Bộ đôi này được GS.TS Đào Văn Phan sử dụng từ năm 1974 đến năm 2005 và lưu giữ tại nhà riêng, dù gia đình qua nhiều lần chuyển nhà và mỗi khi ngắm lại, biết bao kỷ niệm về một thời gian khó lại ùa về trong tâm trí ông. Khi trao tặng kỷ vật cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, GS.TS Đào Văn Phan không quên kể cho chúng tôi nghe về "lai lịch" của bộ đôi đặc biệt này.
Ông kể: "Sau 5 năm học ngoại ngữ và nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu y học thực nghiệm, Viện Hàn lâm khoa học Hungari (1969-1974), tháng 5-1974, tôi bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ, với đề tài “Phân tích cơ chế hệ cholinergic trên thần kinh trung ương”. Trên đường về nước, khi đoàn tàu liên vận dừng lại ở Matxcơva, Liên Xô vài ngày, tôi tranh thủ vào cửa hàng bách hóa tổng hợp GUM tìm mua một số vật dụng: quạt tai voi, máy ảnh, máy hàn, bộ mài lưỡi dao cạo để làm quà tặng cho một số bạn bè… và đặc biệt, tôi còn mua được một chiếc sục điện để đun nước với giá thành chưa đầy 1 rúp. Về nước, tôi tiếp tục công tác giảng dạy tại Bộ môn Dược lý, trường Đại học Y Hà Nội. Thời kỳ bao cấp, nhiều vật dụng như: phích, ca, chậu thau… được mua theo phân phối, những ai được mua phải bốc thăm. Tôi bốc được một chiếc ca do Liên Xô sản xuất do công đoàn trường phân phối".
Và ngẫu nhiên, chiếc ca và chiếc sục điện đã tạo thành bộ đôi đun nước hữu dụng. Mỗi chuyến đi học tập, công tác ngắn ngày ở Thụy Điển, Nhật Bản, Úc… BS Đào Văn Phan đều mang theo bộ đôi này trong vali cùng với rất nhiều mì ăn liền, nhiều khi mì ăn liền chiếm già nửa vali. Nhờ có bộ đôi đun nước sôi rất tiện dụng mà bác sĩ Phan có thể "chén mì" trong khách sạn vì họ thường cấm đun nấu. Nhiều khi ở khách sạn, phích cắm của sục điện không vừa ổ cắm điện ông phải mua ổ cắm nối để đun nước.
Bộ đôi đun nước của GS.TS Đào Văn Phan
Một trong những chuyến công tác ngắn hạn đã để lại cho GS Đào Văn Phan nhiều kỷ niêm nhất đó là chuyến đi Thụy Điển cùng hai đồng nghiệp năm 1986, đây là đợt tập huấn 6 tuần về cách sử dụng thuốc an toàn và hợp lý cho các chuyên gia về dược của các nước Đông Nam Á. Nhớ lại những lần cùng các đồng nghiệp nước ngoài đi mua đồ ăn, Giáo sư Phan chia sẻ: "Trong trường hợp đi mua đồ cùng các bạn nước ngoài, đi được một đoạn tôi tìm cách để tách riêng ra, vì họ mua toàn đồ ăn đắt tiền, còn tôi vào cửa hàng bách hóa để mua mì, thức ăn rẻ, vì phải tiết kiệm tiền. Có lần, hôm sau gặp lại nhau, người bạn hỏi tôi: "Sao hôm qua tôi ngoảnh lại tìm gọi ông, chẳng thấy ông đâu", tôi cười đáp: "Tôi cũng đi tìm ông, nhưng tại ông đi nhanh quá".
Mỗi lần ông tiết kiệm như vậy, bộ đôi đun nước phát huy tác dụng của nó. Đôi khi, những người đi cùng trong đoàn cũng mượn ông, nhất là những người mới được xuất ngoại, chưa có kinh nghiệm nên không mang theo. Mỗi khi ăn mì, các ông phải thật kín đáo để tránh không bị người của khách sạn phát hiện. "Chúng tôi thống nhất với nhau khi nấu mì phải kín đáo và tuyệt đối bí mật, với phương châm: Làm không ai biết và không để lại dấu vết. Thậm chí chúng tôi còn phải chọn giờ, vì mì ăn liền có mùi rất đặc trưng mà khách sạn lại khép kín, nên sau khi ăn xong, phải mở cửa để mùi mì tôm "bay" hết. Các vật dụng "tác chiến" như đũa, thìa, ca, sục điện, sau khi ăn xong phải rửa sạch, chờ khô rồi cất vào vali ngay. Vỏ các gói mì, phải gói lại cẩn thận sau đó chúng tôi mang đi xa, thường là cách khách sạn mấy bến xe buýt để vứt vào thùng rác…" – GS.TS Đào Văn Phan cười vui kể lại.
Không chỉ sử dụng trong những chuyến công tác ngắn ngày ở nước ngoài, mà cả trong hai lần sang làm chuyên gia giảng dạy ở Algeria: tại trường Đại học Tổng hợp Oran (1987-1990) và trường Đại học Y Annaba (1992-1994), TS Đào Văn Phan cũng mang bộ đôi đun nước theo. Nhưng, ông chỉ dùng trên đường đi từ Việt Nam sang và ngược lại. Bởi, đi máy bay từ Việt Nam sang, ông phải dừng ở các chặng Thái Lan, Paris-mỗi chặng một vài ngày, sau đó mới tiếp tục sang được Algeria. Mỗi chặng dừng đó, ông lại sử dụng bộ đôi này để ăn mì. Với GS.TS Đào Văn Phan, bộ đôi đun nước ca – sục điện rất quan trọng và "quý lắm" vì nhờ chúng mà sau mỗi chuyến công tác ông luôn có thể tiết tiệm được một số tiền nho nhỏ để sắm sửa thêm vật dụng dùng trong gia đình và mua quà tặng cho bạn bè, người thân. Dù không còn sử dụng bộ đôi đun nước từ năm 2005 – trước khi tặng Trung tâm năm 2014 – nhưng thỉnh thoảng những lúc sum họp gia đình, GS.TS Đào Văn Phan vẫn mang ra ngắm và nói vui với các con: "Nhờ có bộ dụng cụ này mà gia đình ta có đài để nghe, có đồ chơi cho các con…".
Hoàng Thị Liêm