Balo của PGS.TS Trần Anh Ngoan

Năm 1985, giảng viên Trần Anh Ngoan được KS Thái Hồng Phương (chồng của đồng nghiệp với vợ ông) tặng chiếc balo. Sau này, chiếc balô đã được ông Ngoan sử dụng từ năm 1985-2007, trong nhiều chuyến đi thực địa để lấy tư liệu cho một số công trình nghiên cứu: luận án tiến sĩ về “Thành phần vật chất và quy luật phân bố quặng sắt, đa kim vùng Tùng Bá, Hà Giang”, 1988; đề án “Thực địa tổng hợp, đánh giá chất lượng phụ gia xi măng ở Thạch Thành, Thanh Hóa”, 1996; đề án “Khảo sát địa chất, tìm kiếm quặng vàng thượng nguồn sông Mã, Điện Biên”, 1997; đề án “Tìm kiếm vàng vùng Mường Phín, Savanakhet (Lào)”, 2007.

Năm 1995, ông Trần Anh Ngoan cùng với PGS.TS Đỗ Đình Toát  hợp tác thực hiện đề tài “Đánh giá tiềm năng khoáng sản ở tỉnh Bình Định”. Nhiệm vụ của ông Ngoan lúc đó là tìm kiếm quặng vàng ở Hoài Ân, Bình Định. Trong một tháng liên tục, ông ở nhờ nhà dân, nhờ dân nấu ăn, nếu cần người hỗ trợ sẽ nhờ trưởng thôn tìm hộ. Mỗi ngày, ông cùng người dẫn đường đi  khảo sát địa chất khoảng 3km. Ông cho biết: Sở dĩ cần người dẫn đường vì sợ nhất là gặp phải mìn trên đường  đi thực địa, vì khi đến tôi thấy dân kể về việc gia súc gặp mìn khi vào rừng kiếm ăn, nên tôi cũng lo lắng lắm. Nhưng sau có người đi dẫn đường, nên hành trình đều không gặp nguy hiểm .

Hàng ngày, trước khi đi thực địa, Trần Anh Ngoan sẽ chuẩn bị đầy đủ cho chuyến đi thực địa. Các vật tư kỹ thuật như: Túi đựng mẫu, giấy gói…được cất trong balo và do người dẫn đường mang. Vì ngoài thực địa không có sơn để ghi số hiệu mẫu, nên mỗi mẫu đá lấy tại điểm quan sát sẽ được ông dùng giấy etiket để ghi chú các thông tin cần thiết rồi dán vào mẫu đá cùng với việc vẽ, ghi chép vào sổ nhật ký địa chất và chụp ảnh. Sau đó, mẫu đá sẽ được dùng giấy báo hoặc giấy chuyên dụng để bọc và đựng trong balô trong quá trình di chuyển, tuyệt đối không được làm mất giấy nhãn etiket khiến lẫn thông tin của mẫu.

Tại mỗi điểm có nghi vấn, ông thường lấy 2 mẫu đá: một mẫu cục lớn (đại diện cho khu vực khảo sát), một mẫu nhỏ (để đưa đến Viện Địa chất khoáng sản mài, sau đó mới thực hiện các thao tác ở văn phòng như xem dưới kính hiển vi phân cực nghiên cứu, đánh giá…) và nếu có biểu hiện liên quan đến quặng thì số lượng mẫu cần lấy bằng với số mẫu đá. Với số lượng mẫu nhiều như vậy, ông thường phải dùng balô để vận chuyển. Ông kể: Mỗi mẫu đá nghi vấn tìm được khi đi khảo sát nặng tầm 7-8 lạng, một ngày đi khảo sát có khi lấy đến chục mẫu thì không thể không mang theo balô được. Đường rừng, lên xuống dốc liên tục, tôi còn phải thuê người vác hộ, nhiều lúc dân còn phải kéo balô vì nặng quá. Đi nhiều với mang nặng nên balô mới bị rách nhiều như thế, có chỗ tôi còn phải vá hoặc khâu lại rồi dùng tiếp .

Kể về chiếc balô đã được sử dụng trong nhiều năm đi nghiên cứu của mình, PGS Trần Anh Ngoan nhận xét: “Chiếc balo này tiện lắm, nhét đủ thứ mà vẫn được, hầu như chuyến đi thực địa nào tôi cũng sử dụng, dùng nhiều đến mức nó bị thủng rất nhiều chỗ, có chỗ tôi còn phải vá vì rách to quá, nhưng nó vẫn được tôi lưu giữ rất cẩn thận để làm kỷ niệm một thời khó quên”.