Bộ hồ sơ thời đi làm chuyên gia ở Angiêri

Hồi ấy, bước sang năm 1986, nền kinh tế Việt Nam đã có bước chuyển mình khi bắt đầu xóa bỏ cơ chế bao cấp, nhưng những khó khăn của thời bao cấp vẫn tồn tại thêm trong nhiều năm nữa. Cuộc sống của mọi tầng lớp nhân dân đều gian khó. Nhiều trường đại học phải vừa đào tạo, vừa tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống cho cán bộ và giảng viên. Ở trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Phó hiệu trưởng Nguyễn Cương có thời gian phải đảm đương cương vị Trưởng ban sản xuất, tổ chức một số hoạt động kinh tế để có thu nhập cho trường. Năm 1990, sau khi thôi chức Phó hiệu trưởng, ông về khoa Hóa học của trường và tiếp tục làm công tác giảng dạy bộ môn Phương pháp giảng dạy hóa học.

Trong bối cảnh chung khi ấy, chỉ nhờ vào đồng lương công chức hạn hẹp của hai vợ chồng, kinh tế gia đình PGS Nguyễn Cương cũng rất khó khăn, buộc ông tính đến giải pháp xin xuất ngoại làm chuyên gia. Như ông chia sẻ: … phải chấp nhận đi làm chuyên gia giáo dục ở Angiêri vì thấy đời sống của bản thân và gia đình quá thấp[1]. Ở trường ĐH Sư phạm và ở khoa Hóa đã có nhiều cán bộ đi Angiêri, như ông Phạm Quý Tư – nguyên Hiệu trưởng, nên ông Nguyễn Cương cũng muốn sang đó làm việc. Dự định đi làm chuyên gia của ông không gặp trở ngại, vả lại không phải ai muốn đi cũng được, vì cần phải có trình độ ngoại ngữ. Để có chứng chỉ tiếng Pháp, ông theo học lớp tiếng Pháp trình độ C của Trung tâm Hợp tác chuyên gia và kỹ thuật với nước ngoài. Vượt qua kỳ kiểm tra ngày 15-9-1990 ở lớp này, ông được tiếp tục tham dự lớp bồi dưỡng tiếng Pháp tập trung (vẫn do Trung tâm Hợp tác chuyên gia và kỹ thuật với nước ngoài tổ chức) từ ngày 24-9-1990 đến tháng 1-1991 tại Trung tâm bồi dưỡng của ĐH Bách khoa Hà Nội. Đến 15-7-1991, ông hoàn thành chương trình D tiếng Pháp chuyên ngành hóa học. Sau đó ông làm hồ sơ đăng ký đi làm chuyên gia giáo dục ở Angiêri.

Bộ hồ sơ được chuẩn bị cẩn thận, gồm có 10 tài liệu: Curriculum vitae (sơ yếu lí lịch); Annexe (phụ lục); Attestation de fonction (giấy chứng nhận đương nhiệm); Bằng Phó tiến sĩ; Diplome de docteur es sciens (bằng tiến sĩ khoa học); Bằng tốt nghiệp đại học Sư phạm khoa học (kèm bản dịch sang tiếng Pháp: Diplome de fin d’études de l’école normale supérieure); Attestation de situation familiale (giấy chứng nhận gia cảnh); Indépendance liberté bonheur(giấy khai sinh); Certificat medical (giấy chứng nhận y tế). Trong 10 văn bản vừa kể, có 8 tài liệu bằng tiếng Pháp, chỉ có bằng tốt nghiệp đại học là tiếng Việt và bằng Phó tiến sĩ là tiếng Nga.

Hồ sơ của GS Nguyễn Cương

Đầu năm 1992, ông và hai đồng nghiệp ở trường ĐH Sư phạm Hà Nội mang theo hồ sơ cá nhân tới Đại sứ quán Angiêri tại Hà Nội để phỏng vấn. Ông nhớ lại buổi phỏng vấn ấy:Có một đồng nghiệp, tiếng Pháp không kém nhưng bị loại vì khi người tuyển chọn hỏi ý kiến về phe Hồi giáo cực đoan, ông ấy sợ người ở Đại sứ quán là Hồi giáo nên ngập ngừng không trả lời luôn, làm cho người tuyển chọn tưởng không hiểu tiếng Pháp. Đến lượt tôi, người tuyển chọn hỏi trình độ tiếng Pháp của tôi thế nào, tôi trả lời là đủ trình độ có thể tranh luận với sinh viên[2].

Sau đó, GS Nguyễn Cương được nhận sang Angiêri làm chuyên gia giáo dục. Trước khi lên đường, ông vẫn còn nhiều điều trăn trở về gia đình:Tôi lo lắng nhất về công việc và học hành của các con. Con gái lớn Nguyễn Thúy Oanh đã tốt nghiệp đại học cần ổn định công việc, con gái út Nguyễn Thúy Liên đang học phổ thông[3]. Vợ ông – bà Đỗ Thị San khi đó là Phó giám đốc thư viện của trường ĐH Sư phạm nhưng lương không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình. Theo chế độ chung, khoản lương của ông ở trường để lại cho gia đình chỉ còn được 40% so với khi ông làm việc tại Việt Nam.

Đúng 10 giờ 5 phút ngày 21-10-1992, chuyến bay khởi hành từ Hà Nội, đến 13 giờ hôm sau thì hạ cánh ở thủ đô Algiers của Angiêri. GS Nguyễn Cương cùng 4 chuyên gia Việt Nam[4] được Bộ Đại học Angiêri cử về trường ĐH Bejaia, cách thủ đô Algiers 300km về phía đông. Sau 4 ngày, các chuyên gia bắt đầu nhận nhiệm vụ tại trường. Thời gian đầu, sau chuyến bay đường dài và do sự thay đổi khí hậu, GS Nguyễn Cương bị sốt và viêm họng. Nhưng ông tự động viên phải cố gắng vượt qua, và ông xác định mình phải hi sinh vì trách nhiệm trụ cột gia đình.

Công việc ban đầu của GS Nguyễn Cương là hướng dẫn thực hành thí nghiệm cho sinh viên khoa Kỹ sư công nghệ hóa chất, mỗi tuần 6 buổi, hướng dẫn họ đo độ pH, đo độ dẫn điện, đo sức điện động của pin hóa học, chuẩn độ axit bazơ, xác định tích số tan, chuẩn số điện thế…; ngoài ra, ông hướng dẫn 4 sinh viên làm đồ án tốt nghiệp kỹ sư hóa chất. Sau hai tuần thực dạy, GS Nguyễn Cương được chính thức ký hợp đồng làm việc một năm. Công việc không phải là dễ dàng, như ông chia sẻ: Là một giáo sư hóa học, tôi phải nhận dạy các môn hóa đại cương, hóa vô cơ và hóa kỹ thuật cho kỹ sư hóa chất. Tôi làm việc cực kỳ vất vả, phải học nội dung mới và phải học thêm tiếng Pháp. Trong quá trình dạy, mình phải tranh luận với cả học sinh và giáo viên ở đó, cần có ngoại ngữ tốt. Hơn nữa, ở đó có nhiều chuyên gia đến từ các nước Liên Xô, Bungari, Ba Lan…, nếu tiếng Pháp của mình yếu họ sẽ coi thường, vì thế phải rất cố gắng[5]. Trường ĐH Bejaia bố trí cho GS Nguyễn Cương và ông Nhung (cán bộ trường ĐH Mỏ – Địa chất Hà Nội) ở chung một phòng 12m2, có bếp và nhà vệ sinh riêng. Điều kiện sinh hoạt rất tốt, đi làm thuận tiện vì có xe của trường đưa đón. Ngày nào trường không có xe đưa đón thì ông cùng đồng nghiệp thuê taxi đến trường. Lương của ông được trả 27.100 dinars/tháng, nhưng phải nộp thuế thu nhập và bảo hiểm xã hội hết khoảng 6000 dinars, trừ các khoản chi tiêu cho sinh hoạt hàng tháng, ông cũng để dành được khoảng 300USD (quy đổi từ dinars ra dollar). Ông từng chia sẻ qua thư với vợ:Anh chưa thấy tủi thân khi đã gần 60 tuổi rồi mà vẫn phải sống xa vợ con, vì anh hiểu được ý nghĩa của sự hi sinh, thiệt thòi của mình. Nếu cần thiết phải hi sinh lợi ích của anh và em cho các con thì anh xin sẵn sàng[6].

Khoảng năm 1993, theo kế hoạch của trường ĐH Bejaia, một giảng viên Angiêri vừa bảo vệ luận án tiến sĩ hóa học ở Pháp về sẽ thay vị trí của GS Nguyễn Cương. Bởi vậy, GS Nguyễn Cương phải vất vả tìm trường khác để chuyển: Tôi đã phải đến 6 trường đại học ở 6 tỉnh rất xa nhau để xin việc. Trong tháng 7 và 8-1993, tôi phải đi hơn 5000km để xin việc[7]. Trong thời gian đó, ông bị ốm vài lần. Nhưng nghĩ đến tương lai của gia đình, ông lại có thêm động lực để cố gắng trụ lại ở Angiêri. Ông chia sẻ với vợ: Tại sao nhiều người đã từng là chuyên gia ở đây nhiều năm lại tự nguyện chịu đựng gian khổ xa vợ con để tiếp tục làm việc ở đây? Không kể những trường hợp ngoại lệ, chỉ có thể giải thích là sự khổ sở ấy được bù đắp lại bằng một số «cây, que» làm lương khô khi tuổi già và cho các con. Nếu chúng ta không có nhiều tiền cho các con thì các con cũng không trách, nhưng nếu chúng ta cho được mỗi con một cái xe máy tốt thì chắc chắn rằng cũng có ý nghĩa. Với tiền lương ở nước ta còn lâu các con mới dám mơ ước tới điều này[8]. Và ông suy tính rằng: Chi phí bổ sung cho việc học của Liên, sắm sửa bổ sung những vật dụng tối thiểu của gia đình, tiền gửi về năm đầu tiên chỉ đủ lo trả nợ, có lẽ muốn để dư làm vốn chỉ từ năm thứ 2. Vì vậy sẽ quyết định ở lại thêm 1 năm nữa[9].

Sự cố gắng tìm việc của ông đem lại kết quả, khoảng tháng 9-1993, được sự giúp đỡ của một chuyên gia Việt Nam là ông Phùng Hồ (khoa Lý, ĐH Bách khoa Hà Nội) đang công tác ở trường đại học tỉnh Sidi Bel Albess, GS Nguyễn Cương được nhận về đây công tác. Vì trường ĐH Bejaia trả lương rất chậm, có lần sau 6 tháng ông mới được nhận lương, nên sau khi chuyển trường ông vẫn phải trở lại trường cũ 3 lần mới lĩnh được hết lương. Tỉnh Sidi Bel Albess cách thủ đô Algiers hơn 400km về phía tây nam. Ở đó không có tuyết, ít mưa, không khí khô, nhưng không được dễ chịu như ở thành phố Bejaia. Trình độ chuyên môn cũng như tiếng Pháp của GS Nguyễn Cương lúc này đã tốt hơn trước, nên ông chuyển sang dạy lý thuyết hóa đại cương cho sinh viên năm thứ 2, dạy lý thuyết và luyện tập về cấu tạo các chất vô cơ cho sinh viên năm thứ 4 của khoa Kỹ sư công nghệ hóa chất.

Trường ĐH Sidi Bel Albess phân cho ông một căn hộ 3 buồng, không kể bếp và nhà vệ sinh. Khi đã ổn định chỗ ở và công việc ở trường mới này, ông dự định sẽ đón vợ sang ở cùng, bởi ông biết vợ ở nhà cũng rất nhớ và lo cho ông. Bà đã từng viết thư tâm sự với ông: Không nên kéo dài quá hai năm tình trạng anh ở một nơi, em ở một nơi[10]. Để thu xếp cho bà San sớm sang với mình, ông đề nghị bà tổ chức đám cưới cho con gái út là Nguyễn Thúy Liên vào ngay sau Tết, để bà có thể sang Angiêri vào hè năm 1994. Đây là lần thứ hai GS Nguyễn Cương không có mặt trong đám cưới của con (lần đầu là khi con gái cả Nguyễn Thúy Oanh cưới năm 1986, ông đang làm luận án tiến sĩ khoa học tại Liên Xô). Điều này khiến ông rất buồn, nhưng ông không thể bỏ việc để về Việt Nam. Bù lại, trong mấy năm làm chuyên gia ở đây, ông tiết kiệm tiền để đặt mua xe máy từ Nhật rồi chuyển về cho gia đình cải thiện về kinh tế.

Mọi việc đang diễn ra theo kế hoạch thì từ tháng 3-1994, tình hình chính trị ở Angiêri trở nên căng thẳng, một chuyên gia đang giảng dạy cùng trường với GS Nguyễn Cương là Phạm Văn Sáu (trường ĐH Bách khoa Hà Nội) bị bắn chết. Về sau, GS Nguyễn Cương viết trong hồi ký: Việc ông Sáu bị bắn chết đã làm đảo lộn toàn bộ kế hoạch công tác của các chuyên gia giáo dục và y tế của Việt Nam tại Angiêri… Hầu hết các chuyên gia đều xin về ngay trong dịp nghỉ xuân (khoảng tháng 4-1994) và tự mua vé về, bỏ các tháng lương chưa kịp nhận[11]. Sau khi các chuyên gia Việt Nam làm thủ tục đưa thi hài ông Sáu về nước, GS Nguyễn Cương cũng trở về Việt Nam vào tháng 6-1994.

Bộ hồ sơ đi làm chuyên gia tại Angiêri được GS Nguyễn Cương làm thành 3 bản: Một bản gửi tới Bộ giáo dục và Đào tạo, một bản gửi cho Đại sứ quán Angiêri ở Việt Nam và một bản ông giữ lại để khi cần có thể sử dụng. Tuy nhiên, ông đã thành công ngay lần đầu đăng ký đi làm chuyên gia, nên bộ hồ sơ còn lại ông không dùng đến. Trải qua khoảng 1/4 thế kỷ, các tài liệu trong hồ sơ đã có chỗ bị bị rách, giấy ngả sang màu vàng do bị ố, nhưng với GS Nguyễn Cương, nó gợi cho ông nhớ lại một thời kinh tế khó khăn, khiến ông và nhiều trí thức Việt Nam phải đi làm việc ở một đất nước xa xôi tận châu Phi để cải thiện đời sống cho gia đình. Ngày 29-11-2014, GS Nguyễn Cương đã tặng bộ hồ sơ này cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Lưu Thúy – Hoài Thu

________________________

[1] GS.TSKH Nguyễn Cương, bản thảo hồi ký “80 năm phấn đấu bền bỉ liên tục và trưởng thành”, 2014, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, tr. 59.

[2] Phỏng vấn GS.TSKH Nguyễn Cương ngày 22-10-2014, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Phỏng vấn GS.TSKH Nguyễn Cương ngày 11-3-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[4] Bốn chuyên gia đó là: bà Châu (khoa Hoá, ĐH Bách khoa Hà Nội), ông Đạt (khoa Sinh, ĐH Sư phạm Hà Nội), ông Nhung (ĐH Mỏ), ông Tiến (khoa Sinh, Viện Khoa học nông nghiệp).

[5] GS.TSKH Nguyễn Cương, bản thảo hồi ký “80 năm phấn đấu bền bỉ liên tục và trưởng thành”, tài liệu đã dẫn, tr. 59.

[6] Thư ngày 12-5-1993 của GS Nguyễn Cương gửi vợ, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[7] GS.TSKH Nguyễn Cương, bản thảo hồi ký “80 năm phấn đấu bền bỉ liên tục và trưởng thành”, tài liệu đã dẫn, tr. 59.

[8] Thư ngày 30-6-1993 của GS Nguyễn Cương gửi vợ, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[9] Thư ngày 30-6-1993 của GS Nguyễn Cương gửi vợ, tài liệu đã dẫn.

[10] Thư ngày 30-6-1993 của GS Nguyễn Cương gửi vợ, tài liệu đã dẫn.

[11] GS.TSKH Nguyễn Cương, bản thảo hồi ký “80 năm phấn đấu bền bỉ liên tục và trưởng thành”, tài liệu đã dẫn, tr. 72-73.