Câu chuyện đưa chuyên gia Việt Nam sang châu Phi bắt đầu từ khoảng năm 1980, khi GS.TS Vũ Văn Tảo[1] – cố vấn của Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (ĐH và THCN) đi công tác ở một số nước tại châu lục này và nhận thấy họ có nhu cầu rất lớn về giảng viên đại học và trung học chuyên nghiệp. Ông đã đề xuất Bộ ĐH và THCN cử cán bộ đi làm chuyên gia. Năm 1981, đoàn chuyên gia giáo dục Việt Nam đầu tiên sang châu Phi làm việc. Về sau, những ngành khác như y tế, nông nghiệp cũng cử cán bộ đi làm chuyên gia. Hồi đó, Việt Nam đưa chuyên gia sang châu Phi là nhằm hai mục đích: Thứ nhất, để có ngoại tệ trả những khoản mà ta đã nợ từ thời chiến tranh, chẳng hạn như mua chịu xăng dầu của Algérie; thứ hai là giúp cải thiện cuộc sống cho bộ phận cán bộ khoa học, y tế và giáo dục trong bối cảnh nền kinh tế của đất nước cực kỳ khó khăn. Bởi vậy, những người đi làm chuyên gia ở châu Phi thường nói vui với nhau rằng họ đi như thế trước là “cứu nước”, sau là “cứu nhà”.
Bản thảo lá đơn của PGS.TS Bùi Vạn Trân, 1984
Đầu năm 1984, khi đang công tác tại phòng Kỹ thuật môi trường xây dựng, Viện Khoa học kỹ thuật xây dựng cơ bản (thuộc Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước), ông Bùi Vạn Trân tình cờ được một người bạn cho biết Bộ ĐH và THCN sắp tới sẽ tổ chức thi tiếng Pháp để tuyển cán bộ đi làm chuyên gia giáo dục tại Algérie. Lúc này, tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam đang rất khó khăn, đời sống các gia đình đều chật vật, vợ chồng ông cũng vậy, đồng lương ít ỏi mà phải nuôi ba đứa con nhỏ… Vì thế, ông đã nhanh chóng quyết định đi làm chuyên gia. Bên cạnh đó, ông cũng muốn “thay đổi không khí”, vì khi ấy cuộc tranh luận khoa học giữa ông và một đồng nghiệp đang ở mức “cao trào”. Thêm nữa, một điều khiến ông không đắn đo nhiều trước quyết định này là nỗi nhớ nghề giảng dạy, bởi kể từ sau khi lấy bằng Phó tiến sĩ ở Liên Xô và về nước năm 1965, ông đã từng có 15 năm (1966-1981) làm thầy ở trường Đại học Xây dựng Hà Nội và gần 20 năm (1966-1985) giảng môn vật lý kiến trúc ở trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
Bộ ĐH và THCN tổ chức cuộc gặp mặt những cán bộ đăng ký đi làm chuyên gia để hướng dẫn làm thủ tục. Theo quy định, khi đã được cơ quan chủ quản đồng ý, các ứng viên đều làm việc trực tiếp với Bộ ĐH và THCN để hoàn tất hồ sơ. PGS Bùi Vạn Trân cho biết, mọi thủ tục được giải quyết rất nhanh để chuyên gia có thể sang nước bạn đúng vào năm học mới[2].
Ông Bùi Vạn Trân thảo “Đơn tình nguyện đi làm chuyên gia ở nước ngoài”, nêu nguyện vọng sang Algérie. Văn bản viết trên tờ giấy màu nâu, kích thước 20,8 x 30,5cm, đến nay đã cũ, có vết rách tròn nhỏ ở góc trên bên trái do ghim sắt và có một nếp gấp ngang. Như ông giải thích, hồi ấy không dễ có được tờ giấy trắng, nên ông đã viết đơn bằng loại giấy có màu gần như nâu, thường gọi chung là “giấy đen” để phân biệt với giấy trắng. Sau khi sửa chữa và bổ sung bản thảo này, ông viết bản hoàn chỉnh rồi đem nộp lên Bộ ĐH và THCN. Đồng thời, ông còn phải làm bộ hồ sơ bằng tiếng Pháp, bao gồm: Sơ yếu lí lịch; Bản dịch bằng Phó tiến sĩ từ tiếng Nga sang tiếng Pháp; Giấy xác nhận của trường Đại học Kiến trúc Hà Nội về thời gian thỉnh giảng môn vật lý kiến trúc (gồm các tiểu môn: khí hậu học xây dựng, khí hậu trong công trình xây dựng, kỹ thuật nhiệt xây dựng, âm học kiến trúc và âm học xây dựng, chiếu sáng tự nhiên và chiếu sáng nhân tạo); Giấy chứng nhận tốt nghiệp trường Đại học Xây dựng Moskva (do bằng gốc đã bị thất lạc trong trận không quân Mỹ ném bom ngày 10-9-1972, khi ông công tác tại trường Đại học Xây dựng Hà Nội và trường đang sơ tán tại thị trấn Hương Canh, tỉnh Vĩnh Phúc)… Bộ hồ sơ được nộp đến Vụ Quốc tế của Bộ ĐH và THCN, để Vụ làm việc với Đại sứ quán Algérie tại Hà Nội.
Để chuẩn bị về tiếng Pháp, ông Bùi Vạn Trân tham gia một lớp học trong vòng 2-3 tháng, nhằm bổ túc vốn kiến thức tiếng Pháp khiêm tốn được học từ trước. Ông kể lại: Lớp học được tổ chức một thầy với 4-5 học viên nên học rất nhanh và hiệu quả[3]. Sau đó, ông vượt qua kỳ sát hạch tiếng Pháp bằng hình thức thi viết và vấn đáp. Kết quả, ông đáp ứng yêu cầu về cả hồ sơ và ngôn ngữ, nên đã được phía Algérie đồng ý tiếp nhận.
Ngày lên đường vào khoảng cuối tháng 8-1985, tất cả chuyên gia tập trung tại Bộ ĐH và THCN rồi cùng nhau đi ô tô ra sân bay Nội Bài. Trên đường ra sân bay, ông Huỳnh Sum – người Phú Yên, giảng viên trường Đại học Tổng hợp Hà Nội – nói một câu rất gở, đại ý là chuyến đi này thế nào cũng gặp nạn. Mọi người vừa sợ, vừa bực, nên đã trách cứ ông Sum. Nhưng rồi sau đó, khi sang thủ đô Alger được khoảng một tháng, một hôm, ông Sum đi sang đường, do tầm nhìn bị che khuất và mắt kém nên ông bị ô tô va phải, tuy được cấp cứu tại bệnh viện nhưng sau mấy ngày thì ông qua đời.
Ông Bùi Vạn Trân được phân công giảng dạy tại trường Đại học Bách khoa Kiến trúc và Quy hoạch Alger (École polytechnique d' Architecture et d' Urbanisme d'Alger – EPAU) trong thời gian 3 năm, từ 1985 đến 1988. Mới từ Việt Nam sang thủ đô Alger, ông cảm thấy như mình vừa từ nông thôn ra thành phố, cái gì cũng mới lạ, hàng hóa phong phú, hầu như không thiếu gì cả.
Ông giảng môn vật lý kiến trúc cho sinh viên năm thứ 3 và thứ 4. Đây là môn học ông đã giảng ở Việt Nam, ông mang theo cả giáo trình cùng những bài đã đăng trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước. Mỗi tài liệu đó đều có đóng dấu của Viện Khoa học kỹ thuật xây dựng cơ bản xác nhận cho phép mang đi. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc ở trường Đại học Bách khoa Kiến trúc và Quy hoạch Alger, ông còn phải cập nhật những kiến thức mới nhất để dạy cho sinh viên. Sinh viên không chỉ chuyên cần học trên lớp, mà còn tích cực đến thư viện của trường để tham khảo sách và tài liệu. PGS Bùi Vạn Trân cho biết: Sách và tài liệu tham khảo của thư viện trường cực kỳ phong phú, hầu hết là của các nhà xuất bản Pháp và Anh, một số ít là của các nước châu Âu khác[4]. Ông có phương pháp giảng dạy tốt, nên sinh viên dễ tiếp thu bài, nhiều sinh viên nói rằng họ thích cách giảng của ông.
PGS Bùi Vạn Trân cho biết, mỗi tháng lương chuyên gia Việt Nam dạy đại học là 1000 USD, nhưng cá nhân chỉ được giữ lại 100 USD, còn lại nhà nước ta thu để trả nợ. Từ cuối năm 1986, ông cùng với các chuyên gia khác dùng số tiền tích góp được của mình gửi sang Nhật để đặt mua xe máy cũ và chuyển về Việt Nam. Ông kể lại: Phong trào mua xe ở Nhật đã có từ trước, tôi làm theo sự chỉ bảo của các anh em khác. Chúng tôi gom tiền lại rồi gửi sang Nhật mua xe. Cũng có nhiều anh bị mất trắng do gửi tiền vào một công ty lừa, tôi may mắn không bị mất chiếc xe nào[5]. Từ Nhật, xe được gửi theo đường biển về cảng Hải Phòng, vợ ông nhận về rồi bán.
Điều ông Bùi Vạn Trân trăn trở, lo lắng nhất khi xa gia đình là việc học của các con. Trong thư ngày 26-2-1986, ông viết: Giang (con gái đầu) và Bút (con trai thứ) cố gắng học giỏi nhé. Ba đi làm xa nhà để có chút ít gì đó về nuôi các con, nếu về nhà thấy các con học hành chẳng ra gì thì Ba sẽ buồn lắm đấy. Hãy nghĩ đến Ba Mẹ, hãy nghĩ đến tương lai của các con mà cố gắng học hành cho tử tế các con nhé. Nga (con gái út) hãy vâng lời Mẹ, vâng lời chị Giang và anh Bút nhé[6].
Bước vào năm 1986, khi lần đầu tiên PGS Bùi Vạn Trân đón tết dương lịch ở Algérie, ông Tadjine – Chánh văn phòng của trường – mời ông và chuyên gia một số nước đến nhà đón giao thừa. Ông Trân chia sẻ: Đây là dịp để chủ nhà mời những người bạn thân thiết về nhà ăn uống, nhảy múa, chúc mừng năm mới, rất vui[7]. Mỗi người mang theo một món ăn để góp vui, ông Trân đã mang tới món nem rán tự làm bằng bánh đa, nấm hương và mộc nhĩ mang từ Việt Nam sang, còn giá đỗ và thịt là nguyên liệu tại chỗ. Chủ nhà Tadjine có món couscous (viết và phát âm theo tiếng Pháp), là món khoái khẩu truyền thống của người Arập nói chung và người Algérie nói riêng, được làm từ bột của hạt bo bo và hấp chín cùng với một số gia vị. Chuyên gia các nước khác thì mang đến những món có màu sắc sặc sỡ, bắt mắt, nên lúc ấy như PGS Bùi Vạn Trân kể lại: Khi bày tất cả các món ăn lên bàn, nhìn đĩa nem rán màu xam xám nằm lẫn với những đĩa thức ăn màu sắc sặc sỡ như thế, tôi thấy lo, sợ rằng món ăn Việt Nam “mất uy tín” trước những món ăn “quốc tế”[8]. Khi khai tiệc, chủ nhà chia vào đĩa của mỗi người một chiếc nem. Sau khi thưởng thức miếng nem đầu tiên, anh bạn đồng nghiệp người Ba Lan đã thốt lên: Món này ngon tuyệt, đáng được giải Nobel!, và cả bàn tiệc ồ lên hưởng ứng. Đến lúc chuông đồng hồ điểm 12 tiếng, chủ nhà tắt đèn và mở nhạc, mọi người bắt cặp khiêu vũ đón giao thừa. Sau khi nhảy xong vài ba bản nhạc, tất cả lại ngồi vào bàn ăn, vừa nhâm nhi đồ tráng miệng, vừa uống nước và chúc tụng nhau trong bầu không khí thân thiết và ấm cúng.
PGS Bùi Vạn Trân sang Algérie đúng thời điểm bạn đồng nghiệp Hàn Đức Phú kết thúc hợp đồng giảng dạy và về nước. Ông Phú nhượng lại chiếc radio nhãn hiệu Panasonic cho ông Trân với giá 100 USD. Chiếc đài tuy đã cũ nhưng bắt sóng rất khỏe, nên ông Bùi Vạn Trân là người Việt Nam duy nhất ở đây nghe được đài Hà Nội vào lúc 18h mỗi ngày (tức là 12 giờ đêm ở Hà Nội). Hàng ngày, ông nắm được tin tức về Đại hội VI của Đảng ở Việt Nam: Năm 1986 là năm nền kinh tế của Việt Nam “chạm đáy”, nên khi biết thông tin tại Đại hội VI có nội dung đổi mới, tôi rất vui mừng![9]. Chính vì quan tâm vấn đề này nên có lần đứng chờ xe buýt ở gần Đại sứ quán Việt Nam tại Alger, trong lúc trò chuyện với người bạn cùng đi, ông Bùi Vạn Trân có nói rằng, người Việt Nam chúng ta thường cho người Mỹ là thực dụng, nhưng thực ra người Việt Nam cũng thực dụng không kém. Bởi như ông diễn giải: Khi chàng thanh niên Việt Nam Nguyễn Ái Quốc đang dò dẫm đi tìm đường cứu nước, chưa nhìn thấy một chút ánh sáng dẫn đường nào, thì bỗng nhiên, anh thấy trên một tờ báo cánh tả của Pháp có giới thiệu luận cương của Lênin về cách mạng vô sản, và thế là Nguyễn Ái Quốc reo mừng coi đó là con đường để giải phóng dân tộc, giành lại độc lập cho đất nước. Hồi đó, chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc chưa biết gì nhiều về chủ nghĩa cộng sản, mà chỉ biết chủ nghĩa cộng sản chống thực dân đế quốc, ủng hộ các dân tộc thuộc địa đấu tranh giành lại độc lập tự do. Thêm nữa, khi Nguyễn Ái Quốc trở thành Chủ tịch nước, Người có nói đại ý: Đất nước dù đã độc lập nhưng nếu người dân chưa được sống tự do và hạnh phúc thì nền độc lập đó chẳng có ý nghĩa gì. Vì vậy, khi nền kinh tế Việt Nam đã “chạm đáy”, đời sống nhân dân cực kỳ khó khăn, thì rồi trong Đại hội VI người Việt Nam thế nào cũng sẽ tìm được con đường đi “thực dụng”, để cứu nền kinh tế và người dân thoát khỏi tình trạng khó khăn. Chữ “thực dụng” ở đây theo quan niệm của ông là làm việc gì cũng được, theo cách nào cũng được, miễn là giành được độc lập về cho đất nước, mang lại đời sống tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Năm 1988, ông Bùi Vạn Trân hết hạn hợp đồng và về nước. Lúc này, Bộ Xây dựng và Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước sáp nhập với nhau thành Bộ Xây dựng. Do đó, Viện Khoa học kỹ thuật xây dựng cơ bản là nơi ông công tác trước khi đi làm chuyên gia được tách ra thành hai và đều trực thuộc Bộ Xây dựng: một bộ phận chuyển sang Viện Khoa học công nghệ xây dựng, bộ phận còn lại đổi tên thành Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật xây dựng. Từ trước khi về nước, ông Bùi Vạn Trân đã nằm trong danh sách cán bộ Viện Khoa học công nghệ xây dựng. Vì thế, sau khi về nước, ông đến nhận công tác tại Viện này và được giao phụ trách phòng Vật lý xây dựng[10].
Năm 1991, sau ba năm công tác ở Viện Khoa học công nghệ xây dựng, ông nhận thấy công việc không phù hợp nên đã xin đi làm chuyên gia giáo dục đợt 2. Ngoài việc kiểm tra ngoại ngữ, lần này còn có quy định phải dưới 60 tuổi. PGS Bùi Vạn Trân khi ấy 56 tuổi. Trở lại Algérie, ông được phân công về trường Đại học Khoa học và Công nghệ Oran (Université des Sciences et de la Technologie d'Oran – USTO), cũng là một trường lớn. Trong thư gửi về gia đình, ông thông báo tình hình chỗ ở: Ba ở một mình một căn hộ, nhà cửa bếp núc rộng rãi thoải mái, đồ đạc dụng cụ đầy đủ. Lần này trong nhà có lò sưởi nên ba cũng không lo rét như lần trước ở Alger … Dụng cụ nhà bếp, nồi, niêu, xoong chảo đầy đủ cả[11].
Tại trường Đại học Khoa học và Công nghệ Oran, ông Bùi Vạn Trân được lãnh đạo trường tín nhiệm, đồng nghiệp nể phục, sinh viên cũng thích thú những buổi lên lớp của ông.
Trải qua quãng thời gian dài là sinh viên, nghiên cứu sinh, rồi làm giảng viên đại học ở trong và ngoài nước, ông Bùi Vạn Trân đã chứng kiến nhiều cảnh sinh viên “đánh lừa” thầy giáo trong việc thi, kiểm tra, nhưng mánh lới mà sinh viên trường USTO đã áp dụng với ông thì rất độc đáo. Lần ấy, khi ông đang đứng chờ nhân viên photocopy đề thi thì có một nữ sinh viên đến cửa phòng nói rằng muốn gặp riêng ông. Theo quy định của trường, giảng viên phải có mặt thường xuyên từ lúc trao đề thi cho nhân viên đến lúc photocopy xong. Nhưng sinh viên đã khai thác triệt để tâm lý đàn ông thích cái đẹp, nên đã cử nữ sinh viên xinh nhất lớp đến gặp ông. PGS Bùi Vạn Trân thừa nhận: Theo tôi và nhiều chuyên gia khác đánh giá, con gái Ảrập thuộc tốp xinh nhất thế giới, họ không có hoa hậu hoàn vũ là do luật Hồi giáo không cho phép họ dự thi[12]. Cô sinh viên kia nêu nguyện vọng: Chúng em đang ôn thi nhóm tại thư viện, có một vấn đề trong bài giảng của thầy mà chúng em không tự giải thích được, cần nhờ thầy giải thích giúp[13]. Mặc dù vẫn nhớ quy định, nhưng ông cũng băn khoăn, vì: Nếu không giải thích cho các em thì khi thi nếu gặp phải vấn đề này mà không làm được bài, họ sẽ kiện tôi trước khoa; còn nếu tôi đi giải thích cho các em thì lại vắng mặt trong phòng photocopy mấy phút[14]. Ở Algérie, quyền dân chủ của sinh viên lớn hơn nhiều so với ở ta, có trường hợp, để phản đối cách giảng bài khó hiểu của chuyên gia, họ đã đồng loạt bỏ học môn đó. Bởi vậy, PGS Bùi Vạn Trân đã chiều sinh viên: Vắng mặt một hai phút cũng chẳng là vấn đề gì, nên tôi đã đi với sinh viên về văn phòng khoa để giải thích[15]. Vì thư viện ở xa, nên ông đã đến văn phòng khoa để giải thích riêng cho sinh viên này, rồi cô học trò này sẽ giải thích lại cho cả nhóm. Sau khi thi xong, chủ nhiệm khoa cho biết là đề thi đã bị lộ, và đề nghị ông ra đề khác để thi lại. Vụ ấy, vì không tìm ra nguyên nhân lộ đề thi nên sau đó ông không bị truy cứu trách nhiệm.
Năm 1993, ông hết hạn hợp đồng, nhưng được nhà trường giữ lại giảng dạy tiếp trong hai năm, từ 1993 đến 1995. Trước khi hết hạn một năm, ông Bùi Vạn Trân bắt tay vào viết cuốn sách Acoustique Architecturale (Âm học kiến trúc) năm 1994. Ông muốn đưa vào cuốn sách này những kiến thức được ông đúc kết lại và đã dùng để giảng dạy tại Algérie. Như ông chia sẻ về lý do khiến ông viết cuốn sách: Tôi nhận thấy nước bạn không có nhiều tài liệu trực tiếp dành cho sinh viên tham khảo, mặc dù sách trong thư viện rất nhiều. Vì vậy, trước khi về nước, tôi tập hợp những gì tôi đã giảng và những gì sinh viên cần biết để xuất bản thành sách[16]. Và ông tâm sự: Tôi viết sách xuất phát từ cái tâm, muốn đưa những kiến thức có được truyền lại cho thế hệ sau, chứ không quan tâm được bao nhiêu tiền[17].
Ông thông báo với khoa Kiến trúc về việc viết sách, rồi hàng ngày ông túc tắc thực hiện kế hoạch của mình. Thuận lợi đáng kể là ông có nhiều thời gian, còn tài liệu tham khảo thì trong thư viện của trường hầu như không thiếu. Trong năm 1994 ấy, PGS Bùi Vạn Trân viết thư gửi sang Paris (Pháp) ngỏ ý xin phép ông Migneron Jean Gabriel – tác giả cuốn Acoustique urbaine (Âm học đô thị) cho trích dẫn một số nội dung, và được ông ta đồng ý. Chủ nhiệm khoa Kiến trúc và một số đồng nghiệp người Algérie cũng quan tâm đến việc ông Bùi Vạn Trân viết sách, nên thỉnh thoảng lại hỏi thăm và động viên.
Sau khi hoàn thành, bản thảo sách của PGS Bùi Vạn Trân được Chủ nhiệm khoa, Hội đồng khoa học của khoa và Hội đồng của Nhà xuất bản đại học (Office des Publications Universitaires) xét duyệt khắt khe, sau đó họ đồng ý cho xuất bản với số lượng in 2500 cuốn. PGS Bùi Vạn Trân mang bản thảo cùng với giấy kiểm duyệt đến nhà xuất bản, cách trường Đại học Khoa học và Công nghệ Oran khoảng 400 – 500km.
Mặc dù đã hết hạn hợp đồng, nhưng vì thủ tục xuất bản sách chưa xong nên ông Bùi Vạn Trân phải ở lại thêm một thời gian nữa. Trong thư gửi về năm 1995, ông thông báo với vợ: Ngày mai anh sẽ đến nhà xuất bản để lo việc in quyển sách của anh. Có lẽ khoảng đầu tháng 9 anh mới về được[18]. Cuối năm đó, sau khi đã làm xong các thủ tục xuất bản, PGS Bùi Vạn Trân về nước.
Năm 1996, cuốn Acoustique Architecturale được nhà xuất bản Office des Publications Universitaires ấn hành. Quyển sách có tác dụng góp phần làm cho việc giảng dạy môn học này tại các trường đại học ở Algérie thuận lợi hơn, đồng thời nó cũng góp phần làm cho uy tín của những người làm khoa học giáo dục Việt Nam gia tăng đáng kể trong mắt các bạn đồng nghiệp quốc tế. Thực ra, PGS Bùi Vạn Trân không chỉ có ý tưởng viết một cuốn sách nói trên: Một giảng viên người Algérie dạy môn điện kỹ thuật hỏi tôi có ý định viết quyển sách nào nữa không. Tôi nói rằng, nếu còn ở lại dạy thì tôi sẽ viết tiếp quyển Éclairage architectural (Chiếu sáng kiến trúc). Một phần nội dung quyển sách này có liên quan đến môn của anh bạn đồng nghiệp kia đang dạy, nên anh ta liền đề nghị tôi cho anh ta tham gia viết phần đó. Tôi đồng ý. Nhưng rồi tình hình khủng bố ở nước bạn không cho phép tôi ở lại, nên ý định này không thực hiện được[19].
Quãng thời gian 7 năm làm chuyên gia giáo dục ở Algérie đã để lại cho PGS Bùi Vạn Trân nhiều ấn tượng sâu sắc cùng nhiều kỷ niệm khó quên. Chính vì thế, ông đã cất giữ bản thảo “Đơn xin tình nguyện đi làm chuyên gia ở nước ngoài” như giữ gìn một kỷ niệm đẹp. Khi trao tặng tài liệu này cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, ông đã kể lại câu chuyện cách đây trên dưới 30 năm với tâm trạng vui vẻ và phấn chấn hồi tưởng về hai đợt đi làm chuyên gia trong những năm 80 và 90 của thế kỷ trước.
Nguyễn Thị Phương Thúy
_____________________
* PGS.TS Bùi Vạn Trân, chuyên ngành Xây dựng, nguyên Tổ trưởng bộ môn Vật lý kiến trúc, trường ĐH Xây dựng Hà Nội.
[1] GS.TS Vũ Văn Tảo, trước đó là Chủ nhiệm khoa Thủy lợi, trường ĐH Xây dựng Hà Nội.
[2] Phỏng vấn PGS Bùi Vạn Trân, 11-8-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[3] Phỏng vấn PGS Bùi Vạn Trân, 29-3-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[4] Phỏng vấn PGS Bùi Vạn Trân, 23-1-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[5][7] Phỏng vấn PGS Bùi Vạn Trân, 23-1-2016, tài liệu đã dẫn.
[6] Thư PGS Bùi Vạn Trân gửi vợ, 26-2-1986, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[8] Phỏng vấn PGS Bùi Vạn Trân, 29-3-2016, tài liệu đã dẫn.
[9][12][13][14][15] [19] Phỏng vấn PGS Bùi Vạn Trân, 11-8-2016, tài liệu đã dẫn.
[10] Về sau, chính ông Bùi Vạn Trân đã đề nghị đổi tên thành phòng Kỹ thuật môi trường xây dựng, và tên gọi này được sử dụng đến nay.
[11] Thư PGS Bùi Vạn Trân gửi vợ, 9-12-1991, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam..
[16] Phỏng vấn PGS Bùi Vạn Trân, 17-2-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[17] Phỏng vấn PGS Bùi Vạn Trân, 28-12-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[18] Thư PGS Bùi Vạn Trân gửi vợ, 21-7-1995, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.