Suốt một thời gian dài vừa qua, vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ là chủ đề “hot”, được bàn tán sôi nổi trên các trang báo và mạng xã hội Facebook. Thực tế, đây không phải vấn đề mới, việc cải cách rồi cải tiến chữ quốc ngữ đã được ông cha ta bàn luận từ rất sớm.
GS Hoàng Phê là một trong những nhà khoa học quan tâm và tham gia nghiên cứu về vấn đề này từ thập niên 40 khi ông còn là giáo viên trường tư thục ở Sài Gòn, chưa được ai biết đến.
Hưởng ứng phát động của Ủy ban vận động Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất về việc gửi các ý kiến, đề xuất sửa đổi chữ quốc ngữ, khoảng tháng 3-4 năm 1946, ông Phê đã hoàn thành bản đề án Vấn đề cải cách chữ quốc ngữ để gửi Ban vận động. Bản thảo đề án này có bố cục như sau:
Phần I: Vấn đề cải cách chữ quốc ngữ qua những cuộc tranh luận từ xưa đến nay. Phần này, tác giả trình bày về diện mạo và các vấn đề của chữ quốc ngữ qua 3 thời kỳ lần lượt là: thời kỳ của nhà ngữ học ngoại quốc; thời kỳ của các nhà in và xuất bản Việt Nam; thời kỳ của các học giả chuyên môn Việt Nam
Phần II: Thử giải quyết vấn đề về nguyên tắc. Phần này, tác giả đưa ra một số nguyên tắc và phương châm cải cách chữ quốc ngữ.
Phụ lục I: Một cách phát âm tiêu chuẩn
Phụ lục II: Một lối chữ cải cách
Giữa năm 1946, ông Phê ra Huế hoạt động văn hóa và có dịp trình bày đề án trên trước các trí thức ở Thuận Hóa do Đoàn Văn hóa cứu quốc Thừa Thiên tổ chức tại nhà Đại chúng (tức Hội quán Quảng Tri trước)[1]. Khoảng tháng 10-1946, ông đến Hà Nội để tham dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại Nhà hát Lớn. Trong chuyến đi này, ông cùng đi với vợ – bà Châu Thị Hạnh, người Hội An (Quảng Nam). Đây là lần đầu tiên vợ chồng ông ra Hà Nội nên không quen ai và phải ở nhờ nhà một người quen của chị dâu.
Qua ông Nguyễn Hữu Đang – Thư ký Ban vận động Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ông Phê được biết, ngoài đề án cải cách chữ quốc ngữ của ông còn nhiều đề án khác do ông Hồ Hữu Tường[2] – người được giao nhiệm vụ đọc báo cáo về vấn đề cải cách chữ quốc ngữ tại hội nghị đang giữ[3]. Do hoàn cảnh lịch sử, hội nghị đã không diễn ra theo dự kiến, khai mạc và kết thúc trong ngày 24-11-1946, các báo cáo về văn chương, sử học, giáo dục, cải cách chữ quốc ngữ… đã không được trình bày.
Sẵn dự định từ trước, nhân dịp này, vợ chồng ông Phê nán lại Hà Nội vì nếu về quê có khả năng ông gặp bất lợi vì từng tham gia Phản đế hội – 1 hội có tư tưởng chống đối Việt Minh. Nhờ sự giới thiệu của người thân, từ cuối năm 1946-1959, ông Phê công tác tuyên truyền kháng chiến, hoạt động thanh niên tại Thanh Hóa, Việt Bắc và Hà Nội.
Tháng 10-1959, sau khi về công tác tại tổ Ngôn ngữ, Viện Văn học, ông Phê mới có cơ hội tiếp tục các nghiên cứu còn dang dở về vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ. Đây cũng là nhiệm vụ chính trị của tổ Ngôn ngữ lúc bấy giờ. Năm 1960, qua bài tham luận Vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ trình bày tại Hội thảo về vấn đề này tại Hà Nội, tên tuổi của ông đã được nhiều học giả miền Bắc biết đến. Liên quan đến bài tham luận này, theo PGS.TS Lê Xuân Thại, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Ngôn ngữ: Mọi người đều tán thành ý kiến của anh Phê và đề nghị nhà nước quyết định cho phép cải tiến chữ quốc ngữ. Nhưng thời đó đề nghị này không được chấp nhận với lý do đất nước chưa thống nhất nên chưa thể cải tiến chữ quốc ngữ được bởi vì như thế vô tình đã tạo nên sự không thống nhất giữa hai miền, không có lợi về chính trị[4].
GS.TSKH Nguyễn Quang Hồng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán – Nôm nhận xét: Có thể coi bản thảo năm 1946 là dự thảo đầu tiên của GS Hoàng Phê nghiên cứu về vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ. Thời điểm ấy, chưa có nhiều nghiên cứu về ngữ âm học tại Việt Nam, các ý kiến của ông về vấn đề vần, con chữ chưa được minh xác nhưng ông đã trình bày lịch sử chữ quốc ngữ rõ ràng, tường minh; phân tích ưu, nhược điểm của chữ quốc ngữ và cung cấp nhiều tài liệu quan trọng. Đây là cơ sở để ông kế thừa, phát triển bài tham luận tương đối toàn diện về vấn đề này năm 1960.
[1] Tham khảo http://baochi.nlv.gov.vn/baochi/cgi-bin/baochi?a=d&d=WOBH19460626.2.11&srpos=54&dliv=none&e=——-vi-20–41–img-txIN-ch%E1%BB%AF%20qu%E1%BB%91c%20ng%E1%BB%AF—–
[2] Ông Hồ Hữu Tường là một nhà chính trị gia, nhà văn, người cùng với các nhà trí thức Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Xiển ký tên vào bức điện gửi cho vua Bảo Đại yêu cầu thoái vị năm 1945. Ông nguyên là Phó Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh.
[3] TheoSơ lược lí lịch do GS Hoàng Phê (1967), tr.17, theo lời ông Nguyễn Hữu Đang, đề án Vấn đề cải cách chữ quốc ngữ của ông “được đánh giá là có giá trị nhất”. Tuy nhiên, ông đã gạch xóa nội dung này.
[4] Viện Ngôn ngữ học – 50 năm một chặng đường, Nxb Khoa học xã hội, 2018, tr. 179.