Bằng tiến sĩ cần cho ai?

Tấm bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của ông Ngọc (ảnh được Tỉnh ủy Yên Bái cung cấp)
 
Hiếm có nước nào trọng bằng cấp như ở Việt Nam chúng ta. Không hiếm lần đi dự đám cưới, thậm chí đám tang cũng thấy người ta giới thiệu thạc sĩ nọ, tiến sĩ kia. Hình như cứ phải có chữ “sĩ” thì mới hoành tráng, mới được chú ý, mới đủ để mọi người “nể” thì phải. Đặc biệt, tại các buổi họp, diễn đàn thì những từ này rất được nêu cao và quan tâm.

Tiến sĩ thực chất là một học vị do một trường đại học hay viện nghiên cứu cấp sau khi nghiên cứu sinh tốt nghiệp khóa học sau đại học và bảo vệ thành công luận án. Cũng có nước, bằng tiến sĩ do nhà nước cấp. Điểm quan trọng của một nghiên cứu sinh là phải có 1 công trình nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của một giáo sư và cuối cùng bảo vệ thành công trước hội đồng thì được công nhận là tiến sĩ. Tại nhiều nước, nhất là những ai đã học ở Liên Xô trước đây đều biết rằng trước khi bảo vệ thật còn có bảo vệ thử, công đoạn rất quan trọng để quyết định việc kết thúc chương trình học tiến sĩ.

Luận án tiến sĩ thường là công trình nghiên cứu chuyên sâu trong một nghành hẹp. Học tiến sĩ tức là bắt đầu dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học, tự khẳng định rằng mình sẽ làm trong nghành nghiên cứu. Con đường của những người có bằng tiến sĩ nếu không làm công tác nghiên cứu cũng là giảng dạy. Tuyệt đại đa số các tiến sĩ thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ của mình.

Cá nhân tôi thật sự không hiểu tại sao quan chức, lãnh đạo các cơ quan lại cần có bằng tiến sĩ. Họ đâu có nhu cầu và ý định làm công nghiên cứu hay giảng dạy. Họ đâu có định làm khoa học. Tôi cứ vẩn vơ suy nghĩ, liệu họ có thật sự học tập nghiêm túc, liệu họ có tập trung tâm trí và tâm huyết vào đề tài, liệu các quan chức này có nghiên cứu say sưa như những nhà khoa học trong quá trình làm luận án của mình. Có hay không? Không hay có?

Theo chiều hướng tốt, tôi tưởng tượng ra cảnh những nhà lãnh đạo của chúng ta cả ngày bận rộn trăm công ngàn việc đêm về phải lên phòng thí nghiệm, phải mày mò đọc hàng trăm cuốn sách, nghiên cứu bao công trình liên quan để có thể có kết quả cho mình. Họ phải làm biết bao cuộc khảo sát, bao nhiêu là cuộc kiểm tra, những thử nghiệm để tìm ra kết quả cho bài toán mình đang nghiên cứu. Họ phải dùng hết các ngày nghỉ, ngày phép để tập trung cho đề tài. Còn mất bao công lao và thời gian để viết cho ra luận án mấy trăm trang, sau khi có kết quả nghiên cứu. Rồi từ khi viết xong đến khi bảo vệ lại cả là 1 quá trình dài, ít nhất cũng phải sửa đi sửa lại vài lần sau khi thu nhận các ý kiến của thầy hướng dẫn, của thầy phản biện, của các đồng nghiệp, bạn bè và người giúp đỡ, của các cố vấn. Lo lãnh đạo đã mệt, nay phải lo để hoàn thành luận án tiến sĩ đâu phải chuyện nhỏ!

Tôi lại vẩn vơ suy nghĩ, sau khi vất vả có được tấm bằng tiến sĩ thì họ sẽ làm gì với tấm bằng ấy. Để treo trang trọng trong phòng làm việc, tại nhà riêng? Phải chăng để “tuyên bố” với bàn dân thiên hạ rằng “tôi là tiến sĩ”, rằng bây giờ tôi giỏi hơn anh, tôi cao sang hơn chị. Bởi vì điểm quan trọng là việc học tiến sĩ và cái bằng tiến sĩ đó giúp gì người có bằng trong công việc của “chủ nhân”, hiện tại cũng như tương lai. Bao nhiêu phần trăm các nhà lãnh đạo dùng những gì thu nhận được sau khi thành “tiến sĩ” vào việc lãnh đạo của mình?

Bằng tiến sĩ ngoài “công năng” để khoe, liệu có tác dụng giúp người ta thăng quan tiến chức, tăng thu nhập và khẳng định vững chãi cái ghế? Bằng tiến sĩ liệu có giúp những người cầm nó trên tay tự tin hơn hay giải quyết các vấn đề, xử lý tình huống tốt hơn? Bằng tiến sĩ có giúp việc lãnh đạo tốt hơn? Cơ quan có thật sự mạnh hơn sau khi có ông sếp lĩnh bằng tiến sĩ? Và tại sao chúng ta đang có một phong trào “lấy” bằng tiến sĩ mạnh đến vậy. Rồi biết bao người bỏ ra cả đống tiền để có “tờ giấy” đó trên tay bằng mọi giá. Liệu đây có phải là 1 giấy thông hành cho nhiều người giống như bằng đại học cho các bạn trẻ ngày nay?

Thật nực cười khi có vị lãnh đạo nọ học tiến sĩ mà chỉ sang trường có hai lần, mỗi lần một tuần, nghe giảng bằng tiếng Anh thông qua phiên dịch sang tiếng Việt, rằng nhà trường không yêu cầu biết tiếng anh, không cần thi đầu vào, chỉ cần cần gửi đề cương sang cho họ chỉnh sửa là được. Ngay cả khi bảo vệ luận án cũng có người dịch từ đầu đến cuối. Tại sao lại có thể có bằng tiến sĩ dễ đến như vậy. Mà nếu nó thật sự dễ như vậy thì có nó để làm gì?

Tự nhiên tôi lại nghĩ rằng hình như hiện nay bằng tiến sĩ đang dành cho một bộ phận những người háo danh. Và có thể cho cả những người muốn có “danh” thực sự nữa. Và biết đâu, có cả những người cơ hội trong danh sách những người đang cầm trên tay cái tờ giấy công nhận là tiến sĩ này.

Tôi mơ ước và luôn vẫn tin rằng đó là những con sâu ít ỏi, lẻ loi. Tôi nguyện cầu cho phong trào “lấy” bằng tiến sĩ sớm chấm dứt để những Tiến sĩ chân chính đỡ phải chạnh lòng khi bị đánh đồng với những Tiến sĩ rởm.

Nguyễn Mạnh HùngChủ tịch HĐQT kiêm CEO Thái Hà Books

Nguồn: www.baomoi.com/Home/GiaoDuc/dantri.com.vn/Bang-tien-si-can-cho-ai/4726863.epi