Bài thuyết trình

Sinh viên Trường Y trong giờ thực hành.

Tôi nhớ mãi hồi tôi còn là sinh viên năm thứ hai, được nghe thầy Đặng Văn Chung giảng bài lâm sàng về “bệnh thận nhiễm mỡ”. Thầy kể tóm tắt một bệnh án, một cháu bé 8 tuổi người nước ngoài bị mắc căn bệnh này. Thầy thuốc khám và chẩn đoán bệnh cho em, nói với mẹ của em rằng bệnh không thể chữa được, cháu muốn ăn gì thì cứ cho ăn tùy ý. Bà mẹ của cháu rất buồn, bà nghĩ thôi thì ngày nào cháu còn sống thì cho cháu ăn thỏa thích. Em chỉ thích ăn thịt nạc, ăn thay cả chất bột. Thế rồi lạ kỳ thay, sau một thời gian, cháu bé khỏi bệnh. Sở dĩ trước đấy em bị bệnh vì ăn nhiều chất bột và nhiều mỡ quá nên mỡ tích cả ở thận ngoài việc toàn thân cũng béo bệu.

Những bài học như thế rất bổ ích, rất thực tế và cũng dễ nhớ vô cùng. Biết vậy, mà đã hơn bốn mươi năm làm công tác giảng dạy ở trường đại học, tôi cũng chưa lần nào thực hiện được, mặc dù tôi cũng hay nhắc nhở đến chuyện này trong các cuộc họp bộ môn. Nghĩ mà xấu hổ!

Kiểm điểm lại, nguyên nhân cũng là do phương pháp giảng dạy chưa tốt. Nếu giao nhiệm vụ thì ngay cả sinh viên nội trú chưa ra trường được giao trách nhiệm giảng “Triệu chứng học” đều làm một cách thoải mái, tự nhiên và tự tin nữa. Bây giờ, chỉ có giáo sư giảng những loại bài như thế, mỗi bộ môn thường chỉ có một giáo sư và gần đây, đặc biệt lắm mới có hai giáo sư. Cho nên những cán bộ không phải là giáo sư thì không ai dám tự nguyện làm và có nhiều bộ môn không giảng bài lâm sàng cũng không có gì là khó hiểu.

Theo nhận xét của chúng tôi, nếu là những thầy thuốc cần cù và năng nổ một chút thì chỉ cần 10 năm sau khi ra trường là đã có thể tự tổng kết kinh nghiệm đủ để phát hiện ra những điều mới. Khi tôi còn là sinh viên, được cử làm phụ trách học tập của lớp, từ năm Y4 đã thấy có những bạn xung phong trình diễn trước lớp những chuyên đề về lâm sàng qua những kinh nghiệm chẩn đoán, điều trị ở bệnh phòng và của bản thân họ. Tôi đã đề xuất cách học tập đầy đủ qua 4 khâu: “Tai nghe, mắt nhìn, miệng nói, tay làm” và được các bạn chấp nhận. Đặc biệt, tôi đề nghị trong thực hành thủ thuật, phẫu thuật, trước mỗi ca mổ, tranh thủ trong lúc rửa tay, từng người luân phiên trình bày tuần tự từng động tác mình sẽ phải thực hiện trong cuộc mổ. Sai, đúng chỗ nào, mọi người góp ý cho hoàn chỉnh. Nhờ thế mà trong 3 tháng thực tập ở mỗi bộ môn có phẫu thuật, hơn 90 con người chúng tôi ai cũng được làm dụng cụ viên, phụ mổ hai, phụ mổ một và ít nhất một lần chính thức được cầm dao mổ.

Tuy qua thăm và học ở các khoa Sản tại 4 trường Đại học của 4 tỉnh lớn Hungari, tôi không thấy có giảng những bài học lâm sàng như cách làm của GS. Tôn Thất Tùng và GS. Đặng Văn Chung, nhưng tôi vẫn khao khát, tâm đắc với phương pháp dạy và học kết hợp 4 khâu như đã mô tả ở trên. Phương pháp “Bài giảng lâm sàng” của thầy Tôn Thất Tùng và thầy Đặng Văn Chung đã gần đủ 4 khâu ấy, chỉ còn hạn chế khâu thảo luận giữa thầy và các trò mà thôi.

Theo tôi nghĩ, chúng ta nên mạnh dạn giao công việc giảng dạy lâm sàng cho các cán bộ tốt nghiệp đại học và đã có thời gian công tác từ 10 năm trở lên, không nhất thiết phải là giáo sư. Sau bài giảng sẽ được các thầy và các bạn tham gia góp ý. Nếu gọi là bài giảng lâm sàng của giáo sư thì làm giảm mất phần tham gia ý kiến của sinh viên. Thay vì bài giảng, có lẽ nên lấy tên khác thì hơn, thí dụ, “bài thuyết trình” chẳng hạn. Đây cũng là một dịp đào tạo, bồi dưỡng nhân tài về khoa lý luận, phân tích và tổng hợp trong nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện cho các cán bộ y tế của ta nhanh chóng có khả năng đi tham dự các hội nghị khoa học ở nước ngoài với các bản báo cáo và tham luận sáng giá để sớm được góp ý nâng cao trình độ quốc tế cho chúng ta.

GS.TS. Nguyễn Khắc Liêu