Bộ môn Nhiệt điện – những ngày đầu “tăng xin giảm mua”

Tháng 2-1960, ông Phạm Lương Tuệ[1] tốt nghiệp kỹ sư của trường Đại học Năng lượng Matxcova (MEI) và được phân công về giảng dạy tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Sáu tháng sau, tháng 8-1960, bộ môn Nhiệt điện được thành lập, thuộc khoa Điện, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Khi mới ra đời, bộ môn chỉ có ba cán bộ tốt nghiệp Đại học Năng lượng ở Liên Xô về là: kỹ sư Nguyễn Duy Quế (được phân công là tổ trưởng bộ môn, nay gọi là chủ nhiệm bộ môn), kỹ sư Nguyễn Hoặc và kỹ sư Phạm Lương Tuệ. Đến cuối năm 1960, ông Nguyễn Duy Quế được cử làm Phó Chủ nhiệm khoa Điện, ông Phạm Lương Tuệ được cử làm tổ trưởng bộ môn Nhiệt điện. Một thời gian sau, ông Nguyễn Hoặc cũng được cử làm Trưởng phòng nghiên cứu khoa học của trường nên chỉ tham gia chứ không dành toàn bộ thời gian cho công tác giảng dạy ở bộ môn. Đến cuối năm đó, bộ môn Nhiệt điện được bổ sung thêm 3 cán bộ[2] giảng dạy được tách từ bộ môn Nhiệt kỹ thuật (bộ môn này thành lập từ năm 1958) của khoa Cơ khí. Với 6 cán bộ giảng dạy (trong đó có 2 người kiêm nhiệm công tác quản lý) và 3 gian nhà cấp bốn, ngay từ năm học đầu tiên (1960-1961), bộ môn đã được trường giao nhiệm vụ đào tạo kỹ sư chuyên ngành nhiệt điện đầu tiên (lò hơi, tua bin, nhà máy nhiệt điện, đo lường và kiểm nhiệt), mà nguồn tuyển sinh chính là các sinh viên được tách ra từ khoa Điện khóa 2 của trường Đại học Bách khoa.

GS.TS Phạm Lương Tuệ

Do yêu cầu công tác, bộ môn đã được bổ sung nhiều cán bộ từ nhiều nguồn đào tạo ở nước ngoài về… Ngoài ra, một số cán bộ của bộ môn cũng được tuyển chọn từ các khóa tốt nghiệp của trường Đại học Bách khoa… Phần lớn số cán bộ giảng dạy này lần lượt được nhà trường cử đi đào tạo tiếp để nâng cao trình độ thông qua chế độ thực tập sinh, nghiên cứu sinh ở trong và ngoài nước. Để xây dựng các phòng thí nghiệm, trong cương vị Tổ trưởng bộ môn, ông Phạm Lương Tuệ đã chú ý nhiều đến đội ngũ cán bộ thí nghiệm là công nhân, cán bộ trung cấp… trong đó những người đầu tiên làm công tác thí nghiệm ở bộ môn như Phạm Hồng Toàn, Nguyễn Xuân Vỵ, Bùi Quang Định, Vũ Khắc Thông, Vũ Thị Minh Nguyệt… Những cán bộ này đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng và và phát triển phòng thí nghiệm; hướng dẫn thí nghiệm, hướng dẫn thực tập cho sinh viên.

Thời kỳ sơ khai của bộ môn là thời kỳ khó khăn, gian khổ nhất. Khi ấy, cơ sở vật chất hầu như không có gì, lực lượng cán bộ còn ít, lại vừa mới ra trường, tuổi đời còn trẻ, còn học trò thì chuyển ngang từ ngành Điện sang ngành Nhiệt điện.

Để bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và nâng cao trình độ giảng dạy cho cán bộ giảng dạy, trường Đại học Bách khoa tổ chức các buổi báo cáo chuyên đề do các thầy Tạ Quang Bửu, Nguyễn Cảnh Toàn và một số thầy giáo ở trường Đại học Sư phạm về trình bày. Cũng có những buổi “thao diễn giảng dạy” do các thầy Lương Duyên Bình, Nguyễn Văn Trị… giảng mẫu để những giảng viên trẻ tham khảo, rút kinh nghiệm về nội dung và nghiệp vụ. Nhà trường còn tổ chúc các lớp bồi dưỡng ngoại ngữ, chủ yếu là Nga văn cho cán bộ, còn ngoại ngữ khác như Pháp văn, Anh văn thì do các bộ môn tự tổ chức, mời thầy về dạy theo yêu cầu.

Với ông Phạm Lương Tuệ khó khăn nhất khi ấy là việc soạn bài giảng vì bản thân ông chưa đứng lớp bao giờ. Tuy vậy, khi còn học ở Liên Xô, do biết mình sẽ về nước làm công tác giảng dạy nên ông đã chuẩn bị rất nhiều sách tiếng Nga và những tài liệu cần thiết. Hồi đó, ông đã tranh thủ ghi chép thật kỹ những bài giảng của thầy giáo, thậm chí trong những buổi thi vấn đáp, khi đã thi xong, ông vẫn ngồi lại nghe các bạn trả bài thi, ghi chép tỉ mỉ các câu hỏi của thầy giáo, sau này có thể vận dụng vào giảng dạy ở trong nước. Ngôn ngữ là một rào cản khá lớn để phục vụ việc soạn bài giảng, khi phải dựa chủ yếu vào những tài liệu bằng tiếng Nga, nên ông và các đồng nghiệp trong bộ môn phải tra cứu tiếng Nga, để dịch những từ chuyên ngành ra tiếng Việt cho phù hợp, đảm bảo độ chính xác. Mỗi khi soạn bài giảng xong, các ông thường đọc chéo để góp ý, bổ sung cho nhau. Rồi trước khi lên lớp giảng bài cho sinh viên, các ông lại đứng giảng thử cho nhau nghe. Cứ thế, những khó khăn ban đầu rồi cũng được khắc phục.

Để đảm bảo chất lượng đào tạo kỹ sư ngành Nhiệt điện, theo nguyên tắc chung, phải thực hiện đầy đủ các khâu như lý thuyết, thí nghiệm, thực tập, thiết kế môn học, thiết kế tốt nghiệp, nghiên cứu khoa học. Về lý thuyết, làm thế nào để truyền đạt một cách có hệ thống những điều cơ bản nhất, làm cho sinh viên nắm được phương pháp luận, biết vận dụng vào phục vụ chuyên ngành. Song song với hướng dẫn lý thuyết, các thầy giáo phải hướng dẫn sinh viên ứng dụng được để biết cách tính toán cho một số trường hợp cụ thể bằng cách làm các bài tập ngắn, bài tập dài. Để gắn lý thuyết với thực hành thì không thể thiếu phần thí nghiệm, thông qua việc đo đạc, tiếp xúc với các thiết bị cụ thể, từ đơn giản đến phức tạp, để sinh viên biết phương pháp thao tác và rút ra những kết luận thích hợp.

Những ngày đầu mới thành lập, bộ môn chưa được trang bị phòng thí nghiệm, để kết hợp học và hành, bộ môn đã tổ chức đưa sinh viên đi tham quan thực tế. Hồi ấy miền Bắc chỉ có các nhà máy điện cũ, nhỏ và lạc hậu là Yên Phụ, Nam Định, Cọc 5 (Quảng Ninh). Hai nhà máy điện lớn nhất và hiện đại nhất lúc bấy giờ (8 MW một nhà máy) nằm tại Vinh và Lào Cai. Không những đến các nhà máy nhiệt điện để tham quan, học tập thực tế, mà ông còn đưa sinh viên đến các nhà máy khác như nhà máy cơ khí Hà Nội, Cao su-Xà phòng-Thuốc lá (Cao Xà Lá) ở Hà Nội, Nhà máy dệt Nam Định, cá hộp ở Hạ Long, mỏ than Hòn Gai… Ở đâu có nhà máy mới thì bộ môn đều bố trí đưa sinh viên đến tham quan để tìm hiểu nhu cầu sử dụng nhiệt trong các ngành công nghiệp. Cũng trong quá trình này, thầy và trò đã cố gắng thu thập các thiết bị hoặc các bộ phận thiết bị đã hết thời hạn sử dụng hay bị loại bỏ do sự cố, hỏng hóc… từ các nhà máy điện để làm giáo cụ trực quan. Như GS Phạm Lương Tuệ cho biết, phải tăng xin giảm mua. Bản thân ông hễ đi đến nhà máy, xí nghiệp nào mà thấy các thiết bị có thể xin được là xin về để cho sinh viên làm giáo cụ trực quan, hoặc cho sinh viên tháo ra rồi lắp ráp lại, làm quen với máy móc. Hồi đó, ông và bộ môn đã xin được một tua bin cỡ 5 MW của Nhà máy điện Cọc 5; một tua bin tầng kép của Nhà máy điện Yên Phụ; các loại ống lò bị nổ; các ống đồng bình ngưng bị loại bỏ; các loại cánh tua bin bị bào mòn… Những dụng cụ, thiết bị này đã giúp sinh viên hiểu rõ thêm một phần các bài giảng lý thuyết chuyên ngành.

Một khâu quan trọng không thể thiếu được là vấn đề thực tập của sinh viên. Có nhiều hình thức thực tập mà sinh viên cần phải trải qua. Thực tập công nhân, tức là thực tập tại xưởng của trường Đại học Bách khoa, để sinh viên biết được tương đối thành thạo các thao tác cơ bản của nghề mà họ đang học.Thực tập nhận thức là một giai đoạn rất quan trọng đối với sinh viên chuyên ngành. Thầy giáo Tuệ thường dẫn các học trò đến nhà máy điện để tìm hiểu các thiết bị, dây chuyền công nghệ, nguyên lý cấu tạo và hoạt động của các thiết bị ấy… chuẩn bị cho sinh viên bước vào phần học chuyên môn của ngành.

Ông Phạm Lương Tuệ phải đến từng nhà máy, trao đổi với lãnh đạo các nhà máy, rồi lên kế hoạch để dẫn sinh viên tới thực tập. Khi thực tập ở Hà Nội thì buổi sáng ông giảng lý thuyết cho sinh viên tại trường, buổi chiều tổ chức cho các nhóm sinh viên đi tìm hiểu từng công đoạn (có sự hỗ trợ của cán bộ và công nhân nhà máy sở tại), từng thiết bị cụ thể, lần theo sơ đồ công nghệ và các bản vẽ kỹ thuật đã cho. Gần cuối buổi chiều thì ông Tuệ và những thầy giáo khác lại phân công nhau đi kiểm tra kiến thức thực tế của sinh viên tại hiện trường. Sau đợt thực tập, các sinh viên phải làm báo cáo và bảo vệ kết quả. Qua những đợt thực tập này, không chỉ hướng dẫn cho sinh viên mà ông Tuệ cũng tranh thủ học hỏi thêm được nhiều điều bổ ích, có lợi cho việc tìm kiếm đề tài phục vụ cho công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất và hợp tác với các nhà máy. Ngoài ra, thầy trò của bộ môn còn có thể tham gia diễn tập, xử lý sự cố ở các nhà máy, rồi giao lưu với cán bộ, công nhân nhà máy. Qua đó, thầy và trò có thể thông cảm hơn, nhà máy và nhà trường càng gắn kết, sẵn sàng giúp đỡ nhau một cách vô tư, là môi trường kết hợp học và hành một cách hiệu quả.

Tiếp theo đợt thực tập nhận thức là đợt thực tập sản xuất, hay còn gọi là thực tập vận hành. Mục đích là để cho sinh viên tiếp tục nắm vững dây chuyền công nghệ, tìm hiểu cách tổ chức, biết khai thác có hiệu quả các thiết bị và dây chuyền công nghệ trong nhà máy nhiệt điện, sự liên quan tới hệ thống điện quốc gia.

Cuối cùng là đợt thực tập tốt nghiệp, nhằm chuẩn bị cho đề tài thiết kế tốt nghiệp của sinh viên (thiết kế hoặc nghiên cứu khoa học). Trong giai đoạn này sinh viên đã có tương đối đầy đủ các kiến thức về ngành nghề, nên các thầy giáo yêu cầu tập cho sinh viên chủ động tìm hiểu, lấy số liệu, giải quyết các vấn đề đặt ra như một kỹ sư. Có khi sinh viên phải tiến hành một số thí nghiệm cần thiết, chuẩn bị cho đề án tốt nghiệp. Đợt thực tập này sẽ có kết quả cao nếu có sự kèm cặp của các thầy giáo và các kỹ sư ở nhà máy.

GS Phạm Lương Tuệ cho biết, trong quá trình đào tạo, ở trên lớp thì các thầy giáo giảng bài rất tận tình, kết hợp với lý thuyết với thực hành, hết lòng phục vụ sinh viên. Còn sinh viên thì chịu khó học hỏi, nên đã thu được những kết quả rất đáng khích lệ. Ai ai cũng hăng say làm việc một cách vô tư và đầy trách nhiệm. Trước khi thi bộ môn thường tổ chức phụ đạo, nhằm tổng kết và hệ thống hóa môn học để sinh viên tiếp thu được tốt hơn. Kết quả thông qua thi vấn đáp thì phần lớn sinh viên đều đạt điểm cao.

Nhớ lại về thời kỳ này, GS Phạm Lương Tuệ cho biết, hồi đó chỉ có tư tưởng phục vụ, làm sao để dạy cho tốt, hướng dẫn sinh viên cho tốt nên ai ai cũng cố gắng và không ai là vị kỷ, cá nhân cả.

Mọi việc đều không thể dễ dàng nếu thiếu đi sự tâm huyết, nhiệt tình và điều ấy thì kỹ sư Phạm Lương Tuệ và những cán bộ đầu tiên của bộ môn không hề thiếu. Đã ngoài tám mươi tuổi, ông vẫn thỉnh thoảng cuốc bộ ra Bộ môn để có dịp trao đổi, truyền đạt lại những kinh nghiệm, kiến thức đã tích lũy trong nhiều năm cho các thế hệ sau. Sự hăng say, lòng nhiệt tình trong ông thật đáng trân trọng.

 

Nguyễn Thanh Hóa

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam


[1] GS.TS Phạm Lương Tuệ, nguyên là Chủ nhiệm Bộ môn Nhiệt điện, trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

[2] Đó là các kỹ sư Phạm Lê Dần, Nguyễn Văn Mẫn, đều học tập ở Trung Quốc về và ông Bùi Doãn Tuất (tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội)