Bộ môn Lưu trữ học thuở ban đầu





Với PGS Nguyễn Minh Phương những năm tháng đó là ký ức đẹp trong cuộc đời mà ông luôn khắc ghi trong tâm trí, dù thời gian nửa thế kỷ đã qua đi. Năm 1969, ở nơi sơ tán huyện Đại Từ, Thái Nguyên, bộ môn Lưu trữ học thuộc khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội mới thành lập gồm 5 thành viên: Nguyễn Minh Phương, Phan Đình Nham, Nguyễn Văn Thâm, Nguyễn Văn Hàm do thầy Vương Đình Quyền làm Tổ trưởng.

PGS.TS Nguyễn Minh Phương trong buổi làm việc, ngày 24-9-2019

Đất nước đang chiến tranh, cơ sở vật chất thiếu thốn không làm nản chí những cán bộ trẻ đầy nhiệt huyết. Các thành viên trong tổ tự phân nhau đọc dịch các tài liệu tiếng Pháp, Liên Xô, Trung Quốc về công tác lưu trữ để làm tài liệu tham khảo và giảng dạy. Trong bộ môn mỗi người được giao phụ trách một mảng vấn đề: thầy Vương Đình Quyền làm về công tác lý luận và thực tiễn lưu trữ, Giảng viên trẻ Nguyễn Minh Phương phụ trách xây dựng chương trình lưu trữ tài liệu khoa học kỹ thuật của các ngành: Xây dựng công trình, địa chất và khoáng sản, khí tượng thủy văn, đo đạc bản đồ. Trên cơ sở đó, ông đi sâu nghiên cứu và được làm nghiên cứu sinh tại Bungari với đề tài luận án: Phương pháp công bố các công trình khoa học, do GS Côva – Cục trưởng Cục Lưu trữ Bungari hướng dẫn (1982-1986). Về nước năm 1986, ông được điều động sang công tác ở Cục Lưu trữ nhà nước (nay là Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước), và ông gắn bó với chuyên môn lưu trữ tại đây cho đến tuổi nghỉ hưu năm 2003. Tuy đã ở tuổi được nghỉ ngơi, song PGS Nguyễn Minh Phương vẫn tiếp tục tham gia nghiên cứu khoa học và hướng dẫn nghiên cứu sinh cho các trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Nội vụ, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP. Hồ Chí Minh…

Đối với PGS.TS Nguyễn Minh Phương, những kỷ niệm về đồng nghiệp, học trò của bộ môn Lưu trữ học vẫn luôn đong đầy. Kể từ khi công tác tại bộ môn Lưu trữ học, ông đã xác định đó là cái nghiệp, cái duyên mà ông gắn bó suốt cuộc đời.

Ngô Văn Hiển