Seri sách Nghệ thuật Kiến trúc bao gồm tất cả 105 tập, được phát hành trong thời gian từ năm 2001 đến năm 2008 của ba tác giả là Kiến trúc sư Tôn Thất Đại, Kiến trúc sư Nguyễn Luận và Kiến trúc sư Trần Hùng. PGS.TS Tôn Thất Đại cho biết đây cũng là bộ sách mà ông cảm thấy tâm đắc nhất và đã đầu tư nhiều công sức, tâm huyết, thời gian vào để thực hiện.
Năm 2001, Giám đốc Nhà xuất bản Kim đồng – ông Nguyễn Thắng Vu có ý tưởng làm các seri sách thuộc nhiều lĩnh vực: hội họa, âm nhạc, kiến trúc, điện ảnh,… và đã liên hệ với một số tác giả thuộc lĩnh vực trên để hợp tác làm sách. Trong lĩnh vực kiến trúc, KTS Nguyễn Luận đã trao đổi với ông Nguyễn Thắng Vu và chia sẻ những ý tưởng làm sách của mình, đồng thời đặt vấn đề mời thêm KTS Tôn Thất Đại cùng làm sách này. Cả Nguyễn Luận và Tôn Thất Đại vốn là những đồng nghiệp có mối quan hệ thân thiết từ lâu, hai ông đã có khoảng thời gian gắn bó, cùng làm việc với nhau khi làm chuyên gia ở Ănggôla.
Hai tập đầu của bộ sách do KTS Nguyễn Luận viết, nhưng từ tập thứ 3 trở đi có sự tham gia của KTS Tôn Thất Đại, và từ tập 17 có sự tham gia của KTS Trần Hùng (Đại học Kiến trúc). Nhóm tác giả phân công biên soạn theo các mảng nội dung khác nhau, Tôn Đại viết về Lịch sử các trường phái kiến trúc và các nhà kiến trúc trên thế giới; Nguyễn Luận viết về các Công trình kiến trúc và các thể loại kiến trúc; Trần Hùng viết về vấn đề Quy hoạch đô thị. Trong tổng số 105 tập thì có tới 42 tập là do Tôn Thất Đại viết. Tuy mỗi người chịu trách nhiệm viết riêng từng tập sách theo phân công, nhưng cả bộ sách đều mang tên ba tác giả.
Mặc dù đã phân công các vấn đề để từng tác giả biên soạn, nhưng cách làm việc của nhóm tác giả là thường xuyên gặp gỡ trao đổi, thảo luận cùng nhau về các nội dung sẽ viết, trao đổi tài liệu, hỗ trợ nhau tối đa để hoàn thành các nội dung cuốn sách. Khó khăn nhất khi viết sách là thiếu tư liệu. Nhóm tác giả đã sử dụng, tham khảo rất nhiều tài liệu nước ngoài, đặc biệt là sách tiếng Pháp và một nguồn tư liệu khá lớn do các ông mang về từ Ănggôla.
Những trang bản thảo biên soạn lần 1, tập viết về Trào lưu kiến trúc phi cấu tạo
Và một trang bản thảo biên soạn lần thứ 2, tập viết về Trào lưu kiến trúc phi cấu tạo
Cách làm sách của PGS Tôn Thất Đại là sau khi đã thu thập đầy đủ tài liệu, ông viết ra một quyển sổ, trong đó có đầy đủ các nội dung về kết cấu cuốn sách, về nội dung từng chương mục…. Đây có thể coi là bản thảo đầu tiên. Vì là sách có nhiều ảnh minh họa nên phần ảnh rất được chú trọng, phần nội dung chủ yếu giải thích hoặc đánh giá, phân tích của các tác giả. Khi các nội dung của một tập sách được soạn thảo lần một, sau khi được chỉnh sửa chằng chịt trên bản thảo, PGS.TS Tôn Thất Đại hoàn thiện lại những nội dung ấy ra bản thảo lần 2, trên một khổ giấy có kích thước đúng như khổ sách khi đã xuất bản (20x20cm), trong đó có đầy đủ hình minh họa của toàn bộ cuốn sách. Một phần quan trọng trong bản thảo lần thứ hai này chính là những chỉ dẫn chi tiết về vị trí ảnh minh họa; chú thích nguồn của từng ảnh…Việc này nhằm giúp NXB tránh bị nhầm lẫn khi đặt vị trí ảnh. PGS Tôn Thất Đại cho biết, có lần ông phải mang cả ba lô tài liệu đến Nhà xuất bản, bởi kèm theo bản thảo lần thứ 2 là hàng loạt ảnh minh họa, cả ảnh rời, cả ảnh tư liệu lấy từ các sách, tài liệu nước ngoài.
Người chịu trách nhiệm biên tập bộ sách của nhóm tác giả Kiến trúc sư là ông Nguyễn Huy Thắng, con trai của cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Nhóm tác giả của seri sách đều có cách biên soạn rất chỉn chu và tỉ mỉ, nếu có vấn đề không rõ thì biên tập viên gọi điện cho các tác giả cùng trao đổi, thống nhất. Hầu như sách in ra không có gì thay đổi nhiều so với bản thảo. PGS Tôn Thất Đại cho biết, làm seri sách này khá vất vả. Ngoài việc giảng dạy thường ngày ở trường Đại học, ông chỉ có thể bắt đầu công việc làm sách vào ban đêm, mệt nhưng rất vui.
Đối tượng của cuốn sách hướng đến là các sinh viên ngành Kiến trúc, các thầy giáo dạy kiến trúc. Theo PGS.TS Tôn Thất Đại, kiến thức trong seri sách rất hữu ích, nó không chỉ trang bị cho sinh viên về kiến thức lý thuyết mà nó còn song song mô tả, minh họa bằng các hình ảnh về trường phái kiến trúc, các nhà kiến trúc sư, các mô hình kiến trúc,… Cho đến tận bây giờ ông vẫn dùng những cuốn sách này để giảng dạy cho sinh viên ở các trường Đại học.
Bộ sách xuất bản được 105 tập thì Nhà xuất bản không còn kinh phí để chi cho chuyên đề Nghệ thuật kiến trúc nữa[1] nên phải dừng lại vào năm 2008. Khi sách phát hành, giá chỉ có 5000 đồng/quyển, rất rẻ so với giá trị của nó, sách lại được in trên giấy rất đẹp và sử dụng rất nhiều ảnh màu. Nhóm tác giả được ông Nguyễn Thắng Vu cho biết in seri sách này không có lãi mà bị lỗ, nhưng ông Vu cũng cho biết là lấy tiền lãi từ việc xuất bản các loại truyện tranh để bù vào các loại sách nghệ thuật này.
Phó Giáo sư Tôn Thất Đại cho rằng việc sinh viên không chú trọng tìm đọc những tài liệu này là một thiệt thòi vì những kiến thức trong sách rất bổ ích trong chuyên môn, mà giá lại rất rẻ. Sau việc làm những tập sách riêng lẻ, được ông Nguyễn Thắng Vu gợi ý, ông đã tập hợp 10 tập về các trường phái kiến trúc và biên tập, bổ sung nội dung, xuất bản thành một quyển, ông còn dự định làm tiếp các tập tiếp theo về các nhà kiến trúc nhưng đến bây giờ vẫn chưa thực hiện được. Ông dự định sẽ tìm gặp lại ông Nguyễn Huy Thắng để làm tiếp các tập sách còn đang dang dở.
Trong số bản thảo sách được viết từ tháng 1 năm 2003 đến tháng 5 năm 2006, PGS.TS Tôn Thất Đại đã viết tới 26 tập tương đương với 26 quyển được xuất bản trong seri sách[2]. Bản thảo được PGS Tôn Thất Đại ghi chú rất chi tiết tỉ mỉ, ghi ngày tháng cụ thể của việc nháp này. Đầu đề mỗi tập sách đều được viết bằng mực đỏ hoặc tô bằng mực đỏ, các trang đều được khoanh tròn bằng mực đỏ, rất nhiều chỗ sửa chữa và gạch xóa bằng các loại màu mực khác nhau nhìn như ma trận nhưng vẫn có logic trật tự. Công việc làm sách của ông cứ như vậy, kéo dài trong 8 năm, mà chỉ làm vào ban đêm, một cách tỉ mỉ, hăng say và đam mê.
Seri sách của nhóm tác giả Kiến trúc được Giải ba Giải thưởng Kiến trúc năm 2005. Đó là một công trình công phu mà nhóm tác giả, trong đó có PGS.TS Tôn Thất Đại, đã bỏ ra nhiều tâm huyết thực hiện. Đến nay, những cuốn sách này vẫn được tác giả sử dụng và ông tâm sự: ông vẫn chưa từ bỏ ý định làm tiếp các tập sách còn đang dang dở.
Nguyễn Thanh Hóa
________________________
[1] Các mục khác thì ra được một số tập, sau đó thì không còn tiếp tục, chỉ có mục sách về kiến trúc là ra được 105 tập, hội họa ra được 150 tập.
[2] Số sách bắt đầu trong bản thảo tương ứng với cuốn số 35 đã được xuất bản trong bộ sách.