Bệnh viện trong hang đá.

Phó Giáo sư Lê Sỹ Toàn sinh năm 1930 tại Nghệ An. Ông là bác sĩ trưởng thành từ môi trường quân đội, tham gia trực tiếp vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông bắt đầu câu chuyện bằng việc nói đến vị trí của chiến trường C – nơi có tầm quan trọng về địa chính trị và quân sự: “Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng là chiến trường quan trọng đối với Đông Dương. Người ta nói rằng ai nắm được cánh đồng Chum thì khống chế được toàn bộ phía Bắc Đông Dương. Ai nắm được Tây Nguyên thì khống chế được Nam Đông Dương. Cánh đồng Chum là chiến trường không chỉ quan trọng với Lào mà có ảnh lớn hưởng đến cục diện chiến tranh Đông Dương, nhất là đối với Việt Nam. Bằng mọi cách chúng ta phải giữ được cánh đồng Chum”.
  Ở tuổi 90, trải qua nhiều lần vào sinh ra tử và những biến động lớn của cuộc đời, ông không thể nhớ chính xác lần đầu tiên vào chiến trường C là vào ngày tháng nào nhưng câu chuyện về thời kỳ ấy vẫn còn sống động như nguyên. Vào thời điểm năm 1964, bác sĩ Lê Sỹ Toàn là Viện phó bệnh viện của quân khu Tây Bắc. Ông chỉ nhớ khi con trai sinh được 7 tháng (năm 1964) thì lần đầu tiên được cử vào chiến trường C, Xiêng Khoảng, Lào với vai trò là Đội trưởng Đội phẫu thuật. Khi con trai được 14 tháng thì ông trở về Tây Bắc. Kể từ sau lần đó, ông còn trở lại Lào 2 lần và lần nào cũng đặc biệt. Mỗi lần như vậy, vợ con ông ở Tây Bắc đều mong mỏi chờ tin của chồng. Có tới ba lần dược sĩ Nguyễn Kỳ Minh Phượng nghe tin chồng đã hi sinh. Mỗi lần thấy bộ đội vào nhà là bà lại tránh mặt vì sợ nghe được tin dữ về chồng. Đến nỗi có lần trở về, đứng trước mặt, bà không còn nhận ra chồng vì gầy và đen, chỉ khi nghe giọng nói thì mới đến ôm và khóc.
  Chiến tranh ác liệt, bom đạn vốn vô tình và chẳng trừ ai. Không chỉ những chiến sĩ cầm súng đối diện với quân thù mới nguy hiểm, mà cả ngay những người cầm con dao, cái kéo phẫu thuật cũng có thể hi sinh bất kỳ lúc nào. 
  Lần đầu tiên vào chiến trường C, bác sĩ Lê Sỹ Toàn được cử làm Đội trưởng Đội phẫu thuật tiền phương. Biên chế của một đội phẫu thuật tiền phương thường phải gọn nhẹ, thường từ 10-12 người. Cán bộ và chiến sĩ được điều đi phải là người có kỹ thuật tốt, tinh thần dũng cảm chịu đựng, vì không chỉ lo cướp cứu, cấp cứu mà còn phải lo chiến đấu dọc đường. Vào đến nơi phải triển khai được đầy đủ, chứ không có bộ phận hậu cần đi theo lo cơm nước. 
“Đội phẫu thuật tiền phương có khó khăn là phải có mặt ở những nơi ác liệt nhất của trận đánh. Ở đâu có thương binh là phải có cấp cứu và phục vụ. Ở chiến trường Lào, phần lớn là đi đêm. Khổ nữa là muỗi và dĩn, nó bâu và cắn thì không chịu được. Có những ca mổ phải mắc hai màn, một màn trong và một màn ngoài to hơn mới tránh được muỗi dĩn. Muỗi dĩn nó bâu vào cắn thì không thể cầm dao mổ được suốt” – PGS Lê Sỹ Toàn nhớ lại. 
Chúng ta thường nghe tới thuật ngữ cấp cứu trong ngành y nhưng cướp cứu mới gây sự tò mò. PGS Lê Sỹ Toàn giải thích: “Cấp cứu? Đó chưa phải chuyện quan trọng. Cướp cứu mới thật sự quan trọng. Tại sao lại có từ đó. Khi bộ đội bị thương nằm ngay ngoài mặt trận, mình làm thế nào ra cướp được thương binh về. Phải cướp được thương binh khỏi khu vực nguy hiểm đã, rồi khi đó mới tìm vị trí để cấp cứu lý. Việc cướp cứu là quan trọng và có thể hi sinh nhiều anh em. Chưa cứu được thương binh thì anh khác đã bị thương rồi. Thành ra cái cướp cứu là quan trọng. Đã ra chiến trường thì trong đầu phải nghĩ ra đủ mọi cách để cứu thương binh. Cướp cứu được thương binh thật nhanh, thật an toàn, rồi bố trí mổ xẻ nhanh gọn, chuyển về sau. Cái đó là vất vả nhất, mà thường giải quyết trong đêm”.
Bác sĩ Lê Sỹ Toàn vào chiến trường C lần thứ 2 với vai trò là Đội trưởng Đội điều trị. Đội điều trị được bố trí bài bản, quy mô lớn hơn so với đội phẫu thuật lưu động. Từ đội phẫu thuật lưu động đến bệnh viện dã chiến là một quá trình chiến đấu, vượt qua nhiều hiểm nguy, gian khổ và hi sinh. Đó cũng là quá trình tự học, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn, mà nhiệm vụ trọng tâm là cứu chữa được nhiều thương binh, trả họ lại chiến trường để chiến đấu. Khó khăn đối với y bác sĩ ở ngoài tiền phương là không kể hết, nó gây cho người nghe cảm giác lạ lùng và xúc động đến lạ. Bởi nếu không phải là một nhân chứng từng sống và chiến đấu kể lại thì thế hệ sau khó có thể hình dung, khó có thể tin được đó là sự thật.
PGS Lê Sỹ Toàn tiếp tục câu chuyện ở Xiêng Khoảng Lào: “Thường từ chỗ cướp được thương binh về đến đội điều trị, bệnh viện dã chiến là còn xa mà đường đồi núi. Thương binh nằm trong xe, mà xe đi không được bật đèn pha, chỉ được mở đèn gầm, chiếu sáng chỉ được 4 thước trước mặt, còn lóe lên thì máy bay đến dội bom ngay. Cướp được thương binh, giữ an toàn cho họ rồi tìm chỗ thật tốt để bố trí phẫu thuật. Thường phẫu thuật không có bàn ghế, trải nilon ra rồi mắc màn lên cho muỗi dĩn khỏi đốt, rồi dùng đèn pin mà mổ tại chỗ”.
  Chiến trường ác liệt, nhiều người hi sinh, nhiều người thương tật nặng và cũng có rất nhiều người bị điên. Bác sĩ Lê Sỹ Toàn kể rằng có người điên thật, nhưng cũng có người giả điên. Ông tâm sự: “Mình không được đối xử sai với họ. Họ sai thì mình phải làm cho họ thấy cái sai của họ chứ không được hắt hủi họ. Mình không được đối xử cách tàn tệ, hay phê bình quá mức. Chiến trường ác liệt như thế, người dũng cảm thì không sao mà không dũng cảm thì run lên ngay. Nhưng cũng có những người rất dũng cảm, một lần máy bay địch ném bom, anh Thét nằm đè lên người để che chắn cho tôi và nói: “em chết thì không sao chứ thủ trường chết thì nguy”. 
Ở chiến trường C, bác sĩ Lê Sỹ Toàn được chứng kiến nhiều sự hi sinh anh dũng. Ông khẳng định: “Những hi sinh của mình, chịu đựng của mình chưa có ý nghĩa gì hết. Anh em còn chịu đựng nhiều khó khăn lắm. Tôi có thể kể đến hai thương binh là Trần Văn Giảng và Nguyễn Văn Hòa. Anh Giảng bị thương nặng ở bụng, mở băng ra là thấy ruột lổm ngổm ở trong như rắn bò trong thau.. Đồng chí Hòa là có 35 vết thương trên người. Khi bơm nước vào bàng quang để rửa thì như kiểu vòi nước phun ra đầy người. Cả hai đồng chí ấy tôi đều cứu được hết”. Có ca phẫu thuật diễn ra hơn chục tiếng, trong khi phòng mổ không có điện. Một chiến sĩ đã phải đạp xe liên tục suốt đêm để có ánh sáng phục vụ cho bác sĩ Toàn phẫu thuật. Xong ca phẫu thuật thì anh chiến sĩ mệt lử người nằm xuống nền phòng. Thế mới biết sự tận tụy của các y bác sĩ trong những ngày tháng ấy.
Ở Xiêng Khoảng, nơi Đội điều trị đóng quân và sau này là Quân y viện 139 đóng quân, bác sĩ Lê Sỹ Toàn và tất cả mọi người nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của nhân dân Lào. Tập thể Quân y viện 139 được nhân dân, nhất là các bà mẹ Lào cung cấp rau, lương thực, thực phẩm địa phương. Ở nơi bệnh viện đóng quân, có rất nhiều dừa do vậy có lúc thiếu huyết thanh, bác sĩ toàn và đồng nghiệp đã quyết định sử dụng nước dừa để truyền cho thương bệnh binh. Đây là một sáng tạo của các y bác sĩ Việt Nam từ thời chống Pháp và nó tiếp tục được phát huy, nhằm khắc phục hoàn cảnh thiếu thốn.
Sống và chiến đấu ở Xiêng Khoảng khá lâu nên bác sĩ Lê Sỹ Toàn rất được yêu quý, được các bà mẹ coi như con trong nhà. Bác sĩ Lê Sỹ Toàn được điều động về nước khi đã hoàn thành nhiệm vụ ở Chiến trường C mà không kịp từ biệt bà con Lào đã khiến họ vô cùng thương nhớ. Họ nghe đồn rằng bác sĩ Toàn đã hi sinh trên đường vượt sông. Để tỏ niềm thương tiếc và biết ơn người bác sĩ quân y, họ đã lập bàn thờ bên bờ sông. Sau này khi biết việc đó, bác sĩ Toàn phải nhờ người thông báo lại với bà con ở bên Lào. Có một điều trăn trở lớn nhất của ông đó là kể từ ngày rời Lào, ông vẫn chưa một lần trở lại thăm chiến trường xưa và gặp lại bà con Lào thân thương.
Những câu từ trong bức thư bác sĩ Lê Sỹ Toàn gửi về cho vợ – dược sĩ Nguyễn Kỳ Minh Phượng ngày 25-3-1970 dẫn chúng tôi về không gian chiến trường C, với muôn nẻo hình dung về một bệnh viện được xây dựng hoàn toàn trong các hang đá.
Quân y viện 139 được xây dựng từ cơ sở của Đội Điều trị 952, sau đó tiến lên thành một Bệnh viện dã chiến, rồi trở thành Quân y viện loại B. Điều đặc biệt là toàn bộ Quân y viện này được xây dựng trong các hang đá. Trong 4 năm đã tham gia phục vụ ba chiến dịch lớn: chiến dịch 139, chiến dịch 74b và chiến dịch Z; cứu chữa và trả về mặt trận hàng ngàn thương bệnh binh, góp phần không nhỏ vào chiến thắng của chiến trường Lào trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ
Tên gọi Quân y viện 139 bắt đầu từ khi Trung ương quyết định mở chiến dịch 139, ngày 13-9-1969. Bác sĩ Lê Sỹ Toàn là Viện trưởng của Quân y viện này. Trong những ngày đầu chiến dịch, ông và đồng nghiệp phải triển khai bệnh viện tại hang Nậm The, vì cơ sở cũ của Đội điều trị 952 (ĐT.952) bị địch bao vây, uy hiếp nhiều lần, không đảm bảo được an toàn cho thương bệnh binh. Theo mô tả của bác sĩ Lê Sỹ Toàn thì địa điểm nơi Quân y viện 139 đứng chân có hai hang và một số hốc lớn, nằm bên cạnh là một con suối to, cách đường ô tô khoảng 2-3km, nhưng nằm ngay trên trục đường giao liên của mặt trận giữa hậu phương và tiền tuyến.
Trong những ngày tháng xây dựng và duy trì Quân y viện 139, bác sĩ Lê Sỹ Toàn và đồng nghiệp đã tập hợp lực lượng chuyên môn phục vụ tốt nhất, đồng thời phải đảm bảo một lượng thu dung rất lớn, lúc cao điểm có thể lên đến hàng ngàn thương, bệnh binh. Để đảm bảo an toàn, những người đứng đầu đã bố trí, tổ chức bệnh viện thành hai khu: Khu trung, trọng thương chứa khoảng 100 trọng thương, trọng bệnh; Khu khinh thương, khinh bệnh chứa trên 200 người. Khi thương bệnh binh vượt trên 300-400 người thì bệnh viện phải tổ chức thêm khu thứ ba, tận dụng các hốc đá và hầm tự đào, và có khi phải dùng cả hầm lộ thiên.
Quay trở lại những bức thư chứa đựng tình cảm của người ở ngoài mặt trận gửi về cho gia đình, mới thấy được sự tâm huyết của bác sĩ Lê Sỹ Toàn với bệnh viện dã chiến này. Ông viết trong thư gửi ngày 31-12-1972: “Giá lúc này, tốt nhất là vào ngày mai 1-1-1973 (ngày sinh của anh), bất ngờ em và hai con bay tới thì có lẽ anh ngất đi mất! Nhưng không lịm đi đâu mà sẽ tươi tỉnh ngay và dắt em cùng hai con đi thăm toàn viện. Các con sẽ lấy làm vui khi vào tới hội trường lớn của Viện tập trung được hàng mấy trăm người… Hội trường ở ngay giữa lòng hang sâu đến bom nguyên tử cũng không làm gì được. Em và các con sẽ phát mệt lên vì cứ thấy hết hang này đến hang khác thành một khu liên hoàn từ khoa này sang khoa khác. Ra cửa hang, đứng nhìn vườn rau cải (cải lá, cải bẹ, cải củ…) bạt ngàn xanh tươi mà cảm thấy đời như phơi phới đầy nhựa xuân… Em và các con sẽ đi tham quan khu cận lâm sàng: các cô các chú Khoa Dược đang sắp xếp các kho lớn và bận rộn với những mẻ thuốc đông y, những mẻ huyết thanh… Các cô các chú ở Khoa Hoá nghiệm, X-quang thì bận tíu tít suốt ngày. Đặc biệt là khu Hậu cần quản trị: em và các con sẽ thấy rất lạ là trong một khu hang rất sâu có một cái bếp khổng lồ với trên 10 lò nấu cùng một lúc phục vụ cho gần 1000 suất ăn với đủ các chế độ bệnh lý! Nước được đưa từ giếng lọc và bắc đường ống vào tận bếp, các cô các chú nuôi quân không phải gánh một tí nào…Anh không thể tả hết cho em được nhưng nói thật anh rất phấn khởi và tự hào em ạ…".
Những mô tả trong thư khiến người đọc thỏa sức hình dung về một không gian độc đáo riêng có, mà có lẽ chỉ có các bác sĩ quân y Việt Nam mới sáng tạo được, trong một hoàn cảnh vô cùng gian khó của cuộc kháng chiến. Nhờ bố trí phù hợp nên việc thu dung, cấp cứu, phẫu thuật và theo dõi trọng thương, trọng bệnh đạt kết quả tốt. Trong viện lúc ấy chỉ có ba bác sĩ, có khi chỉ có hai người cùng một số y sinh cũ quen việc và bộ phận cận lâm sàng gọn nhẹ.
Việc triển khai bệnh viện trong hang đá những năm ấy có một số khó khăn điển hình, mặc dầu đều được khắc phục một cách tốt đẹp. Thương binh về thường xuyên, hàng loạt, có đêm 120 ca về một lúc nhưng nhờ phân loại tốt, những thương binh bị nặng được ưu tiên xử lý trước. Có thời điểm, máy bay địch đánh bom khi trong viện có khoảng 500 người nhưng tất cả đều an toàn, trừ một số đồng chí không chấp hành nội quy, ra khỏi hang quá xa.
Bởi vậy, để có một bệnh viện tốt, theo bác sĩ Toàn thì nhất thiết phải bám hang; dù ở hang nhưng phải đảm bảo vấn đề bí mật và các quy định phòng không; phải bố trí, sử dụng hang sao cho phù hợp với việc thu dung, điều trị và phục vụ thì mới đem lại kết quả tốt; trong hang của bệnh viện cũng có những đòi hỏi khác như: đủ triển khai chuyên môn, tiện cho việc vận chuyển thương bệnh binh và phải gần nguồn nước suối. 
PGS Lê Sỹ Toàn kể: “Chúng tôi sử dụng đèn rất cẩn trọng. Để tránh ánh sáng lọt ra ngoài, phải bố trí nhiều lớp cửa, để ánh sáng lọt qua lớp cửa này thì còn lớp khác che chắn. Khói được dẫn từ các bếp trong hang đá ra ngoài, tới các lùm cây bằng các ống luồng hoặc ống nứa. Có như vậy khói mới tản ra và không bị lộ. Nếu lộ ánh sáng hoặc khói ra là máy bay nhào tới ném bom liền”.
Sau thắng lợi của chiến dịch 139, Quân y viện 139 được chuyển về địa điểm của Đội điều trị 952 cũ. Toàn khu có 3 hang lớn và một số hang nhỏ; một suối nhỏ chạy ngang qua khu vực hang và một suối to cách hang khoảng 300-400 mét. Tuy vậy cũng có những khó khăn là xa đường vận chuyện 5km; địa điểm rất lộ, từng bị máy bay địch đánh phá nhiều lần. Có lúc từng bị bộ binh địch vây đánh (trong chiến dịch Cù Kiệt). Dẫu vậy theo bác sĩ Lê Sỹ Toàn thì thuận lợi vẫn là cơ bản và nơi đây được coi như địa điểm lâu dài của Quân y viện 139, phục vụ mặt trận Cách đồng Chum, Lào.
Theo bác sĩ Lê Sỹ Toàn thì quá trình phục vụ là cả một quá trình cải tạo hang không biết mệt mỏi của các y bác sĩ. Từ những hang hẹp lòng, cán bộ quân y của Viện đã đánh đá, đào, mở rộng để ở và đi lại dễ dàng. Những khu hang rộng nhưng nền gồ ghề thì phải đào đá, san nền cho phẳng để làm hội trường, một số nơi được cải tạo để lắp giường hai tầng nhằm thu dung được nhiều thương binh. Có những chỗ phải chặt cây và dùng ván gỗ xếp lên trên để triển khai phòng mổ, khu hậu phẫu, buồng băng bông. Bếp lúc đầu triển khai cùng hang với thương bệnh binh, nhưng khói nhiều nên những ca mổ lớn thiếu oxy. Vì vậy, các y bác sĩ tự lực khai phá một hang khác để xây bếp tập trung cho toàn viện, có khi nấu ăn cho hàng ngàn người với đủ chế độ ăn. Nhà ăn của thương bệnh binh cũng làm ở trong hang, có đủ bàn ăn, ghế ngồi phục vụ một lúc hàng trăm người.
Chiến dịch thường mở vào mùa khô, lượng thu dung dồn dập có khi rất cao (thường xuyên trên 500) nên mùa mưa vừa dứt là phải có kế hoạch tháo dỡ các sàn ván hư hỏng, cọc và ván mục sắp gãy vì ẩm ướt trong mùa mưa, đổi bằng những dãy giường dài, nhiều khu giường hai tầng chắc đẹp. Viện bao giờ cũng có một số giường cáng, ván gỗ và những khu hang dự trữ để khi thương bệnh binh về hàng loạt, tăng vọt lên vẫn có đủ chỗ thu dung, không sợ bị đông. Chính nhờ sự chuẩn bị chu đáo nên có lúc lượng thu dung lên tới hàng ngàn nhưng Viện vẫn đảm bảo sự phục vụ tốt. Anh em thương bệnh binh không có ai phải nằm đất. Mặc cho địch đánh phá ác liệt vẫn nhưng tất cả đều được đảm bảo an toàn.
Có ý kiến thắc mắc bệnh viện ở trong hang đá phải đối diện với độ ẩm cao, tối tăm, liệu thương bệnh binh có nhanh khỏi bệnh được không; phòng điều trị, phòng mổ đều ở trong hang thì các phẫu thuật, các vết thương có đảm bảo vô trùng được không? Vấn đề cách ly bệnh lây nhiễm giải quyết như thế nào? Mùa mưa kéo dài mấy tháng, hang động lầy lội làm sao ở được; lương thực thực phẩm thuốc men dự trữ lâu trong hang có đảm bảo chất lượng? tất cả đều ở trong hang, làm sao bảo đảm được vệ sinh. Đó cũng là những suy nghĩ, lo lắng của các y bác sĩ trong suốt quá trình triển khai bệnh viện và phát huy trí tuệ của tập thể nhằm giải quyết những khó khăn.

Hiennt MD, [04/08/2022 10:49 AM] Thực tế đã trả lời rằng triển khai bệnh viện trong hang thì thương bệnh binh mới an toàn, các kỹ thuật mới triển khai và phát huy được tác dụng. Trong gần 4 năm tổ chức bệnh viện trong hang, số thương bệnh binh điều trị, ra khỏi viện, trở về vị trí chiến đấu là 7.021 người, trên tổng số 12.625 người, một tỉ lệ rất cao so với các chiến trường khác ở Đông Dương. Thời gian điều trị của những ca vết thương phần mềm, sọ não, ngực, cắt cụt… cũng tương đương như khi bệnh viện được triển khai ở bên ngoài. Các ca sốt rét, kiết lỵ, viêm gan, lao, uốn ván… hàng năm đều có nhưng nhờ chú ý đến vấn đề dự phòng (nằm riêng, phục vụ riêng, cách ly dụng cụ, phương tiện phục vụ các ca đó) nên chưa để ca nào lây sang người khác. Mùa nóng thì trong hang rất mát, còn mùa rét thì trong hang lại rất ấm. Trong hang không có ruồi xanh, ruồi vàng và ít muỗi sốt rét. Lương thực, thuốc men thường được dự trữ từ 6 tháng đến 1 năm, nhờ được kê cao ráo nên không dễ dàng hư hỏng.
Vì chiến đấu mùa khô là chủ yếu nên cuối mùa khô cũng là cuối chiến dịch, bác sĩ Lê Sỹ Toàn và đồng nghiệp tranh thủ chuyển thương binh nặng về hậu phương rồi cho toàn viện tu dưỡng doanh trại, dựng sàn, lợp lán, khai rãnh, sửa đường đi lại trong hang nên khi mùa mưa bắt đầu mọi mặt đã được thu xếp gọn gàng. Khó khăn nhất vẫn là vấn đề thu dung thương bệnh binh, thương binh về liên tục mà phía sau không thể chuyển thương binh về hậu phương được. Đã có lúc thương bệnh binh lên tới 700 với 200 người bất động kéo dài hai ba tháng liền. Là người đứng đầu Viện, bác sĩ Lê Sỹ Toàn phải động viên giải quyết chỗ nằm và khắc phục khó khăn về vệ sinh, nhất là số thương binh bất động. Khi được động viên tinh thần phục vụ và tổ chức chặt chẽ, giải quyết “phân – nước – rác” trong hang thật tốt thì những khó khăn trên cũng được giải quyết tốt.
Ở hang sâu tất nhiên phải chịu sự tối tăm, thương bệnh binh vất vả cán bộ chuyên môn triển khai kỹ thuật lại càng gay go hơn. Tốt nhất vẫn là ánh sáng điện, vì vậy phải có hang riêng để đặt máy phát điện an toàn và chống ồn cho toàn viện. Lượng xăng dầu dự trữ, tình trạng máy nổ, đường dây phải luôn chuẩn bị chu đáo để có kế hoạch sử dụng phù hợp. Phải ưu tiên cho cấp cứu, cho hoạt động chuyên môn và cuối cùng mới đến sinh hoạt.
Khi không có ánh sáng điện thì phải có kế hoạch sử dụng dầu hỏa. Có khi phải dùng cả xăng và những đèn công cộng, tránh tình trạng mỗi người sử dụng một đèn rất tốn dầu và không thuận lợi cho phục vụ. 
Theo bác sĩ Lê Sỹ Toàn thì một cơ sở bệnh viện lớn thu dung thường xuyên trên dưới 500 người với đủ loại thương bệnh binh trong điều kiện xa hậu phương thì triển khai trong hang đá là tốt nhất. Quá trình sống trong hang là quá trình phấn đấu cải tạo hang, cả một quá trình đấu tranh kiên quyết đẩy lùi những tư tưởng bi quan ngại khó, ngại khổ, tiêu cực…
  Từ Đội phẫu thuật lưu động, Đội Điều trị 952 và Quân y viện 139, bác sĩ Lê Sỹ Toàn và tập thể y bác sĩ quân y đã cố gắng hết mình. Đóng góp của họ đã góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ, kết thúc chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương. “Why Vietnam” là cuốn sách nổi tiếng, trong đó tác giả Archimedes Patti đã cố gắng lý giải những nguyên nhân mà Mỹ thất bại trong chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương. Nhiều lý do trong cuốn sách đã thuyết phục các độc giả bởi dữ kiện và lập luận khoa học. Nhưng có một điều chúng ta dễ hiểu hơn cả, đó là chúng ta chiến thắng đế quốc Mỹ bởi có hàng ngàn người đã anh dũng chiến đấu, sẵn sàng hi sinh vì độc lập dân tộc… và đặc biệt là có cả những sáng tạo độc đáo, duy nhất, riêng có như bệnh viện trong hang đá của bác sĩ Lê Sỹ Toàn và đồng nghiệp.
Cùng với bác sĩ Lê Sỹ Toàn, trong những năm kháng chiến chống Mỹ còn có nhiều các nhà khoa học tham gia vào công cuộc nghiên cứu, khám chữa thương bệnh binh như GS Lê Cao Đài, GS Võ Văn Vinh, PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu… Xin mời quý vị có thể chiêm ngưỡng những kỷ vật gắn liền với đóng góp của họ trong không gian bệnh viện trong hang đá.