Bài thơ về một thời sôi nổi

GS.TS. AHLĐ Nguyễn Anh Trí – nhà Y học, hiện là Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Ông sinh năm 1957 ở Lệ Thủy, Quảng Bình – miền đất cát trắng gió Lào, nơi có dòng sông Nhật Lệ hiền hoà, con người trong gian khó mà hiếu học. Lớn lên trong lời ru của mẹ, sự kỳ vọng của cha…tất cả đã tạo lên con người ông – một nhà y học tận tụy cống hiến và một tâm hồn rất nghệ sĩ.

Với GS Nguyễn Anh Trí niềm hạnh phúc cùng trọng trách của một thầy thuốc là mang lại sự sống cho bệnh nhân, chính vì vậy luôn chú trọng việc tổ chức các hoạt động chuyên môn y tế nhằm nâng cao nhận thức và hiệu quả khám chữa bệnh trong cả nước. Năm 2013, GS Nguyễn Anh Trí có chuyến công tác vào Lâm Đồng, Đà Lạt để mở lớp tập huấn về Bệnh Thalassemia cho các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Tại đây ông gặp lại người bạn học sau ông ba khoá Phạm Thị Bạch Yến, nay chị đã là Tiến sĩ y khoa, Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng. Sau thời gian làm việc, trong một buổi giao lưu do Sở y tế Lâm Đồng tổ chức, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hà – Trưởng khoa Thalassemia của Viện Huyết học hào hứng khi nhắc đến tài làm thơ và viết nhạc của GS Nguyễn Anh Trí. Tuy nhiên, bà Bạch Yến không hề tỏ sự ngạc nhiên vì khi còn là sinh viên cùng trường với anh sinh viên khóa trên Nguyễn Anh Trí, bà đã được nghe nhiều bài thơ do ông sáng tác trong các đêm hội thơ của trường. Để chứng minh cho điều này, TS Yến đã nhắc đến và đọc lại một cách trôi chảy, truyền cảm bài thơ "Qua rồi thời sinh viên" của tác giả Anh Trí, đã khiến ông hết sức ngạc nhiên, cảm động. Và giữa không gian thơ mộng của Đà Lạt về đêm – nơi bắt nguồn cho cảm hứng thi ca và nghệ thuật, bài thơ như được tươi mới trong câu chuyện của hai người bạn. TS Phạm Thị Bạch Yến chia sẻ với GS Nguyễn Anh Trí rằng: Bà đã thuộc bài thơ này từ khi còn là sinh viên tham gia các buổi sinh hoạt về thơ, sau này bà đã đọc cho nhiều bạn bè và cả con của mình (một sinh viên y khoa) nghe. Và bà hứa sẽ chép tặng lại chính tác giả bài thơ này.

Nét chữ của TS. BS Bạch Yến

Sáng hôm sau, khi nhận lại tác phẩm của chính mình do TS Bạch Yến chép tặng lại, GS Trí vô cùng xúc động, ông trân trọng viết vào mặt sau trang giấy ghi bài thơ về thời gian sáng tác bài thơ, về hoàn cảnh gặp lại bà Bạch Yến cùng lời cảm ơn bà.

Ba mươi năm trôi qua, với những bộn bề của công việc, của cuộc sống, GS Nguyễn Anh Trí như được trở về với những ngày tháng trẻ trung sôi nổi của mình qua những vần thơ xưa. Nhớ về bài thơ "Qua rồi thời sinh viên" được sáng tác khoảng năm 1983 – 1984 khi ông đang học bác sĩ nội trú. GS Trí chia sẻ: "Tôi yêu quãng đời sinh viên dưới mái trường Đại học Y Hà Nội, tôi ý thức được một quãng đời quan trọng tiếp theo – đó là học bác sĩ nội trú. Để bày tỏ tấm lòng ơn thầy, nhớ về bạn bè, nhớ về một quãng đời yêu dấu và để chuẩn bị tâm thế học tập và phấn đấu cho một quãng đời học tập, rèn luyện mới và cho cả một cuộc đời sắp tới, tôi đã viết lên bài thơ này”. Cũng theo hồi ức của GS Nguyễn Anh Trí, ngày ấy, bài thơ "Qua rồi thời sinh viên" thường được đọc trong các buổi gặp mặt như sinh nhật hoặc đêm thơ giữa các nhóm sinh viên trường Đại học Y, Đại học Sư phạm, Đại học Tổng hợp… Niềm vui còn được nhân lên khi Bác sĩ nội trú Anh Trí biết bài thơ được chọn đăng trong Tập thơ kỷ niệm 90 năm thành lập trường Đại học Y Hà Nội, đặc biệt khổ thơ cuối được lấy để giới thiệu cho tập thơ. Bởi lẽ, những vần thơ đó không chỉ nói về khát khao vươn lên của riêng tác giả, mà còn là tâm tư ước nguyện của cả thế hệ sinh viên trường Đại học Y, như lời TS Bạch Yến: "Anh đã viết cho chính mình, cho nhiều thế hệ sinh viên lúc ấy và sau này":

Trẻ trung của một thời

Hãy đừng bao im ắng

Ước mơ của một đời

Hãy đừng bao dịu lặng.

Đón nhận lại sáng tác của chính mình – bài thơ "Qua rồi thời sinh viên" chép tay của TS Bạch Yến, GS Anh Trí đã đánh máy lại và đề tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam: "Bài thơ lưu lạc gần 30 năm" cùng chữ ký ở góc lề trái.

GS.TS Nguyễn Anh Trí (trái) và Nhà thơ, nhạc sĩ Thụy Kha trong buổi giới thiệu hai tập thơ

"Mẹ và những miền quê mẹ" và "Sống mãi với thu vàng"

Thời gian trôi qua, chàng sinh viên nội trú Nguyễn Anh Trí ngày nào giờ mái tóc đã điểm bạc. Đảm nhiệm cương vị Viện trưởng Viện huyết học – Truyền máu Trung ương từ năm 2003, mặc dù trách nhiệm chuyên môn rất nặng nề, song tâm hồn thơ của ông vẫn luôn song hành với sự nghiệp chăm lo sức khỏe con người. Trong sự nghiệp thơ ca của GS Nguyễn Anh Trí phải kể đến hai tập thơ "Mẹ và những miền quê mẹ" (2012) và "Sống mãi với thu vàng" (2014). Và có lẽ chính tâm hồn, tình yêu nghề, yêu các miền quê đất nước mà ông gửi gắm vào các ý thơ, đã góp sức cho những sáng tạo, những thành công của ông trong sự nghiệp. Như trong lời tựa của tập thơ "Sống mãi với thu vàng", nhà thơ Trung Trung Đỉnh có viết "Ngoài làm khoa học anh say sưa làm thơ. Khi làm thơ anh vẫn say sưa làm khoa học. Thơ và khoa học là hai lĩnh vực khác hẳn nhau, nhưng có sức hấp dẫn nhau, bổ sung cho nhau, tạo nên một Nguyễn Anh Trí lúc nào cũng hào hứng và chân thành, hiền hoà và nhân hậu, tươi trẻ và sung mãn".

                                                                                               

GS.TS Nguyễn Anh Trí sinh 1957 tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

1976-1982: Sinh viên trường Đại học Y khoa Hà Nội. Tốt nghiệp chuyên ngành Huyết học – Truyền máu, năm 1982.

1982-1985: Nội trú bệnh viện và trợ lý giảng dạy chuyên ngành Huyết học – Truyền máu; Tốt nghiệp Bác sĩ chuyên khoa cấp I (1985).

1986-1994: Bác sĩ, Ủy viên Hội đồng Khoa học Bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô (nay là Bệnh viện Hữu nghị); Bảo vệ luận án Tiến sĩ Y Dược học, chuyên khoa Huyết học – Truyền máu tại trường Đại học Quân y (1993);Thực tập về chuyên đề Medical tech- nology/Clinicaltest technology tại Nhật Bản (6-1993 đến 11-1994).

Từ 1-4-1996 đến 2002: Cán bộ kiêm nhiệm, giảng dạy môn Huyết học – Truyền máu tại trường Đại học Y khoa Hà Nội; Tốt nghiệp Bác sĩ chuyên khoa cấp II (1998); Học lớp Chính trị cấp cao tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (1998-2000);

2000-2003: Học viên khóa 5 trường Đại học Luật Hà Nội.

Từ 2003 đến nay: Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương; 2012 được phong Anh hùng Lao động.

 

Lê Thị Hoài Thu