Bệnh nhân là người thầy thuốc thứ hai

Giáo sư Đặng Văn Chung (1913-1999), nổi tiếng là người thầy thuốc tài năng, mẫu mực của ngành Nội khoa Việt Nam, và là nhà sư phạm y học xuất chúng. Ngoài chẩn đoán bệnh một cách“thần kỳ” ông còn giỏi nắm bắt tâm lý của bệnh nhân trong điều trị bệnh và truyền dạy nhiều bài học quý cho các thế hệ học trò.

Ông luôn luôn dạy học trò của mình rằng, người thầy thuốc làm đủ trách nhiệm và nhiệm vụ là chưa đủ mà phải có tình yêu thương bệnh nhân. Chính vì lẽ đó mà ông luôn quan tâm để hiểu được tâm tư nguyện vọng của người bệnh. Không những thế, ông còn đưa ra quan điểm rất riêng của mình là cần đề cao vai trò của người bệnh trong phòng và chữa bệnh, coi họ như là “người thầy thuốc thứ hai” để tìm ra nguyên nhân bệnh tật. Nhưng trên thực tế, theo Giáo sư Đặng Văn Chung, vẫn tồn tại những lối suy nghĩ sai lệch của người thầy thuốc đối với bệnh nhân: “Từ xưa, mà hiện nay cũng thế, người bệnh nhân trong việc phòng và chữa bệnh đóng vai trò thụ động, thầy thuốc quyết định, bnh nhân chỉ có thực hiện, nếu bệnh nhân có ý kiến gì, thầy thuốc có xu hướng không nghe đến” [1].

Ông chỉ ra rằng tình trạng coi thường bệnh nhân do “… sự quá chệnh lệch về văn hóa giữa thầy thuốc và bệnh nhân xảy ra ở các nước còn lạc hậu, trình độ hiểu biết về vệ sinh và y học thường thức của nhân dân còn quá thấp kém”[2].

Do đó “thầy thuốc cũng không trông mong gì từ phía bệnh nhân và bệnh nhân hoàn toàn phó thác cho thầy thuốc”[3]. Theo Giáo sư Chung trong công tác phòng và chữa bệnh cần phải có sự đóng góp ý kiến và chia sẽ trách nhiệm của bản thân bệnh nhân. Ông nhận định, nền khoa học ngày càng phát triển, thầy thuốc bỏ qua vai trò của người bệnh là một yếu tố vô cùng chủ quan và sai lầm.

Giáo sư Đặng Văn Chung đã đưa ra ví dụ về bệnh tật để minh chứng cho vấn đề đó, như trong trường hợp bệnh nhân bị đái tháo đường, họ có thể cung cấp cho thầy thuốc những thông tin về đường huyết hay nước tiểu để thầy thuốc chẩn đoán bệnh, hay nếu bệnh nhân cho thầy thuốc biết về cân nặng của mình và sự diễn biến của nó… thì thầy thuốc có một số tư liệu đáng quý để nhận định tình hình sức khỏe của bệnh nhân.

Sự hợp tác của bệnh nhân là rất cần thiết trong khám chữa bệnh, vì không ai hiểu rõ tình hình bệnh tật hơn chính bản thân họ. Có những triệu chứng chỉ có bệnh nhân mới biết được và từ đó thầy thuốc có thêm những căn cứ để chẩn đoán bệnh, vì “thầy thuốc không đến kịp thời để thăm khám, hoặc là những triệu chứng chủ quan mà người thầy thuốc không thể xác nhận kiểm tra được như đau nhức, mệt mỏi, thoáng ngất”[4].

Vai trò của bệnh nhân còn thể hiện qua việc bệnh nhân thực hiện đúng lời khuyên của thầy thuốc về chế độ uống thuốc, chế độ ăn uống và nghỉ ngơi, máy móc không thể thay thế con người được mà chỉ tự bệnh nhân theo dõi và phản ánh với người thầy thuốc đúng những sự việc đã xảy ra. Đồng thời họ cũng là đối tượng trực tiếp tham gia thực hiện kế hoạch điều trị và phòng bệnh mà thầy thuốc đã vạch ra để đối phó với tình hình bệnh tật. Giữa thầy thuốc và bệnh nhân cần có sự thống nhất, có mối quan hệ tương hỗ.

Với bề dày kinh nghiệm nghề nghiệp của mình, Giáo sư Đặng Văn Chung đã tự đặt ra các câu hỏi để nắm tâm lí người bệnh như “làm thế nào để được lòng tin của bệnh nhân? và lòng tin đó dựa trên cơ sở gì?”. Chính vì lẽ đó mà GS Chung đã khơi gợi được những vai trò đó ở bệnh nhân mà không phải thầy thuốc nào cũng làm được, và người bệnh cũng rất yên tâm khi được ông trực tiếp chữa trị.

Thầy thuốc muốn bệnh nhân hợp tác trong quá trình khám và điều trị, thì trước hết phải biết được tâm lí của họ. Theo ông có ba loại bệnh nhân: “Có người thờ ơ với bệnh tật của mình, có người quá lo lắng sợ sệt, có người bên ngoài bình thản nhưng bên trong thì sợ sệt”[5]. Do vậy người thầy thuốc phải có thái độ đúng mức khi làm công tác tư tưởng để làm cho bệnh nhân trở thành cộng sự của mình.

Đối với một số bệnh mãn tính cần sự săn sóc lâu dài như bệnh cao huyết áp, xơ mỡ động mạch, đái tháo đường, hay bệnh tim mạch…người thầy thuốc nên giải thích phổ biến về bệnh cho bệnh nhân hiểu. “Nên in thành sách nhỏ những lời khuyên của thầy thuốc và phát cho bệnh nhân ở phòng khám hay sau khi điều trị bệnh” [6]. và người bệnh tự theo dõi bệnh của mình và họ có thể thay đổi cách điều trị trong giới hạn cho phép. Người thầy thuốc cố gắng cụ thể hóa những lời khuyên bảo dặn dò bệnh nhân, tránh dùng từ ngữ quá chuyên môn hay những điều chung chung.

Ngoài ra cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh, vì phòng bệnh là một hình thức điều trị lý tưởng nhất, triệt để nhất. “Thầy thuốc phổ biến y học thường thức và đưa ra những biện pháp chống bệnh tật bằng nhiều hình thức sâu rộng trong nhân dân, các bệnh như bại liệt, uốn ván hay bạch hầu chúng ta nên phòng bệnh là tốt nhất” [7]. Trong phòng và chữa bệnh bệnh, thầy thuốc và bệnh nhân phải thành một khối thống nhất trong tư tưởng, thống nhất trong hành động để hướng tới một mục đích chung là chống lại bệnh tật và giữ gìn sức khỏe.

Bản thảo “Vai trò của người bệnh trong sự phòng và chữa bệnh” là một phần trong bản thảo sách “Sức khỏe và bảo vệ sức khỏe” được giáo sư Đặng Văn Chung viết năm 1977. Bản thảo viết tay bằng bút máy mực xanh, 4 trang, chữ dễ đọc. Trải qua thời gian bản thảo đã ố vàng, nhưng giá trị của nó vẫn còn phù hợp trong mọi thời đại, dù khoa học công nghệ phát triển đến đâu thì cũng không hoàn toàn thay thế được con người. Tôn trọng người bệnh không chỉ là y đức mà còn là thước đo kỹ năng trình độ làm việc của người thầy thuốc. Từ sự tôn trọng người bệnh, sẽ nhận thức được vai trò của người bệnh trong phòng và chữa bệnh, họ thực sự là người thầy thuốc thứ hai.

Lê Thị Trinh

_______________________

[1]. Trích từ bản thảo “Vai trò người bệnh trong sự phòng và chữa bệnh” của GS Đặng Văn Chung, viết ngày 22-3-1977.

[2]- [3] [4]- [5]- [6]- [7] . Như trên.