Bản thảo đề tài nghiên cứu đầu tiên về địa mạo vùng ven biển Thuận Hải – Minh Hải

Cầm trên tay tập bản thảo viết tay đã cũ kỹ, giấy đã mủn và ố vàng qua thời gian, GS.TSKH Lê Đức An (nguyên Viện trưởng Viện Địa lý, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) nói với chúng tôi: “Các bạn thấy đấy, thời bọn mình còn khó khăn lắm, đến giấy cũng chẳng có mà viết!”. Tập bản thảo được ông cất kỹ trong chiếc cặp bìa có buộc dây chắc chắn, bên ngoài ghi vỏn vẹn mấy chữ: “Chương trình biển”. Đã lâu, nó nằm yên ở một góc tủ của phòng Địa mạo, Viện Địa lý, nay mới được lục ra và điều đó khiến cho chủ nhân của nó im lặng trong giây lát vì xúc động hồi tưởng điều gì đó, rồi ông thốt ra: “Cái này quý lắm, tư liệu này rất quý đối với mình!”. Không dưới ba lần, GS Lê Đức An nhắc lại câu nói ấy trong khi say sưa kể câu chuyện liên quan đến tập bản thảo này.

Ông cho biết, sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc (1954), nhà nước chủ trương xây dựng bản đồ địa chất toàn miền Bắc tỉ lệ 1/500.000. Với sự giúp đỡ và hướng dẫn của các chuyên gia Liên Xô, nhiều cán bộ, nhà khoa học Việt Nam đã tham gia thành lập bản đồ ấy, tiêu biểu phải kể đến những đóng góp của GS Nguyễn Văn Chiển – Chủ nhiệm khoa Mỏ – Địa chất, trường Bách khoa Hà Nội. Sau khi đất nước thống nhất, yêu cầu xây dựng bản đồ địa chất toàn miền Nam ở tỉ lệ 1/500.000 được đặt ra. Đoàn 500 (thuộc Liên đoàn Bản đồ, Tổng cục Địa chất) được giao nhiệm vụ đo vẽ và lập bản đồ này. Vì thế, đầu năm 1976, sau Tết nguyên đán, PTS Lê Đức An cùng với nhiều cán bộ của Đoàn 500 thu xếp hành lý, đồ đạc để vào Nam công tác. Phụ trách kỹ thuật Đoàn 500 vào công tác tại miền Nam là Đoàn phó Nguyễn Xuân Bao – người sau này được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Đoàn 500 có các đội nghiên cứu về địa tầng, magma, khoáng sản, trọng sa, địa mạo – đệ tứ – vỏ phong hóa. Đội Địa mạo – đệ tứ – vỏ phong hóa do PTS Lê Đức An làm đội trưởng lúc đó có nhiệm vụ nghiên cứu địa mạo, trầm tích đệ tứ và vỏ phong hóa trên địa bàn toàn miền Nam, do đó PTS Lê Đức An đảm nhiệm cương vị chủ biên tờ bản đồ địa mạo miền Nam và phần đệ tứ của bản đồ địa chất.

Bản thảo: Đặc điểm địa mạo đới ven biển Thuận Hải – Minh Hải

GS.TSKH Lê Đức An không thể quên, hồi ấy mỗi lần đi công tác dường như là một lần chuyển nhà, vì phải chuyển cả hộ khẩu. Chúng tôi thuộc lớp hậu sinh, không thể hiểu được điều đó nên đã hỏi lại và được ông khẳng định: “Đúng là chuyển hộ khẩu, vì không chuyển thì làm gì có gạo mà ăn!”. Là một cán bộ địa chất nên cuộc sống cứ như con chim, nay đây mai đó, đến đâu cũng là nhà, và nơi nào đặt chân đến cũng đầy ắp kỷ niệm, cả vui lẫn buồn. Mỗi lần di chuyển địa điểm thực địa chẳng khác nào một lần về nơi ở mới, vì phải mang theo đủ mọi thứ, từ bát đĩa, xoong nồi, quần áo cho đến những đồ dùng sinh hoạt cá nhân nhỏ nhất. Trong mấy năm từ 1976 đến cuối 1979, ông và các đồng nghiệp di chuyển như thế không biết bao nhiêu lần, tất nhiên là không phải chỉ ở trong Nam, mà cũng có những chuyến ra Bắc rồi lại quay vào, đi nhiều đến nỗi ông không thể nhớ hết số lần đã đi như thế. Khó khăn nhất trong lúc đi công tác là xăng dầu, loại nhiên liệu chỉ được cấp phát theo tiêu chuẩn; hơn nữa, không phải đi đến đâu cũng lấy được xăng dầu, chỉ có thể mang theo từ Hà Nội hoặc nhận ở thành phố Hồ Chí Minh, Quy Nhơn, Nha Trang, còn khi đi thực địa mỗi xe thường phải mang theo một phuy vài trăm lít, đủ dùng cho cả chuyến đi.

Khi nhiệm vụ lập bản đồ địa mạo miền Nam đang được thực hiện thì vào năm 1977, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước thành lập một chương trình cấp nhà nước: Điều tra tổng hợp vùng biển Thuận Hải – Minh Hải, do TS Đặng Ngọc Thanh – Viện phó Viện Khoa học Việt Nam làm chủ nhiệm. Theo đề nghị của chủ nhiệm chương trình, Liên đoàn Bản đồ đồng ý thực hiện đề tài Đặc điểm địa mạo đới ven biển Thuận Hải – Minh Hải. Đây là đề tài số 7 nằm trong chương trình điều tra tổng hợp vùng biển Thuận Hải – Minh Hải và PTS Lê Đức An được giao thêm việc làm chủ nhiệm đề tài mới phát sinh này.

Cùng thực hiện đề tài này với PTS Lê Đức An là những cán bộ trẻ của đội, như: KS địa chất Ma Công Cọ tham gia giai đoạn nghiên cứu và tổng kết trong phòng, xây dựng các bản đồ; KS địa chất Đỗ Văn Long tham gia nghiên cứu vi cổ sinh trong trầm tích trẻ; KS địa mạo Võ Biên tham gia khảo sát thực địa và xây dựng các bản đồ trắc lượng hình thái; KS địa chất Trần Văn Năng tham nghiên cứu độ hạt các trầm tích trẻ; KS địa chất Cù Đình Hai thực hiện một số bản vẽ trong quá trình nghiên cứu. Ngoài ra còn có sự tham gia của các nhà cổ sinh như PTS địa chất Nguyễn Ngọc, KS địa chất Nguyễn Thị Á. Chỉ có PTS Nguyễn Ngọc thuộc cơ quan khác, còn lại đều thuộc Đoàn 500 và đều thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ: vừa nghiên cứu lập bản đồ địa mạo miền Nam và phần đệ tứ trên bản đồ địa chất, vừa tham gia đề tài thuộc chương trình biển.

Để đảm bảo cho bản đồ bao quát được tương đối trọn vẹn các kiểu địa hình ven biển, đề tài xác định phạm vi nghiên cứu là từ mép nước trở vào đất liền khoảng 30-40km, lấy ranh giới trong là đường chia nước giữa cao nguyên Đà Lạt – Di Linh với hệ thống đồng bằng ven biển. Việc nghiên cứu ở Nam Bộ cũng triển khai trên một chiều rộng tương tự. Về giới hạn phía bắc và phía nam, bản đồ bao gồm từ bắc Nha Trang đến hết rừng U Minh. Như vậy, diện tích của vùng vẽ bản đồ là khoảng 25.000km2, thuộc nhiều tỉnh và thành phố lúc đó: Phú Khánh[1], Thuận Hải, Đồng Nai, Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh[2], Sóc Trăng[3], đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo[4], Minh Hải và một phần tỉnh Kiên Giang.

PTS Lê Đức An và các đồng nghiệp phải di chuyển nhiều nơi, chỉ dừng chân lâu nhất ở thành phố Hồ Chí Minh. Dù ở đâu, các thành phố chỉ là nơi để làm công tác văn phòng, còn từ đây nhóm nghiên cứu phải tỏa đi khắp các địa điểm trong vùng để khảo sát thực địa, tập hợp mẫu, đo đạc lấy số liệu… Ông tâm sự: “Khi thực hiện đề tài này, đi đến đâu thì đội của mình ở nhờ đó. Bọn mình thường ở tập thể, mình ở cùng phòng với anh em địa mạo. Hồi ấy chưa có chế độ ở khách sạn như bây giờ, đến Quy Nhơn thì chính quyền địa phương bố trí cho anh em ở chung trong một căn nhà. Đội mình ở tạm đấy, tự nấu ăn và ở chung với nhau. Đến Nha Trang cũng vậy, bọn mình cũng ở nhờ nhà của đội bạn. Còn ở thành phố Hồ Chí Minh thì bọn mình ở nhờ một căn nhà 3 tầng tại ấp Tân Trang, gần đường Lý Thường Kiệt. Đó vừa là nơi ăn, ngủ, vừa là nơi làm việc. Nhưng chỉ có mùa mưa thì bọn mình ở đó thôi, còn mùa khô thì lại đi thực địa, lấy mẫu và đo đạc”[5].

Cũng có những sự cố xảy ra khi đi thực địa làm cho ông và đồng nghiệp tưởng chừng phải bỏ dở đề tài. Ông kể: “Có một chuyện xảy ra khi làm đề tài này khiến mình ngay lúc đó tưởng như muốn giải nghệ luôn. Đó là một lần đi khảo sát vùng Sơn Hải, Ninh Thuận, đang lấy mẫu và ghi chép thì bị bao vây. Hôm đó khi đội của mình đang khảo sát vùng cát ven biển, bỗng nhiên thấy xung quanh súng bắn rất gần, chát chúa như pháo nổ ran. Bọn mình không hiểu chuyện gì đang xảy ra, vội ngồi sụp cả xuống. Một lúc sau thấy rất đông người xô đến bao vây, hóa ra là dân quân tự vệ của xã. Hỏi ra thì được biết họ nghi đội của mình vượt biên trái phép. Thực ra bọn mình đã báo cáo về chuyến công tác ở đây với huyện và xã rồi, không biết thế nào mà họ bố trí vây bắt, bắn chỉ thiên rất nhiều để áp đảo. Cũng may, người giữ súng của đội chưa kịp trở tay bắn lại, nếu không thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Sau chuyện này, mình chán nản quá, định kết thúc, về nghỉ luôn, không làm tiếp nữa!” Trầm ngâm một lúc, ông chậm rãi kể tiếp: “Nhưng những điều kỳ thú về địa mạo – địa chất đệ tứ của vùng cát Thuận Hải đã lại thôi thúc bọn mình bước tiếp, đặc biệt là vấn đề về nguồn gốc sinh thành của các loại cát và sự tạo ra màu sắc của chúng. Nơi đây thật sự là một di sản địa mao – địa chất quý giá, mà sau này mình đã nhiều lần đề cập đến”[6].

Để hoàn thành đề tài này, PTS Lê Đức An và các cộng sự đã đi thực địa tổng cộng khoảng 1.200km, khoan nông tổng cộng 600m (mỗi giếng khoan từ 10 đến 15m), khoan một giếng sâu 480m; phân tích 50 mẫu hóa silicat, 200 mẫu độ hạt, 500 mẫu vi cổ sinh, 40 mẫu bào tử phấn hoa… Tuy nhiên, còn nhiều loại mẫu chưa được phân tích đầy đủ, do không có đủ kinh phí để gửi mẫu sang Liên Xô. Thêm nữa, do chương trình không có bản đồ địa hình, nên nhóm nghiên cứu phải dùng bản đồ mộc của Đoàn 500. Đề cập đến khó khăn khi thực hiện đề tài, trong báo cáo kết quả nghiên cứu đã chỉ ra như sau: “Ngoài việc sử dụng một ít văn phòng phẩm phục vụ vẽ bản đồ và viết báo cáo, chúng tôi không được đầu tư thêm phương tiện và tiền để triển khai công tác bổ sung và chi tiết hóa đề tài. Nhiều mẫu đã lấy nhưng không có tiền để gửi phân tích. Chúng tôi thực hiện nhiệm vụ này hoàn toàn với tính chất kết hợp, ngoài nhiệm vụ chính cũng đã khá nặng nề”[7].

Theo GS Lê Đức An, đề tài đã thực hiện được nhiệm vụ đo vẽ tới mức độ chi tiết của tỉ lệ 1/500.000, đồng thời bổ sung để nâng cao chất lượng bằng việc đan dày các hành trình thực địa và các nghiên cứu chuyên đề trong phòng thí nghiệm.

Đề tài này triển khai từ năm 1977 và kết thúc năm 1981. Đến ngày 30-6-1981, PTS Lê Đức An đã tập hợp được tất cả báo cáo từ các thành viên trong nhóm để tổng hợp thành bản báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài. Ông cho biết: “Sau khi lấy mẫu, bọn mình phải gửi các mẫu ấy đi phân tích ở Liên đoàn Địa chất và ở các phòng thí nghiệm khác. Sau khi có kết quả mẫu thì mình phải phân tích kết quả, tổng hợp, rồi từ các số liệu đó gắn với tài liệu khảo sát để tổng hợp thành các vấn đề và viết thành bản báo cáo này”[8].

Bản thảo báo cáo tổng kết đề tài bao gồm 78 trang viết tay trên giấy thếp kẻ ngang màu nâu nhạt, loại giấy phổ biến thời đó, với ba phần nội dung chính: Khái quát về địa hình, khí hậu và đặc điểm địa chất khu vực; Đặc điểm địa mạo; Những vấn đề địa mạo ứng dụng và các đề nghị. Ngoài báo cáo chính, khi ấy PTS Lê Đức An và các đồng nghiệp còn phải hoàn thành đồng thời nhiều sản phẩm khác để nghiệm thu đề tài, bao gồm: bản đồ địa mạo tỉ lệ 1/500.000; bản đồ các kiểu và dạng địa hình tỉ lệ 1/1.000.000; sơ đồ phân cắt sâu tỉ lệ 1/500.000; sơ đồ phân cắt ngang tỉ lệ 1/500.000; sơ đồ dốc tỉ lệ 1/500.000; các mặt cắt địa chất – địa mạo…

Trong tập bản thảo báo cáo tổng kết đề tài, nhóm nghiên cứu không chỉ trình bày thực trạng, mà còn nêu ra những đề xuất liên quan đến vấn đề địa mạo ứng dụng. Theo GS Lê Đức An, những đề xuất trong báo cáo này cho đến nay vẫn còn giá trị nhất định. Theo ông giải thích, vào thời điểm năm 1981, “Một vấn đề quan trọng đặt ra cho lãnh thổ này là khai thác hợp lý và bảo vệ tốt môi trường. Có thể nói rằng, chúng ta chỉ bảo vệ được môi trường sống khi chúng ta khai thác lãnh thổ hợp lý, phù hợp với các quy luật của tự nhiên”[9]. Nhóm tác giả kiến nghị về 4 vấn đề lớn là: Bảo vệ tài nguyên đất đai và môi trường; Vấn đề sử dụng đất nông nghiệp; Vấn đề xây dựng – giao thông; Vấn đề nước ngọt. Mỗi vấn đề đều vừa có thực trạng, vừa có đề xuất biện pháp giải quyết cụ thể để phục vụ thực tiễn. Có những vấn đề không chỉ là cần thiết ở thời điểm đó, mà vẫn có giá trị cho đến ngày nay, ví dụ về vấn đề bảo vệ tài nguyên đất đai và môi trường, các tác giả nhấn mạnh: “Việc xây dựng các cảng phục vụ khai thác và việc chọn địa điểm chế biến dầu khí cần được tính toán và tìm biện pháp khắc phục tốt hiện tượng ô nhiễm nước sông và biển. Theo các quan sát địa mạo ở ven biển, các tích tụ di chuyển chủ yếu về phía tây nam. Nếu ở Vũng Tàu hoặc cửa sông Soi Rạp có nguồn ô nhiễm thì cái đó có thể sẽ gây ảnh hưởng cho cả vùng cửa sông Cửu Long và như vậy là nguồn lợi cửa sông về trồng và nuôi thả sẽ bị đe dọa lớn, trong trường hợp không có biện pháp bảo vệ”[10].

Khi đề xuất về vấn đề sử dụng đất nông nghiệp, PTS Lê Đức An và các đồng nghiệp đã đưa ra khuyến cáo cho từng vùng hay miền đất đặc trưng. Như ở vùng từ Nha Trang đến Vũng Tàu, nên lưu ý canh tác các loại cây không chỉ phù hợp với chất đất, mà còn cần phù hợp với đặc điểm địa hình và độ dốc; ở vùng đồng bằng trầm tích (có diện tích ít) là nơi việc canh tác thuận lợi do đất màu mỡ hơn và không bị xói mòn, trong quy hoạch phải chú ý đến nguồn gốc của các trầm tích, cụ thể là phải phân biệt đồng bằng do sông và đồng bằng do sông biển hỗn hợp; vùng đất đỏ bazan cần chú ý nhiều biện pháp chống xói mòn và việc chọn các khoảnh đất khi canh tác, cần để lại rừng ở vùng địa hình dạng chóp nón… Trong phần về xây dựng – giao thông hay về nước ngọt, các tác giả cũng chỉ ra những vấn đề chi tiết và khuyến cáo biện pháp sử dụng, khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên. Cuối cùng, trong phần kết luận cũng có những ý kiến đề xuất, như: …“vấn đề động lực phát triển của bờ biển trong mối quan hệ với tân kiến tạo, thủy triều, gió, dòng biển, vật liệu trầm tích ven biển… cần tiếp tục nghiên cứu. Cần xây dựng các trạm quan sát, đo đạc thường xuyên và từng thời kỳ, với các trang bị cần thiết để theo dõi các quá trình phát triển của bờ biển, tìm hiểu nguyên nhân của các quá trình đó”[11].

Trong suốt quá trình thực hiện đề tài, PTS Lê Đức An đóng vai trò chủ chốt trong việc nghiên cứu thực địa, thu thập tài liệu và cũng là người chịu trách nhiệm chính trong việc vẽ bản đồ và viết báo cáo tổng hợp. Những kết quả của đề tài này được báo cáo lên Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước, sau đó được đưa vào lưu trữ cùng những tài liệu khác của Chương trình biển để cán bộ trong ngành tham khảo, không được công bố rộng rãi hay in ấn và phổ biến. GS Lê Đức An cho rằng, điều đó có thể do hạn chế về kinh phí lúc đó và có lẽ một phần còn là do yêu cầu bảo mật. Sau này, trong một vài bài công bố trên tạp chí, ông có sử dụng một số kết quả nghiên cứu của đề tài này. Nhấn mạnh về ý nghĩa của nó, ông cho biết: “Công trình này có ý nghĩa mở đầu. Nó là công trình đầu tiên mô tả được địa mạo của một vùng tương đối rộng lớn, theo một phương pháp luận thống nhất. Nó là mở đầu cho những nghiên cứu địa mạo – địa chất đệ tứ chi tiết sau này. Điều tra cơ bản về địa chất nói chung là một quá trình chi tiết hóa dần, cái sau tiếp nối cái trước, cái trước là nền tảng cho cái sau”[12].

Hơn 30 năm qua, đã có nhiều chương trình biển tiếp theo được thực hiện và bản thân GS.TSKH Lê Đức An cũng tham gia nhiều chương trình nghiên cứu khoa học khác, nhưng tập bản thảo này vẫn gợi lại những ký ức khiến ông xúc động. Tập bản thảo đã cũ kỹ, nhưng ký ức của ông về những năm gian khó ấy không bao giờ cũ, tất cả như vẫn còn mới nguyên và như vừa diễn ra.

Nguyễn Thanh Hóa

_______________________

[1]. Nay là hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa.

[2]. Thời kỳ đó là một phần của tỉnh Cửu Long (tỉnh Cửu Long gồm hai tỉnh: Vĩnh Long và Trà Vinh).

[3]. Thời kỳ đó là một phần của tỉnh Hậu Giang.

[4]. Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo là một đơn vị hành chính tương đương cấp tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương ngày nay. Đặc khu này được thành lập sau năm 1975, đến năm 1991 thì giải thể và thành lập tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

[5]. Hỏi chuyện GS Lê Đức An, ngày 11-6-2015.

[6]. Hỏi chuyện GS Lê Đức An, ngày 11-6-2015.

[7]. Bản thảo báo cáo Đặc điểm địa mạo đới ven biển Thuận Hải – Minh Hải, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, tr. 3.

[8]. Hỏi chuyện GS Lê Đức An, ngày 11-6-2015.

[9]. Phỏng vấn GS.TSKH Lê Đức An, ngày 25-3-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[10]. Bản thảo báo cáo Đặc điểm địa mạo đới ven biển Thuận Hải – Minh Hải, tài liệu đã dẫn, tr. 70.

[11]. Bản thảo báo cáo Đặc điểm địa mạo đới ven biển Thuận Hải – Minh Hải, tài liệu đã dẫn , tr. 77.

[12]. Hỏi chuyện GS Lê Đức An, ngày 11-6-2015.