Cuốn sổ ghi lại kết quả trong quá trình thực tập khoa học của thực tập sinh Trần Thị Tú Ngà được bà viết tay bằng mực đen trên mẫu sổ thông dụng ở Liên Xô thời kỳ đó, kích thước 17cm x 20,5 cm. Trong đó còn có xác nhận của ông Phan Hoàng Mạnh – Trưởng phòng Quản lý lưu học sinh Việt Nam tại Liên Xô bằng nét bút bi mực xanh, dấu vuông đỏ. Cuốn sổ chứa đựng nhiều thông tin thú vị về một giai đoạn học tập và nỗ lực không ngừng của Trần Thị Tú Ngà.
Năm 1965, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Sinh vật thực vật tại trường Đại học Tổng hợp Odessa (Liên Xô), Trần Thị Tú Ngà được phân công về công tác tại trường Đại học Nông nghiệp I. Ngay từ những năm 1965-1985, cùng với việc chuyên tâm giảng dạy, biên soạn giáo trình, Trần Thị Tú Ngà bước đầu thực hiện các nghiên cứu khoa học về di truyền, chọn giống đối với một số loại cây trồng Việt Nam. Từ năm 1983-1985, bà tập hợp số liệu liên quan đến đề tài nghiên cứu "Sức sống phấn hoa các loại cây trồng Việt Nam" để chuẩn bị làm nghiên cứu sinh trong nước. Năm 1985, khi đang đảm nhiệm vai trò Phó Chủ nhiệm Bộ môn Di truyền giống, bà được Trường Đại học Nông nghiệp I cử đi Liên Xô làm thực tập sinh khoa học trong thời gian 10 tháng tại trường cũ – Đại học Tổng hợp Odessa, Liên Xô. Nhân cơ hội này, bà đã đề nghị trường Đại học Nông nghiệp I cho phép và tạo điều kiện cho bà được bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ tại Liên Xô. Đề nghị đã được PTS Trần Thị Nhị Hường, Hiệu trưởng trường Đại học Nông nghiệp I chấp thuận và có công văn đề nghị Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp cho phép giảng viên Trần Thị Tú Ngà được thực hiện nghiên cứu và bảo vệ tại Liên Xô trong điều kiện nếu trường Đại học Tổng hợp Odessa và Bộ Đại học Liên Xô đồng ý.
Sang tới nước bạn, Trần Thị Tú Ngà đến ngay Đại sứ quán ta để trình bày về việc xin bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ. Theo quy định, chương trình thực tập sinh chỉ được phép thực hiện trong thời gian 10 tháng, tuy nhiên, theo đại diện Đại sứ quán: Nếu được Bộ Đại học Liên Xô cho phép bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ thời gian ở lại Liên Xô của bà sẽ là 24 tháng.
Cuốn sổ với nội dung kiểm điểm của thực tập sinh Trần Thị Tú Ngà năm 1986 và
nhận xét của đại diện trường Tổng hợp Odessa (Liên Xô)
Trong thời gian học Đại học Tổng hợp Odessa (Liên Xô), Trần Thị Tú Ngà được GS Vorobiev hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp, ông là người thầy rất tận tình với sinh viên, đặc biệt là sinh viên Việt Nam. Trong nghiên cứu khoa học, Giáo sư Vorobiev là người cẩn trọng, hướng dẫn tỉ mỉ từ phương pháp, hình thức thực hiện đến cách tiến hành nghiên cứu và sẵn sàng giải đáp những thắc mắc của sinh viên. Ông cũng làngười nghiêm khắc, đòi hỏi cao trong nghiên cứu khoa học[1].Do vậy, khi đến gặp Giáo sư Vorobiev bà Tú Ngà vừa tranh thủ xin ý kiến về những số liệu bà đã tập hợp được vừa tìm hiểu khả năng "được" bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ. Sau buổi gặp gỡ và nghe bà trình bày nguyện vọng, Giáo sư Vorobiev đã tạo điều kiện cho Trần Thị Tú Ngà có cơ hội được báo cáo những vấn đề liên quan đến đề tài luận án tại Hội nghị Tổng kết nghiên cứu khoa học năm 1985 của trường Đại học Tổng hợp Odessa và Hội nghị "Các nghiên cứu về thực vật học" tại nước Cộng hòa Ukraina (1985). Hai bản báo cáo khoa học của Trần Thị Tú Ngà đã được hoan nghênh và đánh giá đã đủ hàm lượng nghiên cứu, đủ điều kiện để hoàn thiện luận án và Hội đồng khoa học trường Đại học Tổng hợp Odessa đồng ý cho bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ ở Liên Xô. Từ năm 1982-1986, ngoài 2 báo cáo đó, Trần Thị Tú Ngà còn có 6 công trình nghiên cứu liên quan đến luận án đã được công bố trong nước. Chính vì vậy, bà đủ điều kiện bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ.
Toàn bộ đề cương luận án Phó Tiến sĩ được bà Trần Thị Tú Ngà chuẩn bị khá hoàn chỉnh trong nước tại bộ môn Di truyền, trường Đại học Nông nghiệp I. Các hình ảnh minh họa về phấn hoa được chụp bằng hiển vi quang học và hiển vi điện tử tia quét (với sự giúp đỡ của các phòng nghiên cứu hiển vi điện tử của Viện Vệ sinh Dịch tễ và trường Đại học Bách khoa Hà Nội) được trình bày đẹp và khoa học. Đồng thời, bà đã vận dụng cả phương pháp nghiên cứu trong phòng và trên đồng ruộng để nghiên cứu phấn hoa của 70 giống cây trồng nông nghiệp của Việt Nam thuộc 32 loài, 14 họ trong thực vật có hoa, trong đó có những cây chưa được ai nghiên cứu và không có ở Liên Xô. Trong kết quả luận án của mình, bà Tú Ngà đã tìm được sức sống trung bình của phấn hoa trong điều kiện tự nhiên của Việt Nam cũng như tìm ra những quy luật biến động của phấn hoa trong điều kiện sinh lý cây trồng và điều kiện ngoại cảnh khách nhau; ảnh hưởng của các tác nhân hóa học kích thích sự nảy mầm và phát triển của phấn hoa; nghiên cứu tìm hiểu những phương pháp bảo quản phấn hoa đơn giản.
Theo quy định toàn Liên bang Xô viết lúc bấy giờ, Hội đồng đào tạo Tiến sĩ của các trường Đại học và Viện nghiên cứu 5 năm một nhiệm kỳ sẽ tự giải thể và bầu Hội đồng mới. Trần Thị Tú Ngà nhận quyết định bảo vệ luận án đúng thời điểm Hội đồng khoa học Odessa hết nhiệm kỳ nhưng Hội đồng mới chưa được bầu lại. Cả hai thầy trò đều lo lắng không biết có tìm được Hội đồng nào để kịp bảo vệ hay không? Chính Giáo sư Vorobiev đã giới thiệu Trần Thị Tú Ngà tới Hội đồng Viện Hàn lâm khoa học Kishinhốp, nước Cộng hòa Mônđavi. Do các trường Đại học và Viện nghiên cứu đều trong hệ thống đào tạo của Liên bang Xô viết nên thủ tục chuyển đổi của bà không gặp mấy khó khăn. Tham gia Hội đồng có 21 thành viên. Mọi thủ tục cho buổi bảo vệ đều do trường Đại học Tổng hợp Odessa và Viện Hàn lâm khoa học Kishinhốp phụ trách. Ngày 5-9-1986, Trần Thị Tú Ngà bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ với đề tài "Nghiên cứu sức sống phấn hoa các loại cây trồng Việt Nam" đã được Hội đồng bảo vệ đánh giá xuất sắc và công nhận học vị Phó Tiến sĩ. Ngày 19-9-1986, khi đến Đại sứ quán Việt Nam làm thủ tục về nước có người đã "khuyên" tân PTS Trần Thị Tú Ngà: Bà còn thời gian 1 năm nữa, sao không ở lại? Tuy nhiên PTS Trần Thị Tú Ngà đã về nước trước thời hạn với lý do rất đời thường: "Gia đình tôi, chồng con đang mong ở nhà!2]
Theo yêu cầu của Đại sứ quán Việt Nam, trước khi về, các thực tập sinh phải có bản thu hoạch, kiểm điểm quá trình học tập tại nước bạn. Bản kiểm điểm do Phó Tiến sĩ Trần Thị Tú Ngà ghi lại trong 9 trang của cuốn sổ, được hoàn thành tại Odessa ngày 15-9-1986. Ngoài phần tiểu sử bản thân, Phó Tiến sĩ Trần Thị Tú Ngà đã trình bày kết quả học tập của mình với hai phần rõ ràng và mạch lạc: thực tập khoa học và hoàn thành bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ. Trong đó thể hiện rõ: song song với quá trình chuẩn bị bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ, Trần Thị Tú Ngà cũng đã hoàn thành chương trình thực tập. Bà tập trung về phương pháp thực hành, làm thí nghiệm, như tham dự tất cả các buổi giảng cho học viên ngành Di truyền; tham dự các buổi thực tập của sinh viên năm thứ ba về phương pháp nghiên cứu Di truyền ruồi giấm; học tập phương pháp nghiên cứu phấn hoa của bộ môn Thực vật, trường Đại học Tổng hợp Odessa…
Vừa hoàn thành tốt chương trình của thực tập sinh, vừa bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ trước thời hạn là việc mà không phải ai cũng làm tốt được trong thời gian một năm. Ông Đỗ Đức Bình – Tổ trưởng Tổ nghiên cứu sinh, thực tập sinh Việt Nam ghi nhận xét trong sổ viết kiểm điểm như sau: "Đồng chí Ngà luôn luôn chấp hành nghiêm chỉnh mọi nội quy, quy chế của sứ quán cũng như của bạn đề ra, đã phấn đấu nỗ lực vượt bậc, cộng với sự giúp đỡ của thầy, của bộ môn, nên đã bảo vệ một cách xuất sắc luận án Phó Tiến sĩ và được Hội đồng đánh giá tốt"[3]. Ông Hà Huy Dũng, đại diện lưu học sinh, nghiên cứu sinh Việt Nam tại đơn vị trường Đại học Tổng hợp Odessa (Liên Xô) hoàn toàn nhất trí với kiểm điểm, nhận xét cá nhân của PTS Tú Ngà trong đợt thực tập và bổ sung, nhấn mạnh một số ưu điểm, đề nghị Đại sứ quán, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp nêu gương và tạo điều kiện tốt cho Phó Tiến sĩ Trần Thị Tú Ngà nghiên cứu ở Việt Nam.
Ngày 31-7-2013, GS.TS Trần Thị Tú Ngà đã trao tặng cuốn sổ với 9 trang kiểm điểm thực tập khoa học của bà cho Trung tâm lưu giữ, bảo quản và nghiên cứu.
Nguyễn Thị Hiên
__________________
[1] Phỏng vấn GS.TS Trần Thị Tú Ngà, ngày 19-7-2013.
[2]Phỏng vấn GS.TS Trần Thị Tú Ngà, ngày 19-7-2013.
[3] Cuốn sổ ghi lại kiểm điểm quá trình thực tập sinh của GS.TS Trần Thị Tú Ngà. Tài liệu được lưu giữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt