Sưu tập băng cassette học tiếng Anh (sử dụng những năm 90) và 3 cuốn vở ghi chép học tiếng Nga (1970-1975), Anh (1982-1984), Nhật (1991) được cán bộ Trung tâm Di sản chọn lọc từ khối tài liệu đồ sộ của GS Hoàng Phê với hy vọng có thể phần nào giới thiệu cho khách tham quan về một tấm gương suốt đời tự học.
Chuyện kể rằng, 12 tuổi, Hoàng Phê mồ côi cha, các em vẫn còn thơ dại. Ông nỗ lực học tập, nhảy lớp rồi đi dạy học sớm phụ giúp gia đình, tạo điều kiện cho anh trai Hoàng Kiệt có tiền học trường Mỹ thuật Đông Dương (nay là trường Đại học Mỹ thuật Việt
Trước khi về tổ Ngôn ngữ, Viện Văn học công tác (tiền thân của Viện Ngôn ngữ học), ông Phê đã ý thức việc trau dồi ngoại ngữ. Ngoài tiếng Pháp đã được học ở trường, ông tự học thêm tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Nhật… qua sách, báo và học qua bạn. Năm 1955, khi học tập từ Liên Xô về nước, hai người bạn thân của ông Phê là ông Lê Duy Thước (nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Nông nghiệp 1), ông Huỳnh Quang Đại (nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Dược) đã góp tiền mua một vali toàn sách tiếng Nga cho ông. Ông tranh thủ học ngoại ngữ mọi lúc, mọi nơi: qua giao tiếp sinh hoạt hàng ngày, qua báo, đài, tivi…
Đối với nhà ngôn ngữ học, việc thông thạo, am hiểu nhiều ngoại ngữ có ý nghĩa rất lớn trong công tác nghiên cứu. Bởi vậy, gần 40 năm công tác tại Viện Ngôn ngữ học, Giáo sư Hoàng Phê vẫn duy trì việc tự học ngoại ngữ phục vụ cho việc nghiên cứu, biên soạn từ điển, trong đó phải kể đến công trình Từ điển tiếng Việt (cuốn từ điển được tái bản nhiều lần từ 1988 đến nay và vẫn được sử dụng phổ biến) do ông làm chủ biên. Cho đến những ngày cuối đời, các đồng nghiệp vẫn bắt gặp hình ảnh GS Hoàng Phê miệt mài làm việc, đọc sách, nghiên cứu về tiếng Hán.