Bộ sưu tập máy phóng ảnh của Phó giáo sư Phạm Quang Tùng

Năm 1961, ông Phạm Quang Tùng vinh dự là 1 trong 7 học sinh của trường Cấp 3 Trần Phú (Vĩnh Phúc) được cử đi học đại học tại trường Đại học Tổng hợp Leningrad (nay là trường Đại học Tổng hợp Sankt-Peterburg), Liên Xô. Hàng tháng, mỗi sinh viên được cấp 50 rúp để chi tiêu. Ông thường ăn uống tiết kiệm, mỗi ngày chỉ dùng hết 1 đến 1,2 rúp, còn lại ông dành dụm để mua một số đồ dùng cá nhân. Học được hơn một năm, ông đã mua được cho mình chiếc máy ảnh và máy phóng ảnh, được cho là hiện đại nhất lúc bấy giờ, giá mỗi máy khoảng 20 đến 30 rúp. Cũng từ đó, ông có sở thích chụp ảnh. Mỗi khi bạn ông từ các thành phố khác đến, cả nhóm thường tổ chức các chuyến đi thăm quan một số nơi của cố đô Sankt-Peterburg như Cung điện Mùa đông hay nơi đã nổ phát súng đầu tiên ra hiệu cho cuộc tấn công cuối cùng vào ngày cách mạng tháng 10 Nga là Tuần dương hạm Rạng Đông… Mỗi chuyến đi, ông cùng các bạn đều chụp lạinhiều hình ảnh sau đó tối về thức đêm để pha hóa chất rửa ảnh. Ông rất thích thú khoe với bạn bè và gửi về cho gia đình khi có những bức hình đẹp.

Năm 1965, ông hoàn thành chương trình học và mang theo chiếc máy ảnh cùng máy phóng ảnh về nước. Kể từ đó, ông luôn coi chúng như những vật dụng không thể thiếu trong suốt quá trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Ngoài những bức ảnh chụp trong các chuyến đi điền dã, phục vụ công tác nghiên cứu, ông còn sử dụng hai thiết bị đó để chụp và phóng rửa các mẫu vật thí nghiệm, các cây thuốc để giới thiệu với sinh viên hoặc nhờ họa sĩ vẽ thành các bức tranh to làm giáo cụ trực quan cho học trò trong các bài giảng… Ông cho biết, ở Việt Nam, vào những năm 60-70của thế kỷ 20, tài liệu nghiên cứu, sách báomà có hình ảnh minh họa rất hiếm, chủ yếu là sách nước ngoài, còn máy tính và internet chưa có, chính vì thế, sinh viên luôn thích thú với các tiết học do thầy giáo Phạm Quang Tùng giảng dạy bởi lẽ, họ vừa được học lý thuyết, lại vừa được trực tiếp xem các hình ảnh liên quan.