, từ những khó khăn, trở ngại phải vượt qua, đến việc phối kết hợp với nhà thiết kế, đồ họa… để tạo dựng được những trưng bày hiện đại, hấp dẫn sẽ là nội dung được thảo luận. Chúng tôi hy vọng một không gian học thuật cởi mở, bổ ích sẽ giúp những người làm lưu trữ, bảo tàng, quản lý di tích có nhiều cơ hội trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức và hành động trong lĩnh vực công tác của mình.
Xin trân trọng cảm ơn!
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam