Bén duyên với văn hóa, nghệ thuật người Mường

Ông Phạm Lê Hòa (trái) cùng bạn Lê Thanh Bình tại Hải Phòng, ngày 9-8-1977.

Năm 1980, Phạm Lê Hòa là sinh viên khoa Lý luận – Sáng tác – Chỉ huy (nay là khoa Sáng tác – Chỉ huy – Âm nhạc học), trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Thời gian học, sinh viên được đi điền dã ở nhiều vùng miền khắp cả nước, trong đó ông Phạm Lê Hòa đặc biệt ấn tượng khi tìm hiểu về văn hóa, nghệ thuật của người Mường tại Mường Vang, Lạc Sơn, Hòa Bình. Trong những buổi giao lưu với dân bản địa, mọi người cùng nhau thưởng thức âm nhạc người Mường, cùng uống rượu cần bên cạnh bếp lửa. Làn khói trắng quyện vào không gian núi rừng trong tiết trời se lạnh khiến ông vô cùng thích thú và cảm nhận sâu sắc âm nhạc nơi đây. Ông chia sẻ: “Chỉ khi thưởng thức âm nhạc tại nơi nó sinh ra, mới có thể cảm nhận trọn vẹn nét đặc sắc mà nó mang lại, cũng như nét đẹp của văn hóa bản địa”.

Cũng bởi say mê nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật tỉnh Hòa Bình, sau này ông là chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu nằm trong chương trình quốc gia “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể”, như: Sắc bùa vùng Vang Vó, Lạc Sơn, Hòa Bình (2000), Đám cưới cổ truyền vùng Mường Vang, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Nguyễn Hằng