GS.TS Lê Duy Thước sinh ngày 15-5-1918 tại xã Diễn Quảng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông là một trong 21 cán bộ đầu tiên được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cử đi Liên Xô đào tạo năm 1951. Khi về nước công tác, ông đã có nhiều đóng góp cho công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, ông nguyên là Viện trưởng Viện Nông hóa và Thổ nhưỡng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Nông nghiệp I, là một trong số các tác giả chính của công trình: Điều tra, phân loại, lập bản đồ đất Việt Nam tỷ lệ 1/500.000 – công trình được Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt II (2000). Đặc biệt từ năm 1984 đến năm 1988, ông chính là Chủ nhiệm của Chương trình Tây Nguyên II.
Lật giở những tài liệu GS Lê Duy Thước để lại, có một khối lượng lớn các các bản thảo viết tay, đánh máy cũ kĩ đề cập tới các vấn đề về Tây Nguyên do chính ông soạn thảo. Có thể kể đến các đề tài như: Nông lâm kết hợp bảo vệ đa dạng sinh học (thực vật) vùng Tây Nguyên, do GS Lê Duy Thước và Kỹ sư Nguyễn Hiền đồng tác giả, 1995 (bao gồm 01 bản viết tay và 02 bản đánh máy có nhiều sửa chữa); Bản thảo đề tài nhánh: Bảo vệ đa dạng sinh học vùng Tây Nguyên, thuộc đề tài Bảo vệ đa dạng sinh học, mã số KT.02-08 (được viết tay 2 lần từ năm 1993);… Ngoài ra, còn rất nhiều các bản thảo bài giảng khác về vấn đề nông nghiệp Tây Nguyên hoặc được ông soạn để giảng dạy cho cán bộ nông nghiệp ở Tây Nguyên.
Đáng chú ý trong số những tài liệu về Tây Nguyên là bản thảo Đề cương Báo cáo tổng hợp Chương trình Tây Nguyên II. Bản thảo bao gồm 32 trang được đánh máy một mặt trên giấy nâu đen, khổ 21,5x30cm, các góc đã rách, giấy đã mủn và ố vàng. Bản thảo là tài liệu có giá trị lịch sử về một giai đoạn của nước ta những năm 80 của thế kỷ XX.
Theo Quyết định số 110/CP ngày 23 tháng 3 năm 1984, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã phê duyệt triển khai, trong những năm 1984 -1988, Chương trình tiến bộ khoa học kỹ thuật trọng điểm của Nhà nước: “Xây dựng cơ sở khoa học của quy hoạch phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên”, mã số 48-09. Sau được gọi là Chương trình 48.C – Chương trìnhTây Nguyên II, tiếp tục do Viện Khoa học Việt Nam chủ trì, với sự phối hợp của Ủy ban KHXH Việt Nam (nay là Viện KHXH Việt Nam) trong việc chỉ đạo các đề tài nghiên cứu về kinh tế – xã hội. GS Lê Duy Thước được cử làm Chủ nhiệm Chương trình, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của GS Nguyễn Văn Hiệu (Viện trưởng Viện Khoa họcViệt Nam).
Bản thảo Đề cương báo cáo Chương trình Tây Nguyên II
Chương trình gồm 3 mục tiêu: Một là, nghiên cứu một số vấn đề cấp bách về khoa học kỹ thuật và kinh tế-xã hội (các điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế-xã hội) làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng kế hoạch 5 năm 1986-1990 và xây dựng quy hoạch dài hạn phát triển KT – XH vùng Tây Nguyên đến năm 2000. Hai là, đáp ứng một số yêu cầu cấp thiết của công cuộc phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh Tây Nguyên. Ba là, xây dựng tiềm lực khoa học kỹ thuật của các ngành và các tỉnh trên lãnh thổ Tây Nguyên [1].
Trong thời gian triển khai Chương trình Tây Nguyên II, Ban Chủ nhiệm Chương trình đã triển khai đúng tiến độ và phương pháp khoa học, tổ chức 5 cuộc Hội thảo khoa học, tập hợp nhiều tư liệu quý, giá trị, đặc biệt là tranh thủ ý kiến của các nhà khoa học về các vấn đề kinh tế-xã hội ở Tây Nguyên. Đến tháng 6-1988, GS Lê Duy Thước và Ban Chủ nhiệm Chương trình đã viết Báo cáo tổng hợp ý kiến của các hội thảo về Tây Nguyên gửi cho một số lãnh đạo các ngành ở Trung ương như: Trần Khải – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước, Nguyễn Công Tạn – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm, Đặng Hữu – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước, Phan Xuân Đợt – Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp, Nguyễn Tứ Hy – Tổng cục trưởng Tổng cục Cao su;… Tháng 2-1989 Ban Chủ nhiệm Chương trình đã viết Báo cáo tóm tắt Kết quả triển khai Chương trình Tây Nguyên trình ông Nguyễn Thanh Bình – Thường trưc Ban Bí thư Trung ương Đảng tham khảo. Toàn bộ 62 báo cáo khoa học của các đề tài, đề mục kèm theo 90 bản đồ, sơ đồ thuyết minh đã được tập hợp để tổng hợp. Tháng 8-1990, GS Lê Duy Thước đã tổng hợp các kết quả nghiên cứu của chương trình thành một đề cương báo cáo trình lên Hội đồng Khoa học nghiệm thu cấp Nhà nước.
Bản thảo Đề cương Báo cáo đã đưa ra những đánh giá về kết quả nghiên cứu:
– Đánh giá về điều kiện tự nhiên Tây Nguyên.
– Đánh giá điều kiện con người Tây Nguyên.
– Thực trạng phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên 1975-1988 và tiềm năng phát triển đến năm 2000-2005. Báo cáo chỉ ra 5 mâu thuẫn trong quá trình phát triển: mâu thuẫn giữa phát triển với tốc độ tăng trưởng và cấu trúc hạ tầng sản xuất, hạ tầng xã hội; mâu thuẫn giữa việc khai thác tài nguyên và bảo vệ tài nguyên;…
– Những vấn đề phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên, kiến nghị của Ban Chủ nhiệm Chương trình (10 kiến nghị).
– Kết luận và đề nghị. Trong phần này, GS Lê Duy Thước nhấn mạnh: “Là công sức, trí tuệ đóng góp của gần 500 anh chị em cán bộ khoa học Trung ương và địa phương, đã khắc phục nhiều khó khăn gian khổ để triển khai nghiêm túc và có hiệu quả một Chương trình tiến bộ khoa học – kỹ thuật trọng điểm của Nhà nước trên một địa bàn rừng núi rộng lớn, xa xôi, an ninh chưa đảm bảo”. Đồng thời, thay mặt Ban Chủ nhiệm Chương trình, ông đưa ra 3 đề nghị:
– Hội đồng Bộ trưởng có thể giao cho các tập thể khoa học xây dựng nhiều phương án Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng có tính chiến lược đến năm 2005 (và có thể đến năm 2050) cho vùng lãnh thổ Tây Nguyên. Hội đồng Bộ trưởng sẽ lựa chọn duyệt một phương án khả thi cho triển khai ngay vào kế hoạch 5 năm 1991-1995.
– Hội đồng Bộ trưởng nên cử một đồng chí Phó Chủ tịch đặc trách vùng Tây Nguyên, tập hợp được lực lượng các ngành Trung ương, các Viện khoa học và trường Đại học trong cả nước, đầu tư vốn liếng, công sức (kể cả chất xám) giúp Hội đồng Bộ trưởng chỉ đạo thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng Tây Nguyên. Hình thành bên cạnh Hội đồng Bộ trưởng một “bộ tham mưu tác chiến” gọn nhẹ nhưng có hiệu lực…
– Nhà nước ưu tiên dành vốn đầu tư cần thiết để xây dựng cấu trúc hạ tầng sản xuất (giao thông, thủy lợi, năng lượng, cải tạo môi trường,…) và cấu trúc hạ tầng xã hội (trường học, trạm xá, trạm truyền tin, dịch vụ…) để khai thác tài nguyên đi vào chiều sâu (cho hiệu quả kinh tế tài nguyên – xã hội – môi trường) và tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế xã hội Tây Nguyên với tốc độ nhanh, mạnh, vững chắc trên cơ sở khoa học vào thời kỳ sau 2005 [2].
Với Chương trình Tây Nguyên II, Nhà nước đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư hỗ trợ phát triển tổng thể vùng Tây Nguyên, do vậy vùng này đã đạt được một số thành tựu về phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, Tây Nguyên vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua nhằm phát triển nơi đây một cách bền vững, toàn diện.
Bản thảo Đề cương báo cáo Chương trình Tây Nguyên II của GS Lê Duy Thước phần nào phản ánh được quá trình hoạt động khoa học của ông và các cộng sự, góp sức xây dựng, phát triển vùng đất Tây Nguyên giàu đẹp.
Nguyễn Thanh Hóa
_____________________
[1] Theo Bản thảo Đề cương báo cáo, 8-1990.
[2] Theo Bản thảo Đề cương báo cáo, 8-1990.