Bản thảo bài giảng của GS.TS Trần Mạnh Bình

Theo Giáo sư Bình, nguyên tắc soạn giáo trình bài giảng là phải đảm bảo 3 tiêu chí: tính kinh điển (những nghiên cứu khoa học từ trước đến nay của thế giới đã được đề cập), tính hiện đại (cập nhật khoa học của thế giới) và tính thực tiễn ở Việt Nam (ứng dụng thực tiễn trong ngành Dược ở Việt Nam).

Theo kinh nghiệm của ông, khi soạn bài, cùng một vấn đề nhưng cần tham khảo nhiều sách của nhiều tác giả khác nhau. Với những nội dung bài giảng cần chú ý nhấn mạnh, ông đánh dấu bằng bút nhớ màu xanh. Hàng năm ông thường bổ sung những kiến thức mới. Sau 3 năm, ông phải soạn lại bài giảng.

Bài giảng này được ông giảng cho sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Dược Hà Nội và giảng cho lớp chuyên tu từ năm 1999 đến năm 2001. Trong tập bài Aldehyd & Ceton, ở mặt trong Giáo sư Bình có ghi lại các lớp mà ông đã giảng: lớp chuyên tu 33 vào thứ ba, ngày 21-9-1999; thứ tư, ngày 22-9-1999; thứ ba, ngày 5-10-1999. Lớp chuyên tu 34 gồm 31 sinh viên, giảng thứ tư, ngày 4-10-2000. Lớp chuyên tu 35 gồm 33 sinh viên, giảng thứ năm, ngày 13-9-2001; thứ hai, ngày 17-9-2001; thứ năm, ngày 20-9-2001. Trong tập Acid carboxylic, Giáo sư Bình cũng ghi lại: ông đã giảng cho lớp chuyên tu 34 gồm 31 sinh viên, vào thứ bảy, ngày 7-10-2000; thứ tư, ngày 17-10-2000.

Giảng xong trên lớp, khi về nhà ông vẫn suy nghĩ xem hôm đó giảng chỗ nào tốt, chỗ nào chưa tốt, chỗ nào cần phát triển thêm cho sinh viên… Theo Giáo sư Trần Mạnh Bình, đây là những môn cơ bản của Dược, nên những phản ứng nào có thể ứng dụng trong tổng hợp thuốc, trong kiểm nghiệm thuốc, trong nghiên cứu tổng hợp hóa dược, ông đều định hướng cho sinh viên để nếu có điều kiện thì đi sâu nghiên cứu.