Từ sưu tập phim dương bản
Năm 1960, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Y Hà Nội, Đỗ Kính được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại Bộ môn Mô học, trường Đại học Y Hà Nội. Sau gần 20 năm công tác, năm 1977 Bác sĩ Đỗ Kính được nhà trường cử đi tham gia khóa đào tạo chuyên môn tại Hungary (1978-1979), do Tổ chức Giáo dục khoa học và văn hóa Hungari tổ chức. Trong thời gian thực tập tại Viện Sinh lý, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Hungary, bác sĩ Đỗ Kính được tiếp cận với nhiều phương pháp học tập, giảng dạy cũng như các nghiên cứu mới về Y học, trong đó có phương pháp sử dụng máy chiếu phim dương bản[1] trong các buổi giảng lý thuyết.
Nhận thấy đây là một phương pháp có tính ứng dụng cao, có thể áp dụng vào thực tế giảng dạy của Việt Nam, BS Đỗ Kính đã đề nghị với phía bạn để được sử dụng kính hiển vi chụp trực tiếp các mẫu vật khi làm thí nghiệm trên chuột kết hợp với một số hình ảnh đã có sẵn trong các tài liệu của Viện để tạo nên một bộ sưu tập phim dương bản gồm: Một là, bộ phim dương bản về Mô học bao gồm phim chụp lại hình ảnh cấu trúc tế bào, mô và các cơ quan cơ thể người và động vật dưới kính hiển vi quang học. Hai là, bộ phim dương bản về Phôi thai học, được chụp lại từ kính hiển vi qua các thời kỳ phát triển. Đây cũng là một trong những tài liệu quan trọng, phục vụ cho quá trình giảng dạy của ông sau này.
Trong lời giới thiệu về hai bộ phim dương bản, BS. CK2 Đỗ Kính viết: Đây là hai bộ phim do tôi tự tay tạo ra bằng công sức của mình để hướng dẫn các học trò đọc các triết đồ dưới kính hiển vi. Bởi khi chiếu phim lên, các học trò được trực tiếp quan sát và thấy được những hình ảnh thực sự có trong cơ thể, thấy được sự khác nhau so với các hình vẽ theo kiểu sơ đồ đã có trong các tài liệu giảng dạy”[2].
Khi lên lớp, với nhiều đối tượng khác nhau như: sinh viên đại học, học viên cao học, bác sĩ chuyên khoa của nhiều chuyên ngành, để bài giảng đạt hiệu quả giảng viên Đỗ Kính thường kết hợp 4 công cụ giảng dạy sau:
– Sách giáo khoa (giáo trình) hoặc bài giảng.
– Tập bài giảng được sử dụng máy chiếu Over head[3].
– Một tập hình vẽ được vẽ vào giấy trong theo kiểu hình vẽ sơ đồ trong sách giáo khoa, có màu sắc, được phóng to và chiếu minh họa bằng máy chiếu Over head cho mỗi nội dung
– Sử dụng Phim dương bản trong các bài giảng.
Theo Bác sĩ -giảng viên Đỗ Kính, việc kết hợp giữa các phương tiện trên có vai trò lớn trong việc truyền thụ kiến thức tới học trò. Trước hết, do đã chuẩn bị sẵn tài liệu nên giảm thiểu được thời gian học lý thuyết trên lớp vì thế học trò có thời gian quan sát trên mẫu vật, phim ảnh nên dễ hiểu vấn đề hơn. Hơn nữa, việc kết hợp giữa các phương tiện giúp người học có cái nhìn trực tiếp, toàn diện về vấn đề. Vì thế, với BS Đỗ Kính, phim dương bản là một trong những phương tiện giảng dạy không thể thiếu và được ông sử dụng từ năm 1978 đến năm 2004. Đây cũng là tài sản riêng của ông, bởi ông đã tự “bỏ tiền túi” để tạo ra giáo cụ trực quan rất hữu ích này.
Sưu tập phim dương bản của giảng viên Đỗ Kính
Ngoài việc sử dụng để giảng dạy, hai bộ phim dương bản còn được ông sử dụng làm các hình ảnh minh họa trong cuốn “Phôi thai học – thực nghiệm và ứng dụng lâm sàng” do Nhà xuất bản Y học ấn hành năm 2008.
Đến những tấm tiêu bản
Năm 1988, Đỗ Kính cùng 11 chuyên gia của trường Đại học Y Hà Nội được cử sang giảng dạy hệ Đại học tại trường Đại học Y Huambo, Angola trong vòng 3 năm (1988-1991) theo Quyết định số 770/BYT/QĐ tháng 10-1988 của Bộ Y tế.
Trong thời gian ở Angola, Bác sĩ Đỗ Kính nhận thấy các tiêu bản[4] khi sinh viên mang ra sử dụng thường bị dập nát rất nhiều mặc dù các tiêu bản đều được nhà trường mua từ các nước: Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức… Vì thế, BS Nguyễn Văn Ngọc đã bàn với BS Đỗ Kính tự tổ chức "sản xuất" tiêu bản Mô học và Phôi thai học để thay thế cho số tiêu bản đã cũ nát. Lúc đó, trường Đại học Y Huambo có một kỹ thuật viên nhưng chưa biết kỹ thuật làm tiêu bản trong khi máy móc, trang thiết bị kỹ thuật đã tạm đủ. Với những kiến thức, kinh nghiệm có được trong quá trình, học tập, công tác tại Việt Nam, BS Nguyễn Văn Ngọc và BS Đỗ Kính đã đề nghị Ban Giám hiệu Đại học Y Huambo cấp kinh phí để các chuyên gia Việt Nam xây dựng tiêu bản mới và được nhà trường chấp nhận.
Bác sĩ Đỗ Kính và Nguyễn Văn Ngọc bắt tay vào thực hiện việc xây dựng tiêu bản, cách làm tiêu bản phôi thai cũng giống như cách làm tiêu bản của mô học. Tuy nhiên, tiêu bản phôi thai có phần phức tạp vì phải qua nhiều công đoạn, sau khi đã qua xử lý kỹ thuật, phôi thai sẽ được cho vào cồn, nồng độ tăng lên rồi khử cồn, làm nóng chảy ở nhiệt độ 56 độ C. Sau đó dùng nến đúc thành khuôn và đưa vào máy cắt. Mỗi lát cắt chỉ mỏng khoảng 0,01-0,04 micromet. Lát cắt sẽ được dán lên một tấm kính dày khoảng 1,5-2mm để tiến hành nhuộm màu và tiến hành khử mốc bằng cồn để bay hơi cho tới khi lát cắt mỏng 0,1 micromet. Phết nhựa dán đè lên tiêu bản, như vậy ánh sáng mới xuyên qua tiêu bản vào kính hiển vi đẹp và chính xác được.
Bác sĩ CKII Đỗ Kính (bên trái) giới thiệu về sưu tập phim tiêu bản, 7-2013
Khi ở Angola về, Bác sĩ Đỗ Kính đã mang theo một số tiêu bản và thường sử dụng các tiêu bản chụp lại hình ảnh để làm giáo cụ trực quan cho sinh viên trong giờ học. Năm 1999, sau khi nghỉ hưu ông vẫn tham gia giảng dạy về Phôi thai học cho hệ Sau Đại học của trường Đại học Y Hà Nội và vẫn sử dụng các tiêu bản này vào trong các bài giảng.
Cuối năm 2012, khi Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đến đặt vấn đề sưu tầm, bác sĩ Đỗ Kính đã mượn kính hiển vi của Bộ môn Mô học – Phôi thai học để soi lại nội dung, sắp xếp và ghi chú cẩn thận lại từng phim dương bản, tiêu bản trước khi trao tặng lại 2 bộ sưu tập này cho Trung tâm vào tháng 7-2013. Trong đó sưu tập phim dương bản về Mô học và Phôi thai học hiện đã cũ, xước mặt, có bút tích chú thích của BS CKII Đỗ Kính và 161 tiêu bản kích thước2x5cm được xếp trong 3 hộp gỗ cũ, ố, hỏng khóa, các tiêu bản đã ngả vàng.
Cả cuộc đời dành cho những đam mê trong nghiên cứu khoa học, BSCKII -Giảng viên Đỗ Kính luôn được đồng nghiệp đánh giá cao trong công tác chuyên môn, học trò kính trọng. Đặc biệt, bộ sưu tập phim dương bản, tiêu bản – 2 bộ giáo cụ trực quan tự tạo đã để lại ấn tượng cho nhiều lớp sinh viên sau khi nghe những bài giảng đầy sáng tạo và hiệu quả của một Bác sĩ- Giảng viên tâm huyết với chuyên ngành Mô học.
Nguyễn Thúy Tiềm
___________________
[1] Phim dương bản còn gọi là slide phim và thường được sử dụng cùng với máy chiếu để phóng ảnh trực tiếp lên màn hình phục vụ cho các buổi thuyết trình, giảng dạy.
[2] Báo cáo phỏng vấn BS Đỗ Kính ngày 01- 02-2013. Tài liệu Trung tâm Di sản các nhà Khoa học Việt
[3] Máy chiếu overhead là một thiết bị cho phép chiếu các tài liệu ghi trên giấy phim (trong suốt) lên màn hình.
[4] Tiêu bản: Là mẫu vật được bảo tồn nguyên dạng gốc, thường được dùng trong nghiên cứu khoa học.