Bản thảo nghiên cứu bộ đội lái xe chiến trường 559

GS Tô Như Khuê (1925-2008) sinh tại xã Đại Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ông thuộc thế hệ bác sĩ được đào tạo, rèn luyện và trưởng thành dưới mái trường Đại học Y trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1965, BS Tô Như Khuê được cử làm Phó chủ nhiệm Bộ môn Vệ sinh – Sinh lý lao động quân sự của Viện Nghiên cứu Y học quân sự, đặc trách Tổ Sinh lý lao động quân sự. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, BS Tô Như Khuê nhiều lần hăng hái tham gia các đoàn đi nghiên cứu để phục vụ trực tiếp cho công tác điều trị và phòng bệnh cho các chiến sĩ ngoài tiền tuyến. Đặc biệt, có một chuyến đi nghiên cứu trong ba tháng mùa khô đầu năm 1972, sau đó ông đã viết bản Báo cáo tổng kết những kết quả của cả đoàn: Báo cáo nghiên cứu đặc điểm lao động và sức khỏe chiến sĩ lái xe 559 mùa khô 1971-1972 ở tiểu đoàn xe của BT32.

Thời chống Mỹ, việc chi viện từ miền Bắc vào miền Nam bằng ô tô có vai trò rất quan trọng, tuyến đường vận tải 559 (Xem thêm cuốn: Hồ sơ Đường mòn Hồ Chí minh huyền thoại. NXB Lao động, 2010) trở thành một chiến trường ác liệt và binh chủng lái xe là một binh chủng lớn. Vì vậy, cần quan tâm sâu sát đến vấn đề đảm bảo sức khỏe cho các chiến sĩ lái xe. Trong điều kiện không quân Mỹ đánh phá dữ dội hòng ngăn chặn con đường tiếp tế chiến lược của ta, các lái xe phải thường xuyên chịu đựng căng thẳng và đối mặt với hiểm nguy; phần lớn thời gian họ phải chạy xe ban đêm trên những con đường rừng núi hiểm trở, nhiều đèo dốc, nhiều cua hẹp, nhiều suối sông, lầm bụi, trơn trượt… Công việc đòi hỏi họ vận động mạnh và linh hoạt, sẵn sàng chấp nhận và ứng phó với những tình huống bất trắc như ăn ngủ dọc đường, tắc nghẽn đường, thương vong, tai nạn… Yêu cầu chi viện cho chiến trường rất lớn và rất khẩn trương, nên cường độ hoạt động của lái xe luôn ở mức cao nhất, khiến họ không có đủ thời gian để nghỉ ngơi cũng như bảo dưỡng cho xe. Thêm vào đó, bệnh sốt rét hoành hành cũng làm suy giảm quân số và ảnh hưởng đáng kể đến sức chiến đấu của lái xe.

Tiếp theo nhiều đoàn nghiên cứu của những cơ quan khác nhau, một số bộ môn của trường Đại học Quân y[1] đã hợp tác với Phòng Quân y của Đoàn 559 để tiến hành nghiên cứu đặc điểm lao động và sức khỏe của bộ đội lái xe ở vùng chiến trường Quảng Trị. Đây là nhiệm vụ được triển khai theo chỉ thị của Tổng cục Hậu cần và nghị quyết của Đảng ủy trường Đại học Quân y. Việc nghiên cứu nhằm xem xét trạng thái mệt mỏi của các chiến sĩ lái xe, đánh giá khả năng chịu đựng và thích nghi của họ đối với điều kiện lao động nơi chiến trường, trên cơ sở đó đóng góp ý kiến về sử dụng lực lượng, về tình hình thực hiện và hiệu quả của các biện pháp đảm bảo sức khỏe cho họ, đồng thời phát hiện những vấn đề mới và đề xuất các biện pháp mới để cải thiện tình hình.

Vào công tác ở chiến trường thời kỳ đó, đoàn nghiên cứu có tất cả 16 người, do trung tá – bác sĩ Tô Như Khuê làm trưởng đoàn[2]. Họ rời Hà Nội từ tháng 12-1971 và thời gian nghiên cứu kéo dài trong ba tháng mùa khô đầu năm 1972 (từ tháng 1 đến tháng 3), năm ấy Đoàn 559 phải thực hiện nhiệm vụ vận chuyển ở mức độ cao nhất so với trước. Đối tượng nghiên cứu là các chiến sĩ lái xe tiểu đoàn 102, đơn vị mũi nhọn thuộc binh trạm 32 là binh trạm chủ lực của sư đoàn 472, phụ trách chuyển hàng trên một cung đường nối các binh trạm cửa khẩu với các binh trạm phía nam Đường số 9 và nam sông Sêbănghiêng thuộc địa phận Lào.

Bảng số liệu thời gian hoạt động và nghỉ ngơi của lái xe

Bác sĩ Tô Như Khuê và các đồng chí cùng đi phải hành quân một tháng mới đến được Quảng Trị. Sau 2 ngày đi ô tô từ Hà Nội vào Quảng Bình, đoàn dừng lại và chờ 4 ngày để liên lạc với cơ quan phụ trách. Tiếp đó, đoàn ở lại cơ quan này 4 ngày nữa để thực hiện các công việc cần thiết. Trong bức thư ngày 20-12-1971, BS Tô Như Khuê kể với vợ về cuộc hành trình: “Vị chi là sau 10 ngày mới bắt đầu nhập tuyến, nghĩa là bước chân vào đường giao liên để rời khỏi đất Bắc xã hội chủ nghĩa. Bắt đầu một cuộc hành trình mà trước nay mình tưởng chẳng bao giờ phải trải qua nữa: balô khoảng 10kg cộng thêm 6 ngày gạo và thực phẩm. Trước đó đã phải giảm đi một chăn bông, một đôi giầy ngắn cổ gửi lại bệnh viện của 559 (Quảng Bình), rồi bớt đi chiếc áo len gai cân nặng 1kg và một bộ quân phục gửi theo đoàn xe ô tô”[3]. Mỗi ngày, đoàn đi bộ khoảng 6 tiếng, đến trạm giao liên thì nộp gạo và ăn cơm với thực phẩm đã được chuẩn bị sẵn trong balô. Mỗi trạm giao liên chỉ có 1-2 nhà lán có sạp nằm để dành cho các vị khách đặc biệt, còn đa số cán bộ, chiến sĩ đều mắc võng ngủ ngoài “bãi khách”, tức là ngoài rừng. Đường giao liên nhiều dốc cao, đòi hỏi sức chịu đựng dẻo dai, chính BS Tô Như Khuê cũng không ngờ mình có thể vượt qua được bởi chân ông bị đau. Vẫn trong lá thư ngày 20-12-1971 gửi về cho vợ, ông viết: “Mình không ngờ sau bao năm không rèn luyện, vẫn vượt qua được một cách tốt đẹp, càng đi càng khỏe ra. Cái chân đau ở nhà phải có bà lang bóp thuốc thường xuyên, thì đi trên đường lại rất bình thường, không có gì đáng quan tâm… Trong này sốt rét nhiều, nhưng mùa khô nên đã đỡ, và anh chịu khó phòng bệnh cẩn thận, cố gắng tránh được. Lĩnh được thêm đôi giầy vải cao cổ, đi bít tất và quấn thêm xà cạp, chập tối và sáng sớm xoa dầu muỗi vào mặt và tay, nếu làm việc tối hơn thì chụp thêm cái mũ len phi công, kể cũng khá đảm bảo”. Điều kiện công tác khó khăn và cuộc chiến ngày càng ác liệt hơn, BS Tô Như Khuê vẫn luôn tin tưởng vào tương lai hòa bình. Trong một lá thư gửi các con, ông viết: “Các chú bộ đội, xe cộ vào đông lắm, năm nay ta đánh Mỹ to, và Mỹ sẽ thua to, các con chuẩn bị mà nghe tin tức. Bố đi cũng nhớ nhà lắm, nhớ các con, nhưng nhiệm vụ bộ đội còn nặng nề, phải gắng lên trận này nữa, chiến tranh chấm dứt mau thì thanh niên đỡ hi sinh, các con đỡ khổ”[4].

Nơi đoàn của ông đến là binh trạm 32. Binh trạm này phụ trách một cung đường chừng 80km, từ ngã ba Lùm Bùm xuôi theo hướng tây bắc – đông nam đến khoảng ngã ba Napo nằm trên đường số 9 thuộc tỉnh Quảng Trị. Địa bàn nghiên cứu còn có con sông Sêbănghiêng bắt nguồn từ dãy Trường Sơn và chảy về phía tây sang đất bạn Lào, là con sông lắm thác nhiều ghềnh và được coi là “tọa độ lửa” trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Đường số 9 và sông Sêbănghiêng đã trở thành hai địa danh lịch sử, nổi tiếng bởi bị không quân Mỹ đánh phá cực kỳ khốc liệt và bởi vùng này chính là mặt trận Đường 9 – Nam Lào của quân ta hay cuộc hành quân Lam Sơn 719 của quân lực Gài Gòn với sự yểm trợ của không quân Mỹ hồi đầu năm 1971. Nhưng nơi đây lại trở nên thân thuộc và gắn bó với đoàn nghiên cứu của trường Đại học Quân y trong suốt ba tháng đầu năm 1972.

Để có được sự hiểu biết kỹ càng về đời sống, sinh hoạt và lao động của các chiến sĩ lái xe trên cung đường ác liệt này, BS Tô Như Khuê và các đồng nghiệp của ông đã cùng ăn, cùng ngủ, cùng hoạt động với họ. Ông quan sát, ghi chép về họ, trò chuyện với họ để hiểu hơn về những công việc và suy nghĩ của họ. Trong ba tháng ấy, BS Tô Như Khuê cùng 15 thành viên khác trong đoàn nghiên cứu chẳng khác nào những chiến sĩ thực thụ ở tiền tuyến.

Có thể thấy sự lo lắng và sự tận tụy của BS Tô Như Khuê dành cho các chiến sĩ lái xe thông qua những bức thư ông gửi ra Hà Nội. Ông đã viết những lời tâm sự với vợ và các con về trách nhiệm và tâm huyết của mình: “Công tác sắp tới cũng có nhiều khó khăn vì anh em sốt rét 100%, công tác của họ rất vất vả, nghiên cứu tìm ra biện pháp đảm bảo sức khỏe cho họ là cả một vấn đề phức tạp… Vào chiến trường mới thấy rõ hơn sự hi sinh của dân tộc lớn lao quá, được đóng góp thêm phần của mình để mau chấm dứt sự hi sinh đó, để khỏi kéo dài đến đời các con nữa”[5].

Đoàn của BS Tô Như Khuê tìm hiểu và điều tra ở cả lãnh thổ Việt Nam, cả bên đất bạn Lào. Dù ở đâu, địa bàn hoạt động của đoàn đều là nơi chiến trường, có nhiều người bị sốt rét hoặc thương tật, do vậy các bác sĩ quân y như ông rất được quý mến. Ông và những đồng chí của mình ý thức rõ điều đó và luôn cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ thật tốt. Trong một bức thư gửi riêng cho vợ ngày 23-12-1971, BS Khuê kể: “Ở đây cán bộ quân y thiếu lắm, mà đoàn bác sĩ Trung ương của mình vào lại đông nên họ cũng trông mong ở mình nhiều. Ngoài công tác nghiên cứu, anh đã được vài lần mời đi hội chẩn một số trường hợp bị thương, bị bệnh, và ở đâu cũng trông mong ý kiến chỉ đạo của trưởng đoàn, vì chức trung tá to quá, dù rằng mình chỉ có chuyên khoa sinh lý. Dù sao anh cũng cố gắng làm mọi việc có thể làm, đáp ứng được với yêu cầu trong này, và quyết tâm thực hiện được mục đích nghiên cứu chính của mình, nhất định chuyến đi của mình được hữu ích”[6].

Trong chuyến công tác ba tháng ở đường 559, đoàn nghiên cứu do BS Tô Như Khuê phụ trách đã làm được nhiều việc: kiểm tra sức khỏe và phân tích, thống kê bệnh tật của bộ đội lái xe thuộc tiểu đoàn 102; điều tra điều kiện lao động và năng suất lao động của lái xe; theo dõi, đánh giá tình hình mệt mỏi và sức chịu đựng của lái xe; khảo sát tình hình thực hiện một số biện pháp nuôi dưỡng lái xe… Đoàn đã hiểu được đặc điểm sức khỏe và cơ cấu bệnh tật, các điều kiện công tác và tính chất công việc của lái xe ở chiến trường 559. Trên cơ sở đó, đoàn kiến nghị một số biện pháp quan trọng để cải thiện điều kiện làm việc và thực hiện phòng tránh bệnh tật cho các chiến sĩ lái xe. Tháng 4-1972, sau khi về Hà Nội, BS Tô Như Khuê thay mặt đoàn nghiên cứu tiến hành tổng hợp các vấn đề để báo cáo với lãnh đạo Đại học Quân y. Bản báo cáo do ông chấp bút, không chỉ được các thành viên trong đoàn đóng góp ý kiến, mà còn nhận được sự góp ý của nhiều thủ trưởng đơn vị, như: Phó tư lệnh Đoàn 559 – Phan Khắc Hy, Trưởng phòng Quân y Đoàn 559 – Nguyễn Ngọc Thảo, Chủ nhiệm Quân y Sư đoàn 472 – Lê Trung Kiên, Chủ nhiệm Quân y Binh trạm 32 – Phạm Văn Ban. Sau đó, ông tiếp tục sửa chữa và hoàn chỉnh thêm. Tập bản thảo hôm nay còn thấy được gồm 22 trang đánh máy trên chất giấy mỏng, với những nét bút sửa chữa, gạch xóa của BS Tô Như Khuê. Những kết quả nghiên cứu được trình bày trong đó đã góp phần vào việc cải thiện đời sống sinh hoạt cũng như điều kiện lao động cho các chiến sĩ lái xe trên tuyến đường 559 trong những năm cuối của cuộc kháng chiến giành lại độc lập và thống nhất đất nước.

Về mặt tổ chức chỉ huy, nhóm nghiên cứu đề xuất cần tăng cường về các mặt kỹ thuật, đường sá và tổ chức chỉ huy để nâng cao năng suất vận chuyển, giảm bớt mệt mỏi cho chiến sĩ. Trong tổ chức chỉ huy vận chuyển, cần chú ý toàn diện đến việc bảo đảm hậu cần và đảm bảo sức khỏe (dự kiến thời gian ăn, nghỉ dọc đường, thuốc men…); cần chỉ đạo trực tiếp các ngành hậu cần quân y trong công tác đảm bảo phòng và chống sốt rét, điều trị sốt rét qua từng giai đoạn liên quan đến thời tiết và công tác; tích cực giáo dục chiến sĩ về ý thức bảo vệ sức khỏe, sử dụng tốt các trang thiết bị cá nhân, thực hiện vệ sinh cá nhân và chế độ ăn ngủ một cách chặt chẽ. Trong sử dụng lực lượng, cần có kế hoạch cụ thể, kết hợp với quân y để nắm tình hình sức khỏe và năng suất của từng chiến sĩ lái xe, thường xuyên động viên và bồi dưỡng các lực lượng mũi nhọn.

Về quân y cơ sở, BS Tô Như Khuê cho rằng: cần nâng cao trình độ nghiệp vụ của quân y cơ sở về các mặt điều trị sốt rét, hành chính chuyên môn (thống kê quân y, theo dõi đăng ký điều trị, sử dụng và quản lý thuốc, tuyên truyền giáo dục vệ sinh…), bổ sung và cải tiến cơ số thuốc cho phù hợp với đơn vị xe, như thuốc viên sốt rét, thuốc tiêm cắt cơn nhanh… Các binh trạm nên có thêm phương tiện xét nghiệm (hóa nghiệm máu nước tiểu thông thường) và phương tiện kiểm tra thể lực định kỳ (cân, đo, bóp, kéo…).

Về các phương pháp cụ thể, kết quả nghiên cứu chỉ ra nhiều vấn đề. Thứ nhất, cần phải củng cố, hoàn chỉnh thêm các trạm ăn ngủ dọc đường cho chiến sĩ lái xe, mở rộng thêm chỗ ngủ, cung cấp đủ màn, đảm bảo ăn đủ tiêu chuẩn… Thứ hai, tổ chức những hầm ngủ tập trung ở các đơn vị, đặc biệt đối với các chiến sĩ ngủ bù vào ban ngày. Thứ ba, cần trang bị đầy đủ thiết bị cá nhân, kể cả quần áo, cố gắng dùng vật liệu nhẹ và ít bắt bụi. Thứ tư, xây dựng phương án toàn diện để đảm bảo thực hiện tiêu chuẩn 2đ50/ngày cholái xe (cấp dưỡng, thực phẩm, gia vị…). Thứ năm, sản xuất và phát cho các lái xe khẩu phần ăn tổng hợp đem theo dưới dạng mỳ, miến, xúp có chất lượng, chế biến nhanh, đủ cả chất đạm, mỳ chính, gia vị, kèm theo một số bánh kẹo thông thường như bánh bích quy, kẹo cacao…, đồng thời sản xuất nhiều loại bột chua giải khát để phục vụ cho lái xe.

Ngày nay, đọc lại bản thảo báo cáo này của BS Tô Như Khuê, có thể ai đó nghĩ rằng những ý kiến đề xuất và biện pháp được nêu ra trong đó không còn phù hợp nữa, bởi vì thời chiến tranh đã lùi xa về quá khứ và khoa học kỹ thuật đã phát triển vượt bậc so với hơn bốn chục năm trước. Nhưng trong thời điểm ấy, trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt năm 1972, những cán bộ trường Đại học Quân y đã không quản khó khăn, gian khổ và nguy hiểm đã thị sát thực tế chiến trường để tìm hiểu, nghiên cứu nhằm phục vụ cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thì bản báo cáo này có ý nghĩa không hề nhỏ. Bởi vậy, nó mãi kể về một thời những thầy thuốc mặc áo lính đã dấn thân nghiên cứu khoa học cả ở nơi tiền phương như thế.

Nguyễn Thanh Hóa

______________________

[1] Nay là Học viện Quân y, có 4 bộ môn tham gia đợt nghiên cứu này gồm: Sinh lý lao động, Sinh hóa, Hóa nghiệm, Vệ sinh.

[2] Các thành viên khác bao gồm: Nguyễn Trọng Cơ (trung úy – bác sĩ trợ lý Phòng Nghiên cứu), Hoàng Văn Thức (thiếu úy – bác sĩ trợ lý khoa Sinh lý lao động quân sự), Trần Trí Bảo (thiếu úy – bác sĩ), Phạm Thị Trà (thiếu úy – bác sĩ), Trịnh Lệ Trâm (thiếu úy – bác sĩ), Nguyễn Văn Khai (thiếu úy – bác sĩ), Nguyễn Thị Kim Chi (quân y sĩ),Võ Dương Thông (quân y sĩ), Trần Văn Hoàn (thiếu úy – bác sĩ), Lê Tam Khôi (thiếu úy, bác sĩ), Bùi Hữu Chiên (thiếu úy – bác sĩ), Đoàn Sơn Lâm (quân y sĩ), Nguyễn Bá Thường (quân y sĩ), Nguyễn Thị Nguyệt (trung sĩ).

[3] Thư BS Tô Như Khuê gửi vợ và các con, ngày 20-12-1971, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[4] Thư BS Tô Như Khuê gửi vợ và các con, ngày 23-12-1971, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[5] Thư BS Tô Như Khuê gửi vợ và các con, ngày 20-12-1971, tài liệu đã dẫn.

[6] Thư BS Tô Như Khuê gửi vợ, ngày 23-12-1971, tài liệu đã dẫn.