Hành trình tìm hiểu về đất phèn Nam Bộ
Việt Nam có khoảng 2 triệu ha đất phèn chiếm gần 16% diện tích đất phèn trên thế giới, chiếm khoảng 30% diện tích đất canh tác Việt Nam1. Đất phèn được phân bố chủ yếu ở Nam Bộ2. Những năm 70 của thế kỷ trước, những vùng đất phèn hầu hết đều để hoang hóa do không thể sản xuất nông nghiệp. Người dân chỉ sinh sống xung quanh các kênh rạch để trồng lúa chịu phèn, lúa nổi và thu hoạch “lúa trời” cùng một vài loại cây như khóm (cây dứa), mía…. Những vùng đất phèn còn nổi tiếng với những câu chuyện kỳ dị được lan truyền, như chuyện cá sấu ăn thịt người hay chuyện càng đi sâu vào vùng mặn thì càng u ám với cỏ năng, cây sậy, bàng đưng và có nhiều côn trùng, chuột đồng, rắn rết… Sau năm 1975, trước yêu cầu giải quyết vấn đề thiếu lương thực sau chiến tranh và khôi phục, phát triển kinh tế – xã hội, một số tỉnh ở Nam Bộ như Đồng Tháp, Long An,… đã tổ chức khai hoang vùng đất phèn nhưng không đạt hiệu quả. Khi ấy, nhiều nhà quản lý khoa học trong và ngoài nước đánh giá việc khai thác vùng đất này sẽ gặp nhiều khó khăn và có thể không có hiệu quả. Ngay sau khi giải phóng miền Nam, Viện Thổ nhưỡng – Nông hóa tổ chức chương trình điều tra cơ bản vùng đất phèn Nam Bộ, và kỹ sư Lê Huy Bá khi ấy đang công tác tại Viện đã được tham gia chương trình này. Nhớ lại thời kỳ đó, GS.TSKH Lê Huy Bá chia sẻ: khai hoang đất phèn là vấn đề khó khăn, phức tạp. Muốn khai hoang và cải tạo đất phèn để đưa vào sản xuất, ta phải tìm hiểu kỹ về nguồn gốc, sự phân bố, phân loại tính chất hóa-lý-sinh của nó3. Chuyến đi điền dã điều tra cơ bản vùng Nam Bộ kéo dài khoảng gần 6 tháng. Kết thúc đợt điền dã, Viện thống nhất về việc lập một tấm bản đồ thổ nhưỡng của vùng Nam Bộ, tỷ lệ 1/500.000. Từ chuyến đi này, kỹ sư Lê Huy Bá có được cái nhìn tổng quan về toàn vùng Nam Bộ.
GS.TSKH Lê Huy Bá
Đầu năm 1976, ông được điều chuyển về trường Đại học Nông nghiệp IV (nay là Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh). Tại nơi công tác mới, giảng viên Lê Huy Bá được phân công quản lý phòng thí nghiệm nông hóa – thổ nhưỡng của trường. Ngay khi ổn định công việc, ông lên kế hoạch thực hiện dự định nghiên cứu về đất phèn Nam Bộ. Ban đầu, ông đề xuất sự hỗ trợ từ Ban giám hiệu nhà trường và được đồng ý. Về thời gian này, ông tâm sự, trường ủng hộ và giúp đỡ về thời gian và tinh thần là chính. Khi đó, trường cũng khó khăn nên hỗ trợ rất ít về kinh tế4.
Khoảng tháng 4-1977, với những công cụ, như máy đo độ pH, máy đo nồng độ phèn, đo độ dẫn điện, dao, túi nilon đựng mẫu đất do phòng thí nghiệm của trường Đại học Nông nghiệp IV cho mượn, giảng viên Lê Huy Bá thực hiện chuyến đi điền dã đến các vùng có đất phèn ở Nam Bộ để lấy mẫu đất, mẫu nước, mẫu thực vật chỉ thị. Ngoài những dụng cụ chuyên môn, ông còn chuẩn bị thêm đồ dùng cá nhân, như bi đông đựng nước, một vài bộ quần áo và một cặp da (do cơ quan trang bị), trong đó luôn sẵn sàng một quyển sổ ghi chép và hai cái bút (bút chì để ghi số liệu thô và bút mực ghi số liệu thứ cấp)5. Thời điểm ấy, đi xuống địa phương ông thường phải nhờ phương tiện như ghe và thuyền chở hàng của người dân địa phương. Ghe và thuyền chỉ có ở kênh và rạch nên mình đã quyết định lựa chọn nghiên cứu ở vùng có nhiều kênh và rạch6, GS Lê Huy Bá nhớ lại. Ngược kênh Đồng Tiến, kênh Bà Bèo, kênh Tháp Mười, kênh Lagrang, kênh Xáng Cụt, qua sông Hậu đi về kênh Rạch Giá-Hà Tiên, kênh Vĩnh Tế, kênh Cái Sắn và sau đó còn qua kênh T5, T8. Sau khi qua vùng Đồng Tháp Mười, đi theo kênh Vĩnh Tế về Tứ Giác Long Xuyên và vùng Bán đảo Cà Mau, Bình Sơn 1, Bình Sơn 2, Bình Sơn 3, Mỹ Lâm, Gò Quao, Ngọc Hiển, Năm Căn. Rồi ông lại theo sông Ông Đốc, Bảy Háp qua kênh Thái Bình vào U minh Thượng và U Minh Hạ… Đi đến đâu, ông cũng luôn được người dân sẵn lòng giúp đỡ việc ăn, ở. Vào một buổi chiều tối tại kênh Đồng Tiến, giảng viên Lê Huy Bá đến xin ở nhờ nhà một người dân. Lúc ấy, nhìn thấy người chủ nhà nấu một chảo gang to cơm gạo đỏ bốc khói thơm phức. Cơm chín vị chủ nhà đổ cho đàn lợn ăn. Tôi chợt nhớ đến món cơm độn thời chiến tranh. Sau hơn một tháng nghiên cứu, kết quả ông thu được là những túi mẫu đất phèn và khoan đào phẫu diện đất ở các vùng cảnh quan sinh thái, dọc các kênh khác nhau và mang chúng về phòng thí nghiệm của trường Đại học Nông nghiệp IV để phân tích và nghiên cứu.
Từ kết quả phân tích mẫu đất và những ghi chép trong chuyến đi điền dã, giảng viên Lê Huy Bá rút ra kết luận: vùng đất phèn có các con kênh chảy qua là một vấn đề nan giải. Việc đào kênh mà chưa có tính toán, vô hình đã làm cạn kiệt nhanh nước lũ, đồng thời đẩy lớp phù sa ra khỏi các vùng nội đồng một cách nhanh chóng. Điều này lý giải vì sao mùa khô ở những vùng có đất phèn thường lại kéo dài và dễ gây ra hiện tượng cháy “ngúm”, “cháy lộng” (cháy ngầm) ở vùng than bùn- phèn tiềm tàng ở U Minh Thượng và U Minh Hạ. Mặt khác, ở các khu vực này thường có lớp đất mặt là đất phù sa dày khoảng khoảng 20-50cm nên người dân có thể canh tác với điều kiện: hạn chế tối đa đào xới tầng dưới, không cho lớp dưới (tầng Pyrite, tầng Jarosite) lên tầng mặt để tránh oxy hóa từ phèn tiềm tàng sang phèn hoạt tính, rất độc7.
Cuối năm 1976, ba giảng viên chuyên nghiên cứu về thảm thực vật của trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có ông Phùng Trung Ngân, ông Nguyễn Văn Vương muốn nghiên cứu về thảm thực vật tại U Minh Thượng và U Minh Hạ nên đã “rủ” giảng viên Lê Huy Bá cùng đi đến vùng này để nghiên cứu. Chuyến đi nghiên cứu đến vùng U Minh kéo dài hơn một tháng. Giáo sư Lê Huy Bá nhớ lại, cả bốn chúng tôi đều không có tiền, vì vậy, phải dựa hoàn toàn vào dân từ ăn, ở và đi lại8. Nhờ ở cùng dân mà nhóm nghiên cứu đã có những phát hiện thú vị về đất phèn vùng này. Ông còn nhớ, chúng tôi nhìn thấy cán bộ trại giam Biển Bạch sử dụng nước màu đen ở các con kênh để nấu ăn. Vì tò mò nên tôi đã kiểm tra nồng độ pH ở trong nước và phát hiện: nước có màu đen nhưng không có độc tố (độ pH trong nước = 6,5 đến 6,7), mà do màu từ lớp than bùn ở bề mặt9. Các chuyên gia về thực vật trong chuyến đi này lý giải: ở U Minh Thượng, U Minh Hạ và vùng Tứ giác Long Xuyên có nhiều thực vật rất phát triển, trong đó, đáng chú ý là những giống cây dây leo có tên là cây dớn và cây choại sinh sống. Đặc điểm giống cây này chỉ sinh trưởng một năm và lụi. Qua khoảng 5 ngàn năm, tàn tích của những lớp cây dây leo ấy đã tạo thành một lớp “than bùn nổi” che kín mặt nước. Lớp than bùn này có giá trị dinh dưỡng và có hàm lượng cao chất kích thích sinh trưởng nên tốt cho sản xuất nông nghiệp. Từ mẫu đất thu thập ở chuyến khảo sát lần này, kết hợp cùng với những nghiên cứu của ba chuyên gia về thảm thực vật, ông Bá đi đến kết luận: lớp than bùn này được ví như những lớp áo giáp che chở không cho phèn bốc lên và giữ không cho mặn xâm nhập nội đồng10.
Năm 1977, giảng viên Lê Huy Bá được giao nhiệm vụ đưa đoàn nghiên cứu của trường Đại học Sư phạm I Hà Nội (nay là trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đi tìm hiểu về đất phèn ở Nam Bộ. Chuyến khảo sát đó cũng đã giúp cho giảng viên Bá hiểu một cách tổng quan hơn về vùng đất phèn Nam Bộ.
Vào cuối năm 1978, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Kiệt và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Vũ Đình Liệu triệu tập một cuộc họp, với thành phần gồm: ông Năm Trung – Giám đốc Ủy ban Khoa học kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, đại diện trường Đại học Nông nghiệp IV trong đó có giảng viên Lê Huy Bá, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam, một số ban ngành liên quan về nông nghiệp của thành phố Hồ Chí Minh, và một số nhà khoa học về sinh học môi trường, nhằm tranh thủ ý kiến tham vấn về việc thành phố có dự định trồng dừa và dứa tại huyện Duyên Hải (nay là huyện Cần Giờ). Kế hoạch dự kiến của lãnh đạo thành phố nhận được sự góp ý, tư vấn thẳng thắn của các thành viên tham dự, rằng cần tiến hành điều tra cơ bản trước, không nên trồng ồ ạt. Những ý kiến thuyết phục, có cơ sở khoa học và thực tiễn đó, được hai ông Võ Văn Kiệt và ông Vũ Đình Liệu đồng tình, chấp thuận. Duyên Hải vốn là vùng hoang vu, ít có người dân sinh sống, tại khu Rừng Sác còn có “Mật khu 72” – nơi trú ẩn của tàn quân chính quyền Sài Gòn. Sau năm 1975 tình hình vẫn như vậy. Để nghiên cứu vùng Duyên Hải, cần chọn người am hiểu về đất phèn ở vùng Nam Bộ để tiến hành điều tra cơ bản. Sau cuộc họp với lãnh đạo thành phố, giảng viên Lê Huy Bá là người đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu này và được chọn là người đảm nhiệm việc điều tra vùng Duyên Hải.
Ngay khi nhận nhiệm vụ, giảng viên Lê Huy Bá tiến hành chuyến đi điền dã 3 ngày để khảo sát sơ bộ. Sau chuyến đi này, ông Lê Huy Bá đã xác định lại, đánh dấu sơ bộ những tuyến, điểm khảo sát về khu vực Duyên Hải lên bản đồ giấy tỷ lệ 1/25000 và lên kế hoạch khảo cứu cụ thể.
Được sự đồng ý của Ban Giám hiệu trường Đại học Nông nghiệp IV, giảng viên Lê Huy Bá chọn tân giảng viên Lê Văn Tự và một số sinh viên năm thứ 3, sinh viên năm cuối cùng ông tiến hành nghiên cứu. Chuyến khảo sát này kéo dài gần 3 tháng, đó là chuyến đi nhiều kỷ niệm khó quên11, GS Lê Huy Bá nhận định. Thuở đó, ông Võ Văn Kiệt cấp cho thầy và trò chúng tôi ba chiếc ghe và lượng dầu lớn. Mọi chi phí ăn, uống khác đều phải tự túc. May mắn, là đoàn đi đến đâu nhận được sự giúp đỡ đến đó12. Khi đó, Duyên Hải là vùng có nhiều cây chà là. Đây là loại cây có nhiều gai. Sau mỗi buổi đi điền dã, cả thầy và trò đoàn khảo sát cùng nhau ngồi ở lán để khêu lấy gai ra. Những khi bị gai đâm sâu, họ phải chịu đau cho đến khi vết bị đâm bưng mủ mới có thể dễ dàng lấy gai ra khỏi cơ thể. Cứ như vậy, tụi sinh viên chịu đau mãi rồi cũng quen13, ông cười và chia sẻ. Trước khi đến vùng Duyên Hải, thầy Bá và các sinh viên phải chuẩn bị mỗi người một con dao (kiểu dao rựa đi rừng) để phòng khi bị cá sấu tấn công. Nghe kể, có lần, một viên quản lý trại “Phục hồi nhân phẩm” ở đây ngồi câu cá trên cầu khỉ, bất ngờ bị một con cá sấu quật mạnh đuôi vào người. May sao, có nhiều người chạy tới giúp kịp thời nên người này chỉ bị mất một mảng thịt lớn ở bắp đùi.
Sau cuộc họp năm 1978 với các ban ngành thành phố và các nhà khoa học trong lĩnh vực Nông nghiệp, thành phố Hồ Chí Minh quyết định thành lập 8 nông trường tại vùng Duyên Hải để tiến hành khai hoang vùng đất này. Công nhân và cán bộ ở đây chủ yếu là những thanh niên xung phong trẻ tuổi nên nhiệt tình và hăng hái. Giáo sư Lê Huy Bá còn nhớ, nhiều khi đoàn nghiên cứu cần qua sông nhưng do triều lên, nước sông chảy xiết, vì vậy công nhân của các nông trường(thực chất là thanh niên xung phong) đã ngâm mình dưới nước và kết với nhau xếp thành hàng làm cầu cho thầy trò tôi đi qua trên vai họ. Họ làm chúng tôi vô cùng cảm động14. Suốt gần 3 tháng điền dã, món ăn duy nhất của thầy và trò là bột mì nặn rồi luộc và chan canh rau muống,vậy mà ai cũng hăng hái, không hề nản chí. Những ngày ở Duyên Hải, ngoài những hôm ngủ ở nông trường, nhiều khi thầy trò ông Lê Huy Bá phải ngủ nhờ nhà dân, do không có màn nên thầy trò phải dùng bùn đắp kín người để tránh bị muỗi và bọ mắt trắng đốt.
Sau gần 3 tháng thực địa, thành quả lớn nhất mà đoàn nghiên cứu thu được là các mẫu đất phèn và các tấm bản đồ thực địa do thầy và trò tự vẽ bằng bút mực trên những khổ giấy nhỏ tỷ lệ 1/10 000. Trở lại thành phố Hồ Chí Minh, giảng viên Lê Huy Bá tiến hành phân tích các mẫu đất và đưa ra kết luận, thổ nhưỡng vùng Duyên Hải có lớp đất mặt là phù sa mới – nhiễm mặn của rừng ngập mặn nhưng phía dưới có lớp đất phèn tiềm tàng, vì vậy không phù hợp để trồng dừa và dứa. Nếu trồng dừa sẽ gây ra hiện tượng dừa bị chùn đọt – không có quả hoặc nếu có quả thì quả điếc – không có nước. Thổ nhưỡng ở đây chỉ phù hợp trồng rừng ngập mặn, trong đó, cây chủ đạo phải là đước. Sau đó, thay mặt nhóm khảo sát ông Lê Huy Bá có buổi báo cáo kết quả nghiên cứu với ông Võ Văn Kiệt, ông Võ Đình Liệu và giải đáp mọi thắc mắc của ông Kiệt. Ngay sau đó, ông Võ Văn Kiệt chỉ đạo cho trồng rừng ngập mặn tại khu vực này. Hiện nay, khu rừng ngập mặn tại đây đã trở thành khu rừng phòng hộ môi trường quan trọng cho thành phố Hồ Chí Minh gần 40.000 ha.
Khoảng cuối năm 1978, đầu năm 1979, trường Đại học Cần Thơ hợp tác với trường Đại học Wageningen của Hà Lan nghiên cứu về đất phèn Nam Bộ. Khi ấy, trường Đại học Wageningen đã cử ba chuyên gia là Jon Pons, Van Breeman và Manfok sang nghiên cứu. Phía Hà Lan tài trợ mọi chi phí trong quá trình nghiên cứu. Thời điểm này, trường Đại học Cần Thơ mời giảng viên Lê Huy Bá giúp đỡ việc đưa các chuyên gia Hà Lan đi khảo sát. Sau quá trình khảo sát, kỹ sư Lê Huy Bá nhận thấy rằng, ở Cần Thơ có vùng Hóa An là vùng đất phèn không điển hình do độ phèn không cao.
Kể từ năm 1978 đến năm 1980, Ông Lê Huy Bá còn tích cực tham gia thực địa và nghiên cứu trong phòng thí nghiệm theo chương trình của Ủy hội sông Mê kông, do Thụy Điển tài trợ mà cơ quan chủ trì là Viện Nghiên cứu khoa học Thủy lợi Miền Nam cùng với một số chuyên gia như: Vương Đình Đước, Cù Xuân Đồng, Nguyễn Ân Niên, Tô Văn Trường, Tô Phúc Tường và điểm nghiên cứu thí nghiệm là trạm nghiên cứu đất phèn Tân Thạnh, Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An…
Từ những chuyến khảo sát thực địa và quá trình nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã giúp kỹ sư Lê Huy Bá am hiểu hơn về nguồn gốc, sự phân bố, phân loại, hiểu rõ về mặt lý tính, hóa tính, những độc chất (Al3+, Fe2+, Fe3+, SO42-) và sự biến động phức tạp của độc chất ở từng vùng đất phèn tại Nam Bộ. Trong điều kiện pH thấp những độc chất này là nguyên nhân gây hại cây trồng, vật nuôi, và hệ sinh thái cùng sức khỏe con người. Vì vậy, vấn đề cốt lõi của quản trị đất phèn chính là khử các độc chất này.
Cuốn sách thay lời tổng kết
Từ những kết quả nghiên cứu về đất phèn vùng Nam Bộ, năm 1980 kỹ sư Lê Huy Bá tìm ra hướng khai hoang và sử dụng đất phèn ở đây bằng cách chia thành 3 vùng có chung tính chất như sau:
Vùng Đồng Tháp Mười: qua sự phát triển và thay đổi của lịch sử nơi đây từ vùng vịnh biển cũ đã trở thành vùng đất phèn nội địa. Thời điểm năm 1975, khu vực này ít người sinh sống và chỉ có rừng thứ sinh tràm gió hoặc là các vùng đồng hoang. Đến mùa nước nổi, khoảng tháng 6 đến tháng 9 hàng năm, người dân có thêm thu nhập từ việc đánh bắt thủy sản như vụ cá linh, bông điên điển, cá nước nổi, … Đồng Tháp Mười là vùng đất phèn nhiều với diện tích rộng khoảng gần triệu ha. Sau mỗi mùa nước nổi, phù sa từ sông Tiền đẩy vào sâu trong nội đồng, tạo nên lớp đất màu mỡ là điều kiện thích hợp để sản xuất nông nghiệp. Dựa vào những nghiên cứu mẫu đất, nhóm khẳng định, nơi đây có thể tiến hành trồng lúa với điều kiện giữ nước trong ruộng tối thiểu là 5cm suốt thời gian sinh trưởng. Có thể tháo hết nước trước khi thu hoạch khoảng 20 ngày. Bên cạnh việc trồng lúa, người nông dân có thể tiến hành trồng màu như khoai mỡ, ngô, chuối và dứa nhưng phải lên líp (luống) theo tiêu chuẩn cào phần đất phù sa mặt lên trên, sau đó lên lip và trồng. Ở những vùng đất trũng thì nên trồng tràm.
Vùng Tứ giác Long Xuyên: vùng này bao gồm địa bàn của một số tỉnh là An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ. Đất phèn ở đây bị nhiễm mặn vào mùa khô. Đặc biệt, vùng Tứ giác Long Xuyên tồn tại loại “đất than bùn phèn tiềm tàng” ở dưới rừng tràm. Than bùn ở đây có thể dày 1,5 hay 2,0m, có giá trị cao cho nông nghiệp…Sau năm 1975, người dân ở thành phố Hồ Chí Minh thường về đây khai thác than bùn để sử dụng làm chất đốt. Lớp than bùn này được ví như những lớp áo giáp che phèn bốc và che mặn xâm nhập nội đồng. Việc khai thác bừa bãi có thể dẫn đến nhiều hậu quả xấu như cháy ngầm, cháy bề mặt, cháy lướt. Nhận thấy nguy hiểm từ việc khai thác than bùn, ông Lê Huy Bá cùng Viện Khoa học công nghệ (nay là Phân viện Miền Nam) tổ chức hội thảo lần đầu tiên về Than bùn U Minh. Hội thảo đi đến kết luận: Lớp than bùn ở U Minh là vô giá. Vì vậy cần phải bảo vệ lớp than bùn, bảo vệ rừng tràm bằng mọi giá, và khuyến nghị chính phủ ra lệnh cấm khai thác than bùn làm chất đốt và hạn chế đào quá nhiều kênh rạch, tránh việc gây ra cạn nước quá mức dễ dẫn đến hỏa hoạn.
Vùng Bán đảo Cà Mau: gồm Cần Thơ, các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và một phần tỉnh Kiên Giang. Nơi đây, đất phèn lộn xộn, xen kẽ kiểu da báo (chỗ mặn, chỗ nhạt không đều) nên khó xử lý. Kỹ sư Lê Huy Bá đã đưa ra phương hướng xử lý là cần phân vùng kinh tế và xây dựng bản đồ sinh thái phù hợp với từng vùng theo tỷ lệ 1/ 15000.
Những kiến thức thu thập được từ quá trình nghiên cứu về đất phèn Nam Bộ đã trở thành những chủ đề thu hút sinh viên trong các bài giảng về thổ nhưỡng của giảng viên Lê Huy Bá. Năm 1982, nhận thấy việc cần thiết phải có tài liệu về vấn đề này cho sinh viên tham khảo, giảng viên Lê Huy Bá đã tập hợp toàn bộ kết luận trong quá trình nghiên cứu và biên soạn cuốn sách Những vấn đề về đất phèn Nam Bộ, do Nhà xuất bản Tp. Hồ Chí Minh xuất bản. Toàn bộ kết quả nghiên cứu về đất phèn trong suốt 7 năm được ông đưa vào nội dung cuốn sách. Đây là cuốn sách đầu tiên nghiên cứu đầy đủ về đất phèn, từ nguồn gốc, sự phân bố, phân loại, và động vật, thực vật sống trên đất phèn, đến những số liệu về mặt lý tính, hóa tính, những độc chất và sự biến động phức tạp của độc chất, để từ đó có những quyết sách phù hợp, hiệu quả khi sử dụng, khai thác vùng đất phèn này. Cuốn sách Những vấn đề về đất phèn Nam Bộ như lời tổng kết cho quá trình 7 năm ông nghiên cứu về đất phèn. Cuốn sách đã trở thành tài liệu gối đầu của nhiều sinh viên, giảng viên và những nhà nghiên cứu quan tâm về đất phèn Nam Bộ. Nhớ lại thời kỳ này GS Lê Huy Bá bộc bạch, nhờ có đam mê, và tình yêu với đất phèn mà tôi đã quyết định dấn thân vào nghiên cứu những vùng hoang hóa, ít có sách vở và nghiên cứu nào bàn đến một cách cụ thể. Có thể nói, đây là khoảng thời gian đầy tự hào. Quá trình tôi nghiên cứu về đất phèn từ năm 1975-1981 có thể coi đó là khởi điểm của những nghiên cứu về vùng Nam Bộ sau này15.
Hoàng Thị Kim Phượng
[1] http://toc.123doc.org/document/568139-viet-nam-co-khoang-2-trieu-ha-dat-phen-chiem-gan-16-dien-tich-dat-phen-tren-the-gioi-chiem-khoang-30-dien-tich-dat-canh-tac-cua-viet-nam-dien-tich-dat-phen-duoc-phan-bo-chu-yeu-o-2-dong-bang-lon-va-mot-it-o-ven-bien-mien-trung.htm.
[2] Ở Nam Bộ, đất phèn chiếm ½ diện tích đất nông nghiệp của toàn vùng.
[3] Hỏi thông tin GS.TSKH Lê Huy Bá, ngày 14-4-2017, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[4] Theo bản ghi âm phỏng vấn với GS.TSKH Lê Huy Bá, ngày 9-8-2017, tài liệu đã dẫn.
[5] Dữ liệu thứ cấp là dữ liệu đã có sẵn, không phải do nhà khoa học thu thập. Đây là dữ liệu đã công bố nhưng là loại tài liệu quan trọng trong việc nghiên cứu.
[6] Theo bản ghi âm phỏng vấn với GS.TSKH Lê Huy Bá, ngày 9-8-2017, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[7] Theo bản ghi âm phỏng vấn với GS.TSKH Lê Huy Bá, ngày 9-8-2017, tài liệu đã dẫn.
[8] Theo bản ghi âm phỏng vấn với GS.TSKH Lê Huy Bá, ngày 9-8-2017, tài liệu đã dẫn.
[9] Theo bản ghi âm phỏng vấn với GS.TSKH Lê Huy Bá, ngày 9-8-2017, tài liệu đã dẫn.
[10] Theo bản ghi âm phỏng vấn với GS.TSKH Lê Huy Bá, ngày 9-8-2017, tài liệu đã dẫn.