Bản thảo công trình khoa học

Tháng 9-1959, khi đang giảng dạy tại trường cấp III Lam Sơn (Thanh Hóa), ông Nguyễn Đức Vận được phân công về giảng dạy tại khoa Hóa học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông là một trong những người đầu tiên tham gia xây dựng bộ môn Hóa học vô cơ của trường và dành trọn đời gắn bó với nơi đây. Vì lý do cá nhân, ông không được ra nước ngoài học tập như bao đồng nghiệp khác. Bởi vậy, năm 1991, xét những đóng góp của ông, trường đề nghị ông bảo vệ công trình khoa học tương đương luận án phó tiến sĩ để hoàn thiện hồ sơ xét phong học hàm Phó giáo sư.

Từ trước, ông Nguyễn Đức Vận đã thực hiện công trình “Nghiên cứu các hợp chất của Lantanit với các dẫn xuất của Nitrophenol” trong 4 năm (1968-1971). Nghiên cứu các hợp chất của Lantanit là một yêu cầu của khoa học và thực tế, vì đây là những nguyên tố hóa học có giá trị về kinh tế kỹ thuật. Năm 1991, ông quyết định lựa chọn công trình này để bảo vệ tương tương luận án phó tiến sĩ. Tuy nhiên, trong quá trình đi sơ tán, ông đã làm mất bản báo cáo đầu tiên về công trình. Vì vậy, ông tập hợp lại những bài báo ông đã công bố và viết lại bản thảo báo cáo với dung lượng 59 trang. Sau ông đánh máy lại và nộp cho bộ phận sau đại học của trường.

Giữa năm 1991, ông Nguyễn Đức Vận bảo vệ thành công công trình khoa học. Một thành viên trong hội đồng – PGS Hoàng Trọng Yêm đánh giá: “Công trình này mang tính chất sáng tạo khoa học, đồng thời mang tính chất thực tiễn, có thể sau này ứng dụng vào sản xuất. Việc nghiên cứu này cũng mang tính chất hệ thống”.

Kính mời quý vị đến thăm Triển lãm để hiểu rõ hơn về câu chuyện bảo vệ công trình tương đương luận án phó tiến sĩ của PGS Nguyễn Đức Vận nói riêng và các nhà khoa học Việt Nam thuở đó nói chung.

Bản thảo công trình khoa học của PGS Nguyễn Đức Vận

Lê Thị Lợi