Sự chuyển hướng đầy thách thức
Năm 1973, Lê Đình Quang được cử sang trường Khí tượng Thủy văn Ôđétxa – Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Năm 1976, sau khi đã viết xong 3 chương của đề tài Luận án Phó Tiến sĩ “Dự báo trường khí áp bằng phương pháp số trị”, Lê Đình Quang về nước thu thập một số tài liệu chuyên môn để đối chứng, so sánh với vấn đề nghiên cứu trong luận án. Khi quay lại trường thì chính thầy giáo hướng dẫn – PGS.TS Shnaydman, lại đặt vấn đề cần chuyển hướng Đề tài luận án: Anh Quang này, có lẽ phải dừng lại những gì đã làm 2 năm vừa rồi, nên làm về một vấn đề thời sự hiện nay để giải quyết các vấn đề Nghiên cứu chuyển động rối”[2]. Lê Đình Quang hết sức bất ngờ về gợi ý chuyển đề tài mới của thầy, ông không khỏi băn khoăn: “Tôi cũng lo lắm, chỉ còn một năm nữa là hết thời hạn nghiên cứu sinh, luận án trước đã làm được 2 năm nay bỏ hết, giờ làm hẳn đề tài mới, còn 1 năm để làm, tôi sợ lắm, ngại lắm. Sau một năm tôi không thực hiện được, luận án chậm khoảng 3 tháng nữa mà chưa xong thì sẽ phải về nước, và đó là điều rất hổ thẹn”[3]. Nhưng rồi với sự tin tưởng vào thầy hướng dẫn, vào chính khả năng của mình, Lê Đình Quang quyết tâm lao vào nghiên cứu và tìm hiểu vấn đề mới. Với những vấn đề phải giải quyết trong đề tài mới, Lê Đình Quang thấy rằng chuyển động rối gắn liền với vĩ độ thấp, đặc trưng định lượng chuyển động rối lớp biên khí quyển ở vĩ độ thấp, mà lớp biên hành tinh nói chung có thể theo địa điểm như ở vùng ôn đới khác vùng nhiệt đới, vì vậy ông mở rộng tìm hiểu sang cả vùng nhiệt đới để có điều kiện phát triển nghiên cứu cho hoàn chỉnh ý tưởng của đề. Cuối cùng, hai thầy trò đã đi đến thống nhất trọng tâm nghiên cứu với đề tài luận án mới là “Đặc trưng định lượng lớp biên hành tinh của khí quyển ở vùng vĩ độ thấp nhiệt đới”.
Luận án Phó Tiến sĩ của Lê Đình Quang, năm 1977
Vượt qua khó khăn
Trong quá trình làm luận án, Lê Đình Quang không chỉ gặp khó khăn khi đột ngột chuyển sang vấn đề mới, mà còn gặp khó khăn về thời gian. Nhưng được sự động viên của thầy hướng dẫn: Tôi tin ở anh, anh tin ở tôi[4], Lê Đình Quang như có thêm động lực, phấn chấn và tự tin bắt tay vào nghiên cứu một vấn đề mang tính thời sự, và là một đề tài khó lúc đó. Hai thầy trò kết hợp với nhau rất ăn ý khi làm đề tài mới, trước tiên là xây dựng Dự thảo Đề cương kế hoạch nghiên cứu. Khi trường tổ chức kỳ nghỉ đông, vì muốn có thời gian, không gian để làm luận án Lê Đình Quang đã xin được 2 vé nghỉ ở Khu nghỉ dưỡng (Sanatori) trong vòng 1 tháng (mỗi vé 15 ngày). Ông tâm sự: “Một tháng ấy, mỗi ngày tôi lên nhà ăn 3 lần, ăn xong về đóng cửa buồng lại không chơi bời nghỉ ngơi gì cả”[5] để tập trung viết luận án. Khi viết xong chương 1, ông chuyển ngay bản thảo cho thầy hướng dẫn đọc và chữa, sau khoảng hai tháng, ông tiếp tục viết chương hai và nhận chương một về sửa, lộ trình làm việc giữa hai thầy trò cứ như thế cho đến khi viết xong 4 chương, cuối cùng là viết phần tổng quan.
Chuyển động rối được áp dụng ở nhiều lĩnh vực trong khí tượng, nhất là trong kỹ thuật hàng không, nó có tác động rất lớn đến vật thể đang chuyển động, ảnh hưởng đến cất cánh và hạ cánh an toàn của máy bay. Và trong lớp biên khí quyển, chuyển động rối cực kỳ quan trọng ảnh hưởng đến đời sống của con người như nó có thể phá vỡ cột cao, tháp cao, vô tuyến truyền hình, nhà cao tầng… Những vấn đề đó được Lê Đình Quang nghiên cứu mở rộng ngay từ khi thực hiện đề tài, ông tâm sự: “Những vấn đề nghiên cứu mình đã có hướng rồi, lúc đó mình tự hào có thể mình là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu, giải quyết và ứng dụng chuyển động rối”[6].
Ngày 20-5-1977, với nỗ lực vượt qua mọi khó khăn Lê Đình Quang đã hoàn thành bản thảo luận án và được nhà trường cấp cho 8 rúp để đánh máy luận án. Ngày 20-8-1977, Lê Đình Quang bảo vệ thành công luận án PTS tại Trường Khí tượng Thủy văn Ôđétxa, Liên Xô và được Hội đồng đánh giá tốt, những vấn đề được lý giải trong luận án đã góp phần vào phương pháp giải phương trình chuyển động rối và có phần ứng dụng vào thực tế.
Khi về nước, trên cơ sở những nghiên cứu của luận án, PTS Lê Đình Quang tham gia đề tài “Nghiên cứu tổng hợp vùng thềm lục địa Việt Nam” thuộc Chương trình cấp Nhà nước về nghiên cứu biển. Ông đóng góp cho ngành hơn 30 công trình nghiên cứu, viết tài liệu giảng dạy cho sinh viên và hướng dẫn nghiên cứu sinh về vấn đề tương tác đại dương khí quyển và lý thuyết lớp biên…
Bản luận án bằng tiếng Nga, đánh máy đánh chữ, các công thức, phương trình được viết tay, mực đen. Trải qua gần 40 năm bản luận án đã ố, ngả vàng, nhưng là hiện vật quý giá minh chứng cho một thời kỳ học tập nỗ lực, chạy đua với thời gian, dám lao vào vấn đề mới để thành công của GS.TS Lê Đình Quang. Ngày 7-4-2010 ông trao tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
Lê Thị Hoài Thu
______________________
[1] Trích băng phỏng vấn GS.TS Lê Đình Quang, ngày 6-8-2010.
[2] Như trên
[3] Như trên
[4] Như trên
[5] Như trên
[6] Như trên