Bản thảo một công trình khảo cổ học tâm huyết

Quyển bản thảo cuốn sách Văn hóa Phùng Nguyên dày 337 trang đánh máy vi tính, khổ giấy 20,3cm x 29cm, bìa màu xanh dương và gáy được dán bằng băng dính màu xanh. Trong đó, PGS Hán Văn Khẩn dùng bút chì và bút bi mực đỏ để sửa chữa, bổ sung ở nhiều chỗ. Nội dung bản thảo gồm 5 chương: “Lịch sử nghiên cứu văn hóa Phùng Nguyên”, gồm hai giai đoạn chính là 1959 – 1971 và 1971 – 2004; “Không gian phân bố và đặc trưng của các di tích văn hóa Phùng Nguyên”; “Di vật văn hóa Phùng Nguyên”; “Vị trí văn hóa Phùng Nguyên trong thời đại đồ đồng thau Việt Nam” và “Đời sống vật chất và tinh thần của người Phùng Nguyên”. Khi trao tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tập bản thảo này, ông kể nhiều về cái “nghiệp” khảo cổ học, đặc biệt là kỷ niệm trong những chuyến đi khai quật các di chỉ thuộc văn hóa Phùng Nguyên để rồi ông tập hợp các kết quả nghiên cứu và biên soạn thành cuốn sách này.

Bản thảo cuốn sáchVăn hóa Phùng Nguyên

Dường như PGS Hán Văn Khẩn có cơ duyên với khảo cổ học. Ông sinh ra ở Phú Thọ – nơi được coi là đất Tổ của người Việt, nơi khởi sinh của nền văn hóa Phùng Nguyên. Khi còn nhỏ, có lần trên đường từ trường về nhà, cậu học trò Hán Văn Khẩn đã nhặt được mấy hòn đá trông như chiếc rìu ở ven đường. Hồi ấy, cậu chưa hề biết và cũng không nghe ai nói đến giá trị di sản của các hiện vật đá nhặt được, cũng không thể nghĩ rằng sau này sự nghiệp của mình sẽ gắn bó với những hiện vật khảo cổ như vậy. Đến năm 1961, sau khi tốt nghiệp phổ thông, với thành tích học tập tốt, Hán Văn Khẩn được chọn sang Liên Xô đào tạo về khảo cổ học tại trường ĐH Tổng hợp Kharkov (Ukraina). Tuy nhiên, ông cho biết: Đến năm 1964, do ảnh hưởng của chủ nghĩa xét lại ở Liên Xô nên hầu hết sinh viên Việt Nam học các ngành khoa học xã hội đều phải về nước, tôi cũng về[1]. Khi đó, Hán Văn Khẩn muốn xin vào học trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhưng không được, nên ông về trường ĐH Tổng hợp Hà Nội để học tiếp khảo cổ học. Năm 1966, sinh viên Hán Văn Khẩn tốt nghiệp và được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy tại bộ môn Khảo cổ học, khoa Lịch sử. Từ đó, cuộc đời ông gắn liền với những giờ giảng trên lớp và những chuyến điền dã khai quật các di chỉ của người nguyên thủy. Nay nhìn lại cuộc đời mình, ông thấy rằng việc không được vào trường Bách khoa năm xưa là điều may mắn, bởi nhờ thế nên ông có niềm đam mê với khảo cổ học, với những chuyến đi khai quật.

Phó giáo sư Hán Văn Khẩn cho biết, văn hóa Phùng Nguyên là nền văn hóa thuộc sơ kỳ thời đại đồng thau Việt Nam ở lưu vực sông Hồng, là nền tảng cho sự nảy sinh và phát triển liên tục của các giai đoạn văn hóa tiếp nối là Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn. Đó cũng chính là nền tảng đầu tiên cho sự hình thành và phát triển của nhà nước sơ khai thời Hùng Vương – An Dương Vương. Vì vậy, muốn tìm hiểu quá trình phát sinh và phát triển của thời đại kim khí ở châu thổ sông Hồng, muốn khám phá sự hình thành và phát triển của nền văn minh Việt cổ cũng như sự xuất hiện của nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, không thể không tìm hiểu toàn diện về văn hóa Phùng Nguyên. Trong đó, công việc chính của các nhà khảo cổ là khai quật nhằm nghiên cứu địa tầng, tìm kiếm và thu thập các di vật khảo cổ, các loại dấu tích của quá khứ được bảo lưu trong lòng đất, xác định nội dung, giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học của các địa điểm khảo cổ thuộc văn hóa Phùng Nguyên.

Chính vì nền văn hóa Phùng Nguyên có vai trò quan trọng như vậy màPGS Hán Văn Khẩn đã dành nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu. Ông chia sẻ: Nếu nói về nghiên cứu văn hóa Phùng Nguyên thì ngay từ năm 1965, khi còn là sinh viên năm thứ 4, tôi đã đi khai quật ở di chỉ Gò Bông tại xã Thượng Nông, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, và sử dụng kết quả đó làm đề tài luận án tốt nghiệp (tương đương với khóa luận tốt nghiệp hiện nay)[2]. Ông còn nhớ, khi đó, khai quật được một số đồ gốm có bột màu trắng bám bên ngoài, nhưng không xác định được đó là chất gì. Về sau, phải nhờ đoàn chuyên gia Nhật Bản phân tích thành phần gốm mới xác định được đó là do người cổ dùng đất sét trắng để làm gốm, khi nung đã tạo ra một lớp bột màu trắng bám ở bề mặt của gốm, mà đây có thể coi là một trong những đặc trưng điển hình của gốm Gò Bông nói riêng và gốm Phùng Nguyên nói chung. Từ đó, sinh viên Hán Văn Khẩn tự hiểu rằng, để làm tốt công việc, mình phải không ngừng học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu để có thêm những kiến thức mới.

Trong quá trình nghiên cứu về văn hóa Phùng Nguyên, thời kỳ đầu giảng viên Hán Văn Khẩn gặp trở ngại trong việc tiếp cận tài liệu của các đoàn đi khai quật. Ông cho biết: Khoảng đầu những năm 1960, các cơ quan, đơn vị liên quan đến khảo cổ học chưa hợp tác chặt chẽ với nhau nên việc tham khảo tài liệu gặp rất nhiều khó khăn[3]. Khi đó, cơ quan nào đi khai quật thì lưu trữ riêng không chỉ hiện vật khai quật được, mà cả những tư liệu kèm theo, đặc biệt là nhật ký khai quật, nên người ngoài muốn tham khảo cũng rất khó. Đợt khai quật kể trên ở di chỉ Gò Bông năm 1965 cũng thế, đoàn khảo cổ của trường ĐH Tổng hợp Hà Nội cũng mang tất cả hiện vật thu được về lưu trữ tại trường. Tình trạng cục bộ như vậy khiến cho việc nhà khảo cổ muốn đến thăm địa điểm khai quật và xem hiện vật của cơ quan khác là điều không dễ thực hiện được.

Để giải quyết tình trạng đó, ngày 14-5-1968, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký quyết định thành lập Viện Khảo cổ học, trực thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Viện ra đời trên cơ sở đội Khai quật khảo cổ đã có từ nhiều năm trước, và ông Phạm Huy Thông được bổ nhiệm làm Viện trưởng đầu tiên. Trong thời gian tại chức, ông Phạm Huy Thông đã tập hợp các nhà khảo cổ cùng thực hiện đề tài “Thời đại các vua Hùng dựng nước” và cho xuất bản 4 tập sách Hùng Vương dựng nước. Từ đó, các cơ quan làm khảo cổ học cũng như các nhà khảo cổ gắn bó và chia sẻ với nhau hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai quật và nghiên cứu. PGS Hán Văn Khẩn thừa nhận: Cũng từ đó tôi mới có điều kiện tham khảo thêm những tư liệu của các chuyến khai quật từ trước ở các di chỉ thuộc văn hóa Phùng Nguyên của nhiều nhà khảo cổ khác, để làm phong phú thêm vốn kiến thức của mình[4].

Năm 1999, Viện Khảo cổ học cùng với Sở Văn hóa Thông tin Phú Thọ tổ chức Hội thảo kỷ niệm 40 năm phát hiện di chỉ đầu tiên về văn hóa Phùng Nguyên tại xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Thầy Khẩn lúc ấy đang hướng dẫn đoàn sinh viên năm thứ nhất của khoa Lịch sử đi khai quật ở di chỉ Thành Rền, Phú Thọ, cách địa điểm tổ chức hội thảo chỉ khoảng 3 – 4km. Ông chuẩn bị bài tham luận “Đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên” và đến trình bày tại hội thảo; sau đó bài được in trong kỷ yếu Tìm hiểu văn hóa Phùng Nguyên (Sở Văn hóa Thông tin Phú Thọ xuất bản, năm 2001).

Thành tựu nghiên cứu về văn hóa Phùng Nguyên đã khá phong phú, tính đến năm 1999, các nhà khảo cổ học đã phát hiện và tìm hiểu gần 70 di chỉ thuộc nền văn hóa này, phân bố chủ yếu ở 5 tỉnh thời đó: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Hà Nội, Bắc Ninh. Nhiều công trình viết về các di tích và di vật của văn hóa Phùng Nguyên đã được công bố. Tuy nhiên, chưa có công trình nghiên cứu nào mang tính hệ thống, tổng hợp và toàn diện về nền văn hóa Phùng Nguyên. Vì vậy, PGS Hán Văn Khẩn có ý tưởng viết một cuốn sách tổng hợp những kết quả đã nghiên cứu được về văn hóa Phùng Nguyên. Ông muốn tập hợp, sắp xếp, hệ thống, phân tích và sử dụng toàn bộ kết quả nghiên cứu của các nhà khảo cổ học cũng như của bản thân mình để phục dựng diện mạo kinh tế – văn hóa – xã hội, cả đời sống vật chất và tinh thần, đề cập từ nguồn gốc đến các mối quan hệ qua lại và vị trí của văn hóa Phùng Nguyên đối với thời đại kim khí và sự hình thành nhà nước đầu tiên ở châu thổ sông Hồng. Ông xác định: Đây là một đề tài rất hay nhưng chưa ai làm, vì thông tin rất tản mạn, để khái quát được thì cần phải tổng hợp từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau[5].

Trong thời gian ấy, ĐH Quốc gia Hà Nội chủ trương khuyến khích các giảng viên nghiên cứu khoa học. Nhân đó, PGS Hán Văn Khẩn đăng ký với bộ môn Khảo cổ học để thực hiện đề tài “Văn hóa Phùng Nguyên”. Sau khi được bộ môn đồng ý, ông chuẩn bị đề cương chi tiết, gửi lên khoa duyệt rồi gửi lên trường. Kết quả, ĐH Quốc gia Hà Nội phê duyệt để ông thực hiện đề tài này với kinh phí 60 triệu đồng. Nhưng để đề tài được cấp tiền không phải là dễ dàng: Lúc đó, việc xét duyệt đề tài được thực hiện rất chặt chẽ; khoảng hai năm sau khi duyệt, trường cử người kiểm tra tiến độ thực hiện đề tài của tôi rồi mới hỗ trợ hết số kinh phí còn lại[6].

Nói đến những người tham gia đề tài, PGS Hán Văn Khẩn kể tới các sinh viên năm thứ nhất và năm thứ tư của khoa Lịch sử, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, hàng năm họ đều đi khai quật; thêm nữa, còn có những cán bộ của bộ môn Khảo cổ học hướng dẫn các đoàn đi thực tập. Các giảng viên bộ môn này hàng năm thường đưa sinh viên đi thực tập khảo cổ ở các di chỉ khác nhau, trong đó có nhiều di chỉ thuộc văn hóa Phùng Nguyên.

Tuy vậy, PGS Hán Văn Khẩn là người thực hiện chính và chấp bút duy nhất của đề tài này. Từ khi có ý tưởng viết cuốn sách, ông càng tích cực thực hiện các chuyến khai quật hơn, như ông cho biết: Bên cạnh các chuyến khai quật thường niên cùng cán bộ và sinh viên của khoa Lịch sử, tôi còn tham gia nhiều đợt khai quật cùng cơ quan khác như Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam[7].

PGS.TS Hán Văn Khẩn (phía sau) đang hướng dẫn khai quật ở di chỉ Thành Rền, Phú Thọ, 18-2-2002

PGS Hán Văn Khẩn nhớ nhiều kỷ niệm trong những ngày tháng đi khai quật khảo cổ, đặc biệt là lần đầu tiên ông đưa sinh viên năm thứ nhất và năm thứ tư đi khai quật ở di chỉ Gò Bông năm 1967. Giảng viên Hán Văn Khẩn năm ấy là cán bộ trẻ nên được giao nhiệm vụ liên hệ với địa phương và chuẩn bị địa điểm khai quật. Việc đi lại chủ yếu dùng xe đạp và tàu hỏa. Trường ĐH Tổng hợp đang sơ tán ở Vạn Thọ, Thái Nguyên, nhưng một số phòng ban hành chính vẫn ở Hà Nội, nên ông phải đi tàu từ Thái Nguyên xuống Hà Nội để xin giấy giới thiệu của trường, sau đó lại đi tàu ngược lên Hạ Hòa, Phú Thọ là nơi sơ tán của Ty Văn hóa Phú Thọ để xin giấy giới thiệu xuống các địa phương và một số giấy tờ khác. Do kinh phí hạn hẹp, để tiết kiệm, có lần ông phải đi tàu hàng, ngồi ở toa chở than. Hôm đó, trời mưa rất to, toa tàu bị dột nên khi tới nơi thì cả người ông đều đen nhẻm than. Ông còn đến Ty Lương thực xin cho mỗi sinh viên được hưởng chế độ 18kg gạo (bình thường chỉ được 15kg) trong đợt thực tập 21 ngày. Sau đó, ông về phòng Lương thực huyện Tam Nông là nơi có địa điểm khai quật để xin duyệt cho mua gạo tại cửa hàng lương thực của huyện. Ông làm công tác tiền trạm, cho nên phải thám sát trước tại di chỉ nhằm bước đầu xác định phạm vi, tính chất của địa điểm khảo cổ và định hướng cho việc khai quật. Ông chia sẻ về kinh nghiệm nghề nghiệp: Mình chỉ cần quan sát những nơi người dân đang đào đất để xây dựng nhà cửa hay canh tác nông nghiệp thì có thể xác định được tầng văn hóa và chỗ nào cụ thể trong di chỉ khảo cổ có nhiều hiện vật để khai quật[8]. Đến mãi sau này, vẫn có những người trêu đùa ông rằng: Khảo cổ là khảo khổ!. Ông thấy họ nói vậy cũng đúng, bởi không chỉ riêng việc đi lại mà điều kiện ăn, ở, làm việc trong các đợt khai quật cũng có nhiều khó khăn. Ông kể tiếp về cái khổ của đoàn sinh viên đi thực tập khai quật khảo cổ: Thời gian đó rất khó khăn, mỗi sinh viên chỉ được trường hỗ trợ 3 hào một ngày, mà nếu có tiền cũng không có đủ các vật dụng, hàng hóa để mua, nên khi đi khai quật thì ngoài các đồ chuyên dụng, sinh viên còn phải mang theo cả những thứ để nấu ăn như mỡ, nước mắm, xoong, chảo… và các vật dụng như: chăn, màn, chiếu, gối, quần áo…, giống như ra chiến trường vậy[9].

Tuy nhiên, nhờ có sự yêu mến, giúp đỡ của nhân dân địa phương những nơi đoàn khảo cổ đến làm việc, nên dù vất vả và không ít khó khăn, thầy Hán Văn Khẩn cũng không nản chí. Ông còn nhớ, có những lần đi khai quật ở Phú Thọ, nhiều gia đình người dân sở tại đã xuống bếp ngủ để nhường giường chiếu, chăn màn cho đoàn. Nhiều hôm họ còn chăm lo cơm nước, mang sắn luộc, chuối chín cho cả đoàn ăn. Khi đoàn tìm được địa điểm để khai quật, nhân dân và chính quyền địa phương sẵn sàng hiến đất mà không đòi bồi thường. Ông nhận thấy người dân Phú Thọ rất trân trọng giá trị của các di tích lịch sử, nên họ sẵn sàng ủng hộ công việc của các ông. PGS Hán Văn Khẩn nhấn mạnh rằng: Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, nhờ có dân mà đoàn có chỗ ăn, chỗ ở, nên ngoài chuyên môn giỏi thì các nhà khảo cổ cần làm tốt công tác dân vận[10]. Vì vậy, trước mỗi chuyến đi khai quật, giáo viên hướng dẫn phải phổ biến nội quy của đoàn, yêu cầu sinh viên phải chấp hành, đồng thời tuân thủ những quy định về xã hội, tín ngưỡng – tôn giáo của từng địa phương, phải dân vận sao cho “đi dân nhớ, ở dân thương”. Nhiều khi kết thúc đợt khai quật, các gia đình còn làm cơm chia tay đoàn như với con cháu trong nhà. Trong thời gian đi thực tập, sinh viên cũng rất vui vẻ, nhiệt tình trong công việc, cùng chia sẻ với nhau, nên không khí rất thoải mái. PGS Hán Văn Khẩn còn cung cấp thông tin vui rằng: Dù rất vất vả nhưng tất cả sinh viên năm thứ nhất khoa Lịch sử sau khi đi thực tập khảo cổ về đều tăng cân[11].

Để thực hiện công trình “Văn hóa Phùng Nguyên”, bên cạnh việc tích cực đi khai quật, PGS Hán Văn Khẩn cũng phải đến một số cơ quan như Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam… để tham khảo tài liệu về những cuộc khai quật ở các di chỉ thuộc văn hóa Phùng Nguyên. Ông còn trực tiếp đến tham quan các hố thám sát của các đoàn khai quật khác để nghiên cứu. Đồng thời, ông đến các bảo tàng có liên quan, cả ở Hà Nội và các các tỉnh thành khác, để tìm hiểu về những hiện vật khai quật được. Về thành tựu cá nhân, trong quá trình nghiên cứu lâu dài của mình, ông đã công bố khá nhiều bài về văn hóa Phùng Nguyên, đặc biệt là về đồ gốm, như: “Thử phân chia giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên qua tài liệu gốm” (Tạp chí Khảo cổ học, số 19, năm 1976); “Trở lại vấn đề chất liệu gốm văn hóa Phùng Nguyên” (Kỷ yếu Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1995, Nxb. Khoa học Xã hội)…

Trên cơ sở tất cả các nguồn tư liệu và tri thức đã tích lũy và tiếp cận, PGS Hán Văn Khẩn tiến hành hệ thống hóa, khái quát các nội dung đã nghiên cứu và trình bày theo những đặc trưng của văn hóa Phùng Nguyên, qua đó ông xác định được những đặc trưng cơ bản và những giai đoạn phát triển chính của nền văn hóa Phùng Nguyên. Kể về quá trình làm bản thảo cuốn sách này, ông cho biết thêm: Tôi đã viết đi viết lại nhiều lần, mỗi khi nghĩ ra ý gì hay lại ghi nháp ra giấy rồi sau tập hợp lại, biên soạn và hoàn thành bản thảo cuối cùng này trước khi hoàn thiện để gửi lên khoa, lên trường[12].

Tháng 8-2005, PGS Hán Văn Khẩn hoàn thành đề tài “Văn hóa Phùng Nguyên” và trình bày trước Hội đồng nghiệm thu của ĐH Quốc gia Hà Nội. Hội đồng đánh giá đề tài đạt loại tốt và cho phép xuất bản thành sách. Ông chỉnh sửa lại một số chỗ, hoàn thiện nội dung đề tài rồi gửi bản thảo đến Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội. Sách được xuất bản trong năm 2005, trở thành tài liệu cho nhiều sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh sử dụng. Có những nhà nghiên cứu đánh giá rằng đây là tài liệu tham khảo bắt buộc đối với những người muốn nghiên cứu về văn hóa Phùng Nguyên.

Hiện nay (2016), bộ môn Khảo cổ học và khoa Lịch sử trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn ủng hộ, đang giúp PGS Hán Văn Khẩn hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng nhà nước về Khoa học và Công nghệ cho hai công trình khoa học của ông về văn hóa Phùng Nguyên, đó là cuốn Văn hóa Phùng Nguyên nói trên, và cuốn Xóm Rền – một di tích khảo cổ đặc biệt quan trọng của thời đại đồ đồng (Nxb. ĐH Quốc gia Hà Nội, 2009).

PGS Hán Văn Khẩn chia sẻ: Cuốn sách "Văn hóa Phùng Nguyên" là công trình để lại dấu ấn rất lớn của tôi đối với ngành Khảo cổ học. Đó là kết quả từ sự tích lũy kinh nghiệm khai quật khảo cổ trong suốt 40 năm (1965 – 2005) và tâm huyết nghiên cứu trong 6 năm (1999 – 2005) của tôi[13].

Lê Thị Lợi

______________________

*PGS.TS Hán Văn Khẩn, chuyên ngành Khảo cổ học, nguyên Phó chủ nhiệm khoa Lịch sử, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội.

[1] Ghi âm phỏng vấn PGS Hán Văn Khẩn, 21-6-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2][3][4][5][6]Ghi âm phỏng vấn PGS Hán Văn Khẩn, 29-7-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[7][9] [13]Ghi âm phỏng vấn PGS Hán Văn Khẩn, 21-6-2016, tài liệu đã dẫn.

[8][10][11][12] Ghi âm phỏng vấn PGS Hán Văn Khẩn, 29-7-2016, tài liệu đã dẫn.