Bản nhận thực đặc biệt

PGS.TS Đoàn Thị Hạnh Nhân là cựu sinh viên khóa 1965-1971 trường Đại học Y Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, với thành tích học tập tốt và tích cực tham gia hoạt động Đoàn Thanh niên nhà trường, bà được giữ lại giảng dạy tại Bộ môn Ký sinh trùng. Sau 7 năm công tác, năm 1979 bà được cử sang Bungari làm nghiên cứu sinh. Khi trở về nước (1982), bà được GS Đỗ Dương Thái định hướng sang Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng (nay là Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương) làm việc để phát huy chuyên môn về miễn dịch. Bà từng đảm nhiệm cương vị là Trưởng phòng Nghiên cứu, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương. Trong quá trình công tác, bà tích cực tham gia giảng dạy, nghiên cứu. Đặc biệt, bà có những chuyến công tác về địa phương làm nhiệm vụ khám, phát hiện và chữa trị các chứng bệnh mà người dân ở nhiều vùng miền hay mắc phải, như bệnh giun sán, bệnh sốt rét… Trong đó, chuyến công tác phòng chữa bệnh sốt rét tại Hợp tác xã Ba Lý thuộc huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình năm 1983 để lại cho bà nhiều kỷ niệm.

Lạc Sơn là một huyện nằm cuối tỉnh Hòa Bình, phía Nam giáp với tỉnh Ninh Bình. Với tổng số dân là 1323 người (năm 1983), có tới 80% là người dân tộc thiểu số, sống chủ yếu bằng nghề nông. Do dân trí thấp, đời sống nhân dân khó khăn nên công tác chăm sóc sức khỏe còn nhiều hạn chế. Đầu những năm 1980, cũng như một số địa phương khác, huyện Lạc Sơn xảy ra dịch sốt rét trên diện rộng. Hợp tác xã Ba Lý là vùng trọng điểm của dịch, trong đó có nhiều bệnh nhân lên cơn sốt cao, thậm chí đã có trường hợp tử vong. Lúc đó, Hợp tác xã Ba Lý gồm 10 đội sản xuất, trải dài 6km trên địa bàn xã Mỹ Thành, bao gồm nhiều đồi núi, làng mạc. Xa nhất là Đồi Vàng và khu Bến Thắm, cách trung tâm xã 5-6km, địa hình hiểm trở nên muốn đến đó chỉ có thể đi bộ.

                                                                                      

Một bệnh nhân người dân tộc thiểu số được Bác sĩ Đoàn Thị Hạnh Nhân điều trị sốt rét tại nhà

Dịch sốt rét không chỉ làm tổn hại trực tiếp đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của bà con dân tộc thiểu số trong vùng. Với thực tế đó, tháng 2-1983, Viện Sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng đã cử một đoàn cán bộ về huyện làm công tác phòng chữa bệnh sốt rét cho nhân dân. Đây cũng là đoàn khám chữa bệnh đầu tiên của Viện về địa phương. Với vai trò là trưởng đoàn, PTS Đoàn Thị Hạnh Nhân cùng bác sĩ Uyên và các cán bộ khác khẩn trương tiến hành khám chữa bệnh cho nhân dân trong Hợp tác xã. Chỉ sau 15 ngày, Đoàn đã tiến hành khám cho 897 bệnh nhân, cứu chữa cho nhiều trường hợp bị sốt rét. Cũng trong thời gian này, PTS Nhân cùng các cán bộ không quản ngại ngày đêm, tranh thủ sáng tối trong điều kiện khó khăn để phát thuốc và khám bệnh cho nhân dân. Có những trường hợp bệnh nhân ốm nặng, không đi được, PTS Nhân đã đến tận nhà để khám, theo dõi và tiêm, phát thuốc đủ liều cho từng bệnh nhân. "Trên tinh thần làm việc rất nhiệt tình của PTS Đoàn Thị Hạnh Nhân, bác sĩ Uyên cùng các anh chị em khác trong đoàn rất nhiệt tình. Với một số người ốm nặng không tự đi khám được, chúng tôi đã dẫn các chị đến tận nhà theo dõi bệnh, tiêm, phát thuốc điều trị cho bệnh nhân khỏi bệnh. Từ đội 1 đến đội 10 ai cũng bảo có phúc mới được gặp bác sĩ, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Bác sĩ đã chữa và cứu một số cụ già, trẻ em, thanh niên nam nữ. Trong đội vẫn thấy bác sĩ bảo ăn không ngon, ngủ không yên là vì ở đây có một tổ dịch sốt rét quá rộng và nguy hiểm" 1.

Nhớ lại những ngày nắng gắt, đêm mưa giông nhưng đoàn vẫn đi bộ băng qua đồi núi, qua suối để thăm khám, động viên bệnh nhân. PGS.TS Đoàn Thị Hạnh Nhân không khỏi bồi hồi chia sẻ, có lần bà phải đi bộ đến Bến Thắm cách trung tâm Hợp tác xã 5km để điều trị cho bệnh nhân. Cả vùng đồi núi thênh thang nhưng chỉ có 3 hộ dân, đời sống vô cùng cực khổ. Trên đường đi, bà phải lội qua suối, vượt qua nhiều cánh rừng, bị muỗi đốt nhiều, vắt bám đầy người. Mới đầu, bà và các chị em khác trong đoàn rất sợ, nhưng rồi cũng quen dần và coi đó là một trải nghiệm. Bà kể: Trước đó, Hợp tác xã đã có nhiều trường hợp chết do lên cơn sốt quá cao. Đoàn đã đến kịp thời và cứu sống được một số trường hợp, trong đó có cô Nâu ở Đội 7. Ở Đội 1 có cô Đen, anh Lê do sốt cao liên tục tới mức lịm đi cũng đã được điều trị, cứu chữa kịp thời… Đối với những bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, Bác sĩ Nhân cùng anh em trong đoàn thay nhau thường xuyên thăm hỏi, động viên và phát thuốc bổ để hồi phục sức khỏe. "Theo chúng tôi khẳng định, nếu không có đoàn cấp trên về điều trị thì chắc chắn có nhiều người nữa phải chết vì sốt quá cao"2.

Bác sĩ Đoàn Hạnh Nhân đã dùng kính hiển vi soi trực tiếp các ấu trùng, ký sinh trùng trên muỗi để chỉ dẫn cho nhân dân biết nguyên nhân cũng như tác hại của căn bệnh sốt rét và phổ biến cách phòng tránh bệnh. Đoàn cán bộ y tế đã hướng dẫn cụ thể cách phòng tránh như phải mắc màn khi ngủ, cách vệ sinh khu vực nhà … Được sự cộng tác nhiệt tình của cán bộ địa phương, nhân dân trong xã đã nhận thức được sự nguy hiểm của bệnh sốt rét, nâng cao được ý thức phòng tránh bệnh. Đặc biệt là vấn đề vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày.

Bản nhận thực của ông Quách Ngọc Mễn, có dấu của Chính quyền Xã gửi PTS Đoàn Thị Hạnh Nhân ngày 03-6-1984

Hoàn thành nhiệm vụ biệt phái, đoàn cán bộ y tế trở về tiếp tục công việc của mình tại Viện. Tháng 6-1984, PTS Đoàn Thị Hạnh Nhân rất ngạc nhiên khi nhận được Bản nhận thực của ông Quách Ngọc Mễn – là dân tộc Thái, phụ trách Thông tin văn hóa của Hợp tác xã Ba Lý. Điều đáng nói, là Bản nhận thực không phải do yêu cầu hành chính mà nó xuất phát từ tình cảm chân thành của người dân đối với những người thầy thuốc tận tâm. Bởi đây là bản nhận thực do địa phương tự thực hiện không theo yêu cầu của Đoàn. Hơn nữa, thời gian nhận được bản nhận thực cách chuyến công tác hơn 1 năm. Bản nhận thực ghi nhận những đóng góp của Đoàn trong thời gian công tác tại địa phương. Hơn thế nữa, ông Mễn muốn thay mặt Hợp tác xã Ba lý và các bà con dân tộc thiểu số trong huyện gửi lời cảm ơn tới PTS Nhân, bác sĩ Uyên và các cán bộ khác. Trong thư có đoạn khá ngộ nghĩnh khiến bà nhớ mãi: "Sau khi các chị về Hà Nội đã để lại hậu quả lớn lao, Hợp tác xã Ba Lý có những kỷ niệm sâu sắc bằng những bệnh nhân gần chết được các chị cứu sống lại. Dịch sốt rét đã được dập tắt, bà con khỏe mạnh, phấn khởi để phấn đấu vào vụ thu chiêm làm mùa thắng lợi". Bà vui vẻ giải thích: có lẽ ông Mễn rất đơn giản khi sử dụng ngôn từ, không chú ý phân biệt “hậu quả” với “kết quả”. Dù chỉ được sống cùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian ngắn, nhưng cũng đủ để bà cảm nhận được những tình cảm chân thành của họ. Sau chuyến công tác, một số cán bộ xã trong đó có ông Mễn từng về Hà Nội và ghé qua thăm bà. Tuy nhiên, do bề bộn công việc nên bà vẫn chưa có dịp về thăm lại vùng đất nhiều kỷ niệm này.

Bản nhận thực được ông Quách Ngọc Mễn viết tay cẩn thận bằng bút máy mực đen trên giấy kẻ ngang, ngày 03-6-1984. Bản nhận thực gồm 4 trang vở học sinh, trang cuối có xác nhận của ông Quách Bộ – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Mỹ Thành, ngày 14-6-1984 và đóng dấu đỏ. Do trải qua thời gian dài nên bản viết đã cũ, rách lề trên. Giấy có vết tích của máy đục lỗ, đã ố vàng, chữ mờ khó đọc. Dù đã 30 năm trôi qua, nhưng Bản nhận thực được PGS.TS Đoàn Thị Hạnh Nhân bọc trong giấy bóng, lưu giữ cẩn thận tại gia đình. Với bà, đó không chỉ là Giấy nhận thực đơn thuần mà còn là bức thư chứa đầy tình cảm chân thành của những người bà con dân tộc thiểu số đối với bà và các đồng nghiệp – những người thầy thuốc đã để lại hình ảnh đẹp trong một chuyến đi đầy ý nghĩa.

Nguyễn Thị Loan

___________________________

1,2 Trích Bản nhận thực của ông Quách Ngọc Mễn, ngày 03-6-1984.