Sau khi hoàn thành đợt thực tập sinh tại Học viện Thủy lợi- Điện lực Vũ Hán, Trung Quốc, Phan Kỳ Nam về nước năm 1962 giảng dạy tại Bộ môn Thủy điện – Trạm bơm, Học viện Thủy lợi – Điện lực, Hà Nội. Theo quan điểm đào tạo sinh viên phục vụ sản xuất, phát triển đất nước,trong quá trình nghiên cứu về thủy lợi – thủy điện, giảng viên Phan Kỳ Nam đã chú tâm việc thu thập tài liệu từ các công trình thực tế ở Bàn Thạch, Cẩm Sơn (Thanh Hóa) và trên cơ sở đó hướng dẫn cho sinh viên làm đồ án tốt nghiệp. Đây là cách thức đào tạo có thể rèn luyện cho sinh viên kỹ năng tính toán thiết kế các công trình thủy lợi thủy điện. Và trong những kỳ tốt nghiệp của sinh viên, nhiều cơ quan, trường học có nhu cầu thường liên hệ với nhà trường với mong muốn trường có thể giới thiệu những sinh viên có năng lực học tập tốt về công tác tại đơn vị họ. Trước đây khi giới thiệu những sinh viên ưu tú theo yêu cầu của các cơ quan, trường học, ông Phan Kỳ Nam phải lật giở bảng điểm từng năm, từng môn học và dựa vào điểm số của đồ án tốt nghiệp để từ đó giới thiệu cho các nhà tuyển dụng. Qua các năm học, ông nhận thấy việc làm này vừa mất rất nhiều thời gian, lại không có được cái nhìn tổng thể về quá trình học tập của sinh viên.
Kể từ khóa 13 (1974-1979), Chủ nhiệm bộ môn Thủy điện,trường Đại học Thủy lợi Hà Nội Phan Kỳ Nam cùng Thư ký bộ mônDương Văn Chương đã căn cứ vào những quyển học bạ của sinh viên để tổng hợp lại thành bảng theo dõi kết quả học tập, qua đó đánh giá kết quả quá trình học tập trong 5 năm của sinh viên mỗi khóa. "Bảng theo dõi kết quả quá trình học tập giúp tôi không chỉ biết được điểm tổng kết của sinh viên mà còn giúp tôi biết được sinh viên học giỏi môn học nào. Và chính điều này đã giúp cho những người tuyển dụng rất yên tâm".
Khi sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp thì thầy Phan Kỳ Nam cùng các giáo viên trong bộ môn cũng tổng hợp xong bảng theo dõi kết quả học tập này.
Bảng theo dõi kết quả học tập của sinh viên Khóa 16CĐ
Trong số những khóa đã tổng hợp, PGS Phan Kỳ Nam đặc biệt ấn tượng với Khóa sinh viên 16CĐ chuyên ngành Thủy điện vì có nhiều sinh viên giỏi như Nguyễn Thượng Bằng, Nguyễn Quyết Tâm, Thanh Mai. Sau khi ra trường, những sinh viên này đều thành đạt. Ngoài ra trong quá trình hướng dẫn sinh viên làm đồ án tốt nghiệp, đối với những sinh viên có học lực giỏi, Chủ nhiệm bộ môn Phan Kỳ Nam đã đề xuất không làm đồ án tốt nghiệp theo trình tự bình thường là thiết kế sơ bộ một công trình thủy lợi, thủy điện từ đầu đến cuối mà làm đồ án tốt nghiệp theo kiểu mớiđó là nghiên cứu theo chuyên đềvề đập, thi công…. Với cách làm này, sinh viên có thể nghiên cứu chuyên sâu về một vấn đề hẹp của chuyên ngành Thủy điện. Từ nghiên cứu này sau khi ra công tác, họ có thể tiếp tục mở rộng nghiên cứu. Cách làm này phù hợp với những sinh viên khi ra trường làm công tác giảng dạy và nghiên cứu, còn những sinh viên ra công tác tại các nhà máy sản xuất thì đòi hỏi họ phải nắm chắc được quy trình sản xuấtthủy lợi, thủy điện.
"Hàng năm có Hội thi đồ án tốt nghiệp xuất sắc (nay là Giải Loa Thành) do Hội Xây dựng Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam… tổ chức. Hội đồng chấm thi bao gồm giáo sư các trường Đại học Xây dựng, Đại học Giao thông, Đại học Bách khoa chấm thi những đồ án tốt nghiệp xuất sắc và trường Đại học Thủy lợi rất vinh dự vì có nhiều sinh viên được giải cao. Và một số sinh viên đó cũng được trường giữ lại công tác". PGS.TS Phan Kỳ Nam tự hào kể về việc đào tạo sinh viên của trường Đại học Thủy lợi.
Trên cơ sở bảng theo dõi kết quả học tập của sinh viên, Chủ nhiệm bộ môn Phan Kỳ Nam có thể cung cấp thông tin chính xác, toàn diện của từng sinh viên trong suốt khóa học nhằm giúp các cơ quan, trường học xem xét và trên cơ sở đó đã tuyển chọn được nhân lực phù hợp. Kết thúc niên khóa 16CĐ (1977-1982), Chủ nhiệm Bộ môn Thủy công thủy điện trường Đại học Xây dựng Đỗ Văn Chiêu đã liên hệ với Chủ nhiệm bộ môn Thủy điện trường Đại học Thủy Lợi Phan Kỳ Nam xin tuyển dụng một sinh viên về trường công tác. Dựa vào bảng theo dõi kết quả học tập của các sinh viên và nhu cầu tuyển cán bộ, ông Đỗ Văn Chiêu đã tuyển chọn sinh viên Nguyễn Thượng Bằng, người đáp ứng được các yêu cầu công tác giảng dạy của Đại học Xây dựng.
Qua nhiều năm đào tạo, PGS Phan Kỳ Nam và đồng nghiệp đãlập được nhiều bảng theo dõi kết quả học tập nhưng, đến nay ông chỉ lưu giữ được một Bảng của khóa 16CĐ chuyên ngành Thủy điện. Bảng theo dõi kết quả học tập được viết tay trên khổ giấy lớn 80x40cm, gồm các cột mục rõ ràng: Họ và tên; Năm sinh; Quê quán; Điểm số các môn học: Anh văn, Toán, Hóa, Cơ học kết cấu, Sức bền, Trắc đạc, Thủy lực, Địa chất, Bê tông… qua 5 năm học của 38 sinh viên và có xếp loại học tập. Bên cạnh đó còn có cột ghi chú ghi nơi phân công công tác của từng sinh viên. Công việc này đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ và mất nhiều thời gian nên chỉ có bộ môn Thủy điện do PGS Phan Kỳ Nam làm chủ nhiệm mới có thư ký bộ môn nên thực hiện được. PGS.TS Phan Kỳ Nam đã trao tặng kỷ vật này cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam lưu giữ.
Nguyễn Thị Phương Thúy