Bộ kim thử vàng của PGS.TS Đào Hữu Vinh

PGS.TS Đào Hữu Vinh, sinh ngày 8-11-1938 tại Hà Tĩnh, nguyên Chủ nhiệm khoa Hoá phân tích trường Đại học Khoa học tự nhiên-Đại học Quốc gia Hà Nội, được phong học hàm PGS năm 1984.

Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh (tên thật là Nguyễn Tất Thành) qua đời để lại niềm tiếc thương vô hạn không chỉ với người dân Việt Nam mà còn cả đối với quốc tế. Khi Người qua đời, Đảng và Nhà nước đã quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Bác và xây dựng Lăng của Người, với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô. Nhưng phải đến ngày 2-9-1973, Lễ khởi công xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mới chính thức bắt đầu. Đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (1991-1997), nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng (1973-1977) là Trưởng Ban xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (1973-1975).

Công trình được thực hiện trong thời gian từ năm 1973 đến năm 1975 với sự tham gia của nhiều đơn vị, nhân công.

Trong cuốn hồi ký của cố đồng chí Lê Đức, nguyên Phó Thống đốcNgân hàng Nhà nước Việt Nam có viết:

Năm 1974, Phó Thủ tướng Đỗ Mười đến thăm Phòng Tinh luyện vàng bạc của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Sau khi xem sản phẩm do anh em chúng tôi làm ra, đồng chí có vẻ hài lòng và hỏi chúng tôi có thể nhận mạ dòng chữ bất hủ “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh để gắn trong Lăng của Người không?

Thay mặt anh em, tôi trình bày với Phó Thủ tướng: “Mạ chữ là công việc mới, rất bỡ ngỡ, sẽ gặp nhiều khó khăn thách thức nhưng đây là nhiệm vụ thiêng liêng, có khó khăn mấy, chúng tôi cũng quyết tâm thực hiện thành công để tỏ lòng tôn kính Bác”. Đồng chí Đỗ Mười nói: “Dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đúc bằng đồng tại Liên Xô có độ bền hàng nghìn năm. Các đồng chí phải bảo đảm mạ vàng chất lượng không thay đổi hàng trăm năm”.

Dưới sự chỉ đạo kỹ thuật của PTS Đào Hữu Vinh và Phạm Đình Thái, giảng viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội, chúng tôi phấn khởi bắt tay vào việc. Bốn kỹ sư rất trẻ gồm hai anh là Lưu Văn Tốt, người miền Nam tập kết, nguyên là thợ vàng có tay nghề rất khá và Nguyễn Văn Sản, hai nữ là Nguyễn Khánh Tâm và Lê Minh Châu có nhiệm vụ chuẩn bị mọi phương tiện và các giải pháp kỹ thuật. Tôi và đồng chí Vũ Thiện, Vụ trưởng Vụ Phát hành lo tiếp nhận vàng Bồng Miêu do đoàn đại biểu Đảng bộ và nhân dân Khu V cung cấp, sau đó lên gặp Ban Bảo vệ công trình xây dựng Lăng để chứng kiến việc mở các hòm đựng chữ từ Liên Xô chuyển sang.

PGS.TS Đào Hữu Vinh cho biết: Việc nghiên cứu được thực hiện ngay trong một phòng thí nghiệm cao nhất của tòa nhà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, phải đi cầu thang  xoắn ốc cả trăm bậc. Cá nhân PGS Vinh đóng góp 2 chiếc nhẫn để làm thí nghiệm. Hai chiếc nhẫn này ông mua của vợ chồng trong thời gian sơ tán ở Bắc Thái cuối những năm 60.  Một chiếc kéo làm điện cực. Một chiếc hòa tan làm dung dịch để làm điện phân. Đầu tiên, nhóm làm thí nghiệm mạ vàng chữ nhỏ khoảng 5 phân, tuy nhiên đến khi mạ chữ lớn, kích thước nguyên bản thì gặp khó khăn là không đồng màu, bám chắc vào chữ. Nhóm làm thí nghiệm lại phải tính toán làm sau khi mạ vàng, sau vài tháng thử nghiệm, nhóm đã nghiên cứu thành công phương pháp mạ vàng đảm sự đồng màu, bền chắc và thẩm mỹ. Sau khi kết thúc nghiên cứu, ông được tặng lại bộ kim thử vàng, như là món quà bù cho việc ông đã đóng góp 2 chiếc nhẫn.

Với PGS Vinh, đây là công trình nghiên cứu ông tâm đắc nhất, để lại dấu ấn sâu đậm trong ông. Sau 8 năm tiếp cận nghiên cứu (2011-2018), ông đã tặng hiện vật mà ông tâm đắc cho Trung tâm.