Bằng khen và giấy khen từ công trường BAM

Trong những năm 1970, Liên Xô tập trung vào xây dựng tuyến đường sắt Baikal – Amur (viết tắt là BАМ) nối từ ga Lena đến thành phố Komsomol bên sông Amur. Đây là một công trình xây dựng lớn và quan trọng, phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội ở vùng Siberia rộng lớn có nhiều tiềm năng về đất đai, khoáng sản… Năm 1975, Đội sinh viên xây dựng quốc tế mang tên “Hữu nghị” được tổ chức để đi xây dựng tại công trường BAM. Hưởng ứng lời mời của Trung ương đoàn Komsomol, Đại sứ quán nước ta tại Liên Xô cử 17 sinh viên Việt Nam đang học ở Moskva tham gia đội sinh viên quốc tế này[1], đồng thời cử nghiên cứu sinh Trần Vĩnh Phúc đi cùng để phụ trách sinh viên Việt Nam. Khi đó, Trần Vĩnh Phúc đang là nghiên cứu sinh tại trường ĐH Sư phạm Lênin ở Moskva. Kể lại cảm nghĩ của mình khi tiếp nhận sự phân công đó, PGS Trần Vĩnh Phúc chia sẻ: Ở Việt Nam tôi lao động đã nhiều nên đi BАМ tôi không sợ vất vả. Không phải ai cũng được tham gia xây dựng BАМ, nên tôi rất tự hào[2].

Đội sinh viên xây dựng quốc tế tập hợp sinh viên của 9 nước: Ba Lan, Bungari, Cuba, Cộng hòa Dân chủ Đức, Hungari, Liên Xô, Mông Cổ, Tiệp Khắc và Việt Nam. Ngày 1-7-1975, tất cả tập trung tại trụ sở Trung ương đoàn Komsomol và mỗi người đều được phát quần áo của BАМ, trên ngực áo có gắn phù hiệu BAM màu vàng. Thời kỳ ấy, được mặc quần áo BAM là một vinh dự, như PGS Trần Vĩnh Phúc kể: Nếu mặc bộ quần áo này đi giữa Moskva thì sẽ được người dân gọi là chiến sĩ BАМ. Trong buổi lễ tiễn đoàn sinh viên lên đường, một đồng chí phụ trách công trường xây dựng BАМ là Mơkhôrơtốp phát biểu chào mừng và chúc Đội hoàn thành tốt công việc được giao.

Từ trụ sở Trung ương đoàn Komsomol, Đội sinh viên xây dựng quốc tế lên xe ô tô đi đến sân bay Domodedovo. PGS Phúc vẫn nhớ: Các tuyến phố ở Moskva đều được dẹp đường và bật đèn xanh cho đoàn ô tô đến sân bay. Điều đó làm cho tôi cảm thấy rất tự hào và tự nhủ phải cố gắng lao động hết mình. Sau 6 giờ bay, họ xuống sân bay Bratsk thuộc tỉnh Irkutsk, vùng Siberia. Tại đây họ tranh thủ đi thăm nhà máy thủy điện Bratsk, sau đó lên tàu hỏa đi xuyên rừng taiga đến ga Lena. Đây là ga cuối cùng của tuyến đường sắt Taishet – Lena dài 701km được xây dựng trong những năm 1950 và đây là điểm khởi đầu của tuyến đường sắt BAM đang xây dựng.

Khi đến ga Lena, Đội sinh viên xây dựng quốc tế được chia làm hai, 18 thành viên người Việt Nam cũng được chia đôi. Theo đó, đội 1 gồm 200 sinh viên đóng trại tại Uxơkut, tỉnh Irkutsk, còn đội 2 gồm 100 sinh viên, trong đó có NCS Trần Vĩnh Phúc, đi máy bay trực thăng thêm 60km nữa để đến ga Ngôi sao. Giữa rừng taiga bạt ngàn, máy bay phải đáp xuống “sân bay” là các tấm gỗ rừng ghép lại. Ga Ngôi sao nằm giữa rừng taiga, bên cạnh hai con sông có tên là Taiura và Nhia. Cả đội đóng trại ở ngay gần bờ sông Taiura và được phân thành các tổ. Tổ do Trần Vĩnh Phúc làm tổ trưởng gồm 12 người của 6 quốc gia: Liên Xô, Đức, Ba Lan, Cuba, Bungari và Việt Nam, mỗi nước có 2 người. PGS Trần Vĩnh Phúc kể: Các bạn Liên Xô trong các tổ đều là những sinh viên năm cuối của các trường đại học ở Moskva, Kiev… Đến đây, chúng tôi tuy không trực tiếp làm đường ray nhưng chúng tôi xây dựng cơ sở vật chất cho ga và các cơ sở vật chất phục vụ cho công nhân và gia đình họ sống và làm việc ở đây.

Ngày đầu tiên, toàn đội sinh viên xây dựng số 2 tập trung vào dựng trại và trang trí trại. Họ chỉ dựng trại, không dựng nhà, bởi như PGS Trần Vĩnh Phúc cho biết: Để tiết kiệm thời gian và dành gỗ để xây dựng các cơ sở hạ tầng cho ga nên chúng tôi chỉ dựng trại. Tất cả ưu tiên là để dành cho việc xây dựng ga. Trại được dựng bằng những khúc thân cây bạch dương, sau đó phủ bạt lên. Diện tích của trại khá rộng, đủ làm chỗ ở cho cho cả đội.

Bằng khen[3] và giấy khen tặng NCS Trần Vĩnh Phúc sau khi tham gia Đội sinh viên xây dựng quốc tế

Cuộc sống ở đây khá vất vả, nhưng họ rất được quan tâm. Hàng ngày, Trung ương đoàn thanh niên Komsomol cho máy bay chở thực phẩm từ Moskva đến, có đủ cả: thịt hộp, bơ, sữa, bánh, kẹo… Các tổ phân công người thay nhau nấu ăn hàng ngày. Hôm nào cũng vậy, cứ 7 giờ sáng là sinh viên đi qua con sông Taiura để đến chỗ làm việc, làm đến 11h30 thì về trại ăn trưa, rồi 14h họ lại tiếp tục làm việc cho đến 17h. Công việc do Đội sinh viên xây dựng quốc tế đảm nhận ở ga Ngôi sao khá đa dạng: xây dựng nhà trẻ, trường học cho con em công nhân BАМ, xây câu lạc bộ thanh niên – công nhân, làm hệ thống đường ống phục vụ phố mới của nhà ga, xây nhà kho cho ga, chở gỗ từ rừng về công trường và bóc vỏ cây… Tinh thần lao động của mọi người rất hăng say. PGS Trần Vĩnh Phúc kể lại: Có những hôm trộn vôi vữa với khối lượng nhiều, đến hết giờ làm mà chưa sử dụng hết thì các sinh viên tự bảo nhau ở lại làm thêm cho đỡ phí vôi vữa.

Tuyến đường sắt này rất dài, băng qua nhiều vùng rừng núi và cả khu vực đầm lầy, đôi khi phải đào hầm cho đường xuyên qua. Công việc của các sinh viên cũng có không ít khó khăn. PGS Trần Vĩnh Phúc hầu như không quên gì cả: Đất rừng taiga rất rắn, bởi vậy khi đào móng các công trình xây dựng rất vất vả. Nhiều công việc đòi hỏi phải biết làm mộc và xây dựng, cũng may trong đội có sinh viên năm cuối của các trường xây dựng nên họ hướng dẫn và giúp đỡ các sinh viên khác. Thời tiết của vùng này ban ngày nắng đốt, tối lại lạnh. Những ngày mưa, rừng ẩm thấp nên muỗi rất nhiều và dữ, thấy người là lao vào đốt. Bởi vậy sinh viên phải đi mua mỗi người một cái mũ chụp kín đầu và mặt rồi lại tiếp tục làm việc và hoàn thành tốt công việc được giao. Khi một ngày làm việc kết thúc, sau bữa tối, họ thường tổ chức giao lưu giữa sinh viên các nước, hoặc tổ chức ngày lễ kỷ niệm và lễ hội của nước mình. PGS Trần Vĩnh Phúc chia sẻ: Có hôm sau khi làm việc về, một số sinh viên lại mang đàn guitar ra chơi giữa khung cảnh rừng bạch dương và taiga bạt ngàn. Chính lúc đó cảm giác nhớ nhà, nhớ trường và nhớ cả bóng hình người thương trong các sinh viên xây dựng trào dâng. Bởi vậy mỗi một ngày họ khắc một vạch trên cột trại để mong ngày trở về.

Sau gần 2 tháng lao động, ngày 23-8-1975, Đội sinh viên xây dựng “Hữu nghị” kết thúc đợt tham gia xây dựng tuyến đường sắt Baikal – Amur. Tất cả cùng trở lại Moskva để tiếp tục học tập. Mãi về sau, với PGS Trần Vĩnh Phúc, ông không thể quên được những kỷ niệm đáng nhớ cùng sự tự hào về đợt tham gia lao động để xây dựng “công trình thế kỷ” BAM. Ông tâm sự: Tại công trường BАМ, tôi đã được tiếp xúc và làm việc với sinh viên các nước để từ đó nâng cao tinh thần đoàn kết quốc tế. Chúng tôi tự hào vì là những người tham gia xây dựng BАМ – một công trình có tầm vóc thế kỷ. Đó là trường học của lòng dũng cảm, của chủ nghĩa anh hùng trong lao động. Thực sự thì chúng tôi đi xây dựng BАМ nhưng BАМ đã tôi luyện chúng tôi rắn chắc hơn, vững vàng hơn về thể chất cũng như tinh thần.

Với sự hăng hái và nhiệt tình tham gia xây dựng tuyến đường sắt này, ngay trong năm 1975, NCS Trần Vĩnh Phúc được Ban chấp hành Thành đoàn Komsomol Moskva tặng bằng khen “Vì thành tích trong công tác giáo dục tinh thần quốc tế cho thanh niên sinh viên”, đồng thời được Ban chấp hành Đoàn thanh niên lao động Việt Nam – Thành đoàn Moskva tặng giấy khen.

Tấm bằng khen hình chữ nhật đứng với kích thước 16,5 x 25cm, nội dung bằng tiếng Nga được đánh máy chữ trên bản in và có đóng dấu của Thành đoàn Komsomol Moskva. Tờ giấy khen hình chữ nhật ngang với kích thước 29,5 x 22,5cm, bằng tiếng Việt, được viết bằng bút bi mực xanh trên bản in và có đóng dấu của Thành đoàn Moskva. Cả hai đều đã bị ố nên giấy ngả sang màu vàng, có vài vết rách nhỏ ở mép. Hai kỷ vật này được PGS.TS Trần Vĩnh Phúc lưu giữ cẩn thận suốt 40 năm qua. Đó là hai phần thưởng có ý nghĩa riêng biệt trong cuộc đời ông, làm cho ông nhớ lại những ngày tháng sôi nổi, hăng say lao động với niềm tự hào vì được tham gia xây dựng tuyến đường sắt nổi tiếng Baikal – Amur nói riêng và góp phần xây dựng tình đoàn kết quốc tế nói chung.

 

Lê Thị Hoài Thu

________________________

* PGS.TS Trần Vĩnh Phúc, chuyên ngành Văn học, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Văn học Nga và Đất nước học Nga, khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nga, trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

[1]. 17 sinh viên này thuộc 5 trường đại học ở Moskva: Hồ Hữu Việt, Phan Tiến Dũng và Đoàn Công ở ĐH Tổng hợp Quốc gia Moskva; Phan Hồng Hải, Võ Hòa Bình và Nguyễn Văn Thân ở ĐH Bưu điện Moskva; Nguyễn Ngọc Hải, Đặng Trường Sơn, Nguyễn Công Nghiệp và Phan Văn Hiền ở ĐH Tài chính Moskva; Trần Kim Cường và Đinh Văn Phong ở ĐH Cơ khí ôtô Moskva; Phương Đình Tiến, Nguyễn Văn Quý, Nguyễn Viết Soạn, Phạm Văn Quyên và Phạm Văn Rung ở ĐH Ấn loát Moskva.

[2]. Phỏng vấn PGS.TS Trần Vĩnh Phúc ngày 10-9-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Trong câu chuyện, tất cả các lời kể của PGS.TS Trần Vĩnh Phúc đều trích từ tài liệu này.

[3]. Theo tiếng Nga, đây là “bằng danh dự”, dịch sang tiếng Việt có thể gọi là bằng khen.