Tới tham dự buổi Lễ trọng thể này, có đại diện gia đình Cố GS Tôn Thất Tùng: TS Tôn Nữ Ngọc Trân, Tôn Nữ Hồng Tâm – con gái và PGS.TS Phạm Văn Hội – con rể của GS Tôn Thất Tùng; vì lý do sức khoẻ, rất tiếc bà Vi Thị Nguyệt Hồ – người bạn đời của cố GS Tôn Thất Tùng đã không có mặt trong buổi Lễ. Tham dự buổi lễ còn có các vị khách mời: GS.TS Hà Văn Quyết – Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại, trường Đại học Y Hà Nội; GS.TS Đỗ Kim Sơn – nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt – Đức; GS Đặng Hanh Đệ – nguyên Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện Việt – Đức; TS Lê Thị Minh Lý – Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản, Bộ VH-TT-DL cùng đại diện gia đình GS Hoàng Đình Cầu, GS Trần Hữu Tước…Về phía đơn vị tiếp nhận Di sản của GS Tôn Thất Tùng và tổ chức buổi Lễ, có hai vị Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn: GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng – nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam và GS.TS Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng Viện huyết học và truyền máu Trung ương; Giám đốc chuyên môn của Trung tâm – PGS.TS Nguyễn Văn Huy; Bà Võ Ngọc Lan, Giám đốc Medlatec – đơn vị tài trợ kiêm Giám đốc điều hành Trung tâm cùng toàn thể cán bộ nhân viên Trung tâm và Bệnh viện Medlatec.
Khai mạc buổi Lễ trọng đại này, Lời Đề dẫn của Trung tâm thể hiện sự trân trọng và đầy trách nhiệm đối với Di sản các nhà khoa học: Bộ sưu tập tư liệu hiện vật quý của GS Tôn Thất Tùng mà Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam vừa trân trọng tiếp nhận từ gia đình ông bao gồm hơn 3.000 đầu mục, trong đó có những tư liệu hiện vật rất quý như gần 50 cuốn nhật ký, hồi ký mà GS ghi chép trong những chuyến đi công tác ở Trung Quốc, Liên Xô, Đức, Pháp, Mỹ…, hàng trăm cuốn sổ ghi chép tỉ mỉ về mổ tim, về cắt gan, ung thư gan và những nghiên cứu bước đầu của ông về ảnh hưởng của diệt cỏ đối với người Việt Nam, gần 500 bức thư trao đổi với bạn bè, đồng nghiệp trong và ngoài nước bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Và cả những vật dụng cá nhân ông dùng lúc sinh thời như: kính, những quyển hộ chiếu, dao cạo râu, bút viết, những bộ dụng cụ y tế,…
Đây thực sự là khối tư liệu vô cùng quý giá không chỉ đối với việc nghiên cứu về lịch sử cuộc đời và những đóng góp của GS.VS Tôn Thất Tùng mà còn có giá trị trong việc nghiên cứu về sự hình thành và phát triển nền Y học Việt Nam ở thế kỷ XX. Buổi lễ tiếp nhận được tổ chức vào tháng 5 cũng là tháng mà rất nhiều thế hệ các bác sĩ Việt Nam và quốc tế tưởng nhớ đến GS Tôn Thất Tùng nhân dịp Kỷ niệm 100 năm ngày sinh và 30 năm ngày mất của ông.
Thay mặt gia đình, PGS.TS Phạm Văn Hội phát biểu: “Về di sản của cha chúng tôi, gia đình cũng đã cố gắng lưu giữ trong suốt 30 năm, do không đủ điều kiện chuẩn để lưu giữ nên tư liệu cũng bị hư hại nhiều, chưa kể còn bị thất thoát. Để bảo vệ tốt khối tài liệu này, lúc đầu tôi nghĩ rất khó, tuy nhiên sau nhiều lần tiếp xúc với các nghiên cứu viên của Trung tâm cũng như việc tận mắt chứng kiến các hoạt động đang diễn ra tại Trung tâm, tôi rất yên tâm. Chúng ta không thiếu gì thư viện, chúng ta không thiếu gì các cơ sở lưu trữ. Nhưng ở Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, tôi thấy tài liệu hiện vật lưu trữ rất đặc biệt, từ thư từ, nhật ký, đến cả những gì nằm sâu trong tâm hồn các nhà khoa học. Tôi nghĩ đây là một điều quan trọng, không có thư viện nào có thể lưu trữ được mà phải cần đến những Trung tâm như thế này. Tôi dánh giá cao giá trị nhân văn và giá trị khoa học của Trung tâm”.
Giáo sư Đặng Hanh Đệ – người học trò đã có nhiều thời gian được cùng làm việc và học hỏi ở người thầy Tôn Thất Tùng, sau khi tiếp cận khối tư liệu của người thầy đáng kính của mình, đã xúc động bày tỏ: “Đây là một khối tư liệu hết sức quý giá. Khi còn trẻ, nếu tôi có được những tư liệu này thì nó sẽ giúp tôi rất rất nhiều trong công việc. Nhưng bây giờ, khi có Trung tâm này tôi rất hy vọng Trung tâm sẽ là nơi để cho những lớp người kế tiếp noi gương của Thầy, một di sản vô giá của đất nước”.
TS. Lê Thị Minh Lý – Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá chia sẻ: “Được chứng kiến buổi Lễ tiếp nhận sưu tập tài liệu hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp khoa học của Bác sĩ, GS.VS Tôn Thất Tùng chúng tôi vô cùng cảm động và càng trải nghiệm thấm thía ý nghĩa của Trung tâm Di sản các nhà khoa học. Cho phép tôi được được bày tỏ sự trân trọng, biết ơn đối với Cố Giáo sư, với gia đình và mong muốn sưu tập quý giá này đuợc bảo vệ mãi mãi và sớm được chia sẻ, giới thiệu với công chúng. Di sản của các nhà khoa học tiền bối sẽ làm nên sức mạnh, sự phát triển của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các ngành khoa học hôm nay và mai sau”. Đánh giá cao mục đích, tôn chỉ của Trung tâm cũng như những cố gắng mà Trung tâm đã và đang thực hiện trong suốt 4 năm qua, TS.Lê Thị Minh Lý nhận định: “Sau 4 năm hoạt động, cùng với sự phát triển của sự nghiệp bảo vệ di sản văn hoá của cả nước, Trung tâm Di sản các nhà khoa học đã có bước tiến mạnh mẽ và hoạt động rất hiệu quả. Nhìn lại chặng đường vừa qua có thể nói Trung tâm Di sản các nhà khoa học đã có một tầm nhìn chiến lược với phưong pháp tiếp cận bảo vệ di sản của quốc tế”.
GS.TS Hà Văn Quyết – Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại, trường Đại học Y Hà Nội: “Tôi nghĩ rằng, những kỉ vật khoa học của thầy Tùng là những kỉ vật rất thiêng liêng, trường tồn mãi mãi. Chúng tôi hi vọng những kỉ vật này sẽ được Trung tâm phát huy, kể những câu chuyện về nó và chắc chắn rằng những câu chuyện ấy sẽ trở thành những di sản phi vật thể còn mãi với thời gian cùng những câu chuyện mà chúng tôi vẫn nhớ mãi trong thời gian sau này”.
Sau những hồi tưởng về suốt cuộc đời cống hiến với tài năng và đức độ của GS Tôn Thất Tùng, GS.TS Đỗ Kim Sơn xúc động phát biểu : “Nhân dịp Kỷ niệm 100 năm ngày sinh và 30 năm ngày mất của GS Tôn Thất Tùng, tôi xin bày tỏ lòng kính trọng sâu sắc và lòng biết ơn vô hạn đối với Thầy – ông tổ của ngành Phẫu thuật gan thế giới đương đại, nhà bác học có tầm nhìn sâu rộng, giàu lòng nhân ái. Chúng tôi nguyện còn ngày nào hiện hữu trên cõi trần này xin phấn đấu để bước tiếp trên những bước đi mà Thầy đã chỉ được vạch lối, để phục vụ sự nghiệp trị bệnh cứu người”.
Thay mặt Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Huy trân trọng cảm ơn gia đình giáo sư Tôn Thất Tùng, và hứa với gia đình GS Tôn Thất Tùng, Trung tâm sẽ làm hết sức mình để xứng đáng với sự ủy thác, tin cậy của gia đình khi trao toàn bộ di sản quý giá của Giáo sư cho Trung tâm. “Đó cũng là trách nhiệm của chúng tôi với nền Y học Việt Nam, với Đất nước và Dân tộc của chúng ta” – ông khẳng định.
Thay cho Lời kết, GS.TS Nguyễn Anh Trí – Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn của Trung tâm nói: “Rất vui, rất mừng, rất cảm động vì đã tiếp nhận được khối tư liệu của GS Tôn Thất Tùng. Nhưng tôi cũng cảm thấy rất lo lắng vì như PGS Huy đã nói các tư liệu đã bị rách nát, hư hỏng rất nhiều, không chỉ riêng GS Tôn Thất Tùng mà của nhiều nhà khoa học khác nữa cũng đang ở trong tình trạng đó. Nhân dịp này, cho phép tôi được kêu gọi các nhà khoa học, gia đình các nhà khoa học, các học trò, các đồng nghiệp và tất cả chúng ta không được lãng phí, không được để mất, không được để lãng quên tư liệu của các nhà khoa học. Xin hãy gửi về đây, xin hãy chung tay với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam để gìn giữ, để bảo quản và để phát huy giá trị của Di sản các nhà khoa học ”.
Một số hình ảnh tại buổi Lễ:
Trình Sỹ Anh Dũng