GS Lê Văn Liêm, nguyên Cục phó Cục Dâu tằm, sinh ngày 12-4-1921 tại huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông. Năm 1945, sau khi tốt nghiệp kỹ sư Nông học, trường Đại học Nông lâm Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Hà Nội), ông Lê Văn Liêm công tác tại Bộ Canh Nông và lần lượt giữ các chức vụ như Thanh tra Tằm tang, Trưởng phòng Nha Nông chính, Trưởng phòng Kỹ thuật trồng trọt, Viện Trồng trọt. Năm 1955, Viện Trồng trọt cùng Viện Chăn nuôi sát nhập thành Viện Khảo cứu Nông lâm và ông được phân công là Trưởng phòng Thực nghiệm kỹ thuật trồng trọt. Tại đây, ông Lê Văn Liêm bắt đầu chú ý đến cây bèo hoa dâu và đi sâu tìm hiểu kinh nghiệm nuôi bèo của nhân dân ở xã La Vân, Búng và Bích Du, tỉnh Thái Bình.
Từ xa xưa bèo hoa dâu được những người nông dân Thái Bình sử dụng làm phân bón đón đòng cho lúa vụ chiêm. Vào cuối thu bèo hoa dâu phát triển nhiều ở góc ruộng, góc ao (gọi đó là bèo dại). Và những người dân ở xã La Vân, Búng và Bích Du, tỉnh Thái Bình có kinh nghiệm lựa chọn những đám bèo hoa dâu tốt để gây giống Bèo giống được bán với giá thành cao…Sau khi cấy lúa chiêm xong thì thả bèo ra ruộng. Bèo phát triển phủ kín ruộng thành một lớp dày, đến khi lúa chiêm làm đòng, gặp trời nóng cuối xuân đầu hè bèo chết lụi hết làm phân bón đón đòng cho lúa chiêm…[1]. Bèo hoa dâu đã trở thành một nguồn kinh tế lớn của Thái Bình những năm đó.
Bên cạnh tìm hiểu về cách nuôi bèo hoa dâu cổ truyền của bà con nông dân Thái Bình, ông Lê Văn Liêm đã đi sâu nghiên cứu kỹ thuật nuôi bèo hoa dâu mới. Ông đã cùng nhân viên kỹ thuật Nguyễn Văn Thám (một người dân ở xã Búng, Thái Bình) chọn xã Tứ Minh, Hải Dương – nơi chưa có kinh nghiệm dùng bèo dâu làm phân bón lúa, để nuôi thử nghiệm. Ông và đồng nghiệp đã thu thập bèo hoa dâu dại (mọc tự nhiên) ở một số tỉnh đồng bằng Bắc bộ như xã Tứ Minh (Hải Dương), xã Trần Phú (Bắc Giang), xã Hòa Nghĩa (Hải Phòng), xã Quỳnh Hậu (Nghệ An), xã Đông Tiến (Thanh Hóa)… rồi tiến hành nuôi so sánh giống. Qua quá trình tìm hiểu, ông nhận thấy rằng không phải chỉ có bèo ở xã La Vân, Búng và Bích Du, tỉnh Thái Bình mới là bèo tốt mà ở tất cả các địa phương đều có thể tìm được giống bèo tốt. Với các giống có chất lượng tốt, ông và đồng nghiệp đã hướng dẫn nhân dân ở xã Tứ Minh thả vào các ruộng lúa chiêm. Kết quả là bèo phát triển tốt, làm nguồn phân bón tại chỗ và đem lại năng suất lúa thu được cao hơn hẳn so với trước đó, dân làng rất phấn khởi vì đã học được kinh nghiệm nuôi và sử dụng bèo hoa dâu của Thái Bình.
Qua quá trình nuôi thử nghiệm bèo hoa dâu, ông Lê Văn Liêm đi sâu nghiên cứu để có thể nuôi trồng bèo hoa dâu quanh năm, chứ không phải chỉ vào vụ lúa chiêm như trước. Đây là kỹ thuật nuôi bèo hoa dâu mới mà trước đây người Thái Bình chưa thực hiện được. Vấn đề này được ông tập trung tìm hiểu trong những năm 1957-1959, khi đang là Trưởng phòng Lúa màu, Viện Khảo cứu Trồng trọt, Hà Nội. Qua theo dõi, ông biết được bèo hoa dâu phát triển rất tốt khi được bón phân lân và kali, còn khi bón đạm thì có thể làm bèo chết lụi nếu gặp thời tiết nắng nóng. Bên cạnh đó bèo thường bị sâu, bọ phá hoại nên phải dùng thuốc trừ sâu. Vào mùa hè, bèo rất khó nuôi, thường chết lụi khi gặp thời tiết nắng, nóng và điều này thường làm năng xuất bèo hoa dâu hàng năm bị giảm[2].
Tìm hiểu về đặc tính sinh lý của giống bèo, ông Lê Văn Liêm thấy bèo chịu nhiều ảnh hưởng của ngoại cảnh. Nếu biết vận dụng các yếu tố ngoại cảnh đó để tác động vào quá trình phát triển của bèo, làm bèo có thể thích nghi và phát huy triệt để tác dụng của ngoại cảnh đó thì bèo vẫn phát triển tốt. Tổng hợp tất cả những điều kiện trên, ông đã san mỏng bèo trong quá trình nuôi thay vì để bèo dày và cho kết quả thành công. Như vậy khác với kinh nghiệm cổ truyền, chúng tôi có khả năng nuôi và sản xuất bèo hoa dâu trong cả mùa hè, tức là nuôi bèo hoa dâu quanh năm. Một hecta thả bèo hoa dâu nuôi quanh năm có khả năng cho năng xuất 300-400 tấn bèo/năm[3].
Sách “Bèo hoa dâu”, xuất bản năm 1962
Kết quả trên khiến những người nông dân phấn khởi, thúc đẩy phong trào nuôi bèo hoa dâu làm phân bón phát triển rộng rãi ở các tỉnh miền Bắc. Cũng trong thời gian này, ông Lê Văn Liêm đã tiến hành nghiên cứu, so sánh các giống bèo và lựa chọn ra được giống bèo xanh có khả năng sinh trưởng, phát triển nhanh và chịu nóng rất tốt. Qua các tài liệu về thực vật của nước ngoài tham khảo được, ông xác định được cây bèo hoa dâu có thể sống cộng sinh với tảo lam và vi sinh vật cố định…ở lá và rễ bèo. Chính vì thế bèo hoa dâu không chỉ dùng để bón lúa chiêm mà còn dùng để bón lúa mùa, các cây hoa màu và làm thức ăn cho gia súc.
Và cũng từ đây một cuộc đấu tranh tư tưởng giữa cái cũ và cái mới cũng bắt đầu. Một số người không tin vào giống bèo xanh có thể nuôi trồng quanh năm và cho rằng giống bèo xanh nuôi nhiều năm sẽ không tốt. Tại Hội nghị về Bèo hoa dâu toàn miền Bắc tổ chức tại huyện Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình, ông Lê Văn Liêm đã chứng minh được rằng giống bèo xanh phát triển rất khỏe mạnh, trong khi đó giống bèo của xã La Vân bị đỏ và phát triển kém hơn và được mọi người công nhận. Năm 1957, ông đã báo cáo những kinh nghiệm dùng bèo hoa dâu làm phân bón tại hội nghị về phân bón tổ chức ở Mátxcơva, Liên Xô.
Từ năm 1959-1960, Bộ Nông nghiệp đã huy động số lượng lớn giáo viên và sinh viên ngành Trồng trọt, Học viện Nông lâm về các tỉnh hướng dẫn kỹ thuật nuôi bèo hoa dâu quanh năm. Tài liệu khoa học kỹ thuật về bèo hoa dâu cũng được các nhà nghiên cứu
Với thành tích đạt được trong công tác nghiên cứu và áp dụng phổ biến kỹ thuật nuôi trồng bèo hoa dâu quanh năm, năm 1961, ông Lê Văn Liêm được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Nguyễn Thị Phương Thúy
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt