Bộ dụng cụ dùng điều trị gãy xương đầu tiên của Việt Nam

Từ những năm làm nghiên cứu sinh tại Mátxcơva, Liên Xô, Giáo sư Nguyễn Văn Nhân đã say sưa tham khảo các công trình Âu – Mỹ viết về phương pháp điều trị Khớp giả bằng Kết xương nén ép. Khi về nước, năm 1960 ông đã có những bài viết giới thiệu về phương pháp Kết xương nén ép trên Nội san Ngoại khoa Việt Nam số đầu tiên. Cùng năm đó, trong một lần tìm dụng cụ trong buồng mổ ở Viện 108, ông may mắn tìm được 3 chiếc nẹp Danis (đây là mẫu nẹp đầu tiên và duy nhất lúc đó cho phép làm Kết xương nén ép). Ông cùng với các bác sĩ Viện 108 nghiên cứu mẫu nẹp gốc với ý định sẽ sản xuất theo nguyên mẫu. Nhưng trong quá trình nghiên cứu đã phát hiện ở nẹp Danis có những nhược điểm: nẹp có một vít ép trong chiều dày của đầu nẹp và một rãnh trượt sát bên vít ép . Nhờ có vít ép và rãnh trượt, nẹp Danis tạo được lực dồn ép hai mặt gẫy với nhau. Ý tưởng và biện pháp tạo ra lực nén ép ổ gẫy được đánh giá là tiến bộ kỹ thuật đáng kể và được áp dụng rộng rãi ở nước ta trong suốt nửa cuối thế kỷ XX. Nhưng theo Giáo sư Nguyễn Văn Nhân chính chi tiết vít ép đã gây khó khăn trong ý định tự sản xuất nẹp Danis để sử dụng vì lúc đó nước ta chưa có thép không rỉ dùng cho Ngoại khoa. Điều này buộc nhóm nghiên cứu phải tìm ra biện pháp khắc phục. Trong quá trình nghiên cứu, với sự giúp đỡ của bộ phận cơ khí sửa chữa Cục Quân y, ông đã tìm ra biện pháp cải tạo nẹp Danis bằng cách thay vít ép bằng dụng cụ tạo lực ép riêng và đưa rãnh trượt vào gần giữa thân nẹp. Các chi tiết cải tiến đã có hiệu quả khi đưa vào ứng dụng trong thực tế. Mẫu Nẹp Danis cải biên là mẫu nẹp kết xương đầu tiên của ngành Chấn thương – Chỉnh hình tại Việt Nam được sử dụng ở Viện Quân y 108 từ tháng 6 -1960 để điều trị gẫy xương, khớp giả và mất đoạn xương không nhiễm khuẩn, chủ yếu ở chi trên.

Giáo sư cùng nhóm nghiên cứu cũng đã sáng tạo ra Cọc ép ren ngược chiều (CERNC) bằng cách tạo hai mẩu giữ đinh chuyển động cùng chiều nhau trên hai nửa thanh cố định theo các bước răng (1mm). Phương pháp này ông học tập từ cách làm dụng cụ nén ép của Kaplan và trên cơ sở đó ông thiết kế thêm trên mẩu ốc cố định đinh (kiểu ốc cố định sản xuất sẵn). Rất nhanh chóng với sự giúp đỡ của các cán bộ Cơ khí, nhóm nghiên cứu đã có mẫu CERNC đầu tiên với các chi tiết cấu tạo riêng, không giống bất cứ dụng cụ cố định ngoài nào đã có sẵn. Bộ dụng cụ CERNC đầu tiên được sản xuất năm 1961 và sử dụng ở Viện 108 nhưng chỉ được sử dụng nhiều và phát triển mạnh từ 1971 ở Viện 109 trong môi trường điều trị vết thương chiến tranh và di chứng chiến tranh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Từ sau Hòa bình, bộ dụng cụ CERNC đã được ứng dụng thành công trong điều trị những ca ngắn chi 15 – 20cm.

Bộ dụng cụ kết xương nén ép (KXNE) và căng dãn (CD)” của Giáo sư Nguyễn Văn Nhân và các bác sĩ Viện Quân y 108 đã được Hội đồng Khoa học Viện Quân y 109 xét duyệt và công nhận. Cho đến nay phương pháp sử dụng Bộ dụng cụ đó trong điều trị đã trở thành kỹ thuật “truyền thống” của ngành Chấn thương – Chỉnh hình quân đội. Giáo sư Nguyễn Văn Nhân tâm sự: “Vì muốn nhanh chóng ứng dụng trong việc cứu chữa bệnh nhân mà bộ dụng cụ này, tôi đã không được đăng ký lấy bản quyền tác giả nữa, nhưng tôi hoàn toàn không thắc mắc và rất vui sướng vì thấy bây giờ bộ dụng cụ này đã đóng góp vào việc hoàn thành hơn 10 luận án tiến sĩ có sử dụng nó để điều trị cho bệnh nhân của ta, không phải sử dụng các phương tiện ngoại nhập”.

Hiện nay bộ dụng cụ này cùng với hơn 4000 tài liệu hiện vật của Giáo sư Nguyễn Văn Nhân đang được bảo quản tại Trung tâm CPD.

 

Giang Thị Nhung