Khi bước vào sự nghiệp nghiên cứu, giáo sư Hà Minh Đức lựa chọn văn học hiện thực và đầu tiên là nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Nam Cao. Hồi đó, Hà Minh Đức mới ra trường, còn thiếu cả tri thức lẫn kinh nghiệm. Để khắc phục tình trạng thiếu tư liệu trầm trọng, ông quyết định đi tìm để khai thác những nhà văn cùng thế hệ với Nam Cao. Khoảng năm 1958, được người quen giới thiệu, Hà Minh Đức đến gặp Tô Hoài. Đây là một trong những người bạn thân nhất của Nam Cao, đã có nhiều thời gian sống cùng và đi cùng Nam Cao trong quá trình công tác cũng như sáng tác.
Trong số tài liệu của Tô Hoài cho mượn hôm ấy, có tập nhật ký của Nam Cao viết từ ngày 18-7-1950 đến ngày 18-9-1951. Tập nhật ký này là tài liệu đặc biệt có ý nghĩa, bởi thời điểm viết cuối cùng là trước khi Nam Cao rời miền núi xuống đồng bằng hoạt động, và chỉ hơn 2 tháng sau đó ông đã hy sinh ở Ninh Bình. Bởi vậy, Hà Minh Đức nhờ một sinh viên khoa Ngữ văn là Nguyễn Thị Ngọc Anh[6] chép lại giúp mình. Bản chép tay là một cuốn vở gồm 88 trang, kích thước 17cm x 20,5cm, viết bằng bút mực màu xanh, chữ nhỏ nhưng khá rõ ràng và dễ đọc. Trong tập nhật ký này, Nam Cao ghi lại công việc hàng ngày của ông, những suy nghĩ, trăn trở về cuộc sống, về văn chương và cả bàn luận của ông về bạn văn. Thời kỳ ấy, Nam Cao làm việc tại Hội văn nghệ Việt Nam, tham gia chiến dịch Biên giới, rồi tham dự hội nghị Văn nghệ liên khu III…
Giáo sư Hà Minh Đức cho biết, sau khi chép lại xong, ông đã gửi trả cho nhà văn Tô Hoài và sau đó ông không biết nhà văn còn lưu giữ được hay đã bị thất lạc. Sau hơn nửa thế kỷ, cuốn vở dùng chép lại tập nhật ký của Nam Cao đã bị ố, ghim bị gỉ đã tạo ra mấy vết rách nhỏ. Khi biên soạn bộ sách Nam Cao toàn tập. GS Hà Minh Đức đã công bố tập nhật ký này. Tuy nhiên, vì lý do liên quan đến gia đình của cố nhà văn Nam Cao nên có vài chi tiết được bỏ ra. Ông hy vọng rằng, đến một lúc nào đó thích hợp, khi in lại bộ sách quý này, độc giả sẽ được tiếp cận toàn văn tập nhật ký của Nam Cao. Khi đó, bản chép lại này của GS Hà Minh Đức sẽ là tài liệu không thể thiếu được để trả lại nguyên nội dung tập nhật ký thời kỳ 1950-1951 của Nam Cao.
Bản chép lại tập nhật ký thời kỳ 1950-1951 của nhà văn Nam Cao được GS.NGND Hà Minh Đức tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam là một tài liệu quý, qua đó cũng cho thấy một tình bạn đẹp đẽ lâu bền giữa ông với nhà văn Tô Hoài, đồng thời là một minh chứng cho quá trình hàng chục năm nghiên cứu về Nam Cao mà GS Hà Minh Đức theo đuổi.