PGS Phạm Kim vẫn giữ được tập thư của một bệnh nhân gửi cho ông từ năm 1980 đến 1992. Các bức thư được viết ngắn gọn, nét chữ nắn nót nhưng không phải ai đọc cũng hiểu nội dung. Bởi nó được viết bởi một bạn trẻ điếc câm do Phạm Kim điều trị, huấn luyện phục hồi chức năng nghe nói từ năm 1976. Đó là trường hợp bệnh nhân Vũ Thị An sinh năm 1968 tại Hưng Yên, bị điếc câm từ nhỏ do sinh non. Khi được tuyển vào lớp thí điểm phục hồi chức năng cho trẻ điếc câm tại Viện Tai Mũi Họng Trung ương, bệnh nhân An gần như “điếc đặc” và không có khả năng nói. Nhưng sau 1 năm được BS Phạm Kim cùng cộng sự tích cực giải câm và huấn luyện phát âm thông qua các ký hiệu và sự hỗ trợ của máy móc, bệnh nhân đã hiểu – nói được những từ đơn giản và có thể hòa nhập với cộng đồng.
BS Phạm Kim đang huấn luyện phục hồi chức năng cho bệnh nhân Vũ Thị An, 1976
Kết thúc khóa huấn luyện tại Viện Tai Mũi Họng, Vũ Thị An được gia đình gửi đến học tại Trung tâm phục hồi chức năng cho trẻ điếc để tiếp tục học nói và học viết. Kể từ khi biết viết, Vũ Thị An liên tục viết thư thăm hỏi BS Phạm Kim coi ông như người cha thứ 2 và gọi bố Kim, thậm chí cuối thư còn ký tên Phạm Thị Ngọc An. Một trường hợp khác cũng khiến PGS Phạm Kim xúc động, đó là trường hợp bệnh nhân Tô Thị Vân ở Hà Nội cũng bị điếc câm và được ông huấn luyện phục hồi chức năng nghe – nói. Sau khi hòa nhập cộng đồng, tự lao động đã viết thư gửi BS Phạm Kim kèm theo 100 ngàn đồng với lời nhắn “cho bố Kim tháng lương đầu tiên của Vân”.
Tập thư của các bệnh nhân Vũ Thị An gửi bố Kim từ 1980 đến 1992
PGS Phạm Kim vẫn luôn theo dõi bước phát triển của những bệnh nhân này, dù gián tiếp qua những bức thư nhưng ông biết họ đang tiến bộ. Ông cho biết tập thư này là tài liệu quan trọng phục vụ nghiên cứu phục hồi chức năng cho trẻ điếc câm.
Lê Nhật Minh