Bài viết của GS.TSKH Nguyễn Mạnh Liên

Ngày 1-1-1951, Nguyễn Mạnh Liên cùng 39 sinh viên khoa Y15 hay còn gọi là khoá Y50 của trường Đại học Y nhập ngũ thành sinh viên quân Y. 10 người theo đội điều trị 5 ra mặt trận Hồng Quảng, đường số 18, số còn lại được phân phối vào các bệnh viện và đội điều trị quân đội.

Đến tháng 10-1952, cả lớp lên đường phục vụ chiến dịch Tây Bắc và Trần Mạnh Liên cùng một số sinh viên được phiên chế về Trung đoàn 77. Khi chiến dịch Trần Đình (mật danh của chiến dịch Điện Biên Phủ) bắt đầu mở, Trung đoàn được lệnh di chuyển lên Điện Biên.

Bài viết Điện Biên Phủ và khóa sinh viên Y50 của GS.TSKH Nguyễn Mạnh Liên

Trên đường lên Điện Biên, Trung đoàn 77 dừng chân tại ngã ba Cò Nòi (Sơn La) để cùng công binh sửa đường. Bởi đây là một “yết hầu” mà địch quyết liệt ngăn chặn hòng cắt đứt con đường vận tải, tiếp tế về mọi mặt cho chiến trường Điện Biên Phủ. Trên cương vị Chủ nhiệm Ban Quân y tiền phương của Trung đoàn, Ông Trần Mạnh Liên hướng dẫn lại cho quân y các tiểu đoàn về bài huấn luyện cho bộ đội tự cứu và cấp cứu trong các tình huống bị đá đè, và nhất là khi bị sức ép bom nổ… Chiều đến, bộ đội ra mặt đường, tổ quân y trung đoàn với túi thuốc cấp cứu và bó nẹp trên vai, vừa đi vừa chạy dọc tuyến đường để cứu chữa cho thương binh tới sáng ngày sau. Cuối tháng 3, sau chiến thắng Him Lam, đồi Độc Lập và Bản Kéo, Trung đoàn tiếp tục hành quân lên Điện Biên Phủ.

Khoảng 20 sinh viên khoá Y50 đã có mặt ở Điện Biên Phủ: sinh viên Phan Chúc Lâm và Tạ Long ở sư đoàn 308, Đoàn Bá Thả ở sư đoàn 316, Nguyễn Cảnh Cầu ở sư đoàn 304, Nguyễn Quang Long ở sư đoàn 351, Phạm Tử Dương và Phạm Ngọc Phủ ở đội điều trị 2, Phan Ngọc Ngoạn ở trung đoàn 66 – sư đoàn 304.

Cùng lúc này rất nhiều bạn sinh viên khoá Y50 ở các chiến trường phối hợp như Lê Minh và Phí Văn Ngạc ở địch hậu đồng bằng Bắc Bộ, Hà Văn Ngạc ở đội điều trị 7 Thượng Lào.

Tại Điện Biên, nơi làm việc của các đội điều trị là các hầm mổ, tường rất phẳng, sàn lát bằng gỗ, được căng vải dù mùi ê te thơm dịu, phẫu thuật viên và y tá mặc áo blu trắng mổ xẻ dưới ánh sáng của các đèn mổ chạy bằng dynamô xe đạp. Thương bệnh binh được nằm trên các giường đất phẳng phiu trải vải dù, tại các ngách hầm sạch sẽ. GS Nguyễn Mạnh Liên cho rằng: Chính cuộc kháng chiến chống Pháp mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ là trường học lớn, đã rèn luyện cho chúng tôi tinh thần sáng tạo, ý chí quyết tâm, vượt mọi khó khăn học tập để phục vụ nhân dân, phục vụ quân đội.

Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, Nguyễn Mạnh Liên được lệnh hộ tống một số thương bệnh binh bằng ô tô về Yên Bái. Nhờ những đóng góp cho chiến dịch, ông được tặng thưởng huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ. Sau này, để nhớ về những kỷ niệm một thời sinh viên sôi nổi, GS.TSKH Nguyễn Mạnh Liên đã viết bài Điện Biên Phủ và khóa sinh viên Y 50. Bài viết này sẽ được đưa ra triển lãm tại Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024).