Bản thảo một cuốn sách nổi tiếng

Bản thảo sách Les Résections majeures et mineures du foie đang lưu giữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam được gia đình GS Tôn Thất Tùng trao tặng tháng 5-2012. Cuốn sách là tập hợp kết quả nghiên cứu của GS Tôn Thất Tùng kể từ sau năm 1954 đến cuối những năm 1970. Theo các học trò của GS Tôn Thất Tùng, đây là bản thảo được ông chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện trước khi đưa đi đánh máy thành bản sạch và gửi sang Paris, Pháp. Trong bản thảo này, có cả lời giới thiệu cuốn sách do chính GS Tôn Thất Tùng viết tay, các trang nội dung đều được sửa chữa, bổ sung rất chi tiết, cẩn thận sau khi đánh máy. Cuốn sách được chú thích rất tỉ mỉ và có tới 113 đầu mục tài liệu tham khảo. Bản thảo gồm 216 trang, được GS Tôn Thất Tùng viết tay, đánh máy tiếng Pháp bằng nhiều loại mực khác nhau trên nhiều loại giấy như giấy kẻ ô ly, giấy poluya… Đặc biệt, trên mọi trang bản thảo đều có bút tích sửa chữa, gạch xóa của GS Tôn Thất Tùng. Nó thể hiện sự tỉ mỉ, nghiêm túc của tác giả cũng như khi ông hành nghề y vậy. Trước đó, vào năm 1971, NXB Khoa học và Kỹ thuật đã cho xuất bản một cuốn sách của GS Tôn Thất Tùng, bằng tiếng Việt với tên gọi Cắt gan. Cuốn sách này trình bày những kinh nghiệm và kỹ thuật mới về phương pháp cắt gan ở Việt Nam như: cơ sở căn bản của phẫu thuật gan, quá trình phát triển của phẫu thuật gan và những kỹ thuật cắt gan, một số vấn đề đặc biệt cho cắt gan, những chỉ định đặc biệt cho phẫu thuật gan.

Đến năm 1979, Nhà xuất bản Masson ở Paris cho in một cuốn sách của GS Tôn Thất Tùng: Les Résections majeures et mineures du foie (Phẫu thuật lớn và nhỏ về gan). Nhà phẫu thuật Pháp J. M. Krivine (1931-2013) nhận xét: “Với cuốn sách đó, kỹ thuật cắt gan của Tôn Thất Tùng đã dứt khoát được xác định thành quy trình, thao tác. Quả thật, người ta có thể nói ông đã "dân chủ hoá" phẫu thuật cắt gan, cho phép mọi nhà phẫu thuật đại cương, nếu chịu khó học tập phương pháp của ông, cũng sẽ không còn phải chịu bó tay trước những tổn thương nghiêm trọng ở gan”[1].

Để có cuốn sách hoàn chỉnh được xuất bản cuối năm 1979, GS Tôn Thất Tùng đã có nhiều lần trao đổi, thư từ qua lại với NXB Masson. Chúng tôi may mắn tìm được những bức thư đi kèm với bản thảo cuốn sách này, như: thư NXB Masson gửi GS Tôn Thất Tùng ngày 12-5-1979 (kèm theo hợp đồng xuất bản), thư ngày 15-6-1979 và thư ngày 4-7-1979. Nội dung chủ yếu của những thư từ này là trao đổi giữa tác giả và nhà xuất bản về thủ tục xuất bản cuốn sách. Trong phần hợp đồng, NXB Masson trao đổi rất kỹ về bản quyền tác giả, quyền sở hữu cũng như các nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung trong bản thảo của cuốn sách.

Bản thảo cuốn sách Les Résections majeures et mineures du foie

Bước đầu tìm hiểu, chúng tôi được biết những câu chuyện xung quanh cuốn sách nổi tiếng này. Năm 1937, khi Tôn Thất Tùng đang làm trợ giáo môn giải phẫu ở phòng la-bô của GS P. Huard (Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Viện Giải phẫu) đã thử phẫu tích một lá gan được tiêm formol mà hệ thống đường dẫn mật có rất nhiều giun đũa. Ông dùng một cái nạo sắc dùng trong nạo xương để phẫu tích lá gan này. Việc phẫu tích ấy sau này khi viết lại, ông cho rằng nó như là công việc của “một thợ kim hoàn”. Thông qua việc phẫu tích ấy, ông nảy ra ý nghĩ có thể nghiên cứu toàn bộ cấu trúc bên trong của gan bằng phẫu tích như các bộ phận khác trong giải phẫu cơ thể người. Trong lời nói đầu của cuốn sách Les Résections majeures et mineures du foie, ông nhắc lại thời điểm năm 1938 khi ông mới bước vào con đường nghiên cứu: “dựa trên 300 gan đã được phẫu tích và phân loại, tôi đi đến kết luận rằng bên trong và trên gan có một hệ thống đường dẫn mật và máu ổn định và có thể tiếp cận được trong phẫu thuật cắt bỏ”[2].

Năm 1938, khi Tôn Thất Tùng đang là bác sĩ nội trú duy nhất của Bệnh viện Phủ Doãn, đã thuyết phục được thầy giáo của mình là Meyer May (một Giáo sư người Pháp gốc Do Thái làm việc tại Hà Nội vào thời điểm đó) thử cắt bỏ một thùy trái của gan có một u máu với kích thước trung bình. Ông viết lại thời điểm ấy: “khi cắt bỏ khối u, bệnh nhân bị ngất, có thể do sự xoắn của tĩnh mạch chủ dưới, và chúng tôi không thể hồi sức cứu bệnh nhân được.Thử nghiệm lần hai chỉ được tiến hành trong năm sau, lần này chúng tôi đã thành công và kết quả được thông báo cho Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris. Lần đầu tiên chúng tôi nói về việc cắt bỏ thùy trái của gan bằng cách thắt buộc trước các cuống”[3]. Bản báo cáo khoa học gửi tới Paris bị công kích dữ dội, nó khiến Tôn Thất Tùng – một bác sĩ trẻ mới 27 tuổi khi đó cảm thấy sợ hãi và mất đi sự tự tin. Những năm sau đó, ông tham gia kháng chiến chống Pháp, hoàn cảnh khó khăn ở chiến khu với những bộn bề thời chiến nên không có điều kiện và phương tiện để ông tiếp tục những nghiên cứu của mình.

Sau khi Hiệp định Genevè được ký kết, trở về Hà Nội, bác sĩ Tôn Thất Tùng đã hăm hở bắt tay vào chứng minh và tiếp tục công trình nghiên cứu được khởi đầu từ gần 20 năm về trước. Dựa trên những kết quả nghiên cứu của nhiều nhà phẫu thuật, trong đó nổi bật nhất là của GS Lortat Jacob, bác sĩ Tôn Thất Tùng đã bước đầu tìm ra lối đi cho riêng mình. Năm 1961, lần đầu tiên ông thử can thiệp vào gan phải bằng kỹ thuật sau này mang tên ông, trước tiên là vào mạch máu trong nhu mô gan, và để cẩn thận hơn, ông đã kết hợp với việc kẹp cuống gan và hạ thân nhiệt của bệnh nhân. “Điều đó đã đưa đến thắng lợi hoàn toàn và tôi là người đầu tiên ngạc nhiên khi thấy gan phải rơi vào bàn tay chỉ sau 10 phút phẫu tích và thắt mạch máu” – theo ông viết trong lời giới thiệu cuốn sách Les Résections majeures et mineures du foie.. Một năm sau đó, ông tiến hành thêm 50 trường hợp khác và đã gây một tiếng vang lớn trên toàn thế giới trong lĩnh vực Y khoa. Báo chí nước ngoài gọi đó là "Phương pháp cắt gan mới" (sau này còn được gọi là “Phương pháp Tôn Thất Tùng”). Phương pháp của GS Tôn Thất Tùng khác với phương pháp của GS Lortat Jacob ở chỗ: Phương pháp kinh điển chú ý vào tìm các mạch máu ở ngoài gan trước khi cắt. Điều này rất khó vì các mạch máu ở ngoài gan quá ngắn, hay thay đổi vị trí cho nên thời gian cho mỗi ca phẫu thuật cắt gan kéo dài trung bình từ 3 đến 6 tiếng. Theo GS Tôn Thất Tùng là phải tìm trước các mạch máu, các ống gan, buộc chúng lại trước khi cắt bỏ phần gan bị hỏng một cách an toàn, có chủ đích thay vì phải cắt vu vơ, không theo phân chia của các mạch máu. Ông đã đảo ngược lại quy trình phẫu thuật theo "truyền thống" và đưa ra giải pháp “nếu tìm các mạch máu khó khăn thì nên đi từ trong gan ra, qua gan theo một rãnh không chảy máu, các mạch máu ở trong gan rất dài, rất rõ để tìm kiếm bằng ngón tay của người làm phẫu thuật”[4]. Nhưng phương pháp của bác sĩ Tôn Thất Tùng không hẳn là nhận được sự đồng thuận từ các nhà phẫu thuật trên thế giới, thậm chí ông còn bị phản bác một cách gay gắt, mạnh mẽ hơn cái cách mà ông đã từng bị “công kích” năm 1938.

Năm 1964, nhân một chuyến qua Pháp, bác sĩ Tôn Thất Tùng đã trình diễn phương pháp cắt gan của mình ở Paris, ở Bordeaux. Ông được ủng hộ khá nhiều nhưng cũng bị công kích dữ dội. Một số nhà phẫu thuật nhận xét về phương pháp của ông: “chúng ta có thể ngầm hiểu một sự can thiệp thô bạo vào gan, không hiểu biết và không làm chủ được hoàn toàn những cuống mạch máu hoặc sự phân phối của chúng trong gan, và cũng từ đó một cuộc tranh luận dài đã nổ ra về tính chất điển hình hay không điển hình của kỹ thuật của tôi”[5]. Nhưng sau này, ông đáp lại những lập luận đó bằng lý lẽ: “Chúng ta biết rằng một phẫu thuật được cho là điển hình được thực hiện khi đã làm chủ hoàn toàn các cuống mạch máu, và không điển hình khi phần của gan được cắt bỏ mà không tìm ra và làm chủ các cuống mạch máu, nó chỉ được kẹp một cách mù quáng bằng một dụng cụ tự động hay thắt buộc hàng loạt. Kỹ thuật của tôi là tìm ra và làm chủ tất cả các cuống mạch máu trước khi tiến hành cắt bỏ gan, theo một trình tự bao giờ cũng giống nhau và không bao giờ thay đổi. Làm sao trong những điều kiện như thế lại có thể gọi là không điển hình, nếu không có dụng ý xấu!”[6]. Ông cho rằng, có một việc mà những người chất vấn ông ở Pháp và các nơi khác không đề cập tới, đó là vấn đề cắt gan tối thiểu (cắt phân thùy hoặc dưới phân thùy) và cắt tối đa mở rộng tới phân thùy hoặc dưới phân thùy. Điều này rất khó, nếu không muốn nói là không thể làm được, nếu thực hiện theo phương pháp cổ điển. Nhưng theo ông, khi tiến vào trong gan, giữa nhu mô gan, người ta có thể cắt bỏ bất cứ phần nào của gan, một cách hoàn toàn theo kế hoạch, bằng cách làm chủ các cuống ở bất kỳ phân thùy hay dưới phân thùy nào của gan.

Những nghi ngờ ban đầu về phương pháp của bác sĩ Tôn Thất Tùng dần dần biến mất bởi tính ưu việt của nó trong phẫu thuật gan. Điều đó được chứng minh qua hàng trăm ca phẫu thuật mà ông đã thực hiện khi đến các bệnh viện lớn ở Pháp, Thụy Điển, Hà Lan, Bỉ… Năm 1974, tại một hội nghị khoa học ở Paris, Pháp, sau các báo cáo khoa học của GS Tôn Thất Tùng và các đồng nghiệp người Pháp, Giáo sư Via – chuyên gia có tiếng về gan, chủ tọa hội nghị đã tuyên bố rằng: “Phương pháp (cắt gan) của Việt Nam từ nay đã trở thành một phương pháp kinh điển thứ 2 và cần nên áp dụng vào việc mổ các gan vỡ do chấn thương và các ca khó của gan”[7].Trên thực tế, những điều rút ra ở trên là kinh nghiệm mà bác sĩ Tôn Thất Tùng đã thực hiện trong nhiều ca phẫu thuật gan. Để hoàn thành cuốn sách Les Résections majeures et mineures du foie, bác sĩ Tôn Thất Tùng đã thống kê 715 ca[8] cắt gan do chính tay ông thực hiện, bao gồm 230 ca cắt gan tối đa (gồm 144 ca ở gan phải và 86 ca ở gan trái) và 485 ca cắt gan tối thiểu (gồm 309 ca ở gan phải và 176 ca ở gan trái).

Trong cuốn sách của mình, bác sĩ Tôn Thất Tùng đã đề cập đến phương pháp cắt gan để điều trị bệnh nhân ung thư gan. Phương pháp này được kết hợp với điều trị bằng liệu pháp miễn dịch trong và sau phẫu thuật một thời gian rất dài. Với khoảng 112 bệnh nhân ung thư gan được điều trị bằng phương pháp kết hợp đó, ông đã thu được những kết quả ngoài mong đợi. Theo số liệu trong bản thảo cuốn sách cho biết[9]:

– 13,4% sống trên 1 năm

– 6,3% sống trên 2 năm

– 4,5% sống trên 3 năm

– 3,6% sống trên 4 năm

– 3,6% sống trên 5 năm

– 1,8% sống trên 6 năm

Bác sĩ Tôn Thất Tùng cảm thấy tự hào với những kết quả mà ông đã làm được vì “trong khi với những bệnh nhân như thế ở châu Phi và châu Á, tôi chưa thấy tác giả nào cứu được bệnh nhân sống quá 2 năm bằng hóa trị liệu. Tại sao trong những điều kiện như thế không cho bệnh nhân những hy vọng tối thiểu sống lâu hơn, trong khi tất cả những thống kê của thế giới đều thống nhất dự báo sự sống không quá 6 tháng kể từ ngày nhập viện?”[10].

Sau khi cuốn sách được xuất bản, nó được phổ biến rộng rãi. Người ta gọi phương pháp cắt gan của GS Tôn Thất Tùng là Phương pháp cắt gan khô hay Phương pháp Tôn Thất Tùng. Thậm chí, năm 1984, khi tái bản cuốn sách này, người ta còn định đổi tên nó thành Phương pháp mổ cắt gan theo trường phái Hà Nội. Dù cuốn sách với tiêu đề nào thì bác sĩ Tôn Thất Tùng – tác giả của công trình khoa học đó – vẫn được nhắc tới với sự kính trọng và cảm xúc đặc biệt. Thật may mắn khi Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam được gìn giữ bản thảo một cuốn sách nổi tiếng thế giới.

Nguyễn Thanh Hóa

________________________

[1] http://benhnhietdoi.vn/tin-tuc/Thay-thuoc-danh-nhan-nganh-y-/gs-ton-that-tung-vi-to-su-cua-cat-gan-co-ke-hoach_7852.html

[2] Lời nói đầu bản thảo cuốn sách Les Résections majeures et mineures du foie, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Lời nói đầu bản thảo cuốn sách Les Résections majeures et mineures du foie, tài liệu đã dẫn.

[4] http://cpd.vn/news/detail/tabid/77/newsid/937/Default.aspx?seo=%E2%80%9CPhuong-phap-Ton-That-Tung%E2%80%9D-den-voi-ban-be-quoc-te

[5] Lời nói đầu bản thảo cuốn sách Les Résections majeures et mineures du foie, tài liệu đã dẫn.

[6] Lời nói đầu bản thảo cuốn sách Les Résections majeures et mineures du foie, tài liệu đã dẫn.

[7] http://cpd.vn/news/detail/tabid/77/newsid/937/Default.aspx?seo=%E2%80%9CPhuong-phap-Ton-That-Tung%E2%80%9D-den-voi-ban-be-quoc-te

[8] Lời nói đầu bản thảo cuốn sách Les Résections majeures et mineures du foie, tài liệu đã dẫn.

[9] Lời nói đầu bản thảo cuốn sách Les Résections majeures et mineures du foie, tài liệu đã dẫn.

[10] Lời nói đầu bản thảo cuốn sách Les Résections majeures et mineures du foie, tài liệu đã dẫn.