Cuốn luận án có bìa màu nâu đỏ, kích thước 20,5 x 30cm, đánh máy chữ, tiếng Nga, nay đã cũ kỹ và giấy đã ố vàng. Bộ phận định vị điện cực có chất liệu kim loại, đôi chỗ bị hoen gỉ, đã từng là thiết bị đắc dụng trong 2 năm NCS Đỗ Công Huỳnh làm thí nghiệm để viết nên bản luận án kia. Đây là hai hiện vật có giá trị tinh thần đặc biệt, dẫn GS.TS Đỗ Công Huỳnh hồi tưởng về 3 năm nghiên cứu sinh của mình.
Năm 1967, khi đang công tác tại bộ môn Sinh lý học, khoa Sinh học, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, giảng viên Đỗ Công Huỳnh được cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Thời kỳ đó, trong hoàn cảnh miền Bắc nước ta phải đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ, trường ĐH Tổng hợp sơ tán lên Ký Phú, Đại Từ, Thái Nguyên. Vợ Đỗ Công Huỳnh là cô Trần Thị Kim Dương đang là sinh viên năm thứ hai của khoa Sinh, con gái đầu lòng của hai vợ chồng ông là Đỗ Thị Hồng Nga chưa đầy 2 tuổi. Bởi vậy, trong thời gian ông đi học ở Liên Xô, người em vợ là Trần Thị Lan Phượng làm kỹ thuật viên ở khoa Sinh phải giúp đưa đón Hồng Nga đi nhà trẻ hàng ngày.
Tháng 11-1967, Đỗ Công Huỳnh bắt đầu rời Việt Nam sang Liên Xô bằng tàu hỏa. Sau khoảng 15 ngày ông đến thành phố Mátxcơva. Cùng đi có ông Phạm Bá Phong[2] là đồng nghiệp cùng trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhưng khi sang đến Liên Xô, ông Phạm Bá Phong được phân công học tại bộ môn Di truyền ở trường Đại học Quốc gia Odessa, còn Đỗ Công Huỳnh về bộ môn Sinh lý hoạt động thần kinh cấp cao thuộc khoa Sinh của trường Đại học Tổng hợp quốc gia Mátxcơva. Đây là ngôi trường ông đã từng học đại học (1957-1962), chính vì vậy nên ông quen biết nhiều thầy cô và kỹ thuật viên làm việc ở bộ môn mà ông sẽ gắn bó trong 3 năm nghiên cứu sinh của mình. Ông chia sẻ: “Cán bộ bộ môn đón chào tôi như người thân lâu ngày gặp lại. Họ đều quý mến và tạo điều kiện cho tôi học tập”[3].
NCS Đỗ Công Huỳnh ở một mình trong căn phòng khoảng 15m2 tại ký túc xá của trường. Các nghiên cứu sinh Việt Nam hồi đó được học bổng 60 rúp/tháng, nhưng vì Đỗ Công Huỳnh là người miền Nam đi học nên được hưởng mức học bổng 70 rúp. Tuy nhiên, ông bảo: “Với mức học bổng như vậy thì nghiên cứu sinh tiết kiệm mới đủ sống”[4]. Hàng ngày, ông chỉ tiêu khoảng 1,7 rúp, còn lại để mua sách vở, đồ dùng… Nhất là đến năm cuối, ông phải dành dụm tiền để thuê đánh máy luận án. Thỉnh thoảng ông cũng có đến những địa điểm tham quan, giải trí như bảo tàng, nhà hát, công viên…, là những nơi không mất vé hoặc vé rẻ.
Bộ môn Sinh lý hoạt động thần kinh cấp cao phân công hai giáo sư hướng dẫn cho NCS Đỗ Công Huỳnh: GS V.I. Gousenhiknov[5] và GS L.G. Voronin[6]. Hướng nghiên cứu của ông là về điện thế của các tế bào thần kinh đáp ứng lại các kích thích thị giác, thính giác, xúc giác truyền về não trước của các loài chim. Theo đó, đề tài luận án được hai thầy hướng dẫn xác định là “Các đặc điểm tổ chức neuron thuộc các thành phần khác nhau trong não trước các loài chim”. Đây là một vấn đề nghiên cứu mới, như GS Đỗ Công Huỳnh cho biết: “Ở thời điểm đó, các nhà khoa học trên thế giới mới chỉ nghiên cứu vấn đề này trên động vật có vú như: chuôt, chó, thỏ, mèo, khỉ, còn nghiên cứu ở chim thì chưa có ai”[7]. Có thể nói, đó là một khoảng trống trong lĩnh vực nghiên cứu về chức năng của não bộ các động vật. Vì thế, ông phải đến thư viện Mátxcơva để tham khảo rất nhiều tài liệu tiếng Nga, Anh… Sang đầu năm 1968, NCS Đỗ Công Huỳnh lập được đề cương nghiên cứu cụ thể với các công việc cần tiến hành từng năm một.
Bộ phận định vị điện cực và cuốn luận án phó tiến sĩ
Để có được các dữ liệu cần thiết cho bản luận án, cần có thiết bị thí nghiệm gồm vi điện cực và bộ phận định vị đưa vi điện cực vào não chim và di chuyển vị trí điện cực trong não. Kết cấu của bộ phận định vị khá phức tạp: có một thanh dọc 15cm được cố định với thước đo dài 8cm, đầu dưới của nó có phần để kẹp vi điện cực, vi điện cực có thể nâng lên hay hạ xuống bằng nút điều chỉnh ở phía trên; có một thanh ngang 9cm, trên đó gắn thước đo dài 3cm, ở mép thanh ngang này có khắc chữ “NO 838” và “CT-12 1952”, nó cũng có nút điều chỉnh độ rộng và được nối với bộ phận tiếp nhận và tăng điện thế tế bào, sau đó nối với máy tăng điện thế. Từ máy tăng điện thế, dòng điện được đưa qua occilograph để quan sát và chụp ảnh. Máy ảnh có nút điều khiển cho phim chạy để chụp theo thời gian cần thiết. NCS Đỗ Công Huỳnh gặp may, bởi ở phòng thí nghiệm của bộ môn có sẵn bộ phận định vị do Liên Xô sản xuất, nhưng vi điện cực thì không có.
Như vậy, muốn làm thí nghiệm, NCS Đỗ Công Huỳnh phải chế tạo được vi điện cực. Ông kể: “Tôi bắt tay vào chế tạo vi điện cực với chất liệu làm từ sợi volfram. Một đầu sợi volfram đưa vào dung dịch được phân hóa bằng dòng điện để vuốt tạo thành mũi nhọn, sau đó dùng chất cách điện để cách ly điện cực, trừ phần mũi có đường kính chỉ khoảng 0,5 đến 1micromet để cắm vào não chim. Mỗi ngày thí nghiệm, tôi sử dụng một vi điện cực”[8]. Bên cạnh đó, ông phải nắm vững kỹ thuật chụp ảnh, rửa phim, đọc kết quả trên phim qua máy phóng đại. Ông còn phải vẽ lại chính xác hình ảnh các xung động điện xuất hiện trên phim khi các neuron đáp ứng lại các kích thích khác nhau. Số lượng phim ông đã sử dụng cho luận án là 20 hộp, mỗi hộp 300m phim.
Hàng ngày, NCS Đỗ Công Huỳnh đến phòng thí nghiệm từ 8h đến 16h để tiến hành thí nghiệm trên một con chim bồ câu hoặc quạ. Theo ông giải thích, các bước thí nghiệm như sau: Trước tiên ông làm cho chim hoặc quạ bất động nhưng mắt vẫn mở; sau đó mổ đầu chim, xác định điểm đưa vi điện cực vào não rồi khoan một lỗ rộng 1mm trên hộp sọ, khoan xong phải tách bỏ màng não để khi đưa mũi vi điện cực vào sẽ đạt hiệu quả. Khi tất cả thiết bị đã được chuẩn bị, ông dùng tay vặn nút điều chỉnh trên bộ phận định vị điện cực để đưa mũi vi điện cực vào trong lỗ khoan. Khi mũi vi điện cực bắt đầu chạm đến não, ông điều chỉnh nút bấm đưa vi điện cực vào não và di chuyển từng micromet. Khi mũi vi điện cực đi vào não chim, sẽ có điện thế tế bào phát qua ocicilograph. Ông bắt đầu kích thích bằng cách bật ánh sáng, âm thanh, tác động vào chân, để xem tế bào thần kinh có phản ứng lại các kích thích hay không, phản ứng đó được thể hiện trên màn hình ocicilograph. Trong quá trình thí nghiệm, ông chụp lại màn hình ocicilograph, sau đó tự rửa phim để xem sự phản ứng lại các kích thích đã được ghi chưa. Ông kể: “Sau mỗi ngày nghiên cứu, tôi phải đánh dấu đường đi của điện cực trong não chim. Đầu chim được cắt rời khỏi thân, sau đó ngâm trong formol, đợi khi não cứng lại tôi mới mang ra lấy não và tiến hành cắt lát, sau đó đem nhuộm màu để xác định vị trí đường đi của vi điện cực. Cũng may, một số kỹ thuật trong thí nghiệm tôi đã học và được thưc hiện từ khi là sinh viên tại bộ môn Sinh lý hoạt động thần kinh cấp cao (1957-1962)”[9].
Sau hai năm tiến hành thí nghiệm, NCS Đỗ Công Huỳnh đã có đủ dữ liệu cho luận án. Năm thứ ba, ông tập trung viết luận án. Nhưng do nội dung nghiên cứu của luận án rộng hơn phạm vi đề tài ban đầu nên cả ba thầy trò phải xác định lại tên đề tài cho phù hợp là “Các dẫn liệu về tổ chức chức năng của não trước các loài chim”. Để được bảo vệ luận án, nghiên cứu sinh cần có hai bài viết đăng trên tạp chí chuyên môn. Tuy nhiên, ở Liên Xô lượng bài các nhà khoa học gửi tới các tòa soạn rất nhiều, nên có bài phải chờ đến hai năm mới được đăng. Khoảng đầu năm 1970, ông có đủ hai bài cùng được công bố trong Thông tin trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Mátxcơva, đó là: “Về các neuron đa cảm giác ở não trước của quạ” (số 1-1970, đồng tác giả với V.I. Gousenikov và E.D. Morenkov), và bài “Điện thế cơ sở của các neuron thuộc cấu trúc striatum trong não trước chim bồ câu” (số 3-1970, đồng tác giả với E.D. Morenkov[10]). Hai bài này chính là một phần nội dung của luận án. Tuy cả hai bài đều đồng tác giả với thầy V.I. Gousenikov và PTS E.D. Morenkov, nhưng NCS Đỗ Công Huỳnh là người viết chính, còn thầy V.I. Gousenikov và PTS E.D. Morenkov tham gia chủ yếu là giúp sửa về tiếng Nga và góp ý hoàn thiện bản thảo.
Sau 3 tháng tập trung viết, NCS Đỗ Công Huỳnh hoàn thành bản thảo luận án. Ông mang bản thảo đi thuê người đánh máy thành 8 bản, chi phí hết 200 rúp. Trước khi bảo vệ luận án, ông phải gửi 50 bản tóm tắt luận án cho các nhà khoa học, các bộ môn cùng chuyên ngành ở các trường Đại học Odessa, Leningrat, Kiep… để họ đọc và gửi lại nhận xét. Tất cả các ý kiến phản hồi đều đồng ý cho luận án được đưa ra bảo vệ.
Ngày 30-12-1970, NCS Đỗ Công Huỳnh bảo vệ thành công luận án tại hội trường lớn, trước hội đồng khoa học của khoa Sinh học – Thổ nhưỡng, trường Đại học Tổng hợp quốc gia Mátxcơva. GS Đỗ Công Huỳnh kể lại: “Hôm ấy, tôi bị khản tiếng nên y tá của trường phải nhỏ thuốc để giúp tôi có thể đỡ khản tiếng và nói được trong hai giờ”[11]. Luận án của ông được hội đồng đánh giá cao. Chủ tịch hội đồng là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, GS V.I. Kroushinsky còn đề nghị hội đồng nhất trí cho in luận án thành sách sau khi có chỉnh sửa chút ít. Nhưng vì Đỗ Công Huỳnh trở về Việt Nam ngay sau đó nên cuốn sách không xuất bản được.
GS Đỗ Công Huỳnh còn nhớ, sau buổi bảo vệ luận án, một nghiên cứu sinh Việt Nam ở bộ môn Sinh hóa nói lại với ông rằng: “Theo đánh giá của những người dự buổi bảo vệ luận án ở các bộ môn thuộc khoa Sinh trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Mátxcơva, từ trước tới nay họ dự nhiều buổi bảo vệ nhưng chưa bao giờ có buổi bảo vệ nào xuất sắc như vậy”[12]. Hôm đó, đại biểu Đoàn thanh niên của sinh viên Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam cũng đến dự buổi bảo vệ luận án. Họ có viết bài về buổi bảo vệ của Đỗ Công Huỳnh và đăng trên báo Thanh niên của Việt Nam, khoảng năm 1971.
Luận án phó tiến sĩ của NCS Đỗ Công Huỳnh đã góp phần nghiên cứu tổ chức chức năng của não chim, đóng góp vào hướng nghiên cứu vai trò, chức năng của hệ thần kinh ở động vật và người. GS Đỗ Công Huỳnh cho biết: “Các kết quả nghiên cứu của luận án đã góp phần vào việc làm sáng tỏ tổ chức chức năng của hệ thần kinh trung ương, cụ thể là não bộ. Nghiên cứu đã phát hiện có nhiều loại tế bào trong não chim có đáp ứng khác nhau đối với các loại kích thích. Đáp ứng của tế bào trong não chim tương tự như các tế bào thần kinh trong não động vật có vú và ở người. Qua nghiên cứu sự đáp ứng của các tế bào thần kinh trong não, các nhà khoa học đã phát hiện mối liên hệ giữa các trung khu thần kinh khác nhau, như mối liên hệ giữa trung khu của các cơ quan thính giác, thị giác, cảm giác, xúc giác với trung khu phát âm (trung khu nói), phát hiện được vùng trán là nơi diễn ra quá trình tư duy…”[13]. Cũng từ kết quả của luận án, ông đã viết 6 bài báo khoa học đăng ở Liên Xô, 2 bài đăng trên tạp chí Sinh lý học ở Việt Nam. Ngoài ra, ông đã trình bày công trình này trong hội nghị Sinh học toàn quốc tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh và hai lần báo cáo các nội dung của luận án trong sinh hoạt khoa học của Hội Sinh lý học thành phố Hà Nội trong những năm 70-80 của thế kỷ 20.
Khi từ Liên Xô về nước, ông mang theo về bộ phận định vị điện cực. Nhưng ông không xin được của bộ môn phần khung để bộ phận định vị này gắn vào, vì vậy sau đó ông đã đến khoa Sinh của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội xin một bộ phận gần giống như vậy để dùng. Suốt 45 năm và dù gia đình GS Đỗ Công Huỳnh đã từng chuyển nhà, nhưng kỷ vật này vẫn được ông lưu giữ cẩn thận. Bởi với ông, bộ phận định vị điện cực chẳng khác nào một “người bạn” đã góp phần cùng ông làm nên công trình luận án phó tiến sĩ hồi ấy (nay gọi là tiến sĩ), và cuốn luận án này là kết quả của những năm tháng ông miệt mài học tập tại Liên Xô.
Lê Thị Hoài Thu
______________________
* GS.TS Đỗ Công Huỳnh là nhà khoa học chuyên ngành Sinh lý học, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Sinh lý học, Học viện Quân y.
[1] Phỏng vấn GS.TS Đỗ Công Huỳnh ngày 10-2-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[2] Phạm Bá Phong về sau trở thành Phó giáo sư – Tiến sĩ, Phó hiệu trưởng trường Đại học Đà Lạt.
[3] Phỏng vấn GS.TS Đỗ Công Huỳnh ngày 10-2-2015, tài liệu đã dẫn.
[4] Ghi âm hỏi thông tin GS.TS Đỗ Công Huỳnh ngày 5-3-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[5] GS V.I. Gousenhiknov, giảng viên bộ môn Sinh lý hoạt động thần kinh cấp cao, là thầy hướng dẫn chính cho NCS Đỗ Công Huỳnh.
[6] GS L.G. Voronin. Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, Chủ nhiệm bộ môn Sinh lý hoạt động thần kinh cấp cao, là thầy hướng dẫn thứ hai cho NCS Đỗ Công Huỳnh.
[7] Phỏng vấn GS.TS Đỗ Công Huỳnh ngày 10-2-2015, tài liệu đã dẫn.
[8] Ghi âm hỏi thông tin GS.TS Đỗ Công Huỳnh ngày 11-7-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[9] Phỏng vấn GS.TS Đỗ Công Huỳnh ngày 10-2-2015, tài liệu đã dẫn.
[10] PTS Morenkov là cán bộ giảng dạy tại khoa Sinh, Đại học Quốc gia Mátxcơva, Liên Xô.
[11] Phỏng vấn GS.TS Đỗ Công Huỳnh ngày 10-2-2015, tài liệu đã dẫn.
[12] Phỏng vấn GS.TS Đỗ Công Huỳnh ngày 10-2-2015, tài liệu đã dẫn.
[3] Ghi âm hỏi thông tin GS.TS Đỗ Công Huỳnh ngày 19-6-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.